DMagazine

120 ngày "chữa vết thương Covid-19" ở TPHCM

(Dân trí) - Sau 7 lần gia hạn, thay đổi phương án giãn cách xã hội, sức chống chịu của nền kinh tế và của cả người dân TPHCM gần như đã chạm ngưỡng giới hạn…

120 ngày "chữa vết thương Covid-19" ở TPHCM

(Dân trí) - Sau 7 lần gia hạn, thay đổi phương án giãn cách xã hội, sức chống chịu của nền kinh tế và cả người dân TPHCM gần như đã chạm ngưỡng giới hạn…

TPHCM đã trải qua hơn 120 ngày kể từ khi bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện. Nhưng thực tế, biện pháp hạn chế các hoạt động, dịch vụ đã được đô thị sôi động nhất cả nước áp dụng từ gần một tháng trước đó.

Tối muộn 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) bất ngờ được căng dây phong tỏa. Toàn bộ nhân viên phía trong được yêu cầu ở yên tại chỗ để lấy mẫu xét nghiệm.

Cùng thời điểm trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục thông tin về 2 người mắc Covid-19 là vợ chồng sinh sống tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Ngành y tế đã vô tình phát hiện cả 3 ca mắc Covid-19 trên sinh hoạt chung nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp.

"Khi nhận diện thông tin trên, chúng tôi xác định đây là một đêm rất dài của lực lượng y tế. Chúng tôi lập tức điều tra dịch tễ, xác định khu vực sinh hoạt của nhóm tôn giáo, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ hội viên", ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên Giám đốc HCDC nhận định.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 1

Diễn biến dịch trở nên khó lường khi các ca bệnh xuất hiện ở các khu vực sản xuất, len lỏi vào các bệnh viện. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế và chính quyền TPHCM trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19 (Ảnh: Hải Long). 

Thực tế cho thấy, đêm đó chỉ là điểm khởi đầu những ngày lực lượng y tế không ngủ để căng sức "chữa vết thương Covid-19" cho Sài Gòn. Và từ thời điểm ấy, nhịp sống của thành phố triệu dân đã thay đổi hoàn toàn, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều phải tuân theo một quỹ đạo khác, không thể giống trước đây…

Những ngày đuổi theo dịch bệnh

Sau những ca chỉ điểm đầu tiên, trong ngày 27/5, TPHCM phát hiện hàng loạt ca mắc mới rải rác. Các đội phản ứng nhanh tại địa bàn có ca nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 được kích hoạt khẩn cấp, hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế truy vết, điều tra dịch tễ.

Những cuộc tầm soát quy mô lớn nhất tính đến thời điểm ấy được thành phố tiến hành. Hàng trăm nghìn người có yếu tố dịch tễ liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng - nơi đánh dấu xuất phát điểm của đợt bùng phát dịch, được lấy mẫu. Số ca mắc Covid-19 cứ thế tăng tỷ lệ thuận với số lượng xét nghiệm.

Về mặt tổng thể, chiến thuật vây bắt Covid-19 lúc đó là từ những trường hợp chỉ điểm, ngành y sẽ truy vết từng cá nhân liên quan, từ đó tìm ra những ca, chuỗi lây tiếp theo. Phương án này phù hợp bối cảnh số ca nhiễm nằm trong những phạm vi cụ thể, có khả năng kiểm soát.

Khi sự nguy hiểm của biến chủng Delta được bộc lộ rõ, một số thời điểm, ngành y đã không thể bắt kịp được tốc độ lây nhiễm. Với chiến thuật truy vết, khoanh vùng theo phương án cũ, việc có thời điểm đi sau dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 2

Khi sự nguy hiểm của biến chủng Delta được bộc lộ rõ, một số thời điểm, ngành y đã không thể bắt kịp được tốc độ lây nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, biến chủng Delta là phiên bản lây lan nhanh nhất và mạnh nhất tính đến nay của virus SARS-CoV-2. Một người nhiễm biến chủng này có thể lây lan trung bình từ 5 - 9 người xung quanh.

Đáng chú ý, người nhiễm đa phần đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong thời điểm ban đầu, những triệu chứng dễ bị nhầm với cơn cảm lạnh thông thường khiến nhiều người chủ quan bỏ qua. Một điểm tích cực là có đến 80% đến 90% người nhiễm biến thể này có thể tự khỏi trong thời gian ngắn nếu sức đề kháng đủ tốt.

Nhưng cũng bởi đặc điểm trên, có bao nhiêu người mắc Covid-19 trong cộng đồng, bao nhiêu người đã tự khỏi vẫn là một ẩn số.

Sau những tuần giãn cách xã hội đầu tiên, việc kiểm soát được dịch bệnh tại một số địa bàn cụ thể là những điểm sáng duy nhất, nhưng không phản ánh đầy đủ bức tranh dịch tễ của thành phố.

Tính từ ngày 30/5 đến hết 14/6, số bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM tăng từ 157 ca ban đầu lên 819 ca mắc. Từ một địa phương an toàn trước dịch bệnh, thành phố đông dân có tỷ lệ lây nhiễm vượt xa mốc an toàn chỉ sau hơn nửa tháng.

Sau đợt giãn cách đầu tiên, "vết xước" do dịch Covid-19 gây ra cho Sài Gòn trong đợt bùng phát dịch thứ 4 dần loang rộng, ăn sâu, khiến vết thương lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh những ngày sau đó đã vượt xa mọi dự báo, tưởng tượng của nhiều người.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 3

. Từ một địa phương an toàn trước dịch bệnh, TPHCM có tỷ lệ lây nhiễm vượt xa mốc an toàn chỉ sau hơn nửa tháng (Ảnh: Hải Long).

Dịch bệnh thấm sâu, lan rộng trong cộng đồng

Đợt kéo dài giãn cách xã hội lần thứ 2 ở TPHCM áp dụng từ 0h ngày 15/6, với những biện pháp kiểm soát được giảm nhẹ hơn trước đó. Toàn địa bàn áp dụng thống nhất Chỉ thị 15 thêm 2 tuần lễ.

Những ngày tiếp theo trở thành bước ngoặt của TPHCM trong quãng thời gian đương đầu với đại dịch. Những ca mắc mới trong cộng đồng ngày càng hiện hữu rõ nét, hàng loạt chuỗi lây nhiễm mới xuất hiện, dịch Covid-19 xâm nhập vào những thành trì là cơ sở y tế, bệnh viện; khu công nghiệp, khu chế xuất cũng nằm trong báo động đỏ.

Đối diện với tình thế cấp bách, TPHCM quyết định thay đổi phương thức tầm soát, truy vết nhằm giành lại thế chủ động trước dịch Covid-19. Từ ngày 19/6, ngành y dồn sức cho công tác xét nghiệm với mục tiêu lấy 500.000 mẫu thử mỗi ngày.

"Thành phố không đuổi theo F0 và sẽ đi tìm F0", ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói về sự thay đổi chiến lược xét nghiệm của TPHCM khi đó.

Với việc đẩy công suất xét nghiệm lên khả năng cao nhất có thể, số ca mắc mới của TPHCM tăng dần, phù hợp với nhận định dịch bệnh đã thâm nhập sâu, trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc mới mỗi ngày ở thành phố tiến sát con số 1.000.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 4

Với việc đẩy công suất xét nghiệm lên khả năng cao nhất có thể, số ca mắc mới của TPHCM tăng dần.

Với số lượng bệnh nhân Covid-19 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, thời điểm đó, một số dự báo về việc thành phố bước vào đỉnh dịch đã được đưa ra. Tuy nhiên, ca mắc mới những ngày tiếp theo vượt xa những con số dự báo, tốc độ lây lan của biến chủng Delta nằm ngoài tưởng tượng.

Hôm 9/7 - ngày đầu tiên số ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ tại TPHCM vượt qua cột mốc 1.000. Cũng từ thời điểm ấy đến nay, đô thị triệu dân trải qua những ngày áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường.

TPHCM kết thúc đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào cuối tháng 6 với số ca nhiễm trung bình mỗi ngày hơn 200 ca. Trong suốt tháng 7, số liệu đó tăng dần và đạt mốc 5.000 ca vào ngày 31/7. Tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 là hơn 93.000 người.

Sau hơn một tháng giãn cách xã hội, việc trở lại cuộc sống bình thường là mong muốn của hầu hết người dân tại TPHCM. Nhưng lúc đó, những người lạc quan nhất cũng cho rằng, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc nới lỏng hay ngừng giãn cách là điều không thể.

Sống chậm trong "tâm bão"

Sau những đợt gia hạn giãn cách, tăng dần cấp độ, từ ngày 23/8, người dân sinh sống tại TPHCM trải qua những ngày lặng lẽ nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Mọi hoạt động của thành phố cần tạm dừng sau 18h, chỉ một số nhóm đối tượng được ra đường trong khung giờ còn lại, toàn địa bàn áp dụng triệt để nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đấy".

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 5

Từ ngày 23/8, người dân sinh sống tại TPHCM trải qua những ngày lặng lẽ nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Thời điểm này, số ca mắc trong cộng đồng đã chiếm đa số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong một ngày. Số bệnh nhân tử vong tăng cao theo từng mốc thời gian.

Với trung bình 250 bệnh nhân Covid-19 tử vong mỗi ngày, thành phố hiểu rằng, trọng tâm của công tác phòng, chống dịch hiện tại cần đáp ứng mục tiêu giảm số ca nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong. Trong tháng 8, hệ thống điều trị của TPHCM được bố trí lại thành 3 tầng chuyên biệt, sự liên thông giữa các tầng được cải thiện nhằm hạn chế tới mức tối thiểu việc chậm chuyển bệnh nhân, dẫn đến tử vong.

Trong giai đoạn khó khăn nhất, TPHCM đã nhận được sự chi viện của hàng nghìn chiến sĩ, cán bộ, quân y, nhân viên y tế từ Trung ương và các tỉnh, thành bạn điều động. Với sự chi viện lớn ấy, tốc độ tiêm chủng của thành phố được đẩy nhanh tới mức tối đa, nhằm đạt độ phủ cao nhất để có miễn dịch cộng đồng.

Từ khi quyết định siết chặt giãn cách xã hội có hiệu lực, TPHCM ghi nhận hình ảnh những bóng áo xanh quân đội tại ở mọi ngã đường. Lực lượng bộ đội chi viện cho TPHCM chống dịch tỏa ra khắp các quận, huyện, tham gia nhiều hoạt động từ tuần tra, canh gác, đến vận chuyển, tiếp tế lương thực tới hộ gặp khó khăn.

Những nỗ lực của TPHCM, cùng sự hỗ trợ lớn từ cả nước trong quãng thời gian dài đã mang lại những kết quả trong cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Dù chưa đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn vào ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, nhưng những chuyển biến về dịch tễ đã có.

Trong đó, quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ là 3 địa phương đầu tiên lần lượt công bố kiểm soát được dịch bệnh. Số ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ ca tử vong từng bước kéo giảm.

Thành phố cũng đạt độ phủ vắc xin Covid-19 với hơn 9,4 triệu người được tiêm ít nhất một mũi, đạt trên 95%. Những kết quả trên là tiền đề để TPHCM từng bước lên kế hoạch cho ngày mở cửa lại hoạt động từ nửa đầu tháng 9.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 6

Đến nay, thành phố cũng đạt độ phủ vắc xin Covid-19 với hơn 9,4 triệu người được tiêm ít nhất một mũi, đạt trên 95%.

Mong chờ bình thường mới

"Thành phố không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt kéo dài mà phải từng bước mở lại các hoạt động", đây là quan điểm xuyên suốt của các lãnh đạo TPHCM khi địa bàn trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, mốc thời gian mà khái niệm "bình thường mới" xuất hiện tại thành phố đông dân nhất cả nước vẫn bị bỏ ngỏ bởi nhiều yếu tố.

Về mặt tổng thế, các số liệu về dịch tễ đã chỉ rõ, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn chưa bớt căng thẳng sau khoảng thời gian giãn cách kéo dài 120 ngày. Trong tháng 9, số ca mắc trung bình mỗi ngày của địa bàn dao động từ 5.000 đến 6.000 ca. Đỉnh điểm là ngày 8/9, địa phương có hơn 8.400 ca mắc Covid-19 mới được công bố.

Với những chỉ số dịch tễ như vậy, thành phố chắc chắn chưa thể mở lại các hoạt động trên phạm vi rộng khi số ca mắc Covid-19 vẫn duy trì ở mức hàng nghìn. Tỷ lệ bao phủ mũi 2 còn hạn chế cũng là cản trở cho việc phục hồi nền kinh tế của địa phương này trước những đặc điểm phức tạp, khó lường của biến chủng Delta.

Ở khía cạnh khác, khi những chỉ số vĩ mô được dự báo có những sụt giảm đáng kể, đời sống của đại bộ phận người lao động lâm vào cảnh khó khăn, việc tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường trong thời gian dài tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh những hệ lụy cho đô thị triệu dân về cả kinh tế lẫn xã hội.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 7

Người dân và người lao động TPHCM đang mong chờ giây phút bình thường mới.

"Hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để tiến tới lợi ích trong lâu dài" là những lời kêu gọi, cam kết của chính quyền thành phố với người dân trong khoảng thời gian đầu TPHCM hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động của đời sống, nhằm tiến tới kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian "sống chậm" từ cuối tháng 5 đến nay không còn là ngắn hạn với nhiều người.

Sau 7 lần gia hạn, thay đổi phương án giãn cách xã hội, sức chống chịu của nền kinh tế và của cả người dân TPHCM gần như đã chạm ngưỡng giới hạn… Mốc thời gian từng bước mở lại các hoạt động sau ngày 30/9 như lời minh chứng về kết quả suốt 120 ngày hạn chế mọi sinh hoạt của người dân nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc ra quyết định giãn cách xã hội được đưa ra khó bao nhiêu, thì việc quyết định nới lỏng các biện pháp chắc chắn còn khó hơn nữa. Bởi, khi đã mở lại các hoạt động, thành phố cần những kịch bản, phương án hoàn hảo để tránh lâm vào tình cảnh dịch bệnh tái bùng phát trở lại.

Sau quãng thời gian dài giãn cách, nguồn lực của thành phố đã tổn hao nghiêm trọng để chữa vết thương lớn do Covid-19 gây ra. Khi vết đau cũ còn chưa lành hẳn, nếu có một tổn thương mới xuất hiện, TPHCM có thể đứng trước thử thách lớn hơn nhiều lần so với hiện tại.

120 ngày chữa vết thương Covid-19 ở TPHCM - 8