(Dân trí) - Mbappe lê bước về đường hầm. Messi nối bước theo sau. Hai viên ngọc quý nạm trên vương miện của PSG tiến thẳng lối ra. Nhiệm vụ chinh phục chức vô địch Champions League của PSG một lần nữa thất bại.
Tháo băng thủ quân, Kylian Mbappe lê bước về đường hầm. Lionel Messi nối bước theo sau. Hai viên ngọc quý nạm trên vương miện của Paris Saint Germain (PSG) tiến thẳng vào lối ra, không để ý đến một ai hay quan tâm đến bất cứ điều gì. Nhiệm vụ chinh phục chức vô địch Champions League của PSG một lần nữa thất bại.
Mbappe bước qua đường biên, một thành viên PSG nói với theo tiền đạo người Pháp, có lẽ là khuyên cầu thủ này nán lại trên sân để tri ân hoặc chào từ biệt người hâm mộ. Mbappe không mảy may để ý. Anh miễn cưỡng đưa tay bắt với Kingsley Coman rồi nóng lòng chờ lối đi vào đường hầm được mở ra để chui tọt vào bên trong và biến mất khỏi đám đông.
Trên sân Allianz Arena, trước đống đổ nát của một thất bại tại Champions League khác, PSG nằm trơ trọi, lớp vỏ hào nhoáng hoa lệ bị xé nát, lộ ra bản chất nham nhở ở bên trong.
Khi phần lớn thành viên theo chân Messi và Mbappe biến mất vào đường hầm, vẫn còn số ít cầu thủ nán lại trên sân cỏ. Những gương mặt này bao gồm thủ quân đang dưỡng thương Marquinhos, Achraf Hakimi, Sergio Ramos, Danilo Pereira và cầu thủ dự bị Hugo Ekitike. Họ cảm ơn sự cổ vũ của khán giả nhà đã di chuyển hành trình dài theo chân đội bóng.
Sự thất vọng và mất niềm tin sau thất bại tồi tệ nhất từ đầu mùa được thể hiện qua sự bất đồng và xa lánh.
Bayern Munich ăn mừng trước khán giả nhà trong hình ảnh tập thể gắn kết, trong khi PSG thất bại bởi sự ô hợp giữa những cá nhân. Đó là câu chuyện quen thuộc đối với đội bóng mắc kẹt trong niềm vui chiến thắng của đối phương, tương phản hoàn toàn về tình hình thảm hại của chính họ.
Lần thứ 5 trong 7 mùa giải, PSG dừng chân ở vòng 1/8 Champions League. Thành tích ấy định nghĩa hình ảnh của đội chủ sân Công viên các Hoàng tử tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Bất chấp sự hiện diện của những ngôi sao trứ danh trên hàng công, PSG không thể ghi bàn trong 180 phút đối đầu Bayern Munich, thậm chí "Hùm xám xứ Bavaria" dường như chưa hề vận hành tối đa công suất. Bayern ra sân, ung dung chờ đợi và PSG tự rước họa vào thân.
"Tôi sẽ để mọi người đánh giá", HLV Christophe Galtier nói. Ông là nhà cầm quân tiếp theo phơi mình "trên máy chém Paris". "Chúng tôi biết tầm quan trọng của Champions League ở PSG. Kỳ vọng là rất lớn. Nếu chúng tôi chỉ là nhà vô địch Ligue 1, kết quả ấy có phải là mùa giải tồi tệ không? Tiếc nuối lớn nhất là chúng tôi không thể đánh bại đối thủ bằng tất cả sức mạnh ở trận đấu này".
Không ai tại PSG có vẻ bị tổn thương sâu sắc vì bị loại khỏi Champions League chóng vánh một lần nữa. Mbappe điềm tĩnh đến nỗi dường như anh đứng ngoài thất bại. Tiền đạo này từng tuyên bố PSG sẽ làm tốt nhất có thể tại Champions League, và vì vậy có thể lập luận hợp lý rằng bị loại bởi Bayern Munich ở vòng 1/8 là điều tốt nhất có thể đội bóng này làm được. "Đó là giới hạn của chúng tôi", Mbappe nói.
Chắc chắn không có cơn thịnh nộ hay nỗi thất vọng nào từ phía PSG. Không một thành viên nào của đội bóng này cố xông vào phòng trọng tài để ăn thua về quyết định trong trận. Không có nỗi căm phẫn hay cảm giác bất công cho sự biến mất của đội bóng này. Thật dễ để cho rằng sự thờ ơ ấy xuất phát từ việc quá quen với thất bại, thậm chí cây bút Vincent Duluc đã viết đầy châm biếm trên L'Equipe rằng thất bại tại vòng 1/8 Champions League đã trở thành văn hóa của PSG.
Mùa hè 2021, nhân kỷ niệm 10 năm PSG thuộc về tập đoàn QSI, trên website chính thức của đội bóng này đăng tải bài viết "QSI - 10 năm rồi!", trong đó có đoạn rất kêu: "Trải qua nhiều trận đấu và những khoảnh khắc cảm xúc, Paris Saint Germain đã ghi nhận một số thống kê điên rồ trong suốt 10 năm qua: 1314 bàn thắng được ghi trong 553 trận đấu chính thức, với 399 chiến thắng và 258 lần giữ sạch lưới".
Tác giả, viết dưới dạng ẩn danh, tiếp tục: "Đội bóng nam Paris Saint Germain đã giành được 27 danh hiệu kể từ năm 2011: 7 lần vô địch giải vô địch bóng đá Pháp (2013, 2014, 2015, 2016, 2018, 2019 và 2020), 6 cúp FA Pháp (2015, 2016, 2017, 2018, 2020 và 2021), 6 cúp Liên đoàn Pháp (2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và 2020) và 8 giải Trophées des champions (2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020). Những số liệu ngoạn mục này đã giúp đội bóng đại diện của thủ đô trở thành CLB Pháp giành nhiều danh hiệu nhất".
Một con số "ngoạn mục" khác nhưng không được đề cập trong bài viết: 1,1 tỷ euro là chi tiêu ròng của PSG trên thị trường chuyển nhượng kể từ khi thuộc về tay QSI, theo trang Transfermarkt.
Chỉ có Manchester United chi nhiều hơn, nhưng đừng quá quan tâm đến "Quỷ đỏ" hay thước đo tầm châu lục, vì PSG đâu làm nên nổi trò trống gì bên ngoài biên giới nước Pháp. Hãy đặt hệ quy chiếu ngay trong xứ sở hình lục lăng, Marseille là đội chi tiêu ròng cao thứ hai kể từ năm 2011, với số tiền 170 triệu euro và đó mới chỉ là số tiền PSG bỏ ra để trả phí chuyển nhượng cho các cầu thủ.
Theo dữ liệu tiền lương ước tính từ FBref, hóa đơn tiền lương hàng năm của PSG hiện rơi vào khoảng 387 triệu euro. Đây là quỹ lương cao nhất thế giới bóng đá và gấp 7 quỹ lương Marseille, đội xếp thứ hai nước Pháp về quỹ lương, với vỏn vẹn 52 triệu euro.
Một lô, một lốc danh hiệu hay số liệu thống kê như cây bút kia nêu ra thực tế chẳng có nhiều nghĩa lý. Khi một ngôi sao ký hợp đồng với PSG, ngôi sao đó đều chấp nhận thành bại cả mùa chỉ được quyết định trong vài trận đấu trong mùa xuân. Vô địch Ligue 1 hay giành thêm vài danh hiệu quốc nội được xem như mặc nhiên. Thắng hay bại được quyết định bởi những trận đấu knock-out tại Champions League.
Nếu cần thêm những thông số ấn tượng nhưng vô tri, có thể viện dẫn từ chính bộ ba bom tấn Messi, Mbappe và Neymar. Messi đã có 18 bàn thắng và 17 pha kiến tạo thành bàn chỉ sau 31 trận ở mùa giải này. Mbappe sở hữu 31 bàn thắng và 7 kiến tạo sau 32 trận. Neymar cũng chẳng hề kém cạnh với 18 bàn thắng và 15 kiến tạo sau 29 trận. Tổng cộng, bộ ba này đóng góp 67 bàn thắng và 39 kiến tạo cho PSG. Không một bộ ba tấn công nào tại châu Âu sở hữu thành tích ấn tượng hơn thế. Nhưng, kết quả như đã đề cập, PSG vẫn dừng chân ở vòng 1/8 Champions League.
Trên phương diện cá nhân, Messi không lỗi lầm gì tại PSG. Anh vẫn ghi bàn và kiến tạo đều như vắt tranh. Tuy nhiên, PSG không thiếu bàn thắng hay kiến tạo. Điều đội bóng trọc phú này thiếu là năng lượng chiến đấu và kỷ luật chiến thuật, hai phạm trù ngày càng là sở đoản của Messi. Giống như trường hợp Cristiano Ronaldo trở về Old Trafford, siêu sao người Bồ Đào Nha tỏa sáng trên tư cách cá nhân nhưng không hỗ trợ nhiều cho tập thể Manchester United.
So với C.Ronaldo, Messi càng khó bị chỉ trích hay chê bai hơn. Bởi lẽ La Pulga vừa tiến thêm bước nữa trên bậc thang vĩ đại bằng chứng vô địch World Cup và bằng tài nghệ tuyệt luân, anh in dấu giày vào mọi chu trình phát triển bóng. Messi có thể phân phối bóng như tiền vệ trung tâm, phát động tấn công như tiền vệ tấn công, đột phá như tiền đạo biên, kiến tạo như tiền đạo lùi và dĩ nhiên dứt điểm như tiền đạo cắm.
Nhưng vấn đề phát sinh mỗi khi các đội bóng của Messi rơi vào thế dẫn bàn và đối phương chơi tử thủ là anh có xu hướng trôi dạt ra quá xa khung thành. Barcelona, đội tuyển Argentina đã rơi vào bế tắc vì lối di chuyển đó của Messi, bây giờ đến lượt PSG. Đơn cử như trận gặp Bayern Munich, HLV Galtier như thường lệ bố trí Vitinha di chuyển nghịch đảo với Messi. Nếu Messi dâng cao, tiền vệ người Bồ Đào Nha lùi sâu. Ngược lại, nếu Messi lùi sâu, Vitinha dâng cao. Nhưng cách di chuyển này không khiến Vitinha trở thành đe dọa bất ngờ cho hàng thủ đối phương. Hơn nữa, Messi còn dẫm chân Marco Verratti, cầu thủ được ví là "chân chia bài" của PSG.
Bi kịch hơn nữa cho PSG là không chỉ có Messi di chuyển tự do/lung tung. Mbappe và Neymar cũng vậy. Và tương tự, hai cầu thủ này cũng hoàn toàn vô hại khi đội nhà không có bóng. Chấp 3 cầu thủ, PSG chỉ còn 8 cầu thủ để phòng ngự ở thời đại của sự đồng bộ trong mọi chu trình. Khỏa lấp sự thua kém về mặt quân số ấy là điều không tưởng nếu hai đội tương đồng về trình độ.
Thực tế hãy nhìn vào chính PSG, kết cấu đội hình của đội bóng này cực kỳ lỏng lẻo. Phương án dự phòng duy nhất trên hàng công là Hugo Ekitike, cầu thủ mới chỉ 20 tuổi được mượn từ Reims. PSG không hề khủng hoảng thừa tiền vệ công, nhưng Julian Draxler, Angel Di Maria và Pablo Sarabia lần lượt bị đẩy đi bởi nhiệm vụ gần như duy nhất của tuyến giữa đội bóng này là cung cấp khả năng phòng ngự và chạy chỗ để bù đắp khuyết điểm của 3 ngôi sao trên hàng công.
Các vụ chuyển nhượng của PSG, ngoài việc chi tiền tấn để chiêu mộ những siêu sao, đều đạt hiệu quả rất kém. Hai trong ba cầu thủ ghi bàn cho Bayern là Kingsley Coman và Eric Maxim Choupo-Moting, đều là hàng thải của PSG. Bàn thắng còn lại của "Hùm xám xứ Bavaria" được ghi do công Serge Gnabry, người vào sân từ băng ghế dự bị cùng Sadio Mane và Leroy Sane, cho thấy chiều sâu của hàng công Bayern. PSG không còn phương án nào khác vì họ đã đặt hết trứng vào một rổ.
Hãy nhìn vào một số liệu thống kê cay đắng khác: Paris sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá nhất hành tinh. Từ năm 2002 đến năm 2018, 60 cầu thủ sinh ra ở Paris đã xuất hiện tại vòng chung kết World Cup, nhiều hơn ít nhất 10 cầu thủ so với bất kỳ đô thị nào khác trên thế giới. Ngoài Mbappe, tiền vệ Christopher Nkunku ở RB Leipzig, tiền đạo cánh Kingsley Coman của Bayern Munich, hậu vệ Ferland Mendy của Real Madrid, thủ thành Mike Maignan của AC Milan, tiền vệ Adrien Rabiot của Juventus hay Moussa Diaby của Bayer Leverkusen đều là người con của thành Paris.
Đa số trong những cái tên vừa nêu là mẫu cầu thủ đa năng hiện đại, những người có thể lấp đầy mọi khoảng trống những ngôi sao để lại hoặc tạo ra, một cái tên khác lại đang lấp đầy khoảng trống trong khung gỗ AC Milan do Gianluigi Donarumma để lại khi gia nhập chính PSG. Một đội hình giàu tính địa phương sẽ không chỉ trang bị tốt hơn cho đấu trường giàu tính chiến đấu vì màu cờ sắc áo như Champions League mà còn dễ nhận được sự ủng hộ hay cảm thông. Thế nhưng, giới chủ PSG không quá quan tâm đến vấn đề này, giống như họ chẳng hề đếm xỉa việc xây dựng văn hóa hay triết lý cho đội bóng, điều Chelsea hay Man City đều đã làm được.
Bởi vậy, văn hóa duy nhất tồn tại ở đội bóng này là "văn hóa 1/8 Champions League".
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy