(Dân trí) - Giới chuyên môn trong nước cho biết việc V-League nghỉ 45 ngày chưa có tiền lệ, nhưng điều này quan trọng với U20 Việt Nam chuẩn bị cho giải châu Á và U23 Việt Nam hướng đến SEA Games 32.
V-League nghỉ dài ngày để phục vụ đội U20 hay U23 Việt Nam?
Giới chuyên môn cho biết việc V-League ngắt quãng như hiện nay khiến cho công việc của các CLB trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quãng nghỉ này cũng vô cùng quan trọng với U20 Việt Nam chuẩn bị cho giải châu Á và U23 Việt Nam hướng đến SEA Games 32.
V-League 2023 mới đá được 4 vòng, nhưng đã nghỉ thi đấu hơn 1,5 tháng (vòng 4 V-League kết thúc ngày 19/2, vòng 5 của giải đấu này tận đến ngày 6/4 mới diễn ra), vì những lý do khác nhau. Giới chuyên môn trong nước đã lên tiếng về lịch thi đấu của giải vô địch quốc gia.
Cựu HLV đội tuyển Việt Nam, Phan Thanh Hùng: "Khó ta khó người"
Việc V-League nghỉ đến 45 ngày sau 4 vòng đấu đầu tiên ảnh hưởng như thế nào đến công tác chuẩn bị chuyên môn của các đội, thưa ông?
- Ảnh hưởng rất nhiều, ảnh hưởng về phong độ, về thể lực. Các đội đang có phong độ cao sẽ bị mất nhịp, họ sẽ là những đội lo nhất về việc này. Riêng đội SHB Đà Nẵng của tôi đang ở cuối bảng, phong độ không tốt, nên với chúng tôi quãng nghỉ này là khoảng thời gian để củng cố, cả về chuyên môn lẫn tâm lý (cười).
Ông đề cập đến chuyện phong độ, thể lực của các đội bóng ảnh hưởng, cụ thể như thế nào?
- Gần như phải chuẩn bị lại từ đầu, nhồi thể lực lại, đá giao hữu lại. Xem như quá trình làm nóng bắt đầu từ đầu như thể giai đoạn trước mùa bóng vậy. Ví dụ như với đội của tôi, toàn đội sẽ có khoảng một tuần nghỉ sau vòng đấu thứ 4. Sau đó khoảng đến tuần thứ 3 hoặc thứ 4 tính từ thời điểm V-League ngắt quãng, chúng tôi phải tìm đối tượng thi đấu cọ xát, chờ ngày giải đấu được nối lại.
Năm ngoái, V-League cũng xảy ra tình trạng tương tự, do nhường thời gian để tập trung các đội tuyển. Nghề HLV ở V-League gần như phải làm quen với thực tế này.
Trước khi trở thành HLV chuyên nghiệp, giới chuyên môn trong nước phải trải qua các khóa học HLV với giáo trình quốc tế, vậy các khóa học này có phần nào về việc phải làm quen với lịch thi đấu ngắt quãng giống V-League không?
- Tôi không thấy có phần này khi tôi theo học các lớp HLV. Nhưng như tôi đã nói, nghề HLV tại V-League gần như phải đối diện với thực tế lịch thi đấu không liên tục. Học là một chuyện, làm việc lại là một chuyện khác, lý thuyết khác và thực tế không như lý thuyết.
Người làm chuyên môn như tôi chỉ tâm niệm khó ta thì khó người, tức các đội bóng và các HLV khác tại V-League cũng rơi vào tình cảnh tương tự như chúng tôi, chứ khó khăn không chỉ dành riêng cho đội nào.
Vả lại, như tôi đã nói, các đội đang có phong độ cao, thành tích tốt mới lo về việc nghỉ giữa chừng như thế này, chứ với đội của tôi đang có phong độ thấp, nghỉ ngang như vậy coi như cơ hội để làm mới.
Cựu Phó Chủ tịch (PCT) VFF Dương Vũ Lâm: "Ưu tiên đội tuyển nhưng phải hài hòa lợi ích của giải trong nước"
Về góc độ quản lý, ông đã từng chứng kiến trường hợp tương tự ở các quốc gia khác, về việc một giải đấu tạm dừng dài ngày để một đội trẻ tập trung chưa?
- Làm gì có tiền lệ để so sánh chứ. Theo tôi quan sát, chẳng có giải đấu nào trên thế giới dừng lại để một đội trẻ, cụ thể ở đây là đội U20 Việt Nam tập trung cả. Ngay đến các giải vô địch quốc nội lân cận với chúng ta như giải Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không dừng lại, cho dù đội U20 của các nước này cũng chuẩn bị tham dự giải U20 châu Á, thậm chí có thể góp mặt tại World Cup U20.
Còn ở Thái Lan, đội U23 nước này muốn gom quân dự các giải đấu ngoài lịch thi đấu thường niên của FIFA, nhưng các CLB của giải Thai-League không đồng ý, đội U23 Thái Lan cũng không gom quân được. Đấy là đội U23, huống hồ là đội U20. Các CLB là một phần của cả nền bóng đá, họ là những thực thể tạo nên hệ thống bóng đá trong nước, nên họ cũng có vai trò của họ.
Không có tiền lệ từ nước ngoài, vậy vì sao V-League vẫn tạm dừng đến 45 ngày, khiến các CLB trong nước phản ứng rất mạnh?
- Ở đây có lẽ chúng ta phải thông cảm, vì những nhà quản lý giải V-League muốn hướng đến việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đội tuyển, không chỉ đội tuyển U20 mà còn cho đội U23 sắp tới đây cũng sẽ tập trung dự cúp bóng đá giao hữu tại Doha (Qatar). Ưu tiên cho việc dành thời gian tối đa để tân HLV Philippe Troussier quan sát và ráp nối các nhân sự, hướng đến SEA Games 32.
Lực lượng U20 có liên quan mật thiết đến lực lượng đội U23 dự SEA Games vào tháng 5, xa hơn nữa là hướng đến việc tranh vé dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026, nên những nhà quản lý giải trong nước muốn ưu tiên cho các đội này, nhưng chưa khéo léo trong việc tạo ra sự hài hòa giữa quyền lợi giữa các đội tuyển và quyền lợi của các CLB.
Sự chưa khéo léo này thể hiện ở điểm nào, giải pháp trong vấn đề hiện tại là gì, thưa ông?
- Ví dụ như trước đó cần có sự tham khảo ý kiến đầy đủ và đa chiều với các CLB, tránh tình trạng công bố lịch thi đấu V-League quá trễ, mà nên công bố sớm hơn để các đội bóng trong nước chủ động.
Nếu vấn đề này được đưa ra thảo luận chi tiết từ trước đó, V-League có thể nhận sự được sự đồng thuận của các CLB, tránh đặt các đội bóng trong nước vào thế đã rồi, tránh những phản ứng mạnh như hiện nay. Đội tuyển đúng là cần được ưu tiên, nhưng phải hài hòa với lợi ích và sự phát triển của giải trong nước. VPF cũng hé lộ mùa tới lịch thi đấu sẽ thay đổi, đồng bộ với lịch thi đấu quốc tế, tôi nghĩ đấy cũng là một giải pháp, tránh sự việc tương tự như hiện nay xảy ra.
Cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV Trần Công Minh: "Hiếm có giải đấu nào ngắt quãng như V-League"
Trước khi làm HLV, ông từng là cầu thủ có thâm niên ở Việt Nam, với một cầu thủ, việc đang đá giữa chừng phải nghỉ dài ngày ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
- Đầu tiên là ảnh hưởng rất lớn về nhịp sinh học. Thường thì các cầu thủ sẽ được chuẩn bị khoảng 2 tháng trước khi bước vào một giải đấu, để chuẩn bị thể lực cho việc thi đấu với mật độ chừng 5 - 6 ngày/trận ở giải đấu ấy. Nhưng mới đá được 4 trận đã nghỉ ngang, cầu thủ mất nhịp, khó duy trì phong độ.
Thứ hai là ảnh hưởng về tâm lý. Sẽ có cầu thủ có tư tưởng đằng nào cũng chỉ đá 4 trận rồi tạm dừng, chưa phải lúc "mở máy" tối đa, đến khi nào giải đấu được nối lại mới tăng tốc thật sự, từ đó họ chỉ chuẩn bị tà tà và thi đấu tà tà, lý do này cũng ảnh hưởng đến phong độ.
Còn trong vai trò của một HLV, ông đánh giá việc giải V-League tạm nghỉ đến 45 ngày gây khó khăn cho những người làm chuyên môn ra sao?
- Nếu giải đấu diễn ra liên tục, với mật độ 5 - 6 ngày/trận như đã nói ở trên, các HLV sẽ dễ tính điểm rơi phong độ cho toàn đội. Còn trong trường hợp giải tạm dừng quá lâu như V-League, các HLV gần như phải làm lại từ đầu, phải chuẩn bị lại thể lực, phải tìm đối tượng đá giao hữu phù hợp, vì không thể chỉ đá tập nội bộ trong khoảng thời gian nghỉ nói trên.
Tôi thấy giới chuyên môn tại V-League đang tranh luận về quãng nghỉ này. Dĩ nhiên luôn có hai luồng ý kiến, với các đội đang có phong độ kém, họ xem đây là dịp để củng cố. Ngược lại, với các đội đang có phong độ cao, đang thi đấu thành công, bài toán làm thế nào để duy trì thành công sau quãng nghỉ đến 45 ngày sẽ là thách thức với họ.
Còn đứng dưới góc độ của một nhà chuyên môn, tôi cho rằng việc gì có lợi nhất cho dân làm chuyên môn và có lợi nhất cho khán giả, chúng ta nên xem xét.
Việc có lợi cho khán giả cụ thể là gì, thưa ông?
- Nhịp sinh học và nhịp sinh hoạt của khán giả cũng giống như cầu thủ. Giải đấu mới đá 4 vòng lại dừng giữa chừng khiến cho bị hụt hẫng.
Nếu giải đấu diễn ra liên tục với mật độ 5 - 6 ngày/trận, khán giả phần đông cũng sẽ có thói quen đến cuối tuần hoặc một vài ngày giữa tuần đến sân xem bóng đá, hoặc mở TV xem bóng đá, ủng hộ đội bóng mà họ yêu thích. Có khả năng họ lập hẳn kế hoạch cho việc này. Nhưng nếu giải bị ngắt quãng, với nhiều người mới biết đến V-League có khi quên luôn giải đấu ấy chứ.
Giải đấu bị tạm dừng, sau đó một thời gian mới đá lại, thường thì các đội, các cầu thủ phải cần thời gian khởi động lại. Một hai trận đầu với bất kỳ đội bóng nào khi bắt đầu hoặc tái khởi động giải đấu cũng khá chậm chạp, dẫn đến chất lượng chuyên môn nói chung của toàn giải không cao. Mà chất lượng chuyên môn chính là yếu tố có liên quan mật thiết đến khán giả.
Vậy thì có giải đấu nào trên thế giới có hiện tượng đang thi đấu giữa chừng lại nghỉ thời gian khá dài như V-League không?
- Tôi hiếm khi thấy hiện tượng này ở các giải đấu khác trên thế giới. Với các giải vô địch quốc gia ở nhiều nước trên thế giới, họ chỉ nghỉ dài như thế này khi giải đã chính thức kết thúc. Ngay đến World Cup hay Euro cũng chỉ diễn ra khi các giải đấu quốc nội đã chấm dứt là vì vậy, vì lúc đó các đội tuyển mới có thời gian dài gom quân mà không ảnh hưởng đến các CLB và các giải vô địch ở từng quốc gia.
Mặt khác, cũng không có giáo trình nào trên thế giới dạy các HLV việc tính toán cho một quãng nghỉ dài như thế giữa mùa giải cả, và các giáo trình mà HLV trong nước được học cũng đều đến từ nước ngoài. Bản thân các HLV tại V-League đều phải tự thích nghi và tự điều chỉnh dựa vào thực tế họ phải đối diện.
Theo tôi, một lịch thi đấu thống nhất như thông lệ quốc tế sẽ tốt hơn cho giải V-League, vì khi đó các đội sẽ tính được lúc nào đá và lúc nào nghỉ. Mùa tới V-League cũng sẽ áp dụng lịch thi đấu vắt qua 2 năm giống các giải tại châu Âu. Tôi cho rằng đây là điều nên làm. Còn giờ, có lẽ chúng ta nên chịu khó trải qua mùa giải cuối cùng có lịch thi đấu ngắt quãng như thế này trong năm nay. Dù sao thì lịch thi đấu này cũng đã được thống nhất từ đầu mùa.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Thực hiện: Trọng Vũ
Ảnh: Khoa Nguyễn, Tiến Tuấn, Hải Long, Vũ Dương