(Dân trí) - Bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp, Lionel Messi vẫn bị những cơ quan quản lý xem như công cụ kiếm tiền, trong khi Cristiano Ronaldo vẫn loay hoay như đứa trẻ chưa lớn.
Bóng đá thế giới bước vào kỷ nguyên mới của các ngôi sao Erling Haaland, Lamine Yamal, Vinicius, Bellingham và Quả bóng vàng 2024 Rodri. Tuy nhiên, dù chia tay sân cỏ châu Âu, câu chuyện về hai siêu sao Lionel Messi và Cristiano Ronaldo vẫn có sức hút nhất định với người hâm mộ.
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) không thèm giấu giếm. Khi cần hợp đồng phát sóng lớn và những nhà tài trợ tại Mỹ, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới chọn cách làm việc thật thô lỗ. Đó là công nhận Inter Miami "đủ điều kiện" tham dự FIFA Club World Cup vào mùa hè năm sau tại xứ cờ hoa.
Lý do Messi và đồng đội có vé tham dự giải đấu được mở rộng quy mô lên "32 CLB hàng đầu thế giới" là nhờ chiến thắng ở Supporters' Shield 2024 của giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Và không ngạc nhiên khi trận khai mạc sẽ diễn ra tại Miami (Mỹ).
Mọi sự có vẻ thuận lợi vì vốn dĩ được sắp đặt như vậy. Inter Miami và Messi tham dự giải đấu toàn cầu đang rất cần thành công về tài chính chắc chắn là điều hợp lý đối với FIFA. Tuy nhiên, liệu điều này có hợp lẽ thường?
Bằng cách trao vé cho Inter Miami thông qua Supporters' Shield, danh hiệu/giải thưởng dành cho đội có thành tích tốt nhất trong mùa giải tại MLS nhưng trước khi vòng play-off xác định nhà vô địch diễn ra, FIFA tạo nên tranh cãi về luật lệ và sự minh bạch của giải vô địch các CLB thế giới.
Công bằng mà nói, Inter Miami vừa lập kỷ lục MLS với 74 điểm sau 34 trận, đạt được vào ngày cuối mùa giải (20/10), khi họ đánh bại New England Revolution 6-2 với Messi lập hat-trick trong 11 phút khi vào sân từ ghế dự bị và Luis Suarez lập cú đúp.
Đây là danh hiệu MLS đầu tiên của Inter Miami từ khi gia nhập giải đấu năm 2020 và cũng tiếp nối chiến thắng của họ tại Leagues Cup (giải đấu quy tụ các đội MLS và Liga MX, hạng đấu cao nhất của bóng đá Mexico) năm ngoái.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, người có mặt tại sân nhà của Inter Miami trong lễ ăn mừng chức vô địch Supporters' Shield, phát biểu: "Các bạn đã chứng minh rằng mình là đội bóng xuất sắc nhất ở Mỹ. Vì vậy, tôi tự hào tuyên bố rằng, là một trong những CLB hàng đầu thế giới, các bạn hoàn toàn xứng đáng tham gia FIFA Club World Cup 2025 mới".
Phát biểu của ông Chủ tịch FIFA về việc Inter Miami xứng đáng dự giải vô địch các CLB thế giới có nhiều điểm đáng bàn. Đầu tiên, Inter Miami chưa hẳn là "CLB xuất sắc nhất ở Mỹ", mà họ chỉ là đội dẫn đầu ở bảng miền Đông MLS, chỉ chiếm một nửa giải đấu tại Mỹ và một phần Canada.
Messi và đồng đội thực tế chưa chứng minh đẳng cấp trên toàn xứ sở cờ hoa, cũng giống như việc tuyên bố Celtic là CLB hàng đầu tại Vương quốc Anh chỉ dựa trên chức vô địch Scotland.
Việc gọi Inter Miami là "một trong những CLB hàng đầu thế giới" cũng đáng tranh cãi, khi thực tế họ khó có thể thắng một đội bóng như Crystal Palace. Với tư cách là CLB thứ 31 lọt vào giải đấu và là đội duy nhất đạt suất qua giải quốc nội, việc Inter Miami được chọn có thể cảm thấy như một sự thiên vị.
Những đội bóng khác dự giải vô địch CLB thế giới đều phải đạt được thành tích tại giải đấu cấp châu lục/lục địa hoặc có vị trí cao trên bảng xếp hạng châu lục. Các đội từ các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ đều có suất nhờ thành tích ở các giải đấu lớn như UEFA Champions League hay Libertadores.
Đội bóng giành vé cuối cùng tham dự sẽ là nhà vô địch Copa Libertadores 2024, một quy tắc có phần hợp lý. Trong khi đó, ngay cả khi Chelsea dự giải nhờ chức vô địch UEFA Champions League 2021, thành tích này vẫn mang lại sự xác thực vì The Blues đã giành danh hiệu cấp châu lục.
Không có gì đáng phàn nàn khi đội chủ nhà được đặc cách tham gia giải đấu, giống như việc nước chủ nhà của World Cup được đảm bảo suất tham dự. Tuy nhiên, cái cách FIFA công bố CLB giành Supporters' Shield có vé dự giải vô địch các CLB thế giới lại thiếu tính hợp lý.
Quyết định này tạo cảm giác FIFA cố kéo bằng được Messi vào hiện diện ở giải đấu, nhằm thu hút người hâm mộ quan tâm đến những đề tài như Messi gặp lại thầy cũ Pep Guardiola và Man City, hay đụng độ kình địch của đội bóng cũ Real Madrid.
Tuy nhiên, FIFA lại tự quyết định quy tắc và chọn đội vô địch Supporters' Shield thay vì nhà vô địch MLS Cup (danh hiệu Inter Miami có thể giành được vào tháng 12) hoặc một trận đấu tranh vé giữa hai đội này nếu khác nhau, điều này dễ khiến công chúng cười cợt.
Việc tự gọi đây là "giải đấu CLB quốc tế toàn diện và công bằng nhất" trong khi không rõ ràng về tiêu chí lại càng khiến giải đấu mất uy tín, dù FIFA đang nỗ lực xây dựng danh tiếng cho giải vô địch CLB thế giới. Một trò hề xoay quanh Messi.
Cách nửa vòng trái đất, Cristiano Ronaldo, kỳ phùng địch thủ của Messi, đang dưỡng già tại Saudi Arabia và vừa gây chú ý khi đá hỏng phạt đền khiến Al Nassr bị loại ở King Cup ngày 30/10. CR7 nhận mức lương khổng lồ và đối đầu những đội bóng kém xa về trình độ, tại giải đấu mà 14 trên tổng số 18 đội chỉ có lượng khán giả trung bình đến sân dưới 9.000.
Sự ganh đua giữa các câu lạc bộ bóng đá có thể là điều ai cũng hiểu, nhưng thường chỉ diễn ra giữa các đội, các nhóm cổ động viên, hoặc các huấn luyện viên không ưa nhau.
Nhưng giữa các cầu thủ với nhau, đó là điều khá bất thường, đặc biệt khi sự cạnh tranh vượt qua biên giới giải đấu, lục địa và khi những cầu thủ này không đối đầu trực tiếp trên sân trong nhiều năm qua. Trường hợp ở đây là giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, cuộc chiến cá nhân vì vị thế thống trị.
Tuy nhiên, dường như chỉ có một cái tên vẫy vùng trong vũng lầy ganh đua. Cách đây không lâu, Cristiano Ronaldo khẳng định anh không bị ám ảnh bởi việc phải lên ngôi ở World Cup, vì với anh chức vô địch châu Âu cũng quan trọng không kém.
Chưa dừng lại, CLB Al Nassr của C.Ronaldo vừa đưa ra một tuyên bố khiến nhiều người ngỡ ngàng khi ai đó dường như đã thiếu tôn trọng siêu sao người Bồ Đào Nha trong chuyến tham quan sân vận động Mrsool Park của đội bóng.
Ngày 19/10, một YouTuber, khi ngồi vào chỗ của Ronaldo trong phòng thay đồ, đã tái hiện lại hình ảnh Messi tại tứ kết World Cup 2022, khi chắp tay lên tai hướng về phía HLV Louis van Gaal của đội tuyển Hà Lan.
"Chúng tôi muốn chỉ ra rằng Al Nassr luôn chào đón mọi người đến tham quan, từ người hâm mộ đến những người yêu thích CLB. Trong suốt lịch sử dài của mình, chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa với tất cả," đội bóng đang tham dự Saudi Pro League này tuyên bố.
"Tuy nhiên, những gì đã xảy ra hôm qua trong phòng thay đồ với hành động cá nhân thiếu trách nhiệm là không thể chấp nhận được, thể hiện sự thiếu tôn trọng không chỉ đối với CLB mà cả các người hâm mộ.
Họ đã không tôn trọng người hâm mộ. Chúng tôi muốn làm rõ rằng tại Al Nassr, chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xử lý ngay lập tức vấn đề này để bảo vệ quyền lợi về danh tiếng, đạo đức và tài sản của câu lạc bộ. Chúng tôi cũng khẳng định rằng cánh cửa và mọi cơ sở của CLB luôn mở cho mọi người hâm mộ, miễn là họ tuân thủ quy định", CLB Al Nassr thông báo thêm.
Dù sao đi nữa, Al Nassr nên cập nhật mục Điều khoản và Điều kiện trên website của đội bóng. Ô che mưa có được mang vào sân không? Có, chắc chắn rồi! Nhưng sạc dự phòng và hành động bắt chước Lionel Messi thì bị cấm.
173 triệu bảng mỗi năm và địa vị như vua chúa là những gì C.Ronaldo được nhận tại Saudi Arabia. Không riêng gì CR7, chắc hẳn không một ai khước từ được đề nghị hấp dẫn đến như thế.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng tải trên chuyên trang thể thao The Athletic của New York Times, cây bút Tim Spiers từng đặt ra vấn đề: Liệu có cách ứng xử tinh tế và văn hóa hơn khi bỏ túi số tiền ấy.
Trong trận bán kết Siêu Cúp Saudi Arabia mùa giải trước, Cristiano Ronaldo đã hai lần cố tình huých cùi chỏ vào Ali Al-Bulayhi, cầu thủ vốn nổi tiếng trong ngón nghề khiêu khích đối phương.
Al-Bulayhi thường nhắm đến ngôi sao, trước đây từng gây chú ý khi kéo tóc Son Heung Min tại Asian Cup, đối đầu với Lionel Messi ở World Cup 2022 và thậm chí chế nhạo Ronaldo sau trận đấu với Al Hilal.
Dù Son Heung Min và Messi chọn cách bỏ qua khi bị Al-Bulayhi khiêu khích, C.Ronaldo lại phản ứng mạnh mẽ, huých cùi chỏ vào ngực đối thủ rồi tiếp tục vung tay lần nữa khiến Al-Bulayhi ngã xuống.
Ronaldo bị thẻ đỏ, nhưng chưa dừng lại ở đó, anh giơ tay nắm chặt như thể sắp đấm vào sau đầu trọng tài (dù có thể chỉ là động tác giả nhưng khiến đồng đội giật mình).
Sau đó, trong tiếng hô vang "Messi, Messi" từ khán đài, Ronaldo châm chọc bằng cách vỗ tay và giơ ngón cái lên.
Đây không phải lần đầu Ronaldo có hành vi kỳ lạ tại Saudi Arabia. Hồi tháng 2, cũng trong cuộc chạm trán Al-Hilal, khi CR7 tiến vào đường hầm, cổ động viên đối phương đã ném áo Al-Hilal vào người siêu sao Bồ Đào Nha. Ronaldo nhặt lên và cọ xát vào vùng kín rồi ném trở lại khán đài.
Cristiano Ronaldo không còn là chàng thanh niên 18 tuổi. Anh là người đàn ông 39 tuổi, cha của 5 đứa con, là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử túc cầu. Hành động nóng nảy, thái độ bực bội, kiêu ngạo đã là một phần không thể thiếu trong tính cách của Ronaldo suốt sự nghiệp của anh.
Điều này thể hiện từ việc từ chối vào sân thay người ở Man Utd, rời sân khi bị thay ra, gạt điện thoại khỏi tay một đứa trẻ, không ăn mừng khi đồng đội ghi bàn vì không chuyền bóng cho mình, hất nước vào phóng viên, la hét với trọng tài, đến xô đẩy một người hâm mộ đang cố gắng chụp ảnh tự sướng.
Thực ra, khi nghĩ lại, tất cả những hành động trên đều đã xảy ra trong vòng 3 hoặc 4 năm gần đây. Thay vì giữ thái độ điềm tĩnh khi bước vào tuổi 40, Ronaldo lại thể hiện một sự giận dỗi và thiếu kiềm chế như trẻ con.
Khi đội bóng thua, trọng tài truất quyền thi đấu, đồng đội không chuyền bóng cho anh, huấn luyện viên thay anh ra, hoặc khi khán giả gọi tên Messi, anh lại nổi cáu.
Có lẽ đã đến lúc một cầu thủ vĩ đại như Ronaldo nên gạt bỏ những hành vi tiêu cực này, trở thành một hình mẫu tốt hơn cho hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ người hâm mộ trên khắp thế giới, cư xử đúng mực với độ tuổi và vị trí của mình.