(Dân trí) - Ngày 6/10, Aston Villa, đội đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Premier League, có lẽ đã kiệt sức sau chiến thắng đầy phấn khích trước Bayern Munich vào giữa tuần, vẫn có thể cầm hòa Man Utd.
Trong một ngày mà Brighton lội ngược dòng ngoạn mục trước Tottenham trong thế bị dẫn 2-0, trận đấu giữa Chelsea và Nottingham Forest bị biến thành cuộc ẩu đả, Man Utd vẫn thu hút sự chú ý khi cầm chân thành công Aston Villa.
Có lẽ đến lúc nào đó, sự quan tâm dành cho Quỷ đỏ thành Manchester sẽ nhạt phai, nhưng đã hơn 11 năm từ khi Sir Alex Ferguson nói lời chia tay, bộ phim dài tập về Man Utd vẫn đầy sức hút với công chúng.
Làm sao đội bóng thành công nhất lịch sử Ngoại hạng Anh, CLB sở hữu lượng cổ động viên đông đảo nhất hành tinh lại liên tục mắc sai lầm và ngày càng tệ hại đến như vậy?
Quy luật căn bản của bóng đá là tiền bạc mang đến thành công, những đội bóng giàu có rốt cuộc sẽ thắng thế, dẫu có "giàu xổi" đi chăng nữa. Man Utd vừa giàu tiền bạc vừa giàu truyền thống nhưng lại đi ngược quy luật này suốt thời gian dài, là minh chứng rõ ràng cho sự quản lý yếu kém đáng kinh ngạc.
Chắc chắn những anti-fan lâu năm của Man Utd có một cảm giác hả hê sau thời gian dài phải "chịu đựng" Quỷ đỏ thành Manchester thành công không ngừng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và khó hiểu của Man Utd đã bị đẩy lên mức bi hài kịch, đơn cử như những trận hòa tẻ nhạt trước Twente hay Aston Villa.
Khi mọi thứ bắt đầu sai hướng, máy quay thường lia đến vị trí Sir Alex Ferguson, với gương mặt cau có trên khán đài, như một lời nhắc nhớ đáng sợ về vinh quang đã thành quá khứ.
Nhưng bây giờ, có một mục tiêu mới, những người đàn ông mặt mày nghiêm nghị, đeo kính và hói đầu, mà cây bút Dion Fanning châm biếm là "ban lãnh đạo sáo rỗng", những người đã được giao nhiệm vụ điều hành mảng bóng đá của câu lạc bộ sau khi Sir Jim Ratcliffe mua lại khoảng một phần tư cổ phần của câu lạc bộ vào tháng Hai.
Cho đến nay, cuộc cách mạng của "ban lãnh đạo sáo rỗng" này dường như chỉ xoay quanh việc sa thải nhân sự, chấm dứt làm việc từ xa dù không đủ không gian làm việc tại văn phòng, và cắt giảm đặc quyền của nhân viên, khiến cuộc sống của những người làm việc tại Old Trafford trở nên kém thoải mái hơn.
Trong diễn biến mới nhất, ban lãnh đạo Man Utd tiếp tục chương trình cắt giảm chi phí bằng cách chấm dứt hợp đồng với Sir Alex Ferguson.
Sau khi rời vị trí HLV trưởng vào năm 2013, khép lại triều đại 26 năm và 38 danh hiệu, Sir Alex vẫn được giữ lại làm đại sứ toàn cầu và thành viên không chính thức hội đồng quản trị của đội bóng. Mức lương hàng năm của vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland là 2,16 triệu bảng.
Hội đồng quản trị thường trực của Man Utd bao gồm 6 anh em nhà Glazers, đồng sở hữu tập đoàn INEOS John Reece, chủ tịch INEOS Sport Rob Nevin, ngoài ra còn có hai thành viên độc lập Robert Leitao và John Hooks.
Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng này được chính ông chủ Ratcliffe thông báo với Ferguson trong cuộc gặp trực tiếp, với lý do Man Utd đang tìm cách cắt giảm chi phí và không còn sẵn sàng duy trì khoản thù lao cho vị chiến lược gia người Scotland. Các nguồn tin cho biết vấn đề được giải quyết ổn thỏa, êm xuôi và thân thiện.
Trước đây, gia đình Glazers vẫn cố duy trì khoản thù lao cho cựu HLV Ferguson, với suy nghĩ phần lớn giá trị của Man Utd được tạo ra nhờ công lao và di sản của vị chiến lược gia vĩ đại người Scotland. Thế nên, anh em Glazers không tiếc khoản tiền thù lao cho Sir Alex, dù con số lên tới đơn vị triệu bảng hàng năm.
Nhà cầm quân huyền thoại này không buồn vì mất khoản thu nhập, nhưng buồn vì nhiều đồng nghiệp cũ mất việc tại Old Trafford trong kế hoạch cắt giảm nhân sự của ban lãnh đạo. Mục tiêu của phía Ratcliffe là cắt giảm 250 người lao động trong thông báo đưa ra hồi tháng 7.
Tuy nhiên, Eric Cantona, học trò cũ của Sir Alex, huyền thoại tại Old Trafford, gọi hành động chấm dứt hợp đồng đại sứ với cựu HLV Ferguson của Man Utd là hành động "đáng xấu hổ". "Sir Alex Ferguson có thể làm bất kỳ điều gì ông ấy muốn tại CLB này cho đến hết đời. Thật là thiếu tôn trọng!", Cantona chia sẻ trên trang cá nhân.
Ngoài ra, Man Utd cũng đã thu hồi thẻ tín dụng cấp cho các giám đốc điều hành cấp cao, bỏ vé miễn phí cho nhân viên đến xem trận chung kết FA Cup 2023-24 với Man City, và hủy luôn tiệc Giáng sinh.
Trong khi đó, Man Utd vẫn là đội chi tiêu nhiều nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, với hơn 200 triệu bảng, nhưng đang đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng Premier League. Và ban lãnh đạo CLB thành Manchester vẫn đang vận động tiền để xây dựng sân vận động mới. Cho đến nay, chủ mới của Man Utd có vẻ giống chủ cũ, chỉ là tệ hơn.
Hóa ra, việc biến các phòng khách sang trọng thành phòng làm việc tạm bợ, hoặc cắt giảm suất ăn trưa của nhân viên dễ hơn là đưa ra quyết định lớn lao, chẳng hạn như thay HLV, người ngày càng có vẻ khó lòng đảo ngược tình thế.
Điều đáng nói, Man Utd chưa dám "trảm tướng" vì tài chính hơn là chuyên môn. Nếu sa thải Ten Hag, đội bóng mất khoản tiền đền bù tương đối lớn. Trong báo cáo tài chính mới nhất, Man Utd cho biết họ dự kiến tiết kiệm được khoảng 40-45 triệu bảng mỗi năm, nhưng sẽ mất khoảng 10 triệu bảng để thực hiện kế hoạch này.
Trang bìa tạp chí United We Stand của người hâm mộ Man Utd đưa lên hình ảnh phác họa thật sống động, với Erik ten Hag đứng lệch tâm, cái đầu hói hơi cúi đặc trưng, trong khi mưa xối xả trút xuống.
Đây chính là lời nguyền nghịch lý có từ thời HLV Ferguson: Nhà cầm quân người Scotland cần thời gian nên mọi HLV kế nhiệm ông tại Man Utd đều cần thời gian. Nhưng theo thời gian, hạt mưa như nặng thêm, xóa hết mọi hy vọng.
Không ai có thể trả lời câu hỏi điều gì có thể đã xảy ra nếu Mark Robins không ghi bàn thắng định mệnh vào lưới Nottingham Forest tại vòng 3 FA Cup 1989-90, pha lập công giúp vị chiến lược gia người Scotland giữ ghế trước khi giành danh hiệu đầu tiên ở mùa giải thứ 4 tại Old Trafford.
Câu hỏi được đặt ra ngay lúc này là làm thế nào để Ten Hag gây ấn tượng mạnh mẽ như đã từng tại Ajax? Làm thế nào vị chiến lược gia này có thể đưa đội bóng Hà Lan tiến sát trận chung kết Champions League? Làm thế nào Ten Hag và các học trò có thể đánh bại Juventus và Real Madrid một cách kịch tính như vậy? Và làm thế nào Ajax lại có thể thành công cùng lối chơi tận hiến, cởi mở, giữa thời đại của sự chặt chẽ?
Tuy nhiên, không một cầu thủ nào từ đội Ajax từng lọt vào bán kết Champions League 2019, kể cả Frenkie de Jong, thực sự phát triển vượt bậc thành cầu thủ như kỳ vọng. Và điều này không chỉ xảy ra với những tài năng hứa hẹn đã cập bến Man Utd.
Có lẽ Ajax, với truyền thống và cách làm việc riêng biệt, đã tạo ra một sự gắn kết tự nhiên. Có lẽ sự kết hợp giữa những cầu thủ đó đã tạo nên một sự cân bằng nội tại mà không cần quá nhiều sự dẫn dắt.
Ở mùa giải cuối cùng của Ten Hag tại Ajax, mặc dù họ vô địch giải quốc gia Hà Lan lần thứ ba trong 4 năm, nhưng đã xuất hiện những vấn đề: đội bóng chỉ giữ sạch lưới ba trận trong 12 trận cuối.
Không ai quá để tâm, những tháng cuối cùng của Jurgen Klopp tại Borussia Dortmund còn tệ hơn nhiều, nhưng có lẽ đã có một lời cảnh báo từ thành tích của Ten Hag tại Ajax. Rốt cuộc, chiến lược gia 54 tuổi lại biến Man Utd thành đội bóng ô hợp thủng lỗ chỗ.
Ajax dù đôi khi xuất hiện mâu thuẫn giữa những cái tôi lớn trong đội song cơ bản vẫn giữ được sự gắn kết. Man Utd thì ngược lại. Ten Hag không phải là người đầu tiên thấy câu lạc bộ này chìm trong hỗn loạn xung quanh mình.
Dù Man Utd đã giành được 20 chức vô địch quốc gia, nhưng tất cả chỉ dưới sự dẫn dắt của ba huấn luyện viên. Lịch sử cũng cho thấy giữa Ernest Mangnall và Sir Matt Busby, giữa Busby và Ferguson, câu lạc bộ đã trải qua những giai đoạn đầy rối ren, thất bại, tranh cãi. Và dường như câu chuyện này vẫn tiếp diễn mãi không dứt.