(Dân trí) - Ngày Maradona vĩnh biệt cõi trần thế, thế giới bóng đá cảm thấy hụt hẫng như thể mất đi điều gì quý giá. Đối với nhiều người, cái tên Maradona là bất tử...
Ngày Maradona vĩnh biệt cõi trần thế, thế giới bóng đá cảm thấy hụt hẫng như thể mất đi điều gì quý giá. Đối với nhiều người, cái tên Maradona là bất tử...
Từ đỉnh cao tới vực sâu, từ vinh quang tới tủi hờn, từ thiên thần tới ác quỷ... tất cả đều hiện diện trong hình ảnh của Maradona. Người ta không biết lúc này "Cậu bé vàng" sẽ đóng vai chính diện và lúc nào sắm vai phản diện. Có những lúc, Maradona khiến người hâm mộ rơi nước mắt vì hạnh phúc nhưng lại có thời điểm, những giọt nước mắt ấy lại rơi xuống vì những sai lầm của ông.
Nếu như xem bóng đá là tôn giáo, thì Maradona là người truyền đạo vĩ đại, mang tới nhiều cảm xúc nhất trong lịch sử. Ngày Maradona lìa xa trần thế, cả đất nước Argentina đã chìm trong tang tóc. Thế giới bóng đá hụt hẫng như thể mất đi điều gì quý giá.
Nhưng tất cả đều tin rằng Maradona đã thực sự trở về với vòng tay của Chúa. Ông vẫn sẽ chơi bóng, vẫn sẽ cống hiến tất cả những gì tinh túy nhất ở trên... thiên đường.
Có giai thoại kể rằng, ngày Maradona cất tiếng khóc chào đời ở bệnh viện Policlinico Evita tại Lanus, những người trong căn phòng đã phải hét lên "Gol". Hôm ấy là sự kiện lạ lùng. Bệnh viện Policlinico Evita chứng kiến 11 bé gái chào đời. Ông là bé trai đầu tiên và là duy nhất cất tiếng khóc trong ngày.
Đối với những người theo tín ngưỡng, Maradona như thể món quà mà Chúa gửi gắm xuống bệnh viện nhỏ ở Lanus ấy. Tất cả đều tin rằng, đó là cậu bé không bình thường. Hai tháng sau, Maradona được đưa tới rửa tội ở Nhà thờ Pompeya. Một cậu bé mũm mĩm, mặc áo kẻ ca rô, với tóc rất dày.
Thế nhưng, Chúa không hề gửi gắm món quà của mình vào một nhà khá giả. Gia đình Maradona thuộc tầng lớp nghèo nhất ở thị trấn. Nhưng có lẽ, chỉ trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, cậu bé Maradona mới hun đúc được ý chí, khát khao cháy bỏng nhưng nó ảnh hưởng khá nhiều, khiến ông vướng vào tật xấu sau này.
Khi bước lên đỉnh vinh quang, Maradona nhớ lại: "Nhà tôi dột tùm lum. Trời mưa thì căn phòng đầy nước. Trong căn phòng nhỏ bé và rách nát ấy, tôi cùng bố mẹ, ba chị gái và một đứa em đã cùng nhau sống những ngày tháng khổ cực nhất".
Trong trong căn nhà rách nát của mình, Maradona đã quá quen với công việc tìm xô chậu hay bất cứ vật dụng để hứng nước. Mái tôn trong căn phòng ấy dường như chỉ là vật để trang trí.
Chẳng có điều gì ngăn được những giọt mưa đổ xuống, cũng như sau này, chẳng có điều gì ngăn cản Maradona vươn lên trở thành huyền thoại.
Năm 3 tuổi, ông đã nhận được món quà đầu tiên, đó là trái bóng và nó trở thành vật linh thiêng gắn bó với cuộc đời của ông. "Sau này, tôi muốn mai táng cùng trái bóng. Cảm ơn nó rất nhiều" - Maradona chia sẻ trên sóng truyền hình vào năm 2005.
Những con đường đất đầy bụi bặm ở Villa Fiorito là nơi chứng kiến cậu bé Maradona mải mê quần với trái bóng. Nhưng vào những ngày mưa, "sân bóng" của Maradona chẳng khác gì vùng đầm lầy. Nhưng có một điều nguy hiểm hơn, luôn có những cái bẫy rình rập "Cậu bé vàng" ở sân chơi tạm bợ ấy.
Maradona từng ví việc chơi bóng ở Villa Fiorito như thú vui tiêu khiển, đầy cạm bẫy. "Một ngày nọ, khi 10 tuổi, tôi đang cố gắng đuổi theo trái bóng, thì bỗng dưng tôi đã ngã nhào xuống... bể phốt. Những thứ nhầy nhụa trong cái bể phốt ấy ngập lên tới cổ của tôi. Thế nhưng, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm trái bóng. Tôi không thể để mất nó trong thứ quái quỉ ấy được. Chỉ đáng tiếc, nó càng ngày càng chìm sâu xuống dưới. Sau đó, chú của tôi đã phải lội xuống cùng để lấy lại nó cho tôi. Nếu ông ấy không làm như vậy, có lẽ tôi đã chết trong cái bể phốt ấy chỉ vì một quả bóng" - Maradona tâm sự trong cuốn tự truyện.
Ở tuổi lên 8, tài năng của Maradona đã được công nhận. Cơ hội đã đến với ông khi cùng hai người bạn khác tới CLB hàng đầu của Argentina, Argentinos Juniors để thi đầu vào ở học viện bóng đá của CLB.
Cậu bé Maradona đã khóc cạn nước mắt để thuyết phục người cha của mình cho phép tới Buenos Aires để tham dự buổi kiểm tra. Để tới được vùng đất ấy, Maradona đã phải bắt hai chuyến xe bus. Đó là thử thách không dễ dàng với cậu bé mới 8 tuổi. Nhưng điều kinh khủng hơn chưa tới. Buenos Aires chào đón Maradona bằng một cơn mưa xối xả, buổi thi cũng bị hủy bỏ.
Nhưng may mắn cho Maradona khi ông gặp được Francis Cornejo (người phụ trách tuyển trẻ của Argentinos Juniors) trong cái ngày mưa bão ấy. Hay nói đúng hơn, người đàn ông này không hề muốn giết chết giấc mơ nhỏ bé của những cậu bé như Maradona. Thay vì thi tuyển trong trung tâm huấn luyện, ông đã chở lũ nhỏ tới công viên Saavedra và thiết lập trận đấu ngẫu hứng.
Ông Francis Cornejo chia sẻ trong cuốn tự truyện của Maradona, Cebollita Maradona: "Người ta nói rằng đời người ai cũng có thể chứng kiến điều kỳ diệu nhưng hầu hết đều không nhận ra điều đó. Tôi cảm thấy mình đã làm được điều đó với bọn trẻ".
Và quả thực, Francis Cornejo đã bị thuyết phục bởi Maradona ngay từ cái nhìn đầu tiên: "Khi cậu ta khống chế, rồi tâng bóng qua đầu đối thủ, tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi không thể tin nổi đây chỉ là cậu bé 8 tuổi.
Sau đó, tôi phải hỏi đi hỏi lại và bắt Maradona trình chứng minh thư ra. Nếu cậu ấy đúng thật là 8 tuổi thì đó thực sự là viên ngọc quý ẩn mình, một người sẽ biết làm nên điều khác biệt sau này".
Cơn mưa tầm tã ở Buenos Aires ngày hôm ấy chính là bước ngoặt cuộc đời của Maradona. Năm ông bước lên 10 tuổi, tờ Clarin (tờ báo thể thao nổi tiếng nhất của Argentina) đã có bài viết về một... cậu bé (dù nhầm lẫn tên của ông thành Caradona) với nhan đề: "Tài năng của siêu sao tương lai".
Sẽ chẳng bao giờ, mảnh đất Argentinos Juniors có thể níu chân nổi Maradona. Ở tuổi 20, Maradona đã có hơn 150 lần ra sân cho CLB này và ghi tới 100 bàn thắng. Ông đã kết thúc năm 1980 với tư cách Vua phá lưới cả hai giải đấu Metropolitano và Nacional (tới nay vẫn là cầu thủ duy nhất làm được điều này).
Có lẽ, ở giai đoạn đầu sự nghiệp, Maradona đã chinh phục tất cả. Nhưng điều khiến ông tiếc nuối nhất chính là việc bị HLV Cesar Menotti bỏ rơi vào phút cuối trong danh sách đăng ký tham dự World Cup 1978 (giải đấu họ vô địch trên sân nhà). Dù sao, 1 năm sau, Maradona đã gạt lệ để giúp U20 Argentina vô địch thế giới.
Mãi tới năm 1982, Maradona mới sang châu Âu thi đấu cho Barcelona nhưng thực tế, CLB xứ Catalan không phải là đội bóng đầu tiên nhìn ra tài năng của ông. Năm 1978 (khi Maradona 18 tuổi), CLB Sheffield United đã tới gõ cửa Argentinos Juniors để hỏi mua huyền thoại này. Khi ấy, tất cả đã xong xuôi, chỉ trừ có việc hai bên không thống nhất được phí hoa hồng.
Trước khi sang châu Âu, Maradona từng tạo nên cuộc tranh đấu dữ dội giữa hai gã khổng lồ River Plate và Boca Juniors. River Plate đến trước, chiếm lợi thế và thậm chí Maradona từng tuyên bố rằng anh sẽ là người của CLB. Nhưng Boca Juniors đã đi nước cờ cao tay. Họ thanh toán toàn bộ nợ nần của Argentinos Juniors, tặng thêm 6 cầu thủ, trả thêm 2,5 triệu USD tiền phí chuyển nhượng.
Một ngày đẹp trời vào tháng 2/1981, Maradona đặt chân xuống Boca Juniors trong sự chào đón nồng nhiệt. Nhưng điều đáng nói, Boca Juniors đã mất Maradona vì lý do không ngờ. Họ không thể thanh toán tiền cho Argentinos Juniors như đúng cam kết và vi phạm hợp đồng. "Gã khổng lồ" Barcelona đã đánh hơi được vụ này và cuối cùng, họ đã mang thần tượng của bóng đá Argentina tới châu Âu.
Khi thổi nến mừng sinh nhật lần thứ 30, Maradona đã trở thành vị Vua bóng đá không thể tranh cãi. Thời điểm ấy, "Cậu bé vàng" đã có tất cả. Từ chức vô địch World Cup, 2 Scudetto (chức vô địch Serie A), UEFA Cup... Đi cùng với đó là sự trọng vọng của những người Napoli và Argentina.
Trước nay, Napoli được biết đến như thành phố "chết chóc", với sự ngự trị và kiểm soát của giới mafia. Nhưng đi cùng với điều ấy là tình yêu bóng đá tới cuồng nhiệt. Người ta nói Maradona đã trở nên về nơi mình thuộc về khi đặt chân xuống mảnh đất ấy. Tại đó, ông đã có tất cả. Thành công, sự tôn sùng, sự nuông chiều và cả lối sống phóng túng, đúng như tính cách của ông.
Maradona thi đấu ở Napoli cứ như thể ông lạc vào thiên đường. Những người Napoli từng nói, ở mảnh đất này, chỉ có hai thứ được tôn sùng, đó là Maradona và Chúa. Họ vẽ những bức tranh Maradona ngang hàng với vị thánh bảo trợ của thành phố, San Gennaro. Không ít hình ảnh trong đó, Maradona được sống trong vòng tay của thánh thần.
Trong khi đó, giới mafia cũng không ngừng săn đón. Họ có thể đáp ứng mọi yêu cầu, miễn là Maradona cảm thấy thích. Và ở thành phố ấy, chẳng thiếu thứ gì không thể đáp ứng nổi "Cậu bé vàng".
Cần nói thêm một chi tiết, để có tiền chiêu mộ Maradona, CLB Napoli đã phải nhờ một chính trị gia địa phương là Vincenzo Scotti đứng ra bảo lãnh để có tiền vay ngân hàng. Chi tiết ấy cho thấy Maradona giá trị tới chừng nào.
Trở lại buổi chiều ngày 10/5/1987, cả thành phố Napoli vắng lặng như tờ. Thậm chí, theo ký giả Amalia Signorelli, đây là sự vắng lặng bất thường của thành phố vốn vô cùng nhộn nhịp này. Nguyên nhân nào dẫn tới sự im lặng chết người ấy? Câu trả lời không gì khác ngoài Maradona.
Cả thành phố không một ai bước chân ra đường bởi họ bận dán mắt vào màn hình tivi theo dõi trận đấu định mệnh giữa Napoli và Fiorentina. Chỉ cần không thua, Napoli sẽ vô địch sớm 1 vòng.
Quả thực, bầu không khí "bất thường" ấy chỉ tồn tại trong 90 phút. Kết quả trận đấu ấy, Napoli đã hoàn thành mục tiêu khi giành trận hòa 1-1. Lần đầu tiên sau 61 năm, những người Napoli mới được tận hưởng cảm giác chiến thắng.
Ngay lập tức, sự điên cuồng đã ngự trị thành phố. Thậm chí, nhà quan sát John Foot đã sử dụng từ "rùng rợn" để nói về khoảnh khắc ăn mừng của những người Napoli. Đỉnh cao của sự rùng rợn ấy là việc những người dân Napoli ra tận nghĩa địa để... ăn mừng. Họ đã chôn hình ảnh Juventus vào chiếc quan tài, để ám chỉ đế chế đã qua đời. Họ hét vang: "Chúng ta không còn thiếu thứ gì", chỉ để những người chết nghe được.
Vì lẽ đó, có thể hiểu vì sao, Maradona được tôn sùng tới vậy. Thậm chí, những người Napoli còn "nuông chiều" tới mức, chấp nhận mọi tật xấu của ông. Maradona làm gì cũng được. Nghiện cocaine, gái gú thâu đêm cũng chẳng sao. Chỉ cần họ được nhìn thấy ông sải bước chạy vào cuối tuần.
Ở Napoli, Maradona được nuông chiều thế nào, thì trở về Argentina, ông cũng được tôn vinh như thánh sống. Chẳng ai có thể quên được khoảnh khắc Maradona một mình gánh vác đội tuyển Argentina ở World Cup 1986 được tổ chức ở Mexico. Đó là khoảnh khắc bất tử với nhiều người, thậm chí, họ còn xem "Bàn tay của Chúa" là biểu tượng.
Họ tôn sùng Maradona tới mức ở Argentina có thứ tôn giáo riêng mang tên Iglesia Maradoniana. Trong tôn giáo này, các tín đồ cũng thực hiện các nghi lễ như đạo Thiên Chúa (rửa tội, đi lễ ở các nhà thờ). Điều quan trọng, trong thứ tôn giáo ấy, Maradona được xem là vị Chúa. Cột mốc năm 1960, khi Maradona được sinh ra, được lấy làm mốc đầu tiên trong lịch tôn giáo.
Trong tôn giáo Iglesia Maradoniana có hai ngày đặc biệt. Đầu tiên là ngày 30/10, khi Maradona cất tiếng khóc chào đời. Thứ hai là ngày 22/6, khi Maradona thực hiện "Bàn tay của Chúa". Những tín đồ của tôn giáo này còn lấy những phát ngôn của Maradona như là 10 điều răn.
Alejandro Veron, một trong ba người sáng lập ra tôn giáo, nhớ lại: "Vào ngày 30/6/1988, khi tôi vừa nhấc điện thoại, một giọng ở đầu dây kia nói: "Chúc mừng Giáng sinh". Đó là giọng của Amez. Tôi hỏi cậu ra đùa à, thì cậu ấy mới nói rằng hôm nay là ngày sinh nhật của Maradona".
Maradona vĩ đại tới mức trở thành biểu tượng không thể thay thế. Messi vĩ đại đến đâu thì cũng chỉ bị xem là phàm nhân nếu đặt cạnh vị thánh Maradona. Vừa khi hay tin Maradona qua đời, hàng nghìn người đã đổ xuống đường để tưởng nhớ. Thi thể của Maradona sẽ được đưa tới dinh thự của Tổng thống lần cuối, trước khi được mai táng.
Trở lại với khoảnh khắc thổi nến sinh nhật lần thứ 30 của Maradona. Đó là khoảnh khắc mà ông đã chinh phục cả thế giới nhưng đó cũng là bước ngoặt cho sự lụi tàn của một huyền thoại.
Bốn tháng sau ngày sinh nhật, Maradona bất ngờ được chọn để kiểm tra chất kích thích sau trận đấu với Bari. Kết quả kiểm tra cho thấy mẫu thử của ông đã dương tính với cocaine. Một lệnh cấm thi đấu 15 tháng được đưa ra từ những nhà chức trách Italia. Ngôi sao của những ánh đèn đã lầm lũi trở về quê nhà Buenos Aires, nơi mà sau đó, ông tiếp tục bị phát hiện sử dụng ma túy và bị yêu cầu đi phục hồi chức năng. Để rồi, sau chưa đầy 1 năm sau khi đón sinh nhật lần thứ 30, Maradona đã bị đẩy ra đường Napoli một cách phũ phàng.
Con đường xuống địa ngục của Maradona xuất phát từ chính lối sống phóng túng của ông. Đằng sau những khoảnh khắc bất diệt trên sân, người ta thấy hình ảnh của con người "phàm trần" của "vị thánh sống" ấy.
Ma túy, những buổi tiệc thâu đêm ở Napoli đã mở ra hành trình tụt dốc của huyền thoại. Và mối quan hệ với những tay mafia chẳng khác gì con dao hai lưỡi. Và khi Maradona không còn là "con cưng", ông đã phải gánh chịu quy luật khắc nghiệt của thế giới ngầm.
Tới tận bây giờ, người ta vẫn không hiểu sao Maradona bỗng dưng bị đưa đi kiểm tra cocaine sau trận đấu với Bari, dù cho ông đã bị phát hiện chơi ma túy trong thời gian dài trước đó. Có giả thuyết được đưa ra, việc Maradona sút thành công quả phạt đền loại Italia ở World Cup 1990 có thể là nguyên nhân. Nó thổi bùng lên cơn giận dữ của những người Italia và dẫn tới kế hoạch trả thù.
Những hình ảnh Maradona thác loạn, phê pha ma túy, bên cạnh là những cô đào nóng bỏng được lan truyền trên khắp mặt báo. Trước đó, để kìm chế sự ăn chơi của "Cậu bé vàng", Chủ tịch CLB Corrado Ferlaino đã phải thuê thám tử riêng theo dõi ông 24/24 giờ.
Nhưng ít ai biết rằng chính Corrado Ferlaino là người tiếp tay cho Maradona. Báo giới Italia từng rộ lên thông tin, người đàn ông này đã dúi vào tay Maradona những mẫu nước tiểu sạch để đảm bảo vượt qua được những buổi kiểm tra. Trong bộ phiêu tài liệu có nhan đề: "Diego Maradona ngoài cuộc chơi", tác giả đã nhắc đến chi tiết Maradona sử dụng dương vật giả, bơm đầy máu và nước tiểu để lách luật.
Trong cuốn El Diego, Maradona từng thừa nhận rằng ông đã phụ thuộc vào thuốc giảm đau cortisone để ngăn chặn những cơn đau kéo dài, nó là hệ quả của những buổi ăn chơi thâu đêm suốt sáng. "Tôi chỉ có thể tìm lại được bản thân mình nhờ những liều thuốc giảm đau. Nhưng nó chỉ có tác dụng nhất thời thôi".
Maradona đã trải qua những ngày tháng cuối sự nghiệp chìm trong nỗi tủi nhục. Ở World Cup 1994, ông bị phát hiện với 5 loại chất cấm. Và nhiều người cho rằng ông đã bị "gài" bởi với một cầu thủ đỉnh cao, chẳng ai dại gì vi phạm chất cấm ở giải đấu tầm cỡ thế giới như vậy.
Bác sĩ Michel d'Hooghe từng chia sẻ: "Tôi chắc hẳn Maradona đã bị người ta dí cho ly cocktail với đầy đủ 5 loại chất cấm ấy. Bởi nó chẳng bao giờ tồn tại trong bất kỳ loại thuốc nào".
Mãi tới sau này, trong cuốn tự truyện Yo Soy el Diego, Maradona mới thừa nhận sai lầm của mình: "Tôi tưởng mình có thể chế ngự được ma túy nhưng rồi, tôi trở thành nô lệ của nó lúc nào không hay".
12 giờ trưa này 25/11 (theo giờ địa phương), Maradona đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà Buenos Aires. Ông đã chọn về với Chúa theo cái cách nhẹ nhàng nhất. Như thường ngày, ông vẫn thưởng thức bữa sáng. Sau đó, Maradona nói với người cháu trai rằng mình cảm thấy mệt và muốn đi nằm.
Chỉ tiếc rằng, đó lại là giấc ngủ mãi mãi của huyền thoại. Chẳng ai có mặt ở bên cạnh "Cậu bé vàng" lúc lìa xa trần thế. Khi mà cô y tá thăm khám cho Maradona phát hiện, thì ông đã ra đi từ lúc nào.
Cuộc đời Maradona là sự pha trộn của nhiều nghịch lý. Có thể, nhiều người không đồng tình với lối sống hoang dã của ông nhưng ít nhất, chẳng ai có thể ngoảnh mặt với Maradona khi ông xuất hiện trên sân cỏ.
Bóng đá thế giới chỉ có duy nhất Maradona, người có thể sử dụng trái bóng như câu chuyện, để kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, để tiếp thêm niềm tin, để truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ.
Ngày cất tiếng khóc chào đời, Maradona đã là người đặc biệt và cái ngày ông nhắm mắt lìa xa cõi đời, câu chuyện về cuộc đời đã được ông viết lại theo cách đặc biệt nhất.
VĨNH BIỆT "CẬU BÉ VÀNG"!