Cựu lãnh đạo VFF: "Cần tránh chọn sai HLV như trường hợp ông Troussier"
(Dân trí) - Cựu Phó Chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm cho rằng đây là lúc các đội tuyển Việt Nam hướng đến sự chuyên biệt, thử thách các HLV nội ở đội U23, dự phòng cho HLV ngoại ở đội tuyển quốc gia.
Sau khi HLV Philippe Troussier bị VFF chấm dứt hợp đồng, vấn đề người kế nhiệm vị HLV người Pháp được dư luận bóng đá trong nước quan tâm. Ngoài ra, vấn đề sử dụng HLV nội hay HLV ngoại cũng là câu hỏi được nhiều người đặt ra vào lúc này.
HLV Hoàng Anh Tuấn tạm thời thay ông Troussier dẫn dắt đội U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết (VCK) giải U23 châu Á, diễn ra hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia hiện vẫn để trống.
Chiều qua (31/3), với vai trò là một nhà chuyên môn (cựu HLV bóng đá tại TPHCM) và một cựu quan chức bóng đá (cựu Phó Chủ tịch VFF, trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 và 2018, trưởng đoàn đội U23 Việt Nam giành hạng nhì giải U23 châu Á 2018), ông Dương Vũ Lâm trao đổi với phóng viên Dân trí.
HLV chuyên biệt cho từng đội tuyển
Ông nghĩ như thế nào về việc tìm người kế nhiệm HLV Philippe Troussier ở đội tuyển Việt Nam?
- Tôi cho rằng việc này không nên hấp tấp, không nên vội vã. Đầu tiên, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian. Thật ra các giải đấu quan trọng nhất của đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là AFF Cup đến tận cuối năm mới diễn ra.
Riêng đợt trận vòng loại World Cup vào tháng 6 tới đây không còn quá nhiều ý nghĩa với chúng ta, vì cơ hội vượt qua vòng loại quá ít.
Cứ cho rằng chúng ta chọn sai HLV một lần là vì rủi ro, với trường hợp của HLV Troussier, giờ nếu chọn sai lần nữa thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Nếu chúng ta chọn sai lần nữa, thiệt hại không chỉ về kinh tế, mà còn khiến cho niềm tin của toàn bộ nền bóng đá bị ảnh hưởng.
Thậm chí, phương án sử dụng HLV tạm quyền cũng không phải là phương án tồi. Cứ xem xét kỹ, cả về cách làm việc cho đến thành tích trong ngắn hạn, trước khi quyết định. Trong việc lựa chọn HLV mới, càng gấp càng dễ sai.
Bản thân ông nghiêng về phương án chọn HLV nội hay HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia?
- Trước đây các HLV làm việc tại Việt Nam phải kiêm nhiệm hai đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia. Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bóng đá ngày nay không còn giống như trước nữa, giờ là lúc chúng ta tách biệt hai đội tuyển này.
Đầu tiên, việc các HLV huấn luyện chuyên biệt ở từng đội tuyển tránh cho HLV của đội tuyển quốc gia không phải chạy tới chạy lui lo thêm cho cả đội tuyển U23. Thứ hai, việc có thêm HLV ở đội tuyển U23 chính là phương án dự phòng cho HLV đội tuyển quốc gia.
Nếu các HLV ở đội tuyển quốc gia không đáp ứng được yêu cầu công việc, không hoàn thành chỉ tiêu, sẽ có ngay người ở đội U23 được đôn lên thay thế tạm thời, đỡ phải mất thời gian tìm kiếm, đỡ phải làm quen với công việc ở các đội tuyển từ đầu. Đây là phương án mà Hàn Quốc vừa thực hiện sau khi sa thải HLV Klinsmann (người Đức).
Theo tôi, vị trí HLV đội U23 cũng như các đội tuyển trẻ nói chung nên giao cho HLV nội, còn vị trí HLV đội tuyển quốc gia giao cho HLV ngoại. Thuê hai HLV cùng lúc như thế này cũng không tốn kém, vì lương của các HLV nội không cao.
Đâu là ưu thế của HLV nội và đâu là điểm mạnh của HLV ngoại, thưa ông?
- HLV nội dĩ nhiên hiểu bóng đá Việt Nam. Chúng ta hiện nay có không ít HLV nội giỏi, đủ sức gánh vác từ đội tuyển U23 trở xuống như Hoàng Anh Tuấn, Trần Minh Chiến và nhiều người khác nữa. Họ là những nhà chuyên môn có nghề.
Đã đến lúc bóng đá Việt Nam đặt niềm tin vào họ, đặt niềm tin vào các HLV nội. Giao trọng trách và trao niềm tin cho các HLV nội cũng là cách chúng ta tránh đi vào vết xe đổ của bóng đá Thái Lan những năm gần đây: Các HLV nội của Thái Lan có giai đoạn bất hợp tác với các đội tuyển quốc gia vì những nhà điều hành bóng đá không coi trọng họ.
Còn về HLV ngoại, họ có quan hệ quốc tế, không chịu ảnh hưởng bởi các mối quan hệ trong nước, không chịu ảnh hưởng và không bị tác động từ các CLB trong nước. Đây là ưu điểm của HLV ngoại so với HLV nội, giúp họ trông có vẻ khách quan hơn, đỡ bị mang tiếng thiên vị khi triệu tập cầu thủ tham gia đội tuyển.
Chọn mục tiêu, vạch chiến lược cho mình trước, rồi chọn HLV sau
Nếu lựa chọn HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia, thì lựa chọn như nào cho phù hợp?
- Khái niệm phù hợp ở đây theo tôi khá trừu tượng và khá mông lung. Gọi là phù hợp thì trước tiên chúng ta phải xác định mục tiêu của chính mình trước đã.
Ví dụ với thực lực của bóng đá Việt Nam hiện nay, với nguồn cầu thủ mà chúng ta đang có, nếu chỉ hướng vào ngôi vô địch AFF Cup hoặc vào vòng loại thứ 3 World Cup, tôi cho rằng tầm Kiatisuk (người Thái Lan) hay Mano Polking (người Đức gốc Brazil) có thể làm được rồi. Những HLV này có lợi thế là có vốn hiểu biết nhất định về bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam.
Còn nếu đặt mục tiêu World Cup, thì phải xem lại toàn bộ nền tảng của bóng đá nội, từ chất lượng nguồn cầu thủ, hệ thống đào tạo trẻ, hệ thống các giải trong nước. Chính đội tuyển Việt Nam đã lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trước đó, đội tuyển Thái Lan thực hiện được điều này tại vòng loại thứ 3 World Cup 2028.
Nhưng rồi cả 2 nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan cũng chỉ có thể đến đó, sau các kỳ vòng loại World Cup 2018 và 2022, cả hai đội tuyển Thái Lan và Việt Nam có điểm chung là cùng đi xuống, sau khi lứa cầu thủ tốt nhất của từng nền bóng đá xuống phong độ, còn lứa cầu thủ mới chưa bằng các đàn anh.
Vì vậy, khi đặt ra mục tiêu cao là câu chuyện rất dài, không phải cứ chọn xong HLV là thực hiện được. Như tôi đã nói, muốn thay đổi thành tích một cách triệt để, phải thay đổi từ nền tảng. Bởi vì, HLV không thể vừa xây dựng chiến lược vừa đánh trận. Nhiệm vụ của ông ấy là dẫn quân ra trận, còn việc xây dựng chiến lược thuộc về khâu điều hành nền bóng đá.
Ông có thể nói rõ hơn nữa về điểm này, thưa ông?
- Không bột khó gột nên hồ, bây giờ chúng ta có HLV giỏi, HLV tầm cỡ, nhưng trình độ chung của cầu thủ Việt Nam chưa thể vượt tầm Đông Nam Á, chưa thể gia nhập trình độ châu Á, thì có muốn lên nữa cũng không được.
Một ví dụ khác, sau khi tạo ra kỳ tích Thường Châu (Trung Quốc) với vị trí Á quân giải U23 châu Á năm 2018, U23 Việt Nam có thêm 2 lần nữa dự giải đấu này vào các năm 2020 và 2022, nhưng đều không thành công như kỳ giải năm 2018.
HLV Park Hang Seo là HLV giỏi, nhưng cũng chính ông ấy ở 2 kỳ giải sau không thể nào mang về thành tích tương tự cho U23 Việt Nam như kỳ giải đầu năm 2018, vì nền tảng cầu thủ của bóng đá nội vẫn còn khoảng cách nhất định với trình độ châu Á.
Thậm chí, ở kỳ giải năm 2022, HLV Park Hang Seo còn chủ động rút lui, giao lại đội tuyển U23 Việt Nam cho HLV đồng hương Gong Oh Kyun.
Điều ông vừa nói là một kinh nghiệm khi chọn HLV mới, thay thế ông Troussier. Còn kinh nghiệm nào khác cần được rút ra, từ chính thất bại của HLV Troussier không?
- Việc tuyển chọn HLV không thể không quan tâm đến đội ngũ trợ lý. Tôi cho rằng đội ngũ trợ lý thời HLV Troussier quá kém, chưa đủ tầm để giúp việc cho HLV trưởng đội tuyển quốc gia.
Đội ngũ trợ lý rất quan trọng, vì họ chính là những người kết nối giữa HLV trưởng với các cầu thủ, kết nối các cầu thủ với nhau. Họ phân tích đội mình và phân tích đối thủ giúp HLV trưởng, chứ HLV trưởng không thể tự mình làm hết mọi việc. Thành ra, những người trợ lý này cũng phải có kinh nghiệm.
Ngoài ra, các HLV cần sự ủng hộ, sự chung tay trách nhiệm từ phía những người điều hành nền bóng đá, những người sếp trực tiếp của họ. Việc làm này sẽ giúp các HLV không cảm thấy đơn độc trong công việc, không cảm thấy họ gần như một mình đi trên một hành trình, một mình chống chọi với sức ép từ nhiều phía.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!