Chuyên gia: "Ngôi sao đá ở hạng Nhất chưa hẳn hết cửa khoác áo đội tuyển"
(Dân trí) - Câu chuyện nhiều ngôi sao như Công Phượng, Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm, Quốc Việt rời V-League, về thi đấu ở giải hạng Nhất gây chú ý thời gian vừa rồi. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét về chuyện này.
Trong số những ngôi sao bóng đá Việt Nam gia nhập giải hạng Nhất 2024-2025, Công Phượng về nước từ Nhật Bản, khoác áo đội Bình Phước.
Trong khi đó, Hoàng Đức và thủ môn Đặng Văn Lâm là những tên tuổi lâu năm ở giải V-League, rời các đội Thể Công Viettel và Bình Định đến với CLB Ninh Bình. Còn Quốc Việt từng là tài năng trẻ đáng chú ý của CLB HAGL, vừa tập trung đội tuyển quốc gia, cũng về khoác áo CLB Ninh Bình.
Ngoài vấn đề các ngôi sao nổi tiếng rời V-League về đá cho các đội hạng Nhất, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương còn bình luận về triển vọng của đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup. Chiều qua (15/10), vị chuyên gia bóng đá này trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Đặc thù của bóng đá Việt Nam
Ông đánh giá như thế nào về việc nhiều ngôi sao nổi tiếng của bóng đá Việt Nam về thi đấu ở giải hạng Nhất?
- Mỗi cầu thủ trong số họ là những trường hợp khác nhau. Ví dụ như trường hợp của Công Phượng khá đặc biệt và cũng rất khó để bình luận. Cậu ấy đồng ý trở lại với giải trong nước (trước đó Công Phượng đang khoác áo CLB Yokohama FC của Nhật Bản) khi thời hạn đăng ký danh sách dự V-League đã hết.
Có nghĩa là về lý thuyết, Công Phượng không có lựa chọn nào khác ngoài giải hạng Nhất. Thứ hai, Công Phượng có lẽ giờ đã quen với phong cách bóng đá Nhật Bản, sau thời gian cậu ấy chơi bóng tại Nhật. Thế nên, khi Công Phượng thấy đội Bình Phước có Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) người Nhật Bản, cậu ấy thấy phù hợp và quyết định đầu quân cho đội này.
Riêng trường hợp của những cầu thủ như Hoàng Đức và Đặng Văn Lâm lại khác, không giống với Công Phượng.
Điểm khác của trường hợp liên quan đến tiền vệ Hoàng Đức và thủ môn Đặng Văn Lâm khi họ quyết định rời V-League về thi đấu tại giải hạng Nhất là gì, thưa ông?
- Về điểm này thì họ cũng đã nói rồi, họ có cuộc sống của họ. Những cầu thủ trên cho biết họ không muốn sống với hào quang của quá khứ. Họ có những mục tiêu ở hiện tại của riêng từng người, họ muốn theo đuổi mục tiêu đó.
Mỗi người có một quan điểm, mỗi người có một cuộc sống riêng. Ai cũng có cuộc sống và ai cũng có gia đình để hướng đến việc làm những điều tốt nhất cho cuộc sống và gia đình của họ.
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam có những đặc thù khác với nhiều nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, càng không giống với bóng đá Nhật Bản, nền bóng đá chuyên nghiệp nhất châu Á. Việc cầu thủ ngôi sao rời V-League về thi đấu giải hạng Nhất có lẽ cũng phần nào phản ánh đặc thù của bóng đá Việt Nam.
Vậy việc những ngôi sao nói trên khi về thi đấu tại giải hạng Nhất, có ảnh hưởng đến phong độ và khả năng họ được gọi vào đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2024 hay không?
- Đây là điều rất khó nói trước. Phong độ của một cầu thủ sẽ ra sao trong vòng 2 tháng tới, trước thềm AFF Cup, là điều mà chúng ta khó mà dự đoán.
Hơn nữa, việc các cầu thủ xuống thi đấu ở giải hạng Nhất có gia nhập đội tuyển quốc gia hay không, còn phụ thuộc vào lựa chọn của HLV Kim Sang Sik, phụ thuộc vào ở thời điểm AFF Cup diễn ra, đấy có phải là vị trí mà vị HLV người Hàn Quốc cũng như đội tuyển quốc gia đang thiếu và đang cần hay không.
Ngoài ra, như đã nói, trường hợp của Công Phượng khi cầu thủ này gia nhập giải hạng Nhất khá khác biệt. Ở thời điểm cậu ấy ra quyết định, cậu ấy cần một chỗ để được thi đấu, và thời điểm đó chỉ có giải hạng Nhất vẫn còn trong thời hạn cho phép đăng ký cầu thủ dự mùa giải mới.
Đội tuyển hiện chưa cần đến vai trò của những cầu thủ vừa về thi đấu tại giải hạng Nhất
Nhân nói chuyện đội tuyển và chuyện Công Phượng, đây có phải là nhân vật được ông kỳ vọng sẽ giúp thay đổi sức sáng tạo ở đội tuyển Việt Nam, trước thềm AFF Cup?
- Cũng có thể, nhưng Công Phượng hay Tuấn Anh không phải là những cầu thủ mà tôi kỳ vọng nhất vào lúc này, trong việc tăng cường lực lượng cho đội tuyển Việt Nam trước AFF Cup 2024.
Tôi kỳ vọng nhiều hơn vào tiền đạo Phạm Tuấn Hải của Hà Nội FC, kỳ vọng cậu ấy sẽ hồi phục chấn thương, hồi phục phong độ để được bổ sung cho đội tuyển.
Một cầu thủ khác mà tôi kỳ vọng cậu ấy được gọi lên đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cup là tiền đạo Trần Danh Trung của CLB Thể Công Viettel. Đây là cầu thủ rất nhanh nhẹn và có khả năng gây đột biến. Tôi theo dõi cầu thủ này thi đấu và nhận thấy cậu có những tố chất tốt, có thể có ích cho đội tuyển Việt Nam.
Còn ở những trận đấu đã qua của đội tuyển Việt Nam, theo ông nguyên nhân do đâu khiến đội bóng của HLV Kim Sang Sik chưa khởi sắc?
- Đầu tiên, tôi muốn nói thế này, cả 3 HLV Park Hang Seo, Philippe Troussier và Kim Sang Sik đều có ý tốt với đội tuyển Việt Nam. Mỗi HLV có triết lý riêng và con đường đi riêng. HLV Park Hang Seo có lợi thế lớn ở chỗ ông ấy nắm đội tuyển Việt Nam khi đội tuyển đã gần như xuống đáy rồi, nên ông Park không hề gặp áp lực ở giai đoạn đầu nắm đội tuyển.
Sau đó, ông Park lại sở hữu dàn cầu thủ giàu tài năng, giàu khát khao thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trước khi giúp họ thăng hoa. HLV Troussier đến trong bối cảnh cần phải làm mới, ông ấy đặt ra mục tiêu mới, xây dựng lối chơi mới, dựa trên thế hệ cầu thủ mới. Chỉ có điều ông Troussier hơi nóng vội, nên ông ấy thất bại và cũng đã chịu trách nhiệm cho thất bại của mình.
Giờ HLV Kim Sang Sik thay HLV Troussier, ông Kim cố gắng rút kinh nghiệm từ các HLV trước mình. Giai đoạn đầu, HLV Kim Sang Sik thử nghiệm thế hệ cầu thủ từ thời HLV Park Hang Seo, để đánh giá năng lực và khát khao cống hiến của những người này.
Hiện tại, HLV Kim Sang Sik đã thấy ai trong thế hệ đấy đạt yêu cầu của mình, ai không đạt. Thời gian gần đây, HLV Kim Sang Sik bổ sung thêm nhiều cầu thủ trẻ từng được phát hiện bởi HLV Troussier.
Đó là cách làm hợp lý, nhưng chúng ta dành thời gian cho ông Kim ở điểm này: Cầu thủ có kinh nghiệm không ít người đã hết khát khao, năng lực cũng không còn như xưa. Ngược lại cầu thủ trẻ, cầu thủ mới giàu khát khao, nhưng năng lực chưa theo kịp kỳ vọng. Đấy cũng là một đặc thù của bóng đá Việt Nam.
Vậy để hoàn thành mục tiêu (vào chung kết) AFF Cup 2024, đội tuyển Việt Nam cần làm gì, thưa ông?
- Chờ đội hình của HLV Kim Sang Sik đi vào ổn định. Thể lực và phong độ của các cầu thủ cần phải cải thiện rất nhiều. Ví dụ như bàn thua của đội tuyển Việt Nam trước Ấn Độ hôm 12/10 chính là kết quả của việc thể lực không đảm bảo. Quế Ngọc Hải hụt hơi, để cho cầu thủ tấn công bên phía Ấn Độ vượt qua và ghi bàn.
Ấn Độ chưa phải là đối thủ quá mạnh, họ cũng không hề chơi với cường độ quá cao, nhưng chúng ta lại hụt hơi ở cuối trận, chứng tỏ thể lực của toàn đội hiện không tốt. Hy vọng điều này được cải thiện khi các trận đấu ở V-League diễn ra đều đặn hơn trong thời gian tới.
V-League là nền tảng tạo nên chất lượng các cầu thủ. Vì thế, giải đấu phải tốt để giúp ích cho thể lực và phong độ của các cầu thủ được nâng lên. Ngoài ra, công tác trọng tài tại giải đấu này cũng cần phải tốt hơn, vì những tiếng còi công tâm và dứt khoát của các trọng tài V-League chính là góp phần bảo vệ các tuyển thủ quốc gia tránh khỏi những chấn thương.
Giai đoạn tập trung của đội tuyển ngay trước AFF Cup cũng rất quan trọng, đấy là giai đoạn sẽ giúp HLV Kim Sang Sik có lời giải cho mọi bài toán liên quan đến đội tuyển. Có lẽ chúng ta sẽ tính từng bước một, đầu tiên phải đưa được đội tuyển vượt qua vòng bảng, sau đó sẽ tính tiếp đến việc vượt qua bán kết, rồi chung kết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!