DMagazine

Chuyên gia châu Âu: "Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex"

(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia Richard Harcus đưa ra quan điểm rằng HLV Philippe Troussier cần nhiều thời gian để vận hành trơn tru hệ thống các cấp độ đội tuyển Việt Nam.

Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia bóng đá người Scotland, Richard Harcus đưa ra quan điểm rằng HLV Philippe Troussier cần nhiều thời gian để vận hành trơn tru hệ thống các cấp độ đội tuyển quốc gia Việt Nam, tuy nhiên thành công hay thất bại còn nằm ở cả hệ thống bóng đá.

Xin chào ông Richard Harcus, cảm ơn ông vì đã tham gia cuộc phỏng vấn với Dân trí. Mọi chuyện có vẻ khởi đầu không mấy suôn sẻ đối với HLV Philippe Troussier, U23 Việt Nam đã đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng với 2 trận thua đậm và một thất bại sau loạt đá luân lưu. Ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải giao hữu quốc tế U23 Doha Cup 2023?

- Trước nhất, tôi muốn nói rằng chẳng việc gì phải hoảng loạn cả. Không ai thích thất bại, không phải các cầu thủ, không phải huấn luyện viên, không phải nhà báo và chắc chắn không phải người hâm mộ. Chuyện người hâm mộ âu lo là điều đương nhiên.

Nhưng bạn phải có cái nhìn rộng hơn và thấy rằng Việt Nam đang đương đầu với những đối thủ trình độ cao. Đó là điều đầu tiên cần tính đến. Thứ hai, không phải mọi thứ đều "vào vị trí" ngay lập tức.

Một huấn luyện viên mới muốn áp dụng ý tưởng mới và đội bóng trở thành nơi phản chiếu cách ông ta xây dựng lối chơi lẫn phong cách.

Đánh giá ngay bây giờ là quá sớm và không hợp lý. Chúng ta cũng phải rất cẩn trọng để không đặt quá nhiều áp lực lên đội U23. Họ còn trẻ, còn học hỏi và phát triển. Mối quan tâm của tôi là nếu họ không bao giờ tạo ra cơ hội, thì điều tôi lo lắng là họ không bao giờ ghi được bàn thắng.

Nhưng thực tế họ tạo được những cơ hội và theo thời gian, bàn thắng sẽ đến. Trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến sự tiến bộ của đội tuyển và các bàn thắng sẽ đến. Ông Troussier không phải là người mới, ông ấy biết những kỳ vọng của cả nước và khả năng của các cầu thủ.

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 1

Tuy U23 Doha Cup chỉ là giải giao hữu dành cho lứa tuổi U23 nhưng kết quả này gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó, gây tranh cãi nhiều nhất là quan điểm muốn nâng cao thời gian kiểm soát bóng trên sân của ông Troussier. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, các cấp đội tuyển Việt Nam đã rất thành công với lối chơi phòng ngự. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Lối chơi kiểm soát bóng liệu có phù hợp với cầu thủ Việt Nam?

- Như tôi đã đề cập, đội tuyển Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lối chơi dựa trên việc kiểm soát bóng. Tuy nhiên, ý tưởng này rất khác nhau tùy thuộc vào từng HLV. Ý tôi là điều gì làm nên lối chơi kiểm soát bóng?

Có phải chuyền bóng quẩn quanh cầu toàn ở 1/3 phần sân hậu tuyến (Chú giải sân bóng được chia làm 3 phần hậu tuyến Defensive Third, trung tuyến Middle Third và tiền tuyến Offensive Third), với rất ít đường chuyền đưa bóng về phía trước, hay dồn quân tấn công, kéo dãn hàng phòng ngự đối phương bằng cách kiểm soát bóng ở khu vực trung tuyến và tiền tuyến?!

Đôi khi, chúng ta rất dễ chú tâm hoàn toàn vào những điều tiêu cực, đặc biệt sau các trận thua. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta đang nói về UAE và Iraq, những đội bóng rất chất lượng.

Để thay đổi và phát triển, cần phải mất thời gian. Các cầu thủ dễ mệt mỏi khi phải đuổi theo trái bóng và chúng ta đã thấy điều này xảy ra, mặc dù tôi hoàn toàn đồng ý rằng thể lực của các cầu thủ Việt Nam rất tốt.

Tuy nhiên, ông Troussier và các cộng sự nhận thức được giới hạn của các cầu thủ và đang cố gắng nâng cao trình độ, không để họ đứng im một cách thụ động trên sân. Nếu muốn chơi bóng tốt hơn và tiến xa tại các giải đấu lớn, đây là cách để các đội nâng cao trình độ.

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 3

Trình độ của thế hệ U23 Việt Nam hiện tại so với thế hệ Quang Hải, Văn Hậu hay Công Phượng, Văn Toàn như thế nào thưa ông? Phải chăng đào tạo trẻ ở Việt Nam vẫn thiếu sự ổn định để phát triển bền vững?

- Những câu hỏi như thế này luôn khó để trả lời nhất. Không phải vì tôi không biết câu trả lời hoặc không có quan điểm cá nhân về vấn đề này. Tuy nhiên, nói đơn giản thế này, nếu tôi đưa câu hỏi ngược lại cho bạn và độc giả rằng, bạn nghĩ gì về việc phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam?

Bạn nghĩ rằng đã có cấu trúc phát triển tài năng trẻ chưa? Bạn có tự hào khi nhìn vào V-League không? Bạn có đi xem các trận đấu ở V-League vì bạn biết rằng bạn đang hỗ trợ và giúp đỡ các CLB, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đội tuyển quốc gia? Nếu không, tại sao không? Nếu bạn là bậc cha mẹ có con trai (hoặc con gái) sở hữu tài năng để chơi bóng, lựa chọn của bạn là gì?

Bạn sẽ đưa con bạn đến đầu để được phát triển? Trong một đất nước rộng lớn như Việt Nam, với dân số đông đúc và tình yêu bóng đá sâu sắc, liệu chỉ có một vài học viện đào tạo cầu thủ trẻ như PVF hay Hoàng Anh Gia Lai có đủ không?

Chắc chắn các đội bóng địa phương, thông qua liên đoàn bóng đá địa phương, đều có lò đào tạo trẻ, nhưng liệu có đủ về số lượng lẫn chất lượng? Các lò ấy có nằm trong một chiến lược nào không? Chiến lược là gì? Tầm nhìn là gì? Mục tiêu là gì? Bạn biết không? Tôi thì không!

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 5

Nếu chỉ đơn giản nói là "Giành vé dự World Cup" thì mọi Liên đoàn bóng đá đều sẽ nói như vậy, trừ Argentina, Anh, Brazil, Italy, những cường quốc bóng đá, nơi mục tiêu không phải giành vé mà là vô địch World Cup. Vậy chúng ta phải hỏi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã làm gì cho kế hoạch này. Chiến lược toàn quốc của VFF là gì?

Họ có đưa các huấn luyện viên đủ năng lực vào các học viện không, có đưa các nhà tuyển trạch đủ năng lực đến các trường học không, có tìm kiếm tài năng từ các tỉnh thành không, họ đang phát triển các huấn luyện viên ở địa phương như thế nào? Những huấn luyện viên đó có được đưa vào cơ sở dữ liệu trên cả nước không?

Các huấn luyện viên đó có được kiểm tra lý lịch và đào tạo sơ cấp cứu không? VFF có đầu tư cho các chương trình cấp cơ sở không?

Rất nhiều câu hỏi và nhiều hơn thế nữa. Tôi đặt câu hỏi vì tôi thật sự quan tâm, không phải vì đây là mục tiêu dễ dàng hay gây rắc rối cho ai đó. Tôi đặt câu hỏi vì có giải pháp cho tất cả các câu hỏi này. Câu trả lời chung từ các liên đoàn (không chỉ ở Việt Nam) là họ không có đủ ngân sách.

Nhưng khi bạn trả lời họ rằng có nguồn tài trợ từ AFC và FIFA và các tổ chức khác, thì họ còn gì để nói nữa? Tôi thực sự muốn giải quyết tất cả các vấn đề này trước khi chúng ta tự đặt câu hỏi, đội U23 hiện tại có tốt hơn Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng và Văn Toàn không...?

Bởi vì, tôi không nghĩ bạn có thể nói ngay bây giờ và tôi cũng không nghĩ rằng đó là điều quan trọng ở giai đoạn này.

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 7

Vậy theo ông, bóng đá Việt Nam cần bao nhiêu học viện bóng đá chuyên nghiệp và chất lượng để vươn tới tầm cao mới?

- Mỗi đội bóng tại V-League lẫn hạng Nhất, hạng Nhì nên có một học viện được công nhận và hỗ trợ. Tất cả các đội bóng đều nên có các "trung tâm hỗ trợ" cục bộ tại mỗi Liên đoàn địa phương. Tất cả các đội bóng này nên tuân thủ cùng một chiến lược, cách chơi và điều này nên được lãnh đạo từ trên xuống.

Đất nước cần có một chiến lược nhận diện và phong cách chơi bóng. Điều này nên được giảng dạy tại mỗi "trung tâm hỗ trợ", để có sự thống nhất về phong cách và lối chơi. Hiện tại, chúng ta không thấy điều đó xảy ra.

Các CLB đang gặp khó khăn tài chính, mặc dù họ không nên vậy. Các cơ cấu hỗ trợ đang được đưa vào. Theo quan điểm của tôi, có quá nhiều người, kể cả người nước ngoài, đang làm việc trong nền bóng đá Việt Nam, trong huấn luyện bóng đá và trong quản lý CLB mà đơn giản là không đủ năng lực để đảm đương công việc ấy.

Tôi biết chắc rằng một số độc giả sẽ nghĩ rằng tôi nói như vậy là do tôi không làm việc tại một CLB và tôi đang ghen ăn tức ở. Nhưng sự thật là, bao lâu nữa một số người sẽ sử dụng điều đó như một lý do và không nhìn vào bức tranh lớn hơn?

Tôi đang làm việc với một số CLB lớn nhất ở Châu Âu và tôi cũng làm việc với các CLB chuyên nghiệp trên khắp khu vực ASEAN, chỉ trừ Việt Nam, nhưng tôi sống tại Việt Nam, yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 9

Có ý kiến cho rằng người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá nhưng phải là bóng đá chiến thắng. Nếu đội bóng thất bại, người hâm mộ sẽ quay lưng. Sau một thời gian gắn bó với Việt Nam, ông cho rằng điều đó có đúng không? Nếu HLV Troussier tiếp tục thất bại, chẳng hạn tại SEA Games, liệu ông ấy có bị quay lưng?

- Tôi không nghĩ rằng người Việt sẽ quay lưng với những người hùng đất nước. Nhưng nhiều người đã quay lưng với các CLB và thật sự, không thể trách cứ họ vì điều đó. Các CLB xuất phát từ cộng đồng. Đó là cách thức hoạt động từ nơi tôi đến và đó là cách tôi tin nên làm theo.

Tôi không muốn thấy Việt Nam trở thành Singapore, nơi có một sân vận động quốc gia trống rỗng và giải vô địch quốc gia chết dần, chết mòn. Tôi không muốn thấy người Việt quan tâm nhiều hơn đến các CLB bóng đá ở châu Âu hơn là đội tuyển của chính mình, nhưng đáng tiếc điều đó đang xảy ra.

Về phần HLV Troussier, tôi hy vọng ông ấy được tạo điều kiện về mặt thời gian. Sir Alex Ferguson từng bị sa thải bởi một CLB tại Scotland tên là St Mirren và ông gần như bị sa thải bởi Manchester United.

Tôi không nói rằng Troussier là Alex Ferguson, nhưng điều tôi muốn nói là ông ấy cần có nhiều thời gian. Ông ấy cần có thời gian, công cụ và những cộng sự đủ năng lực để thành công. Tôi không chắc liệu điều đó đang xảy ra hay không!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chuyên gia châu Âu: Hãy kiên nhẫn với Troussier như Man Utd với Sir Alex - 11

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp