(Dân trí) - 15 năm sau ngày rời Old Trafford với câu chuyện pizza trên máy bay, Casemiro, đứa trẻ bị cha bỏ rơi đã trở thành tiền vệ phòng ngự hàng đầu thế giới và gia nhập Man Utd với rất nhiều kỳ vọng.
15 năm sau ngày rời Old Trafford với câu chuyện pizza trên máy bay, Casemiro, đứa trẻ bị cha bỏ rơi đã trở thành tiền vệ phòng ngự hàng đầu thế giới và gia nhập Man Utd với rất nhiều kỳ vọng.
Không phải ngôi sao sáng chói trong màu áo trắng kiêu hãnh của Real Madrid, Casemiro sắm vai kẻ phản diện, người dọn dẹp, hay ví von một cách hình tượng là động cơ của Bentley cáu cạnh. Sở dĩ phải so sánh như vậy là bởi sự tương đồng hoàn cảnh trong nhiệm kỳ thứ nhất và thứ hai làm Chủ tịch CLB Real Madrid của ngài Florentino Perez. Rõ ràng, lịch sử luôn phát triển theo hình xoắn ốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ngài Perez đã tạo dựng nên Los Galacticos (Dải ngân hà) lung linh huyền ảo, quy tụ những ngôi sao (Galactico) Raul, Figo, Zidane, Ronaldo, Beckham. Có thể nói, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha thời điểm đó là hội tụ tinh hoa của cả một thế hệ.
Nhưng, để có chỗ cho tài tử bóng đá Beckham, Perez đã có quyết định ngớ ngẩn nhất sự nghiệp là bán đi tiền vệ phòng ngự Makelele.
Zinedine Zidane, ngôi sao đắt giá nhất của Los Galacticos phải thốt lên: "Dát vàng cho chiếc Bentley làm gì khi không còn động cơ". Fernando Hierro, thủ quân trong nửa đầu kỷ nguyên Los Galacticos thì đánh giá: "Makelele là tiền vệ quan trọng nhất nhưng lại không được thừa nhận nhất".
Phần còn lại là bài học lịch sử. Real Madrid không Makelele là gã khổng lồ chân đất sét. Đội bóng Hoàng gia ngày càng sa sút và hậu quả là Perez phải tuyên bố từ chức vào đầu năm 2006.
Hơn 10 năm sau, Real Madrid và Florentino Perez tìm thấy Makelele thứ hai: Casemiro đến từ Sao Paulo, Brazil. Lầm lì và tàn độc, thầm lặng và tinh quái, Casemiro như đao phủ chặt đứt những mầm mống uy hiếp của đối phương, tạo cơ hội cho đôi chân của Los Galacticos 2.0 như Toni Kroos, Luka Modric, Karim Benzema, Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale nhảy múa và thăng hoa.
Và, dĩ nhiên, lần này Real Madrid và Florentino Perez chẳng dại gì rao bán Casemiro. Tiền vệ người Brazil gắn bó với Santiago Bernabeu ngót nghét 10 năm, giành 3 danh hiệu La Liga, đăng quang Champions League danh giá 5 lần và chinh phục hằng hà sa số mốc son chói lọi khác. Thập kỷ vừa qua, anh cũng được đánh giá là tiền vệ phòng ngự đẳng cấp và thành công bậc nhất.
Đến mùa hè 2022, ở tuổi 30, Casemiro mới chia tay Real Madrid để gia nhập Manchester United, đội bóng chìm sâu trong khủng hoảng và đang cùng tân HLV Erik Ten Hag nỗ lực vẫy vùng thoát ra. Như tiền vệ này thừa nhận trong buổi họp báo ra mắt, anh không gia nhập Man Utd vì tiền.
Casemiro đã đủ khả năng tài chính chăm sóc cho những đứa con, không như cầu thủ này đã bị cha bỏ rơi khi mới 5 tuổi.
Tiền vệ người Brazil gia nhập Man Utd để chinh phục những thử thách mới. Đó là phẩm chất của một người giàu ý chí và khát khao.
Casemiro sinh ra và lớn lên ở xóm lao động nghèo ngoại ô thành phố San Jose Dos Campos, bang Sao Paulo, Brazil. Năm Casemiro lên 5 tuổi, cha cậu bỏ đi, để lại cậu và hai đứa em bơ vơ cùng bà mẹ Maria. Bà phải tìm mọi phương cách để kiếm sống. Và trong vai trò của đứa con cả, Casemiro sớm ý thức được vai trò, vươn lên thay người cha vô trách nhiệm trở thành rường cột của gia đình.
Hoàn cảnh nảy sinh cốt cách, ý chí mạnh mẽ, sự lì lợm và cả khả năng lãnh đạo của Casemiro được hình thành từ những ngày bơ vơ đói nghèo ấy. "Bây giờ, tôi không còn nhận ra ông ta nữa", cậu bé bị bỏ rơi thuở nào chia sẻ. "Ông ta đã đánh mẹ tôi và bỏ đi khi tôi mới lên 5, để lại cả gia đình cho mẹ tôi gồng gánh. Tôi vẫn muốn gặp lại ông ta vì tôi không còn hận thù gì với ông ta nữa. Đó là những gì Chúa muốn. Đó là lý do tại sao tôi luôn để mọi chuyện diễn ra thuận tự nhiên".
Thuở thiếu thời, nhà Casemiro nghèo tới nỗi năm 11 tuổi, cậu đã bị sốc vì điều kiện sinh hoạt tại đội trẻ Sao Paulo. Lần đầu tiên trong đời cậu có phòng riêng, được ăn uống ê hề, nằm máy lạnh và xem ti-vi.
Không chỉ những điều kiện sinh hoạt cơ bản, ngay cả một hũ sữa chua cũng là thứ xa xỉ với Casemiro. "Lúc bé, tôi luôn muốn uống thứ này nhưng nhà tôi không bao giờ đủ tiền. Thực ra nó không tốn kém lắm đâu, khoảng 20 xu thôi", anh rớt nước mắt nhớ lại.
Chính ký ức nghèo khổ giúp Casemiro trở nên mạnh mẽ và các đồng đội tại Real Madrid khuyên tiền vệ người Brazil nên trở thành HLV sau khi treo giày, anh sẽ trở thành chiến lược gia đẳng cấp thế giới. Như chuyên gia bóng đá Tây Ban Nha, Raimundo chia sẻ trên tờ The Sun: "Xuất thân nghèo khó giúp tạo nên tính cách Casemiro. Cậu ấy là một thủ lĩnh vì hiểu rõ nguồn gốc bản thân. Điều đó luôn ăn sâu trong tâm trí.
Casemiro từng là thủ lĩnh tại Real Madrid, một cầu thủ có tiếng nói trọng lượng. Các cầu thủ Brazil như Vinicius, Rodrigo hay Militao luôn xem anh là thủ lĩnh trong phòng thay đồ. Cậu ấy không cần tấm băng thủ quân để trở thành lãnh đạo. Tôi nghĩ điều tương tự sẽ xảy ra ở Man Utd".
Nhắc đến pizza tại Old Trafford, giới mộ điệu dễ dàng liên tưởng đến "Battle of Buffet" trong đường hầm giữa cầu thủ Man Utd và kình địch Arsenal vào năm 2005. Tuy nhiên, riêng tân binh của Man Utd và những người quen biết anh có một ký ức khác về món bánh nổi tiếng của người Italy tại Old Trafford.
Năm đó Casemiro 15 tuổi, anh cùng các đồng đội tại đội trẻ Sao Paulo đến Manchester tham dự Nike Cup, giải bóng đá trẻ danh giá quy tụ hầu hết các đội bóng lớn. Đội trẻ Sao Paulo lúc ấy quy tụ những tài năng đầy hứa hẹn như Lucas Moura, Oscar hay Rodrigo Caio. Đội bóng này đã tiến tới tận chung kết và chỉ chịu thua đội trẻ Barca, với những sản phẩm của lò La Masia lừng lẫy.
Ký ức về trận chung kết phần nào phai nhạt, nhưng phản ứng của Casemiro thì có lẽ vẫn còn sống động trong từng đồng đội lẫn ban huấn luyện. "Trước khi đối đầu với Barca, chúng tôi đã đánh bại Schalke 04 ở bán kết và quyết định gọi pizza để ăn mừng", Bruno Petri, HLV trưởng của đội trẻ Sao Paulo nhớ lại. "Nhưng sau thất bại ở trận chung kết, Casemiro thực sự nổi điên trong chuyến bay trở về nhà".
"Ngay cả với nỗi buồn của một HLV, tôi cũng nghĩ thằng bé phản ứng thái quá, đặc biệt ở độ tuổi như vậy. Vì thế, tôi đã hỏi thằng bé: "Tại sao bức xúc thế, Casemiro?". Và thằng bé lý giải: "Em không nghĩ chúng ta nên mua pizza về ăn trước trận chung kết". Tôi không nói nên lời. Điều đó cho thấy thằng bé thèm khát chiến thắng và quan tâm tới toàn đội như thế nào".
Thái độ chuyên nghiệp và khát khao chinh phục ấy không bị pha loãng theo thời gian, kể cả khi Casemiro đã đạt tới đỉnh cao danh vọng cùng Real Madrid và bây giờ chuyển sang khoác áo Man Utd. Ngày ra mắt, tân binh của Quỷ đỏ thành Manchester bộc bạch: "Thành thật mà nói, tôi đã trở lại đây sau 15 năm. Tôi không biết nhiều người nhớ chuyện này không, nhưng tôi đã chơi bóng ở đây năm 15 tuổi".
"Khi tôi ở Sao Paulo, và lướt qua tâm trí là viễn cảnh chơi bóng ở đây. Rốt cuộc, 15 năm sau, tôi trở lại đây để khoác áo Manchester United và đó không còn là giấc mơ hoang đường. Thật sự khi tham dự Nike Cup, tôi đã ao ước đến đây và bây giờ, tôi đã ở đây. Tôi là người hạnh phúc nhất khi được sống lại kỷ niệm", anh nói.
Thi đấu ở vị trí nhạy cảm và dễ ăn thẻ nhất trên sân, Casemiro tỉ mẩn tới mức trước mỗi trận đấu, anh đều thu thập thông tin về trọng tài sẽ điều khiển trận đấu sắp tới, bao gồm danh tiếng của vị vua áo đen, biệt danh ưa thích, quê quán, công việc chính và phong cách điều khiển trận đấu.
Không chỉ vậy, Casemiro đã học tiếng Anh từ vài năm trước, không phải khi quyết định gia nhập Man Utd. Nguyên do là tiền vệ người Brazil muốn cải thiện khả năng giao tiếp với trọng tài. Anh tin rằng việc dùng tiếng Anh sẽ là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng, nhưng cũng là thứ có thể giúp mang lại lợi thế cho anh và đồng đội.
"Cậu ấy thi đấu ở vị trí phải nói chuyện nhiều với trọng tài và dễ bị ăn thẻ. Vì thế, điều quan trọng là họ phải hiểu những gì cậu ấy nói và cậu ấy cũng có thể tranh luận với họ nếu cần", Bruno dos Anjos, đồng đội cũ và là một trong những người bạn thân nhất của Casemiro lý giải.
Và không chỉ giỏi "nịnh nọt" trọng tài, sẽ là sai lầm nếu hình dung tiền vệ người Brazil là mẫu tiền vệ phòng ngự băm bổ chỉ nhăm nhăm sử dụng chiêu "tiều phu đốn củi", thực tế tân binh của Man Utd là máy quét với trí thông minh phòng ngự vượt trội.
Anh giỏi phán đoán vị trí và luôn biết cách dự đoán chuyển động của đối phương để đưa ra phương án ngăn chặn hợp lý. Tiền vệ này tinh quái như một con thú săn mồi để biết thời điểm thích hợp để ập vào. Bởi vậy, Casemiro hiếm khi bị phạt thẻ.
Dĩ nhiên, thể chất và kỹ năng của tiền vệ người Brazil là miễn bàn. Anh đô con như một lực sỹ, mạnh mẽ như một võ sỹ, gan lì như một chiến sỹ, nhưng khi cần cũng có thể chơi bóng như một nghệ sỹ. Không ít lần trong màu áo Real Madrid, Casemiro tham gia giải quyết trận đấu bằng đường chuyền phát động tấn công hoặc cú "nã đại bác" tầm xa.
Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy mùa trước tại La Liga, Casemiro thực hiện trung bình 65 đường chuyền mỗi trận, với tỷ lệ chính xác 86%. Đây cũng là khía cạnh tuyến giữa Man Utd vô cùng thiếu.
Cái cách De Gea lóng ngóng chuyền bóng, Maguire lơ ngơ tìm đồng đội mỗi khi triển khai bóng từ sân nhà hay Eriksen mất bóng trong bất lực ngay trước vòng cấm địa là minh chứng sống động cho việc HLV Erik Ten Hag loay hoay như thế nào với bài toán triển khai bóng từ sân nhà. Casemiro sẽ giúp nhà cầm quân người Hà Lan xử lý vấn đề này, như cái cách anh xử lý mọi mầm mống uy hiếp khung thành của đối phương.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Đỗ Diệp