DMagazine

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League

(Dân trí) - Ngày 13/12 tới, Man Utd sẽ tiếp đón Bayern Munich trên sân nhà Old Trafford, trong trận đấu sống còn tại Champions League của thầy trò HLV Erik Ten Hag…

Ngày 13/12 tới, Man Utd sẽ tiếp đón Bayern Munich trên sân nhà Old Trafford, trong trận đấu sống còn tại Champions League của thầy trò HLV Erik Ten Hag…

Tại bảng A sau 5 lượt trận, gã khổng lồ bóng đá Đức Bayern Munich chắc suất vào vòng trong kèm theo ngôi đầu bảng, khi đã có 13 điểm. Tấm vé còn lại là cuộc chiến giữa Man Utd, Galatasaray và Copenhagen. Galatasaray và Copenhagen lần lượt chia nhau vị trí thứ hai và thứ ba với cùng 5 điểm. Man Utd, 4 điểm, đứng đội sổ.

"Quỷ đỏ" thành Manchester chỉ vượt qua vòng bảng nếu giành chiến thắng trước Bayern Munich, đồng thời trận đấu còn lại kết thúc bất phân thắng bại. Khi ấy, Galatasaray và Copenhagen có 6 điểm còn Man Utd vươn lên vị trí thứ hai với 7 điểm. Trong bất cứ trường hợp nào khác, Man Utd đều bị loại.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 2

Người hâm mộ Man Utd hẳn nhiên vô cùng tiếc nuối bởi thầy trò Ten Hag đã "cầm vàng lại để vàng rơi" ở lượt trận thứ 5. Làm khách tại Thổ Nhĩ Kỳ, thầy trò Ten Hag đã dẫn 3-1 cho đến phút 60 nhưng rốt cuộc họ lại bị ngược dòng gỡ hòa 3-3.

Gắn mác tội đồ tại Istanbul là thủ thành Andre Onana. Sau hồi còi mãn cuộc tại Istanbul, Thủ môn người Cameroon đứng lẻ loi một mình trong vòng cấm địa. Onana bực tức ném găng tay xuống thảm cỏ và lấy tay ôm mặt, vẻ thất vọng và xấu hổ tột cùng.

Thủ thành Man Utd không hẳn chỉ có thảm họa. Suốt 5 lượt trận đã qua ở vòng bảng Champions League, Onana là sự pha trộn giữa người hùng và tội đồ. Anh có những pha phân phối bóng uyển chuyển bên ngoài vòng cấm và cứu thua trên chấm phạt đền phút cuối, nhưng cũng thường xuyên để lọt lưới ở những tình huống tưởng chừng đơn giản.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 4

Màn trình diễn của thủ thành Cameroon kịch tính, khó lường và rối bời in hệt những gì Man Utd phô diễn. Theo thống kê, Man Utd đã nhận 14 bàn thua tại Champions League. Chỉ có Antwerp tại bảng H thủng lưới nhiều hơn, với 15 bàn sau 5 trận.

Trong chuyến làm khách của Galatasaray, trận đấu thầy trò Ten Hag không được phép thua, thủ thành Onana lại trở thành tâm điểm chỉ trích vì những sai sót không thể bào chữa.

Thực tế, cả thủ môn Onana lẫn Man Utd đều khởi đầu thuận lợi. Bàn thắng mở tỷ số của Man Utd, do Alejandro Garnacho thực hiện, Onana góp công không nhỏ. Thủ thành người Cameroon là người khởi xướng đợt lên bóng bên hành lang phải bằng đường chuyền cho Aaron Wan-Bissaka.

HLV Ten Hag hẳn rất hãnh diện vì cậu học trò đã "chơi bóng ngoạn mục" như ông mong muốn. Nhưng, sau rất nhiều trải nghiệm, có lẽ phần lớn người hâm mộ "Quỷ đỏ" đều cảm thấy thót tim khi Onana "chơi" bóng.

Vị chiến lược gia người Hà Lan đã miêu tả màn trình diễn của Man Utd trên mặt trận tấn công bằng mỹ từ "biến hóa" và "can đảm". Cả 3 bàn thắng của "Quỷ đỏ" đều ấn tượng, xuất phát từ những pha dàn xếp tấn công chất lượng.

Dù vậy, thành quả của Man Utd đã bị phá bỏ vì những sai lầm từ phía hàng phòng ngự, vấn đề xuyên suốt của đội bóng này từ đầu mùa, với Onana là nhân vật chính.

Sau thất bại 3-4 trước Bayern Munich ở lượt trận mở màn, thủ thành người Cameroon bị chỉ đích danh là nguyên nhân khiến Man Utd phải nhận những bàn thua quá dễ dàng. Onana cũng đứng ra nhận trách nhiệm. "Tôi đã khiến toàn đội thất vọng. Vì tôi mà chúng tôi không thể chiến thắng", anh nói.

Nhưng đến trận hòa Galatasaray, Onana không còn đủ can đảm bước lên nhận trách nhiệm và người hâm mộ cũng không muốn nghe bất cứ giải trình nào nữa. Trong bàn thua đầu tiên, thủ thành người Cameroon đoán sai hướng bóng.

Bàn thua thứ hai, thật khó để hiểu người gác đền 27 tuổi này làm gì trong khung gỗ. Một sai lầm ngớ ngẩn. Đến bàn thua thứ ba, có thể Akturkoglu bên phía Galatasaray đã có pha dứt điểm quá hay, nhưng Onana tiếp tục chọn sai vị trí khi đứng không đúng chỗ để khép góc gần, nơi trái bóng hướng tới.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 6

Một tình huống "kinh hoàng" khác diễn ra ở thời điểm Man Utd mới dẫn 1-0, Onana chuyền bóng ngay vào chân đối phương. Hậu quả chưa đến nhưng cũng đủ để khiến thủ thành này phải bẽ bàng.

"Chúng tôi đã phải nhận những bàn thua thực sự tồi tệ", thủ quân Bruno Fernandes chia sẻ về màn trình diễn của toàn đội. "Tất cả phải nâng cao ý thức và chịu trách nhiệm cho những sơ suất của bản thân mình".

Ở trận lượt đi giữa hai đội trên sân Old Trafford, Onana cũng chuyền hỏng và để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó là chiếc thẻ đỏ của Casemiro và một quả phạt đền. Kết quả Man Utd thua 2-3. Dường như Onana đã vượt qua được áp lực trong chiến thắng tối thiểu 1-0 của Man Utd trước Copenhagen trên sân nhà.

Thủ thành người Cameroon là người hùng với pha cản phá cú đá phạt đền của Jordan Larsson ở thời khắc cuối cùng trận đấu. "Tôi chỉ làm việc của mình, bình tĩnh, không áp lực và cố gắng hết sức", giọng điệu Onana khác hẳn sự sám hối trước Bayern Munich.

Theo thống kê từ Opta, Onana đã mắc tới 7 lỗi dẫn đến bàn thua tại Champions League, tính từ mùa 2018-19 đến nay. Không ai mắc lỗi nghiêm trọng nhiều như thủ thành người Cameroon. Số lần mắc lỗi của người xếp thứ hai trong danh sách chỉ bằng phân nửa.

Những sai lầm của thủ môn Onana đã khiến Man Utd phải trả giá đắt. Song, tại Old Trafford, chung quanh thủ thành Cameroon ai cũng ít nhiều bị hoài nghi và chỉ trích. Từ Harry Maguire, Wan-Bissaka, Casemiro, Marcus Rashford, kể cả thủ quân Bruno Fernandes hay HLV Ten Hag, tất cả đều từng bước lên "đoạn đầu đài" từ dư luận.

Chung quy lại, dù ai đến Man Utd sớm muộn đều mang danh tội đồ hay nói cách khác đội bóng này là một đội quân ô hợp của những tội đồ.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 8

Mâu thuẫn rất kỳ lạ, nếu Champions League là cơn ác mộng phòng ngự thì tại Premier League, Man Utd lại gặp vấn đề về hàng công. Man Utd mới chỉ ghi 18 bàn thắng, bằng phân nửa thành tích các đội trong tốp 6 và chỉ ghi nhiều bàn thắng hơn 4 đội khác, bao gồm 3 đội nằm trong nhóm cầm đèn đỏ.

Chân sút số một đội bóng này là Scott McTominay, một tiền vệ. Hệ quả là thầy trò HLV Ten Hag đang xếp thứ 6 sau 16 vòng đấu, vị trí dần trở nên quá quen thuộc với "Quỷ đỏ" thời hậu Sir Alex, đặc biệt trong vài năm trở lại đây. Từ mùa 2018-19 đến nay, có 2 mùa giải Man Utd kết thúc ở vị trí thứ 6.

Thành tích ngày càng đi xuống, bản lĩnh của Man Utd cũng chẳng còn. Chiến thắng gần nhất của Man Utd trước một đội nằm trong top 8 đội dẫn đầu đã cách đây hơn 2 năm, đó là trận thắng Tottenham với tỷ số 3-0 vào tháng 10/2021.

Tính riêng triều đại HLV Ten Hag, Man Utd chưa thắng nổi trận nào trong những chuyến làm khách đến sân những đội nằm trong top 9 đội dẫn đầu, tức phân nửa số đội tại Premier League.

12 trận đấu với Brentford, Manchester City, Aston Villa, Arsenal, Liverpool, Newcastle, Tottenham, West Ham và Brighton, Man Utd thua 11, hòa 1, nhận 35 bàn thua và chỉ ghi 9 bàn thắng. Thất bại trước Newcastle phản ánh rõ vấn đề của Man Utd. Bởi lẽ những gì Man Utd mong muốn chính là những gì Newcastle thể hiện.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 10

Man Utd là đội bóng vô tổ chức. Ten Hag muốn biến "Quỷ đỏ" trở thành đội bóng có khả năng chuyển trạng thái lợi hại, nhưng đập vào mắt là những cầu thủ thi đấu tự phát. Ngược lại, Newcastle United biết rõ họ đang làm gì, phải làm gì và cần chuẩn bị điều gì trong từng tình huống.

Tại St James' Park, vị khách đến từ Manchester dường như không biết nên phát triển bóng bằng những đường chuyền ngắn từ sân nhà hay để thủ thành Onana phát bóng lên thật xa với hy vọng Anthony Martial có thể giữ bóng và tạo cơ hội cho các đồng đội ở tuyến trên. Dĩ nhiên, chẳng có phương án nào hữu hiệu.

Sau 18 tháng dẫn dắt Man Utd, chiêu mộ một vài cầu thủ như mong muốn, dấu ấn vị chiến lược gia Hàn Lan đặt lại vẫn là dấu hỏi. Ngay cả khi mất 11 cầu thủ vì chấn thương, bao gồm 5 người thường xuyên đá chính, HLV Eddie Howe của Newcastle United vẫn dẫn dắt các học trò thi đấu ấn tượng tới nỗi không quan trọng ai ra sân.

"Chúng tôi có kế hoạch cho Manchester United," Howe nói sau khi giành chiến thắng. Ten Hag không thể nói điều tương tự về Newcastle.

Man Utd là đội bóng không biết gây áp lực. Martial được chọn lĩnh ấn tiên phong tại St James' Park, và không nằm ngoài dự đoán, tiền đạo người Pháp chẳng gây ra phiền hà nào cho các hậu vệ Newcastle.

Martial không nỗ lực tranh cướp bóng và rất lười di chuyển. Và không chỉ Martial, các cầu thủ tấn công của Man Utd tổ chức gây áp lực (pressing) rất rời rạc, trái ngược với đội chủ nhà.

Onana là thủ môn chơi chân tốt, nhưng khả năng pressing ác liệt tầm cao từ Newcastle vẫn khiến hàng thủ Man Utd vỡ vụn. Nick Pope, thủ thành của đội chủ nhà, chơi chân kém hơn hẳn Onana, nhưng luôn thoải mái mỗi khi cầm bóng, vì không phải chịu áp lực tương tự.

Với Anthony Gordon, Alexander Isak và Miguel Almiron, Newcastle có tuyến pressing đầu tiên tràn đầy năng lượng và được hỗ trợ bởi các tiền vệ và hậu vệ cánh năng nổ. Kết quả là lối chơi kiểm soát bóng của Man Utd phá sản, thậm chí "Quỷ đỏ" không thể theo kịp cường độ chơi bóng của đội chủ nhà. 

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 12

Man Utd là đội bóng mất đoàn kết. Cho dù Rashford vung tay thể hiện nỗi thất vọng, Ten Hag cãi nhau với Martial hay trợ lý Steve McClaren kêu gào các cầu thủ vỗ tay chào khán giả sau khi trận đấu kết thúc, Man Utd đều không thể hiện được sự đoàn kết.

Hình ảnh ấy trái ngược với một Newcastle thấm đẫm tinh thần đồng đội trong phòng ngự, tấn công, hay hô hào đám đông người hâm mộ sau những pha bóng hay. Các cầu thủ khoác áo đội bóng gắn mác trọc phú này hóa ra lại chiến đấu hết mình vì nhau.

Nhiều lần Aaron Wan-Bisska bị vượt qua bên cánh phải, khi Tino Livramento xuyên phá vào khoảng không gian bao la do thiếu sự hỗ trợ từ Rashford. "Tôi không đánh giá các cầu thủ dựa trên màn trình diễn cá nhân", Ten Hag trả lời báo giới về phong độ của Rashford và cho biết sẽ nói chuyện riêng với cầu thủ này thay vì gửi thông điệp cho truyền thông.

"Tôi biết vấn đề này đang trở nên nổi cộm và Marcus trở thành tâm điểm chỉ trích. Chúng tôi vẫn ủng hộ cậu ấy và cậu ấy sẽ sớm lấy lại phong độ".

Dưới góc độ đội tuyển Anh, màn trình diễn của Rashford là một trời một vực nếu so với Gordon. Tiền đạo Newcastle không chỉ tỏa sáng đem về chiến thắng cho đội nhà mà còn cho thấy sự máu lửa trong từng tình huống hỗ trợ phòng ngự. Rashford bị thay ra ở phút 61 và tỏ vẻ đầy thất vọng.

Man Utd là đội bóng chất lượng kém vì mua bán cầu thủ cực kỳ kém cỏi. Man Utd đã chi khoảng 200 triệu bảng (254 triệu USD) trong kỳ chuyển nhượng hè nhưng không cải thiện được nhiều, ngoại trừ 5 bàn thắng tại Champions League của Rasmus Hojlund.

Cần lưu ý Newcastle có tiềm lực tài chính mạnh hơn, với sự đầu tư từ Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF). Song đội bóng này không hề phung phí tiền bạc. Các thương vụ được thực hiện khôn ngoan và hiệu quả, dưới sự điều hành của Dan Ashworth, Giám đốc thể thao, người từng khước từ đề nghị từ Man Utd để ở lại St James' Park.

Livramento là minh chứng điển hình. Đúng là cầu thủ này tiêu tốn của Newcastle số tiền 40 triệu bảng, nhưng Livramento là hậu vệ biên đa năng, có thể chơi ở cả hai cánh và sẵn sàng được triệu tập vào tuyển Anh.

Biểu đồ chạm bóng của cầu thủ này cho thấy sự cơ động cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Wan-Bissaka đắt gấp rưỡi Livramento và gần như chẳng biết làm gì ngoài tắc bóng. Ngoài Wan-Bissaka còn rất nhiều ví dụ khác.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 14

Man Utd đã đánh bại Chelsea với tỷ số 2-1 trên sân nhà Old Trafford bằng màn trình diễn đầy thăng hoa. Song, kết quả này không đảm bảo cho sự hồi sinh của "Quỷ đỏ", sau vô vàn trải nghiệm bi thương, hy vọng rồi thất vọng trong suốt hơn một thập niên thời hậu Sir Alex Ferguson.

Từ khi nhà cầm quân vĩ đại người Scotland về hưu, văn hóa chiến thắng của Man Utd dần mai một và đến hiện tại gần như không còn dấu tích. Dưới thời Sir Alex, Man Utd là thế lực thống trị. Đội bóng này vào sân bằng sự tự tin và niềm kiêu hãnh khiến mọi đối thủ phải e dè.

Thứ người hâm mộ chờ đợi và trở nên phấn khích là sự tận hiến, quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình của "Quỷ đỏ", để rồi giành lấy vinh quang bằng những cú ngược dòng ngoạn mục ở phút bù giờ. Kinh điển nhất là trận chung kết Champions League 1998-99.

Như một sự xếp đặt của số phận, Man Utd sẽ tiếp đón Bayern Munich trong trận đấu sống còn tại Champions League mùa này. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, thầy trò Ten Hag vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp để tiến vào vòng đấu loại trực tiếp.

Bi kịch của Man Utd và văn hóa chiến thắng bị đánh mất ở Champions League - 16

Nhưng, thật hão huyền nếu trông đợi Man Utd hiện tại lặp lại hành trình kỳ diệu như mùa giải 1998-99. Thời điểm đó, trong khung gỗ Man Utd là gã khổng lồ Peter Schmeichel. Trấn giữ hàng phòng ngự là hòn đá tảng Japp Stam.

Cặp tiền vệ "sen đầm" Paul Scholes và Roy Keane trấn áp bất kỳ khu trung tuyến nào của đối phương. Bên phải là Beckham với những quả tạt trứ danh. Bên trái là Ryan Giggs đầy tốc độ và kỹ thuật. Trên tuyến tiền đạo là cặp bài trùng Yorke-Cole, chưa kể Solskjaer luôn biết cách tỏa sáng trong vai trò "siêu dự bị".

Ten Hag không thể sánh với Sir Alex về tầm vóc. Đội hình trong tay chiến lược gia Hà Lan cũng thua kém đội hình của huyền thoại Scotland về chất lượng, tổ chức và tinh thần. Tựu trung, Man Utd đã trở thành đội bóng vô hồn, mất hết văn hóa chiến thắng.

Champions League là đấu trường đặc biệt. Để thành công không chỉ cần sức lực mà cả trí lực. Thế nên, Man Utd từ lâu đã không còn phù hợp với sân chơi chỉ dành cho những nhà vô địch này.

Thiết kế: Đức Bình

Nội dung: Ngọc Trung