DMagazine

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy

(Dân trí) - Hai thập niên, 4 chức vô địch Champions League, 10 danh hiệu La Liga, Barcelona từ một triều đại hùng mạnh đã về con số không như thế nào?

Hai thập niên, 4 chức vô địch Champions League, 10 danh hiệu La Liga, CLB Barcelona từ một triều đại hùng mạnh đã về con số không như thế nào?

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 1

Elland Road cuối tháng 10 năm 2000, trời không mưa đổ, không tuyết rơi, nhưng rét mướt và tối đen như mực. Tối tăm như chính cơ hội vượt qua vòng bảng thứ nhất Champions League của Barcelona, đội bóng phải làm khách trên sân của Leeds United. Giai đoạn này, thể thức của giải đấu danh giá nhất châu Âu có tới 2 vòng bảng. Vòng bảng thứ nhất quy tụ 32 đội chia làm 8 bảng. Vòng bảng thứ hai còn 4 bảng, là 2 đội đứng đầu mỗi bảng thứ nhất tham dự. Sau vòng bảng thứ hai mới đến vòng đấu loại trực tiếp, với vòng tứ kết.

Trước lượt trận thứ năm bảng H, gã khổng lồ xứ Catalonia đang đứng cuối bảng xếp hạng với 4 điểm, bằng điểm nhưng kém hiệu số Besiktas. Trong khi đó, AC Milan và Leeds United, hai đội dẫn đầu cùng có 7 điểm. Khoảng cách để Barca níu giữ cơ hội đi tiếp đúng bằng 1 chiến thắng, và đó là nhiệm vụ phải giành trọn 3 điểm trước Leeds United.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 3

Vị khách đến từ Tây Ban Nha ra sân với sơ đồ 3 trung vệ, hệ thống chiến thuật cổ lỗ vào những năm đầu thập niên 2000 nhưng ngày nay lại là "mốt" thời nay. Trong đội hình ra sân của đội bóng xứ Catalonia, Puyol đá trung vệ lệch phải, Xavi Hernandez đá tiền vệ trung tâm cùng Luis Enrique và Phillip Cocu. Trên hàng công, ngôi sao số một Rivaldo là người lĩnh xướng.

5 phút sau tiếng còi khai cuộc, Lee Bowyer mở tỷ số cho đội chủ nhà với cú đá phạt ngoạn mục từ cánh phải. Khó khăn lại càng thêm chồng chất cho Barca. 85 phút tiếp theo, gã khổng lồ xứ Catalonia tấn công điên cuồng hòng tìm bàn gỡ. Rivaldo vẫn xông xáo, tả xung hữu đột và bắn phá khung thành đối phương liên tục. Nhưng trong một ngày thi đấu xuất thần, thủ thành trẻ Paul Robinson cản phá hết những pha dứt điểm của Quả bóng vàng 1999 và đồng đội.

Dù sút xa, đệm bóng, đá phạt hay đánh đầu, Rivaldo không tài nào đưa bóng vượt qua được tầm tay người gác đền mới chỉ 21 tuổi bên phía đội chủ nhà. Giá như Paul Robinson cứ giữ được phong độ thần kỳ như tại Elland Road hôm ấy, có lẽ anh đã trở thành một huyền thoại và đội tuyển Anh không phải trải qua bao năm chật vật vì vị trí người gác đền.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 5

Trở lại với trận đấu, thực ra trong thời gian thi đấu chính thức Paul Robinson một lần bị Rivaldo đánh bại. Tuy nhiên, bàn thắng không được công nhận vì một cầu thủ Barca đã rơi vào thế việt vị. Chỉ đến những phút bù giờ, Rivaldo mới có thể làm tung lưới Leeds United. Trước đó, thần may mắn vẫn còn bỡn cợt vị khách đến từ Tây Ban Nha khi cú đánh đầu của Gerard đưa bóng dội cột. Sau đó ngôi sao người Brazil mới băng vào đá bồi thành công. Tuy nhiên, 1 bàn là chưa đủ và thời gian bù giờ là quá ít.

Barcelona rời Elland Road chỉ với 1 điểm. Kết quả này chưa khiến gã khổng lồ xứ Catalonia bị loại. Tuy nhiên, ở lượt trận cuối, mặc dù Rivaldo và đồng đội hạ gục Besiktas tới 5 bàn không gỡ thì mọi công sức đều đổ sông đổ bể. Bởi lẽ, bằng một cách nào đó, Leeds và AC Milan lại hòa nhau 1-1 để dắt tay nhau vào vòng trong, tức vòng bảng thứ hai, đẩy Barca ngậm ngùi xuống chơi ở sân chơi hạng hai UEFA Cup, tiền thân của Europa League ngày nay.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 7

Hơn 10 năm về trước, chung kết Champions League 2010/11, bàn tay run của Sir Alex Ferguson tại Wembley thể hiện cho sự thống trị tuyệt đối của gã khổng lồ xứ Catalonia. Lối đá thao túng vị trí bằng những màn đập nhả tí tách và hoán chuyển vị trí linh hoạt trở thành hiện tượng kỳ vĩ, một cú đập làm tung tóe mọi quan niệm cổ lỗ về kỹ chiến thuật. Những chàng trai mét bảy vẫn có thể cùng nhau chiến thắng và vô địch. Thứ bóng đá ma mị như ảo thuật ấy gọi là tiqui-taca và Barca tạo ra một đế chế được xưng tụng vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu.

Nhưng tuần tới, đế chế vàng son một thuở chưa xa đó sẽ nằm trong danh sách bốc thăm vòng play-off Europa League, với 2 lượt trận vào tháng Hai để giành quyền lọt vào vòng 1/8. Ở Allianz Arena, sân nhà của Bayern Munich, trong khuôn khổ lượt trận cuối cùng vòng bảng Champions League, gã khổng lồ xứ Catalonia làm khách trên đất Đức với hy vọng giành 3 điểm để đoạt lấy tấm vé thứ hai của bảng E. Tấm vé đầu tiên dĩ nhiên đã thuộc về Hùm xám.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 10

Song, ngay cả khi Bayern đã hết mục tiêu và tung ra đội hình thiếu nhiều trụ cột, hy vọng giành điểm của Barca vẫn chỉ là ảo vọng hão huyền. Đơn giản, Hùm xám ở một đẳng cấp khác. Đẳng cấp Champions League. Còn Barca, trình độ thực tế của đội bóng này ở thời điểm hiện tại có thể phù hợp với giải đấu hạng hai châu Âu như Europa League họ sắp sửa tham dự, hoặc thấp hơn nữa. Kẻ mang biệt danh gã khổng lồ hành quân đến Allianz Arena thực ra chỉ là một con nai già hết hơi sức vô tình dẫn xác đến miệng hùm.

Allianz Arena lạnh âm độ nhưng lòng người Catalonia còn buốt giá hơn. Đại bại 0-3 trước Bayern Munich, và cách biệt có thể sâu hơn nếu đội chủ nhà muốn, nêu bật thực tế Barca chỉ còn hư danh. Như Thomas Muller bình luận, đội hình của Los Blaugrana không chịu nổi cường độ của bóng đá hiện đại. Hoặc như Gerard Pique từng chua chát thừa nhận: "Barca hiện tại có thể đá bóng hàng giờ đồng hồ mà không biết cách ghi bàn". Thật vậy, đội bóng xứ Catalona sau 6 trận vòng bảng ghi được đúng 2 bàn vào lưới đội yếu nhất bảng Dynamo Kiev.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 11

21 năm sau chuyến hành quân đến Elland Road, bi kịch tương tự mới xảy ra với Barca: Bị loại ở vòng bảng Champions League và phải xuống chơi tại giải hạng hai châu Âu. Điều đáng nói hơn nữa, sự trùng hợp giữa hai thảm kịch không chỉ có thế. Có rất nhiều điểm tương đồng của Barca 2000/01 và Barca 2021/22. Ví dụ: ngồi trên ghế HLV là một người Tây Ban Nha được bổ nhiệm thay một chiến lược gia Hà Lan, đồng nghĩa trong đội hình "hàm lượng da cam" cực cao, ngoài ra trong kỳ chuyển nhượng mùa hè trước đó chịu một tổn thất rất lớn về nhân sự.

Cụ thể, dẫn dắt Barca đầu mùa 2000/01 là HLV Lorenzo Serra, người được chọn thay thế Louis van Gaal vào mùa hè 2000, kỳ chuyển nhượng chứng kiến Real Madrid cướp Luis Figo khỏi Nou Camp, một trong những thương vụ kinh điển nhất lịch sử. Trong khi đó, dẫn dắt Barca hiện tại là Xavi, tài năng trẻ thuở nào chiến đấu hết sức mình để níu giữ hy vọng cho Barca trước Leeds United. Xavi được bổ nhiệm thay Ronald Koeman, nhưng không kịp để làm thầy của người đàn em thân thiết Lionel Messi. Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barca nhưng bây giờ đã khoác áo PSG. Với sự biến mất của Messi, người ta càng tin vào sự khép lại của một chu kỳ.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 13

Tháng 9/2000, 1 tháng trước đại họa ở Elland Road, 1 tháng sau thảm kịch Luis Figo, quãng thời gian thật khó khăn với mọi cule, một thằng nhóc nhỏ thó bẽn lẽn cùng bố lặn lội từ Rosario, Argentina đến Barcelona để kiếm tìm sự cứu rỗi cho niềm đam mê của bản thân và hy vọng đổi đời của gia đình. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt Argentina bị ảnh hưởng nặng nề, 900 USD là số tiền quá lớn đối với mọi đội bóng xứ tango để đầu tư cho một cậu bé 13 tuổi tiêm hormone chữa bệnh còi xương.

Tuy còi nhưng tài năng của cậu lại vô cùng to lớn.

Chứng kiến cách cậu rê dắt với trái bóng dính chặt lấy chân như Maradona không khỏi khiến người xem phải ngỡ ngàng. Charly Rexach, Giám đốc thể thao của Barca thời điểm đó là một người như vậy. Quá sốc trước tài nghệ của thằng nhóc đến từ Argentina, ông vơ vội tấm khăn ăn để ký hợp đồng. Thằng bé còi xương đó không phải ai khác ngoài Messi và phần còn lại, như cách nói thời thượng, là lịch sử.

21 năm gắn bó với Barca, từ lò La Masia lên đội một, Messi trở thành huyền thoại vĩ đại nhất của đội bóng. Hàng tá danh hiệu, hàng trăm bàn thắng và kiến tạo. Hằng hà sa số những màn trình diễn tuyệt luân khiến mọi ngôn từ đều trở nên cũ kỹ và chật hẹp trước tài nghệ của siêu sao người Argentina. Với tầm vóc của Messi, cũng như tình yêu và lòng biết ơn tha thiết anh luôn dành cho đội chủ sân Nou Camp, đáng lẽ ra phải có một cái kết viên mãn cho cả hai. Nhưng thực tế cho một đáp án khác.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 15

Mùa hè 2020, tròn 20 năm sau ngày đặt chân đến Nou Camp, Messi làm chấn động làng cầu bằng một bức buro-fax gửi tới văn phòng Barca để yêu cầu được ra đi. Siêu sao người Argentina đã quá chán ngán những điều tồi tệ ở Barca. Thành tích ngày càng thê thảm. Đồng đội thân thiết, mà đa phần là cầu thủ xuất sắc lần lượt ra đi. Messi còng lưng gánh vác toàn đội.

Không những vậy, ban lãnh đạo Barca như một thể ký sinh chuyên hút máu và làm suy kiệt Messi và các đồng đội. Đã thế họ còn đấu đá tranh giành quyền lực và tỏ ra là những kẻ vô năng. Hiện thân chính là ngài chủ tịch Bartomeu vẫn bị cộng đồng mạng chế giễu là Nobita từ ngoại hình đến tính cách nhu nhược. Tựu trung, sự yếu kém từ thể chế lan sang kinh tế rồi ảnh hưởng đến chuyên môn khiến Barca suy kiệt và Messi không thể chịu đựng nổi.

Siêu sao người Argentina quyết đòi ra đi. Nhưng dĩ nhiên, các thành viên chóp bu của đội chủ sân Nou Camp đâu chịu để bản thân mang tội với thiên cổ như vậy. Messi buộc phải ở lại Barca vì không đội bóng nào đủ sức chi trả 1 tỷ euro phí giải phóng hợp đồng. Nhưng 1 năm sau, mùa hè vừa qua, câu chuyện lại diễn tiến theo hướng ngược lại. Messi dù đã nguôi ngoai và chấp nhận tập trung phụng sự Los Blaugrana nhưng bi kịch ở chỗ Barca lại không thể ký mới hợp đồng với La Pulga. Nguyên do là khủng hoảng kinh tế khiến đội chủ sân Nou Camp không đủ tiền đảm bảo thu nhập cho Messi theo giới hạn quỹ lương của La Liga.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 17

Messi không còn lựa chọn ở lại vì đã hết hợp đồng. Bi kịch hơn nữa, như chính La Pulga tiết lộ, BLĐ Barca không hề đề cập với anh về chuyện lương tiền, cho dù anh bóng gió rằng sẵn sàng thi đấu không lương. Ngày tổ chức họp báo chia tay Barca, Messi khóc hết nước mắt vào chiếc khăn tay. Hình ảnh ấy khiến không ít người rưng rưng và tiếc nuối. Một cuộc tình đẹp đẽ lại bị chôn vùi theo cái cách bi thương như thế.

Như vậy, từ Elland Road đến Allianz Arena, 21 năm, không phải bỗng dưng hai cột mốc ấy lại trùng với sự xuất hiện và ra đi của Messi tại Barcelona. Một dữ kiện khác cũng không hề trùng lặp ngẫu nhiên, mùa giải trước khi Messi được đôn lên đội một (2003/04) và mùa giải này, mùa giải đầu tiên sau khi Messi ra đi, Barca đều phải thi đấu ở UEFA Cup/Europa League. Với sự hiện diện của La Pulga, gã khổng lồ xứ Catalonia không bao giờ phải xuống ngồi mâm dưới như thế và bất cứ thời điểm nào cũng được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League. Mặc dù, không ít mùa giải Barca suy kiệt nhưng tất cả đều giữ một niềm tin hay sự tôn trọng cực lớn cho một trong những tài năng vĩ đại nhất lịch sử.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 19

Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, Barca là đế chế sụp đổ bi thảm nhất. 6 năm trước, với tam tấu MSN trứ danh trong đội hình, gã khổng lồ xứ Catalonia còn giành cú "ăn ba". Vậy mà hiện tại, trình độ của đội bóng này không còn đủ để dự Champions League. Đó là phản ánh cho cuộc khủng hoảng thực sự về chuyên môn. Tiqui-taca của Barca từng một thời thống trị nhưng từ lâu đã lỗi thời. Bóng đá đương đại đòi hỏi thể chất và cường độ nhiều hơn. Các chiến thuật xoay quanh pressing (gây áp lực), phương pháp khắc chế lối đá kiểm soát bóng hữu hiệu nhất ngày càng thịnh hành.

Những đại bại của Barca trước Bayern trong suốt những năm qua là minh chứng. Gã khổng lồ xứ Catalonia cho dù cầm nhiều bóng nhưng chẳng để làm gì, vì không thể kéo giãn hàng phòng ngự đối phương để gây sát thương. Ngược lại, Hùm xám tạo cảm giác cứ lên bóng là gây sóng gió cho khung thành Barca. Và không chỉ có gã khổng lồ bóng đá Đức đủ khả năng hạ sát Barca, ngoài ra còn có Liverpool, Roma, Atletico Madrid v.v. mỗi thất bại lại như một trái bộc phá giật sập dần đế chế vĩ đại của người Catalonia.

Và không chỉ có chuyện lỗi thời về chiến thuật, Barca còn phạm phải vô vàn sai lầm ngớ ngẩn trong khâu chuyển nhượng, rộng hơn là tuyển dụng nhân sự. Khi những trụ cột thế hệ tiqui-taca trở nên già nua và giải nghệ, đội bóng xứ Catalonia buộc phải kiếm tìm những ngôi sao mới để kế thừa. Họ đã thành công dưới thời Sandro Rosell với Ivan Rakitic thay Xavi, Neymar và Luis Suarez thay Villa và Pedro. Hoặc trên băng ghế huấn luyện, sau một thời gian lao đao hậu kỷ nguyên Pep Guardiola, Barca tìm thấy Luis Enrique.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 21

Nhưng đến thời Bartomeu, hầu hết thương vụ đều kết thúc một cách thảm thương. Neymar bị PSG cuỗm mất vào năm 2017. Cho dù có được 222 triệu euro phí giải phóng hợp đồng, Barca tưởng được hóa ra mất vì đốt còn nhiều hơn cả số tiền khổng lồ đó cho Dembele, Coutinho hay Griezmann nhưng không ai thay thế được tiền đạo Brazil. Gần nửa tỷ euro ném vào sọt rác. Một dẫn chứng khác cho sự mua sắm ngớ ngẩn của Barca là vị trí hậu vệ phải. Sau khi cố tình chia tay Dani Alves vì cho rằng cầu thủ người Brazil đã già, đội bóng xứ Catalonia chi 90 triệu euro để chiêu mộ các hậu vệ phải. Rốt cuộc, cách đây không lâu Barca tái ký hợp đồng với Alves, sau 6 năm ly biệt và hiện thời anh đã 38.

Ở Barca những năm qua không thiếu những vụ chuyển nhượng hài hước như vậy. Không chỉ là sai lầm trong khâu tuyển dụng mà còn là chi ra những số tiền vượt xa giá trị thực. Đơn cử vụ Ousmane Dembele. Barca dự chi 80 triệu euro nhưng rốt cuộc phải bỏ ra 105 triệu euro chưa kể 42 triệu euro biến phí. Coutinho thì có giá 160 triệu euro, Griezmann là 120 triệu euro. Hoặc Frenkie De Jong có giá 75 triệu euro, cho dù Ajax chỉ kỳ vọng bán được tài năng trẻ này với giá 40 triệu euro.

Chất lượng đội hình không được đảm bảo và thiếu tính kế thừa, đồng thời là sự lỗi thời về chiến thuật khiến thành tích chuyên môn của Barca ngày càng đi xuống. Sự sa sút này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của đội bóng. Bên cạnh đó là những vụ mua sắm thảm hại cả về chất lượng lẫn giá cả. Tuy nhiên, mọi sự chỉ bị phơi bày sau đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, Barca là CLB thể thao đầu tiên chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD. Rất ấn tượng. Nhưng chỉ là khoa trương và hư danh. Đội bóng này thực ra đã trở nên rỗng tuếch từ chuyên môn đến tài chính. Bằng chứng là chỉ 1 năm sau, báo cáo tài chính cho thấy Barca nợ 1,4 tỷ USD, phần đa là nợ ngắn hạn. Giới hạn quỹ lương của Barca mùa trước được La Liga đánh giá là 347 triệu euro, mùa này còn vỏn vẹn 97 triệu euro, chưa đến 1/3.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 23

Virus corona chỉ là giọt nước làm tràn ly, còn cả ly nước đã được tích tụ suốt thời gian dài bởi những quyết sách tốn và kém của ban lãnh đạo. Khủng hoảng kinh tế hay chuyên môn đơn giản là phản ánh cho sự yếu kém của ban lãnh đạo, với những quyết sách gây ảnh hưởng không biết đến bao giờ. Chẳng những đốt tiền trên thị trường chuyển nhượng (khoảng chừng 1 tỷ euro từ năm 2014 đến nay), BLĐ Barca còn phá phần lớn ngân quỹ cho việc trả lương cho các cầu thủ. Theo El Mundo, trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2020, lương Messi tăng gấp ba. Riêng 4 năm từ 2017 đến 2020, Barca phải chi ra tới 555 triệu euro để trả lương cho siêu sao người Argentina.

Messi tăng lương, không lẽ những công thần khác không tăng lương?! Pique, Busquets, Jordi Alba hay kể cả chân "le ve" như Sergi Roberto đều được ký những bản hợp đồng phi lý về thời hạn và thu nhập, khoảng trên dưới 10 triệu euro mỗi năm. Hệ lụy là gã khổng lồ xứ Catalonia phải gồng mình chi trả quỹ lương chiếm tới 110% doanh thu, tức riêng tiền lương đã cao hơn cả doanh thu, như vị chủ tịch Joan Laporta thừa nhận. Với một kết cấu tài chính như thế, với những con người từ ban lãnh đạo đến cầu thủ trên sân như thế, Barca trở nên rỗng tuếch chứ không chỉ sa sút hay sụp đổ.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 25

Hai thập niên, Barca từ không trở thành có rồi từ có lại trở về không. Hai đầu chu kỳ là hai mùa giải không thể giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp Champions League. Giữa hai cái không là có, có rất nhiều. Đó là giai đoạn thành công nhất trong lịch sử đội bóng xứ Catalonia. Họ sở hữu một trong những ngôi sao xuất chúng nhất lịch sử. Họ tạo dựng nên đế chế rực rỡ nhất bóng đá kỷ nguyên hiện đại. Kết quả được phản ánh bằng 4 chức vô địch Champions League, 10 danh hiệu La Liga và hàng chục danh hiệu cao quý khác. Nên nhớ, hơn 100 năm tồn tại trước đó, Barca chỉ 1 lần vô địch châu Âu và 16 lần vô địch La Liga.

Barcelona: Đại đế chế và hai thập kỷ thịnh suy - 27

Nhưng rốt cuộc, vì sự yếu kém từ thể chế, kinh tế đến chuyên môn, Barca lại trở về không. Như Xavi, chứng nhân lịch sử của đại họa Elland Road và Allianz Arena thừa nhận, Barca phải bắt đầu lại từ con số không. Nhưng bi kịch hơn nữa, giới chuyên môn đã nhiều lần dự đoán "bắt đáy" sự sa sút của Barca nhưng cứ mùa sau đội bóng này lại tụt sâu hơn mùa trước. Vì vậy, chưa ai biết được hiện tại đã phải là đáy của gã khổng lồ xứ Catalonia hay chưa. Một cái kết quá bi thảm cho một đế chế rực rỡ.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Thủy Tiên