Anh nông dân và giấc mơ ghi tên trên bảng vàng Marathon Việt Nam
(Dân trí) - "Lại là anh nông dân mê chạy bộ đây cả nhà ơi", anh Pháp, vận động viên marathon không chuyên, giới thiệu về mình trên buổi livestream lên nương sau khi trở về từ cuộc thi chạy.
Rạng sáng, tại vạch đích của giải Long Biên Marathon, các cổ động viên và thành viên ban tổ chức từ ngạc nhiên nhanh chóng chuyển sang phấn khích khi trông thấy người đầu tiên của cự ly Half Marathon (21km) băng băng tiến về đích lại là một chân chạy hoàn toàn lạ mặt.
Xé băng khi đồng hồ điểm 1 giờ 16 phút 46 giây, người đàn ông dong dỏng cao, đen nhẻm, gương mặt chất phác cười giòn tan trong tiếng cổ vũ, hò reo của những người tập trung đón chờ quanh vạch đích.
Người đàn ông đó là Trần Tư Pháp, một anh nông dân "chính hiệu" ở vùng núi Tuyên Quang. Trên bảng xếp hạng thành tích Marathon Việt Nam, cái tên Trần Tư Pháp xuất hiện ở vị trí thứ 79, hạng mục Half Marathon.
Chỉ một ngày sau chức vô địch, anh Pháp lại trở lại cuộc sống thường nhật. Trước đó, để trang trải kinh tế gia đình, vợ anh đi làm công nhân ở huyện Bình Xuyên (Tỉnh Vĩnh Phúc) mỗi tháng chỉ về thăm nhà 2 ngày. Người đàn ông một mình chăm 2 cậu con trai (con lớn là Trần Duy Long, 13 tuổi, cậu em là Trần Duy Hưng, 9 tuổi).
Như mọi ngày, đúng 6h, 3 bố con anh Pháp bắt đầu sửa soạn, chuẩn bị cho một ngày mới.
Trên chiếc xe máy "cà tàng", anh Pháp chở con đến trường trên xã học, rồi lại ngược về đi làm công đến trưa.
Người dân trong xã Minh Phú thường thấy anh Pháp trong bộ quần áo bảo hộ, mặt lấm lem, làm đủ các công việc được thuê.
Anh Pháp kể: "Ở thôn có ai gọi gì là tôi làm nấy, hôm thì cắt cỏ, hôm lại phun thuốc bảo vệ thực vật".
Nương ngô, vườn chanh, vườn thanh long cũng chính là "cơ nghiệp" của anh Pháp cũng như bà con thôn 6 Minh Phú.
Sau khi ca học sáng kết thúc lúc 11h30, anh lại đi lên xã đón cậu con trai út tan học về.
Đến nhà, anh chạy ù vào bếp lo cơm nước để các con kịp nghỉ ngơi. Xong bữa trưa, người đàn ông cũng chỉ kịp rửa chén bát rồi lại tất bật đưa 2 con đến lớp rồi đi làm ca chiều.
Mảnh vườn rộng khoảng 1.000m2 của anh nông dân nằm trên đỉnh đồi cách nhà khoảng 4km. Cứ khoảng 2 tuần một lần, anh Pháp lại không nhận việc ca chiều để lên vườn cam, chanh của mình chăm bón.
Thu được non nửa vườn, anh Tư Pháp chọn một phần đất bằng phẳng hiếm hoi dưới gốc chanh, đặt chiếc điện thoại ngay ngắn, bắt đầu quay video để đăng tải lên mạng xã hội. Một thói quen mới có từ vài tháng trở lại đây.
Những video ngắn, buổi livestream chia sẻ về công việc làm nông vừa là niềm vui mới của anh khi được kết nối với bạn bè bốn phương, vừa hỗ trợ anh Pháp tìm đầu ra cho nông sản. Nhờ lần livestream trước, anh kết nối được với một thương lái chỉ cách nhà chưa đến 10km bao tiêu cả tạ chanh.
"Tôi có khoảng 50 gốc chanh đã cho thu hoạch 5-6 tạ mỗi vụ. Năm nay được mùa lại được giá nên mừng lắm", anh Pháp vừa bê tải cam và chanh lên xe, vừa chia sẻ.
Hơn 17h, khi công việc đã xong xuôi, anh Pháp thay quần áo, xỏ giày để tập trung cho đam mê chạy bộ của mình.
Chỉ vài năm trước, người dân trong thôn vẫn hiếu kỳ khi cứ đến chiều lại thấy anh nông dân Trần Tư Pháp chạy qua trước cửa.
"Cái ông này đi làm suốt ngày mà về nhà còn chạy không biết mệt à?", là câu hỏi anh Pháp thường xuyên nghe. Dần dà, người già và trẻ con sâu trong bản Tày, bản Dao giờ cũng đã quen với hình ảnh anh nông dân chạy bộ.
Con đường nhỏ trước mặt nhà đi sâu vào bên trong, uốn lượn theo những triền đồi, vắt qua các ruộng lúa, nương ngô cũng chính là nơi tôi luyện của nhà vô địch Trần Đức Pháp.
Trên con đường "không chuyên" ngổn ngang bê tông, đất đỏ, đá trắng, anh Pháp tự mò mẫm vào các ngóc ngách trong bản xa, tự vẽ cho mình các cung đường tập 5km, 10km rồi 21km.
"Từ nhà vào đến hồ sinh thái là 2,5km, khép vòng đủ 5km. Xa hơn là vào sâu trong rừng cọ, lên đồi rồi vòng về là hơn 10km. Để chạy 21km tôi có nhiều cung đường chạy hơn", anh Pháp nói.
"Từ chỗ tôi sang nhà bố mẹ vợ là 12,22km hoặc có thể mở rộng cung đường chạy 10km ra quốc lộ 2 hay chạy xuống thị trấn", anh Pháp mô tả, nói vui rằng nhờ vẽ bản đồ chạy mà giờ biết đủ mọi ngóc ngách trong thôn.
Trước đây, khi chưa có chiếc đồng hồ thể thao, nhịp thở và nhịp tim đều được anh Pháp tự cảm nhận hoàn toàn. Giáo án chạy chính là những bài học tự rút ra từ buổi chạy trước, đoạn nào tăng tốc, đoạn nào giảm tốc, xuống dốc thế nào, leo dốc làm sao cho đỡ mệt.
Kết thúc buổi tập luyện, anh Pháp trở về nhà và cùng con trai chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình.
Những bước chạy cũng giúp anh nông dân mở mang về thế giới rộng lớn bên ngoài lũy tre làng.
Anh Pháp đặt mong muốn cuối năm nay sẽ chinh phục cự ly Full Marathon với thời gian dưới 3 tiếng và xa hơn là một mục tiêu mà anh mới đặt ra từ sau chức vô địch tại Long Biên: Có tên trên bảng vàng Marathon Việt Nam.