DMagazine

Vì sao Mỹ lo ngại khinh khí cầu của Trung Quốc?

(Dân trí) - Nhỏ hơn, rẻ hơn, dễ dàng "qua mặt" được hệ thống giám sát tinh vi để thu thập, chuyển tiếp thông tin tình báo theo thời gian thực. Đây là lý do vì sao giới quân sự Mỹ đặc biệt lo ngại.

VÌ SAO MỸ LO NGẠI VỀ KHINH KHÍ CẦU TRUNG QUỐC?

Nhỏ hơn, rẻ hơn, dễ dàng "qua mặt" được hệ thống giám sát tinh vi và có thể "lảng vảng ở một mức độ nhất định" để thu thập, chuyển tiếp thông tin tình báo theo thời gian thực. Đây là lý do vì sao Mỹ cuối cùng đã quyết định bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc sau thời gian chần chừ.

Một máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ ngày 4/2 giờ địa phương đã bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc ở ngoài khơi bang Nam Carolina, ngay sau khi nó ra khỏi khu vực đất liền.

"Việc bắn hạ khinh khí cầu trên do máy bay chiến đấu F-22 Raptor thực hiện, xuất kích từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia. Máy bay này đã bắn hạ khinh khí cầu bằng một tên lửa cách bờ biển Nam Carolina khoảng 6 hải lý", Reuters dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận, việc bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám nghi của Trung Quốc "diễn ra trên Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ vào lúc 14 giờ 39 phút ngày 4/2", đồng thời gọi việc bắn hạ khinh khí cầu là "hành động có chủ ý và hợp pháp" nhằm đáp trả việc "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc đối với Mỹ.

Tổng thống Joe Biden chúc mừng các phi công hoàn thành nhiệm vụ. "Họ đã bắn hạ nó thành công. Tôi muốn khen ngợi những phi công của chúng ta", ông nói.

Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc

Sự cố lần này bùng nổ vào ngày 2/2 giờ địa phương khi Mỹ bất ngờ phát hiện một khinh khí cầu đi vào không phận. Khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện đầu tiên là ở trên bầu trời bang Montana, nơi có một trong 3 địa điểm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của quân đội Mỹ tại Căn cứ Không quân Malmstrom.

"Một vật thể nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi vào không phận ở miền bắc nước Mỹ những ngày gần đây. Nó được cho là di chuyển qua các địa điểm nhạy cảm", tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ.

Khinh khí cầu này sau đó tiếp tục lơ lửng trên bầu trời phía bắc nước Mỹ ở độ cao hơn 18.000m, so với máy bay dân sự thường ở độ cao 12.000m. Các video trên mạng xã hội cho thấy, những người dùng ống nhòm và kính tele đã cố gắng tìm được khí cầu trên bầu trời khi nó hướng về phía đông nam.

Nó sau đó tiếp tục thay đổi đường đi và bay về phía bờ biển phía đông nước Mỹ. Và đến ngày 4/2 giờ địa phương, khinh khí cầu của Trung Quốc ra khỏi khu vực đất liền ở ngoài khơi bang Nam Carolina và ngay lúc đó đã bị bắn hạ.

Vì sao Mỹ lo sợ "khinh khí cầu do thám"?

Vì sao Mỹ lo ngại khinh khí cầu của Trung Quốc? - 1

Đường đi của khinh khí cầu Trung Quốc (Ảnh: Rawsalerts).

Bắc Kinh đã lên tiếng xác nhận khinh khí cầu được phát hiện ở không phận Mỹ là từ Trung Quốc. 

"Khinh khí cầu là từ Trung Quốc và chỉ mang tính chất dân sự, được sử dụng trong nghiên cứu khí tượng và khoa học khác", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết và nhấn mạnh, khinh khí cầu bị lệch khỏi đường bay dự kiến do ảnh hưởng của thời tiết và năng lực kiểm soát hạn chế.

Bắc Kinh cũng đã lên tiếng lấy làm tiếc về vụ việc. "Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay lạc sang Mỹ vì lý do bất khả kháng. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý sự cố này", tuyên bố của Trung Quốc cho biết và cho rằng, các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ không nên lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bác bỏ giải thích trên. Lầu Năm Góc đã tái khẳng định đây là một khinh khí cầu do thám, điều khiến Ngoại trưởng Blinken phải hủy chuyến công du Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong hai ngày 5 và 6/2.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng, khinh khí cầu được phóng từ Trung Quốc với nhiệm vụ là giám sát các địa điểm vũ khí hạt nhân nhạy cảm. "Đây là hành động cố ý. Đường bay của khinh khí cầu đã đi qua một số địa điểm nhạy cảm", quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói. 

Vấn đề là hiện chưa có nhiều phương pháp cụ thể để xác định mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Các chuyên gia cho biết để xác định nó có phải khinh khí cầu do thám hay không thì phải thu giữ các thiết bị lắp trên khí cầu.

Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ sớm có câu trả lời. Sau khi bắn hạ khinh khí cầu ở vùng biển, Hải quân Mỹ đã tính đến việc phải thu hồi các mảnh vỡ ở vùng nước sâu hơn nhưng nó đã rơi xuống độ sâu khoảng 14,3m, khiến việc thu gom dễ dàng hơn.

Hiện cũng không rõ các lực lượng Mỹ sẽ mất bao lâu để khôi phục bất kỳ thiết bị nào tìm thấy từ chiếc khinh khí cầu bị bắn rơi dù theo các chuyên gia, việc khôi phục không mất quá nhiều thời gian.

Vụ việc lần này làm dấy lên câu hỏi là vì sao khinh khí cầu lại được sử dụng thay vì vệ tinh để thu thập thông tin.

Đây không phải là lần đầu tiên khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện bay qua Mỹ, nhưng lần này dường như khác so với những lần trước. "Có vẻ như nó xuất hiện trong một khoảng thời gian dài hơn và ở lại lâu hơn", một quan chức Mỹ nhận định.

Việc sử dụng khinh khí cầu do thám đã có từ thời Chiến tranh Lạnh và kể từ đó Mỹ sử dụng hàng trăm khinh khí cầu để theo dõi các đối thủ, ông Peter Layton, thành viên tại Viện châu Á Griffith và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, cho biết.

Nhưng trong thời đại công nghệ hiện đại này, việc sử dụng khinh khí cầu do thám được đánh giá là lỗi thời. Mặc dù vậy, khinh khí cầu có những lợi thế riêng của nó. "Trọng tải của khinh khí cầu nhẹ hơn và do đó nó có thể nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ phóng hơn so với các vệ tinh", ông Layton nói.

Cũng theo ông Layton, khinh khí cầu còn có thể làm được những việc mà vệ tinh không thể như nó có thể được điều khiển bằng cách sử dụng máy tính trên máy bay để tận dụng sức gió. "Ðiều này có nghĩa khinh khi cầu có thể lảng vảng ở một mức độ nhất định", ông cho biết.

Ðặc biệt, dữ liệu tình báo do khinh khí cầu thu thập có thể được chuyển tiếp theo thời gian thực thông qua một liên kết vệ tinh quay trở lại Trung Quốc.

Chuyên gia Blake Herzinger về chính sách quốc phòng Ấn Ðộ - Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng, mặc dù tốc độ chậm nhưng khinh khí cầu không phải lúc nào cũng dễ dàng bị phát hiện. "Chúng có tín hiệu thấp và lượng phát thải từ thấp đến 0 nên rất khó phát hiện bằng công nghệ giám sát hoặc nhận thức tình huống truyền thống", ông Herzinger cho hay.

Một lợi thế nữa của khinh khí cầu như nhận định của ông Cedric Leighton, cựu đại tá không quân Mỹ, là nó có thể theo dõi lưu lượng điện thoại di động và vô tuyến tại Mỹ.

Mỹ thận trọng trước khi quyết định bắn hạ

Đây không phải lần đầu tiên khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có ít nhất một lần dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Lần này, Tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh Mỹ đã liên tục thảo luận các cách xử lý vụ việc, kể cả việc bắn hạ khí cầu, theo một quan chức cấp cao của chính quyền. Phía Mỹ thậm chí đã chuẩn bị các máy bay chiến đấu, kể cả F-22, để bắn hạ khi có lệnh.

Vì sao Mỹ lo ngại khinh khí cầu của Trung Quốc? - 2

Khinh khí cầu Trung Quốc thời điểm bị bắn hạ (Ảnh: Reuters)

Áp lực càng đè nặng lên ông Biden khi trên mạng xã hội Truth Social, người tiền nhiệm Donald Trump cùng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa liên tục kêu gọi bắn hạ khinh khí cầu trên. "Hãy bắn hạ nó", một nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Montana kêu gọi trên trang mạng Truth Social hôm 3/2.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng kêu gọi: "Bắn hạ khinh khí cầu. Hủy chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken. Hãy quy trách nhiệm cho Bắc Kinh". "Ông Biden đang để Trung Quốc lấn át chúng ta. Đã đến lúc làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại", vị cựu đại sứ này nhấn mạnh. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng kêu gọi bắn hạ khinh khí cầu và yêu cầu câu trả lời từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn quyết định không bắn hạ khinh khí cầu ngay lập tức mà chờ nó ra khỏi đất liền. Theo lý giải của chính quyền Tổng thống Biden, "phải chờ nó bay ra biển mới bắn để giảm thiểu rủi ro cho người dân".

Theo Lầu Năm Góc, việc bắn hạ khinh khí cầu khi nó còn ở đất liền sẽ gây ra những hệ quả khó lường. Cấu trúc bên dưới khinh khí cầu của Trung Quốc, được các quan chức cho là bộ máy chỉ đạo và giám sát, có chiều dài khoảng 27m, gần bằng 2 chiếc xe buýt lớn. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder, nói rằng khí cầu đủ lớn khiến họ lo ngại các mảnh vỡ có nguy cơ làm bị thương những người trên mặt đất và hư hại tài sản.

Vì vậy, ban đầu Tổng thống Biden yêu cầu Bộ Quốc phòng bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc từ 1/2, nhưng cuối cùng đồng ý với đánh giá của quân đội rằng việc bắn hạ nó trên đất liền có thể khiến tính mạng người Mỹ gặp nguy hiểm.

"Tổng thống đã đồng ý và chỉ đạo họ bắn khinh khí cầu an toàn trên mặt biển ngay khi có thể. Kết quả là họ đã lên kế hoạch để bắn hạ khinh khí cầu khi nó ở trên mặt biển, trong không phận lãnh thổ của Mỹ", một quan chức Nhà Trắng nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích, phần lớn từ đảng Cộng hòa về "hành động chậm chạp" và "yếu đuối" trước Trung Quốc. Các đảng viên Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện gọi vụ việc là sự thể hiện "sự yếu kém" và đòi chính quyền giải thích.

"Trung Quốc sẽ không bao giờ để khinh khí cầu do thám bay vào không phận của họ. Không có nhà lãnh đạo mạnh mẽ nào cho phép điều đó xảy ra... Chúng ta cần lấy lại sức mạnh Mỹ", cựu đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley viết trên Twitter.

Phe Cộng hòa thậm chí đang yêu cầu một cuộc điều tra vì sao khinh khí cầu của Trung Quốc đã đi vào không phận nước Mỹ nhiều ngày mà Nhà Trắng vẫn không công bố cho đến khi một tờ báo địa phương ở tiểu bang Montana đăng tải vụ việc.

Đáp lại những chỉ trích này, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và các cố vấn quân sự của ông đã thực hiện "hành động có trách nhiệm". 

"Tổng thống ưu tiên sự an toàn của người dân Mỹ và đảm bảo quân đội sẽ thực hiện các bước để bảo vệ chống lại việc thu thập thông tin nhạy cảm của khinh khí cầu, giảm thiểu bất kỳ giá trị tình báo nào mà Trung Quốc thu thập được", quan chức Nhà Trắng này nhấn mạnh thêm.

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung

Dù vụ việc còn nhiều điểm chưa rõ, những diễn biến tranh cãi quanh vụ khinh khí cầu này đang "làm nóng" quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng và càng khoét sâu những mối ngờ vực và rạn nứt giữa hai bên.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken tối 3/2, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đã có cuộc thảo luận về cách thức xử lý vụ việc chuyên nghiệp.

Vì sao Mỹ lo ngại khinh khí cầu của Trung Quốc? - 3

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ngay lập tức hủy chuyến thăm trong 2 ngày (5 và 6/2) đến Trung Quốc do vụ khinh khí cầu (Ảnh: New York Post).

Ông Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc và Mỹ cần tập trung, giao tiếp kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng và đáng quan ngại. Ngoại trưởng Blinken đã quyết định hoãn vô thời hạn chuyến thăm được kỳ vọng làm tan băng mối quan hệ lạnh giá đến Trung Quốc, chỉ vài giờ trước khi lên đường đến Bắc Kinh.

Trong tuyên bố hoãn chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, vụ việc này cho thấy "hành động vô trách nhiệm và vi phạm rõ ràng chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế của Trung Quốc".

Trong khi vẫn "lời qua tiếng lại", quyết định bắn hạ khinh khí cầu của Mỹ càng làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ - Trung, đe dọa nỗ lực "hâm nóng" quan hệ ngoại giao giữa hai nước vốn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

Bắc Kinh đã ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công thiết bị dân sự. Trong tuyên bố sáng 5/2 giờ địa phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ rằng khinh khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và thiết bị này tiến vào Mỹ với lý do bất khả kháng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này luôn tôn trọng luật quốc tế và sẽ không xâm phạm lãnh thổ và không phận của quốc gia có chủ quyền. 

Trong khi đó, Mỹ cũng kiên quyết khẳng định, khinh khí cầu Trung Quốc đã "vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ cũng như luật pháp quốc tế. 

Thanh Thành

Theo AP, CBS, Fox News