DMagazine

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur

(Dân trí) - Văn phòng cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bố trí cho tôi - một học giả đến từ Việt Nam, cuộc gặp ngay trước thềm sinh nhật lần thứ 99 của ông.

Từ khách sạn ở Kuala Lumpur, tôi đến gặp cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Putrajaya - thủ đô hành chính của Malaysia. Qua cửa kính xe tôi nhìn thấy tòa tháp đôi Petronas nổi bật trên nền trời và một lần nữa cảm nhận trực quan dấu ấn của vị cựu Thủ tướng đối với sự phát triển của đất nước Malaysia.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 2

Lần đầu tiên tôi đến Malaysia năm 2006, quan sát thành phố Kuala Lumpur sôi động với tòa tháp đôi Petronas kiêu hãnh, tôi đã tự hỏi về bí quyết phát triển thành công của đất nước cũng nằm ở Đông Nam Á với người Việt chúng ta. Từ lúc đó với tư cách là một học giả muốn suy nghĩ về những vấn đề hiện đại hóa Việt Nam, tôi đã mong muốn thực hiện cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, để lắng nghe trực tiếp chia sẻ từ một nhà lãnh đạo được mệnh danh là "cha đẻ" của đất nước Malaysia hiện đại.

Năm 2011, khi ông xuất bản cuốn hồi ký "Người bác sĩ trong ngôi nhà", tôi quyết định mua bản quyền và xuất bản sách ở Việt Nam (được dịch và xuất bản với tựa đề "Hồi ký chính trị") để giúp bạn đọc Việt Nam hiểu về hành trình của ông cũng như công cuộc kiến tạo đất nước Malaysia. Đồng thời, tôi nỗ lực liên hệ để xin gặp ông và đã có hai lần, văn phòng ông Mahathir Mohamad bố trí cho tôi một cuộc gặp nhưng đến phút chót các cuộc hẹn này đều bị hủy vì lý do khách quan.

Và lần thứ ba, thật may mắn cuộc gặp được thu xếp gần với dịp đặc biệt, ngay trước thềm sinh nhật lần thứ 99 của ông (cựu thủ tướng Mahathir Mohamad sinh ngày 10/7/1925).

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 4

Cuộc gặp diễn ra tại tòa nhà Quỹ Lãnh đạo Perdana (Perdana Leadership Foundation) ở Putrajaya, thủ đô hành chính của Malaysia, cách Kuala Lumpur khoảng 30 phút đi ô tô. Tôi đến sớm để có thời gian chuẩn bị và tham quan tòa nhà này, xem những bức ảnh, hiện vật của 6 vị thủ tướng Malaysia và thư viện lớn với rất nhiều đầu sách.

Theo lịch, ông sẽ gặp tôi vào 11h trưa, nhưng người nhân viên báo là ông bận tiếp khách nên 11h15 cuộc gặp mới bắt đầu. Lúc tôi bước vào, vị cựu Thủ tướng ngồi ở bàn làm việc trong căn phòng rộng rãi, bài trí đẹp với giá sách sau lưng và máy tính để bàn iMac màn hình rộng, bàn phím màu vàng, tai nghe màu đen ở bên cạnh, trên bàn đầy tài liệu được đánh dấu, gạch chân các hàng chữ...

Ông mặc chiếc áo đại cán màu ô liu quen thuộc, mỉm cười khi bắt tay tôi, và bắt đầu trò chuyện với vẻ ngoài tràn đầy năng lượng. Cựu Thủ tướng vừa trở về từ chuyến đi đến Nhật Bản với nhiều cuộc gặp gỡ các chính khách, doanh nhân, và trả lời báo chí ở Tokyo. Nhưng ông không nghỉ ngơi mà làm việc ngay theo lịch văn phòng bố trí từ trước.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 6

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ký tặng sách cho ông Nguyễn Cảnh Bình - tác giả bài viết (Ảnh: TGCC)

Hiện không còn giữ chức vụ chính thức trong chính phủ Malaysia, song cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad vẫn tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đến dự những hội thảo quan trọng để diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực. Ông cũng dành thời gian cho Quỹ Lãnh đạo Perdana - tổ chức do ông sáng lập và làm Chủ tịch danh dự.

Ông cho biết mục tiêu của Quỹ lãnh đạo Perdana là nghiên cứu, ghi chép và phổ biến di sản trí tuệ của các thủ tướng Malaysia qua nhiều nhiệm kỳ khác nhau; trung tâm nghiên cứu về các chính sách, chiến lược đã được Chính phủ Malaysia ban hành để qua đó đúc kết bài học nhằm chia sẻ rộng rãi trong nước cho thế hệ sau… Mục tiêu rộng hơn của Quỹ là thúc đẩy sự hiểu biết trên toàn cầu về quá trình hiện đại hóa của Malaysia, kết nối với các học giả và nhà tư tưởng khắp thế giới để thực hiện nghiên cứu có liên quan. Thư viện mở cửa cho tất cả mọi người.

Lắng nghe vị cựu Thủ tướng nói, tôi có thể hiểu được lý do ông dành nhiều thời gian cho Quỹ Lãnh đạo Perdana. Vì với việc nghiên cứu về di sản của các đời Thủ tướng Malaysia, thì trong đó có di sản của chính ông, nhà lãnh đạo đã trải qua gần 70 năm hoạt động trên chính trường, thủ tướng thứ tư của Malaysia với hai giai đoạn giữ vị trí đứng đầu Chính phủ: Giai đoạn thứ nhất 1981-2003; và giai đoạn thứ hai 2018-2020.

Xuất thân từ một gia đình bình dân, được người cha vốn là một nhà giáo nuôi ăn học để trở thành bác sĩ, song chàng thanh niên Mahathir Mohamad đầy nghị lực đã sớm tham gia chính trị để theo đuổi giấc mơ đóng góp vào việc phát triển đất nước.

Với 22 năm liên tục đứng đầu Chính phủ Malaysia kể từ năm 1981, ông đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Malaysia hiện đại. Thời gian ông đương chức cũng là giai đoạn Malaysia phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhiều năm liên tục đạt 9-10%. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, đất nước ở Đông Nam Á này đã dần chuyển đổi thành xã hội công nghiệp năng động, được xem là một trong những "con hổ mới" với GDP bình quân đầu người hiện đạt hơn 13.000 USD, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Brunei).

Trong số những di sản nổi bật của ông có hàng loạt dự án quốc gia quy mô lớn ở lĩnh vực hạ tầng giao thông (đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Kuala Lumpur, cầu Penang); giáo dục (trường học thông minh); công nghệ thông tin (siêu hành lang truyền thông đa phương tiện); thủ đô mới Putrajaya; thành phố cảng Tanjung Pelepas; dự án chế tạo ô tô quốc gia Proton; thúc đẩy việc xây dựng tòa tháp đôi Petronas.v.v…

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 8

Câu chuyện về tòa tháp đôi từng được ông kể lại khá chi tiết trong hồi ký của mình. Thập niên 1950, khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Mahathir Mohamad nhìn quanh ở Kuala Lumpur không có bất cứ tòa nhà cao tầng nào. Mãi đến năm 1981 thì một khách sạn cao 9 tầng (sau được nâng lên 21 tầng) là tòa nhà cao nhất ở thủ đô của đất nước. Đó là lý do ông quyết tâm phát triển Kuala Lumpur thành một thủ đô hiện đại, và nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng tòa tháp đôi Petronas (có thời điểm đây là tòa nhà cao nhất thế giới) dù việc thiết kế và xây dựng một tòa nhà chọc trời vào thập niên 1990 là rất khó khăn.

"Tòa nhà sẽ trở thành bước ngoặt của Malaysia, minh chứng sống động về những gì chúng tôi đã đạt được và biểu tượng của những điều chúng tôi hy vọng sẽ đạt được trong tương lai", ông viết. Dĩ nhiên cùng với câu chuyện tòa tháp đôi là những quyết sách của ông để phát triển tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas, hối thúc tập đoàn vươn ra thế giới…

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 10

Trong cuộc gặp gỡ, tôi đã hỏi vị cựu Thủ tướng:

Nguyễn Cảnh Bình: Ông sắp đón sinh nhật lần thứ 99 và sẽ bước vào tuổi 100, một cột mốc quan trọng trong đời người theo truyền thống văn hóa của người châu Á. Là một trong những nhà lãnh đạo cao tuổi nhất trên thế giới, nhưng tôi thấy ông vẫn rất khỏe mạnh. Xin hỏi khi ông nhìn lại sự nghiệp cuộc đời mình, điều gì làm ông hài lòng nhất?

- Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Tôi cảm thấy hạnh phúc khi góp phần giúp đất nước tôi phát triển và thịnh vượng. Tôi không tìm kiếm tiền bạc trong cuộc đời mình. Bạn thấy đấy, tiền bạc không quan trọng đối với tôi. Thực tế khi làm Thủ tướng, mọi thứ đều được văn phòng cung cấp. Tôi không phải tiêu tiền.

Tôi có nhà, điện, nước, xe hơi, máy bay, tất cả đều do Chính phủ cung cấp. Điều quan trọng với tôi là làm sao để cải thiện tình hình ở Malaysia. Xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, người dân được trả lương tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn. Tất cả những điều đó mang lại cho tôi sự hài lòng.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 12

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu tại một hội thảo quốc tế (Ảnh: OOTDMM)

Ngoài câu hỏi trên, tôi cũng đã trao đổi với vị cựu Thủ tướng về những điều cần thiết để một đất nước phát triển: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực… Với phong cách trò chuyện nhìn thẳng vào người đối diện, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad chia sẻ thêm "Điều quan trọng nhất là duy trì sự ổn định và hòa bình trong nước".

Ông cho rằng, để đảm bảo quốc gia phát triển thì người lãnh đạo phải biết đâu là việc quan trọng nhất của mình.

"Nhà lãnh đạo phải nghĩ và trả lời được câu hỏi: Người dân muốn gì? Và ông ta phải làm việc vì người dân. Nếu người lãnh đạo làm việc vì người dân, đất nước sẽ ổn định, người dân có thể sống hạnh phúc.

Phẩm chất tốt nhất của một nhà lãnh đạo là làm việc vì người dân, không phải vì bản thân mình. Ông ta có quyền lực, nhưng không thể sử dụng quyền lực để làm giàu cho bản thân. Ông ta phải tìm ra những gì người dân muốn, và nỗ lực để đảm bảo người dân có được những gì họ muốn. Nếu lãnh đạo không biết cách điều hành đất nước, không biết cách quản lý và cách phát triển đất nước, người dân sẽ chịu khổ", vị cựu Thủ tướng nói.

Theo ông, những người trẻ tuổi phải được đào tạo từ khi họ còn trẻ rằng "họ phải làm việc không chỉ vì bản thân mà quan trọng hơn là vì quốc gia".

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 13

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2019 (Ảnh: Tiến Tuấn)

Khi tôi hỏi động lực nào đã thôi thúc ông quay lại tranh cử chức Thủ tướng lần 2 vào năm 2018, khi đã ở tuổi 92 tuổi, ông nói giọng trầm xuống "Tôi đã rời khỏi Chính phủ vào năm 2003 vì muốn người trẻ tuổi tiếp quản công việc của bản thân và đã kỳ vọng thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ "theo đuổi cùng một chính sách tốt đẹp để phát triển đất nước". Tuy nhiên, sau đó ông đã thất vọng vì nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng tham nhũng. Nhiều người dân đề nghị ông quay lại để giúp đất nước và ông quyết định "trở lại đường đua" để đưa đất nước trở lại quỹ đạo phát triển.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 16

Vị cựu Thủ tướng tỏ vẻ thú vị khi tôi nhắc đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông vào tháng 8/2019, một năm sau khi ông trở lại lãnh đạo Chính phủ Malaysia. Trong chuyến thăm này, bên cạnh các hoạt động chính thức với lãnh đạo cấp cao nước ta, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đến thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc và lái thử xe Vinfast tại đây.

Lúc đó, theo lời kể của người phiên dịch thì Thủ tướng Mahathir Mohamad cố tình để xe an ninh đi trước một đoạn dài rồi mới bám theo. Vận tốc lái của ông đạt hơn 100km/h.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, đã nói rằng rất ngưỡng mộ ngành công nghiệp ô tô của Malaysia và thương hiệu Proton của nước này. "Tôi hy vọng một ngày nào đó VinFast cũng được một phần như vậy", ông Vượng nói với ngài Mahathir Mohamad. Vị Thủ tướng tỏ ra hài lòng trước lời nhận xét này.

Rõ ràng là ông có cơ sở để hài lòng. Dù có nhiều tranh luận và không thể nói rằng Proton là một thương hiệu thành công ở tầm cỡ quốc tế, nhưng ở mức độ quốc gia thì đây là dự án đã có những kết quả đáng kể. Bản thân tôi trong chuyến đến Malaysia lần này đã chứng kiến rất nhiều xe Proton và Perodua (một thương hiệu ô tô nội địa khác của Malaysia) trên đường phố. Hai lần khi tôi gọi Grab thì đều di chuyển bằng xe Proton và Perodua, trải nghiệm rất tốt.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 17

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2019 (Ảnh: Dương GIang/TTXVN)

Vào đầu thập niên 1980, sau khi trở thành lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đưa ra tầm nhìn về dự án ô tô quốc gia nhằm giúp công nghiệp hóa đất nước và đồng thời sản xuất những chiếc ô tô giá cả phải chăng cho thị trường trong nước.

Một liên doanh giữa Proton và Mitsubishi Motors đã cho ra đời mẫu xe Proton Saga đầu tiên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí là có những thất bại trên hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô nội địa, tầm nhìn của vị cựu Thủ tướng về một chiếc ô tô quốc gia cuối cùng cũng đã thành hiện thực vào năm 1985.  

Ngày nay ôtô nội địa thống trị thị trường Malaysia, đứng trong top doanh số xe hơi hàng tháng ở đất nước này luôn có hai thương hiệu kể trên.

Tôi đã hỏi vị cựu Thủ tướng về dự án ô tô quốc gia Proton:

Nguyễn Cảnh Bình: Ông là người khởi xướng dự án ô tô quốc gia, sáng lập thương hiệu Proton. Hiện tôi vẫn thấy Proton đang chạy khắp Malaysia. Ông nhìn nhận sao về dự án này?

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Chúng tôi quyết định rằng để công nghiệp hóa, đất nước phải có một ngành công nghiệp quan trọng dẫn dắt và rồi ngành công nghiệp này nhất định sẽ thu hút các ngành công nghiệp khác. Khi chúng ta chế tạo một chiếc xe, nó có hàng ngàn bộ phận. Và tất cả các bộ phận đều được sản xuất thông qua ngành công nghiệp.

Khi bạn chế tạo một chiếc xe, bạn phải cung cấp bánh xe, pin, hộp số, và rất nhiều loại phụ tùng khác. Vì vậy, khi bạn chế tạo một chiếc xe, bạn thực sự đang kích thích các ngành công nghiệp khác phát triển. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định theo đuổi ngành công nghiệp ô tô.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 20

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (Ảnh: OOTDMM)

Kết quả là dự án đó đã góp phần đưa Malaysia đã chuyển từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia công nghiệp. Ở đây điều quan trọng là bạn có một mục tiêu và nỗ lực, những thứ khác sẽ đến.

Bạn thấy đầu tư sẽ đến, công nghệ sẽ đến, và người dân của bạn sẽ được giáo dục rất tốt. Họ hiểu về khoa học, công nghệ và tất cả những thứ liên quan. Đất nước sẽ phát triển.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 22

Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi tiếp tục đi vào vấn đề phát triển Malaysia, vị cựu Thủ tướng đề cập đến vấn đề quan trọng ở một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo như Malaysia, đó là sự đoàn kết. "Không được để xảy ra sự phát triển bất bình đẳng và sự xung đột giữa giàu - nghèo", ông nhấn mạnh.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 23

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (Ảnh: OOTDMM; Tiến Tuấn)

Chia sẻ tầm nhìn về khu vực Đông Nam Á, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad nói "ASEAN là một ví dụ rất tốt cho thế giới". Theo ông lịch sử ASEAN đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trong đó có giai đoạn mà một số nước trong khối từng có sự đối đầu, nhưng thay vì xung đột hay thậm chí chiến tranh với nhau thì các nước đã quyết định đứng bên cạnh nhau trong một hiệp hội và tổ chức cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo để gặp nhau và giải quyết bất kỳ vấn đề nào.

"Đó là một mô hình rất tốt cho thế giới. Thay đối đầu bằng đàm phán", ông nói, và thêm rằng tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp, cách tốt nhất khi các quốc gia có vấn đề với nhau là giải quyết bằng đàm phán hoặc đưa ra tòa án quốc tế.

"Với ASEAN, chúng tôi không nghĩ về chiến tranh. Chúng tôi muốn sống hòa bình với nhau và có mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia trên thế giới", cựu Thủ tướng nhấn mạnh.

Vị cựu Thủ tướng cho rằng các quốc gia ở châu Á như Malaysia có nhiều điều để học hỏi phương Tây trong quá trình hiện đại hóa, không chỉ về các vấn đề khoa học công nghệ mà cả văn hóa. Ví dụ, "chúng tôi mặc áo vest và cà vạt, đây là trang phục phương Tây, điều đó không sao cả". Hay hiện nay là xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo mà các nước phương Tây đã có nhiều thành tựu. Nhưng theo ông, việc học tập này phải có chọn lọc và điều quan trọng là phải giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống phương Đông.

"Điều chúng ta đang thấy là sự sụp đổ của các giá trị đạo đức ở phương Tây", ông nói, đề cập đến tình trạng chung sống không kết hôn, không lập gia đình... Trong khi ở phương Đông, ở Malaysia, "chúng tôi vẫn duy trì hệ thống đạo đức cũ". Chúng tôi vẫn có gia đình, vẫn kết hôn, vẫn có con cái…

"Chúng ta có một hệ thống giá trị rất tốt, vì vậy bạn phải duy trì hệ thống giá trị của mình", ông nhấn mạnh.

Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Quá 12h trưa tôi mới đứng lên. Vị cựu Thủ tướng trả lời mạch lạc và thẳng thắn tất cả các câu hỏi của tôi, mà trong khuôn khổ bài viết này chưa chuyển tải hết, mong sẽ có dịp tường thuật cụ thể hơn.

Ông vui vẻ ký vào hai cuốn sách của ông đề tặng tôi: Cuốn Hồi ký của ông "Người bác sĩ trong Ngôi nhà" và cuốn "Thế bế tắc của Malaysia" (The Malay Dilemma) mà ông xuất bản năm 1969.

Vị cựu Thủ tướng 99 tuổi và cuộc gặp gỡ đặc biệt ở Kuala Lumpur - 25

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và ông Nguyễn Cảnh Bình - tác giả bài viết (Ảnh: TGCC)

Bước ra cửa, tôi nói cuộc đời ông và câu chuyện hiện đại hóa Malaysia chắc chắn có nhiều điều mà các nước khác có thể tham khảo. Cái bắt tay của ông thật chặt, tôi cảm nhận được sức mạnh của người đàn ông đã 99 tuổi này. Một cuộc gặp đầy ý nghĩa với tôi.

Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega+. Ông cũng là Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, Phó Chủ tịch Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC).

Nội dung: Nguyễn Cảnh Bình

Thiết kế: Đức Bình