DMagazine

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt

(Dân trí) - Khi xung đột sắp bước sang năm thứ hai, Kiev sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc giành lại lãnh thổ, trong bối cảnh Nga tập trung bảo vệ những khu vực đã kiểm soát, thay vì tiến sâu vào Ukraine.

THẾ TRẬN GIẰNG CO TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE SAU 10 THÁNG GIAO TRANH KHỐC LIỆT

Khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ hai, quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc giành lại lãnh thổ từ lực lượng Nga, trong bối cảnh Moscow đang tập trung vào việc bảo vệ những khu vực mà Nga đã giành quyền kiểm soát, thay vì tiến sâu hơn vào quốc gia láng giềng.

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt - 1

Binh sĩ Ukraine phóng rocket vào mục tiêu tại Donetsk (Ảnh: Reuters).

Trong suốt 10 tháng xung đột, quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ, từng bị quân đội Nga áp đảo và rơi vào bế tắc. Tuy nhiên sau đó, Ukraine đã giành lại hàng trăm km2 ở những khu vực mà Nga từng kiểm soát.

Bất chấp các cuộc tấn công không ngừng của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine vẫn giữ đà tiến công trên tiền tuyến kể từ tháng 9. Tuy nhiên, cục diện cuộc chiến có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới, khi Nga cải thiện khả năng phòng thủ và triển khai thêm binh lính ra tiền tuyến.

Theo đánh giá của chính phủ Mỹ, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho Ukraine trong việc giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn mà nước này đã mất quyền kiểm soát trong năm nay.

Tất cả những yếu tố này dẫn đến một kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, đó là một thế trận bế tắc, trong đó không lực lượng quân sự của bên nào có thể giành được nhiều vùng lãnh thổ, mặc dù giao tranh vẫn khốc liệt.

"Tôi thực sự nghĩ rằng việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ dễ dàng hơn nhiều so với việc họ tiến công để giành lại lãnh thổ. Chúng ta cần cung cấp cho Ukraine các thiết bị cần thiết cũng như sự huấn luyện để giúp họ làm điều đó", Evelyn Farkas, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và là chuyên gia về Nga, nhận định.

Trong 6 tháng qua, các lực lượng Ukraine đã làm chậm bước tiến của Nga ở vùng Donbass phía đông, giành lại một vùng đất rộng lớn ở phía đông bắc và giành quyền kiểm soát Kherson, một thành phố lớn ở phía nam. Tuy nhiên Ukraine cũng phải trả giá đắt khi hàng nghìn binh sĩ nước này thiệt mạng và tiêu tốn một lượng lớn đạn dược, đặc biệt là đạn pháo. Trong một tuần, Ukraine đã bắn số đạn pháo lớn hơn rất nhiều so với lượng đạn pháo mà Mỹ có thể sản xuất trong một tháng.

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt - 2

Thế trận xung đột Nga - Ukraine tính đến ngày 15/12/2022 (Đồ họa: BBC).

Các quan chức cấp cao Ukraine gần đây đã cảnh báo về khả năng quân đội Nga tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng Nga hiện chưa có lực lượng sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tấn công lớn nào trong vài tháng tới.

Các quan chức Ukraine tuyên bố họ đã lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh cuộc phản công chống lại lực lượng Nga. Trọng tâm của cuộc phản công sẽ ở khu vực phía nam, nơi giới lãnh đạo chính trị và quân sự Ukraine tin rằng họ cần giành được lợi thế trước các lực lượng Nga để khôi phục vùng lãnh thổ quan trọng của Ukraine.

Giới chức Mỹ nhận định, Ukraine có thể sẽ tránh đưa quân trực tiếp vào bán đảo Crimea, thay vào đó sẽ dựa vào các hoạt động bí mật hơn, tương tự vụ tấn công vào cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea. Vụ tấn công này đã đánh sập tuyến đường tiếp tế quan trọng của Nga. Ngoài ra, Ukraine có thể tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các vị trí quân sự của Nga ở Crimea.

Các quan chức Ukraine đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng, điều quan trọng là phải đẩy lùi các lực lượng Nga ở Crimea. Tuy nhiên, nếu gia tăng sức ép tại Crimea, Ukraine lo ngại rằng điều đó sẽ tạo điều kiện để Nga điều động thêm lực lượng hoặc thiết bị phòng thủ tới các khu vực.

Ukraine cũng phụ thuộc vào các báo cáo tình báo của Mỹ để xác định chính xác mắt xích yếu nhất của quân đội Nga. Mỹ vẫn đang tiếp tục xác định các điểm yếu trong phòng tuyến của Nga, nhắm mục tiêu vào các đơn vị đang bị suy yếu của Nga để giúp quân đội Ukraine giành được những chiến thắng quy mô nhỏ.

"Cuộc chiến này đã cho chúng ta thấy rằng, tốt hơn hết là không nên đánh giá thấp Ukraine", Colin H. Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, khả năng của Ukraine trong việc tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả nhằm vào các căn cứ và tuyến tiếp tế của Nga sẽ không đủ để đánh bật lực lượng Nga ra khỏi các khu vực mà họ tập trung lực lượng.

Giới chức Mỹ nhận định, bất kỳ bước đột phá nhỏ nào của lực lượng Ukraine trong vài tháng tới đều không có khả năng dẫn đến sự sụp đổ trên diện rộng của quân đội Nga, nhưng Nga cũng khó có thể đạt được chiến thắng quân sự trên quy mô lớn ở Ukraine.

Bài học sau các cuộc giao tranh

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt - 3

Tòa nhà bị phá hủy sau trận tập kích tên lửa ở thủ đô Kiev, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo các quan chức Mỹ, các bằng chứng cho thấy Nga đã bắt đầu rút ra bài học từ những sai lầm trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đã bổ nhiệm một vị tướng duy nhất phụ trách cuộc chiến tại Ukraine - Tướng Sergei Surovikin - người mà các quan chức Mỹ cho rằng đang chỉ huy các hoạt động quân sự phức tạp hiệu quả hơn.

Trong những tuần gần đây, các quan chức quân đội Ukraine cho biết, Moscow đã tiến hành các cuộc không kích tăng cường vào các tuyến phòng thủ, làm gia tăng thương vong cho Ukraine. Các lực lượng Nga cũng đang thiết lập các vị trí phòng thủ và dựng chiến hào, đồng thời từ bỏ các khu vực cần số lượng quân lớn hơn để trấn giữ, thay vào đó di chuyển đến các vị trí dễ kiểm soát hơn.

Các quan chức Mỹ cho biết, việc Nga rút quân khỏi thành phố Kherson là một ví dụ điển hình về cách Nga đã rút ra được bài học sau các cuộc giao tranh. Sự rút lui của Nga cho phép các lực lượng quân sự nước này sử dụng sông Dnieper để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine.

Tướng Surovikin, người đã lãnh đạo các lực lượng Nga kể từ tháng 10, đang sử dụng chiến lược tập trung vào phòng thủ chiến lược. Cho đến nay, ông Surovikin đã cải thiện khả năng phòng thủ và rèn luyện kỷ luật cho các lực lượng Nga được triển khai ở phía nam và phía đông Ukraine. Nga đang đẩy mạnh cuộc tiến công ở thành phố Bakhmut ở vùng Donbass phía đông Ukraine. Động thái này giúp Nga đảm bảo các vị trí tốt hơn để phòng thủ trước một cuộc phản công của Ukraine.

"Ông ấy (Tướng Surovikin) đang củng cố các vị trí và đang cố gắng xây dựng một mạng lưới chiến hào cũng như hàng loạt cứ điểm và trạm kiểm soát hợp lý hơn", Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại tổ chức RAND, cho biết.

Bà Massicot nói rằng, Tướng Surovikin cũng đang thử nghiệm các chiến thuật mới cho lực lượng không quân Nga, bao gồm chiến thuật phóng tên lửa vào các mục tiêu nhằm tìm cách gây nhiễu loạn cho hệ thống phòng không của Ukraine. Những chiến thuật mới này của Nga có thể sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc, buộc cả hai bên phải cố gắng giành ưu thế nếu bước vào bàn đàm phán.

Các chuyên gia nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine đang trở thành cuộc chiến xoay quanh đạn dược và nguồn tiếp tế - hai yếu tố cơ bản có thể quyết định thành bại của cả hai bên.

"Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa ngành công nghiệp (quốc phòng) phương Tây và Nga, với một số viện trợ từ Iran, Triều Tiên và một số quốc gia khác", Seth G. Jones, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Nghị sĩ Seth Moulton, thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, người gần đây đã đến thăm Kiev, cho biết khi Ukraine tiếp tục chiến dịch phản công, chắc chắn họ sẽ cần thêm pháo và đạn dược. Theo nghị sĩ Mỹ, Ukraine cũng sẽ cần những khí tài như xe bọc thép, xe tăng và các phương tiện di động khác có thể giúp họ tiến công trước các lực lượng Nga.

Các lực lượng Ukraine cũng sẽ cần một nguồn cung ổn định tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp, máy bay không người lái, cũng như phụ tùng thay thế, xăng, dầu và chất bôi trơn.

"Việc giúp họ bổ sung các kho dự trữ đã cạn kiệt và thiết bị bị hỏng là rất quan trọng", ông Moulton nói.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Mỹ hôm 21/12, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỷ USD, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, cho Ukraine. Gói viện trợ của Mỹ còn bao gồm các loại đạn dẫn đường chính xác cho máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác. Kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2, Mỹ đã gửi hơn 20 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt - 4

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỷ USD trong chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky đến Washington (Ảnh: Reuters).

Chiến dịch phản công của Ukraine

Nhiều nhà quan sát cho rằng tình thế bế tắc hiện nay có lợi cho Ukraine, khi cho phép nước này nhận được thêm vũ khí tối tân từ phương Tây và chuẩn bị cho các cuộc phản công mới.

Các nhà phân tích quân sự nhận định, giao tranh có thể leo thang trở lại ngay sau khi mặt đất đóng băng. Nhiều nhà phân tích dự đoán, các khu vực do Nga kiểm soát ở phía nam Ukraine nhiều khả năng là những nơi Kiev sẽ nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công tiếp theo.

"Mặt đất cần đóng băng trước khi các bên có thể di chuyển các phương tiện một cách tự do hơn", Justin Crump, cựu chỉ huy lực lượng xe tăng của Anh và hiện là người đứng đầu tổ chứcc tư vấn an ninh Sibylline, nói.

Ông Crump cho rằng mặc dù khó duy trì các hoạt động quân sự trong điều kiện thời tiết lạnh hơn, nhưng bối cảnh này sẽ mở ra các cơ hội để hai bên điều động lực lượng nhiều hơn và "khi mùa đông tới, khả năng tấn công của hai bên sẽ ngày càng tăng".

Theo đó, quân đội Ukraine có thể cố gắng giành lại một số khu vực ở tỉnh Zaporizhzhia phía nam và tiến công theo hướng cảng chiến lược Mariupol trên Biển Azov. Khả năng này sẽ cho phép Ukraine cắt đứt hành lang trên đất liền của Nga tới Crimea, vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014. Mariupol nằm dưới quyền kiểm soát của Nga từ tháng 5 sau cuộc bao vây kéo dài gần 3 tháng khiến phần lớn khu vực này trở thành đống đổ nát.

Oleh Zhdanov, nhà phân tích quân sự độc lập người Ukraine, cũng cho rằng khu vực Zaporizhzhia có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc phản công của Ukraine.

"Các hệ thống pháo và tên lửa của Ukraine đã tập trung các cuộc tấn công ở đó", ông Zhdanov nói, đồng thời cho biết quân đội Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các tuyến tiếp tế của Nga tại khu vực này, tương tự kế hoạch mà Kiev từng thực hiện trong cuộc phản công ở vùng Kherson lân cận khiến Nga phải rút quân.

Ukraine cũng có thể tìm cách tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nga cáo buộc Ukraine tấn công các căn cứ không quân chiến lược của Nga nằm cách biên giới hơn 500km về phía đông bằng máy bay không người lái cải tiến do Liên Xô sản xuất.

"Cho dù các cuộc tấn công có tác động đáng kể đến khả năng quân sự của Nga hay không, chắc chắn chúng đang làm lung lay tinh thần của Nga và gây ra sự hoang mang sâu sắc", ông Crump nói.

Thế trận giằng co trên chiến trường Ukraine sau 10 tháng xung đột khốc liệt - 5

Lính Ukraine khai hỏa vào mục tiêu của Nga ở Kherson (Ảnh: Reuters).

Mục tiêu tấn công của Nga

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn đang diễn ra khốc liệt, Nga đã huy động 300.000 quân dự bị theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Trong số này, 150.000 quân đã được triển khai, trong khi số còn lại đang được huấn luyện tại các thao trường cách xa tiền tuyến.

"Nga đang cố gắng xây dựng một lực lượng tấn công tốt hơn thay vì chỉ tung người ra tiền tuyến. Họ có thể kéo dài khóa huấn luyện và quay trở lại với số lượng quân lớn hơn vào năm tới và có động thái đáng chú ý hơn", chuyên gia Crump nói.

Trong khi củng cố lực lượng tấn công, quân đội Nga cũng tiếp tục thúc đẩy nỗ lực chọc thủng tuyến phòng thủ nhiều lớp của Ukraine ở vùng Donetsk phía đông trong trận địa chiến hào, gợi nhắc đến Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chiến lược của Nga đằng sau các cuộc tấn công liên tục vào thành trì Bakhmut của Ukraine ở Donetsk gần đây nhằm buộc Kiev phải duy trì số lượng đáng kể binh lính ở đó và chịu tổn thất nặng nề.

"Đó là chiến thuật câu giờ, kéo dài xung đột, gây thiệt hại cho Ukraine. Họ chỉ muốn làm suy yếu năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine bằng cách gây thương vong cho binh lính và phá hủy thiết bị của Ukraine nhanh hơn khả năng Ukraine có thể tạo ra chúng", chuyên gia Crump bình luận.

Kể từ tháng 10, lực lượng Nga đã tập trung vào việc tấn công dồn dập các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái với hy vọng làm sụt giảm ý chí chiến đấu của người Ukraine và buộc Kiev phải đàm phán theo các điều kiện do Nga đưa ra.

"Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm mục đích gây ra sự căng thẳng trong xã hội và gia tăng áp lực để thúc đẩy đàm phán", chuyên gia Zhdanov nói, đồng thời nhận định các cuộc tấn công không có tác động nhiều đến khả năng của quân đội Ukraine, vì phần lớn phương tiện của nước này sử dụng dầu diesel.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công đã phá hủy một nửa cơ sở hạ tầng của Ukraine. Ông thúc giục Mỹ và các đồng minh phương Tây khác nhanh chóng cung cấp thêm vũ khí phòng không cho Ukraine để đối phó với các cuộc tấn công của Nga.

Thành Đạt

Theo AP, New York Times, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine