DMagazine

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, chiến sự Nga-Ukraine trong 10 tháng qua đã mang lại những bài học đắt giá cho hoạt động tác chiến hiện đại ở cả 3 mặt trận: Trên không, trên biển và trên bộ.

BÀI HỌC TÁC CHIẾN ĐẮT GIÁ TỪ 3 MẶT TRẬN NẢY LỬA TRONG XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE

Giới chuyên gia nhận định, chiến sự Nga-Ukraine trong 10 tháng qua đã mang lại những bài học đắt giá cho hoạt động tác chiến hiện đại ở cả 3 mặt trận: Trên không, trên biển và trên bộ.

Từ ngày 24/2 - thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giới quan sát đã chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ ngoài dự đoán trong cuộc đối đầu quyết liệt giữa quân đội 2 quốc gia láng giềng.

Từ việc chiến sự bị kéo dài tới tháng thứ 10 và vẫn chưa khép lại dù Nga sở hữu tiềm lực quân sự vượt trội đối thủ cho tới sự góp mặt của những vũ khí tương đối đơn giản nhưng lại có thể giúp xoay chuyển tình thế, những bài học đã được rút ra cho hoạt động tác chiến hiện đại.

Giằng co quyết liệt trên bộ

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine di chuyển trên xe tăng tại miền Đông (Ảnh: AFP).

Thứ nhất, xe tăng vẫn đóng vai trò quan trọng trong tác chiến. Cuộc chiến bắt đầu bằng việc Nga mở một chiến dịch đưa quân quy mô lớn từ các hướng với mục tiêu giành quyền kiểm soát Kiev. Nga huy động một lượng lớn xe tăng, khí tài quân sự tới gần thủ đô Ukraine nhưng đã quyết định rút lui vài tuần sau khi không đạt được bước tiến cần thiết trên chiến trường.

Nga đã đối mặt với thiệt hại về xe tăng và thiết giáp trong thời gian đó, sau khi Ukraine triển khai các tên lửa chống tăng, tên lửa vác vai phương Tây viện trợ để tấn công. Điều này đã đặt ra câu hỏi rằng liệu lực lượng tăng thiết giáp có còn thực sự uy lực trong hoạt động tác chiến tương lai hay không khi chúng dần trở nên dễ tổn thương hơn trước các công nghệ vũ khí hiện đại và mất đi vai trò pháo đài di động trên chiến trường.

Tuy nhiên, cuộc phản công của Ukraine ở Kherson và Kharkov, cũng như các đề xuất liên tục từ Kiev tới phương Tây về việc viện trợ thêm xe tăng hiện đại đã trả lời cho câu hỏi nói trên. Theo chuyên trang quân sự 19fortyfive, một thực tế có thể nhận thấy là, các cuộc phản công thành công của Ukraine đều dùng các khí tài xe tăng, thiết giáp, pháo binh để đạt đà tiến.

Washington Examiner nhận định, vai trò của xe tăng trong việc giành và duy trì kiểm soát với các lãnh thổ vẫn không thể bị xem nhẹ trong tác chiến hiện đại.

Siêu pháo thần sấm Nga dùng chiến thuật hỏa lực di động tập kích Ukraine

Thứ hai, pháo binh vẫn là một "thế lực" trên chiến trường. Các chiến dịch quân sự nhịp độ nhanh trên thế giới vào những năm 1990 và 2000 dường như đã không còn đề cao vai trò của pháo binh. Sức mạnh của không quân và những vũ khí hiện đại khác dường như được xem là lấn át đi các khẩu pháo nặng nề, tốc độ không quá cao.

Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine cho thấy pháo binh vẫn có vai trò rất quan trọng trên chiến trường, trong cả nỗ lực phòng thủ lẫn tấn công bao vây đối thủ. Cuộc chiến hỏa lực giữa Nga và Ukraine đã diễn ra khốc liệt trên các mặt trận và trong nhiều trường hợp, bên có hỏa lực chiếm ưu thế hơn đã buộc phía còn lại phải rút lui để tránh thương vong thêm nghiêm trọng. Trong giai đoạn từ tháng 4 - tháng 7, Nga với ưu thế hỏa lực vượt trội đã kiểm soát được nhiều khu vực chiến lược ở miền Đông và Đông Nam từ Ukraine, cũng như khiến đối thủ thiệt hại nặng nề.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 2

Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo ở Donbass (Ảnh: AFP).

Thứ 3, "trái tim" của tác chiến là hậu cần và tiếp tế. Theo chuyên gia quân sự Lawrence Freedman, gần như mọi cuộc chiến kéo dài đều bắt đầu với tham vọng của phía tiến công là muốn thực hiện một cuộc chiến ngắn. Nga ban đầu dường như không kỳ vọng cuộc chiến sẽ kéo dài tới mức độ như hiện tại, nhưng giờ đây nó biến thành một cuộc giao tranh có tính chất tiêu hao. Trong cuộc đối đầu này, cuộc đua sức bền về tiếp tế vũ khí, nhu yếu phẩm sẽ có vai trò thiết yếu có thể xoay chuyển tình hình.

Nga từng phải rút quân khỏi thành phố Kherson sau khi bị Ukraine dùng hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS phá hủy hàng loạt tuyến hậu cần quan trọng khiến Moscow không còn khả năng chi viện cho hàng chục nghìn quân. Giờ đây, cuộc chiến Nga - Ukraine biến thành cuộc đua về sức bền hỏa lực. Nga tăng tốc sản xuất đạn dược sau khi giới quan sát nhận thấy họ dường như đang đối mặt với thách thức nguồn cung vũ khí. Trong khi đó, Ukraine cũng chịu áp lực khi các nước NATO - bên viện trợ quân sự chính cho Kiev - đang cạn kiệt kho vũ khí.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 3

Ukraine đã sử dụng hệ thống HIMARS gây thách thức lớn cho nỗ lực tiếp tế hậu cần của Nga lên tiền tuyến (Ảnh: Reuters).

Theo 19fortyfive, cả Nga và Ukraine tới lúc này đều đang dùng đạn dược với tốc độ không bền vững. Giờ đây, phía nào có thể bù đắp kịp cho kho vũ khí lâu dài hơn sẽ có khả năng xoay chuyển tình hình.  

Thứ 4, một trong những thành tố quan trọng hàng đầu trong tác chiến hiện đại là hoạt động thông tin liên lạc. Sự bùng nổ của công nghệ hiện đại đã khiến các biện pháp kết nối trước đó trở nên lỗi thời. Trên chiến trường, phía truyền thông tin nhanh hơn có khả năng tập hợp lực lượng hiệu quả, phát đi mệnh lệnh nhanh chóng hơn và sẽ có khả năng xoay chuyển tình thế nhanh hơn.

Hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Mỹ Elon Musk đã giúp Ukraine duy trì được đường dây kết nối trong lực lượng trước một lực lượng Nga vượt trội hơn. Một số vụ việc hệ thống Starlink gặp trục trặc ở một số khu vực đã tác động tới khả năng hiệp đồng tác chiến của Ukraine.

Sự quan trọng của thông tin liên lạc cũng cho thấy hoạt động tác chiến điện tử, tác chiến mạng cần được chú ý hơn. Bên nào sở hữu khả năng tấn công mạng, phòng thủ mạng tốt hơn sẽ có lợi thế hơn đối thủ trên chiến trường.

Cuộc chiến trên không quyết liệt

Chuyên gia quân sự Robert Farley nhận định, cuộc đối đầu trên không giữa Nga và Ukraine đã mang lại nhiều bài học cho tác chiến hiện đại về cả chiến thuật lẫn khí tài.

Thứ nhất, cuộc chiến 10 tháng qua cho thấy sự cân bằng giữa việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) và có người lái. Đây không phải cuộc giao tranh đầu tiên có sự tham gia của UAV, nhưng đây là cuộc chiến đầu tiên mà UAV được đánh giá là có tầm quan trọng cao như vậy. UAV hầu như có tác động tới nhiều giai đoạn của cuộc chiến.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 4

Một UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất (Ảnh: AFP).

Trong giai đoạn đầu, các UAV TB2 mà Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine đã phát huy hiệu quả khi chặn được đà tiến của Nga ở khu vực Kiev. Sau khi các hệ thống phòng không, tác chiến điện tử được đưa nhiều tới chiến trường, vai trò của UAV cỡ lớn dần mờ nhạt đi, nhưng các UAV cỡ nhỏ nhận nhiệm vụ trinh sát được xem mang lại nguồn tin tình báo chiến trường quý giá giúp cho hoạt động tác chiến diễn ra hiệu quả.

Thời gian gần đây, phi đội UAV tự sát Nga triển khai đã khiến Ukraine thiệt hại nặng nề khi nhằm vào hàng loạt mục tiêu chiến lược của đối thủ như các cơ sở năng lượng thiết yếu.

Dĩ nhiên, các máy bay có người lái vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong tác chiến. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, máy bay tấn công và máy bay ném bom chiến đấu của Nga đã thực hiện các cuộc tập kích vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Các máy bay chiến đấu của Nga, với uy lực và vũ khí vượt trội hơn đã gây không ít thiệt hại cho các phi cơ đối thủ hoạt động gần tiền tuyến.

Khoảnh khắc cường kích Su-25 Nga né 2 tên lửa Ukraine trong 6 giây

Thứ hai, vai trò của hệ thống phòng không là không thể xem nhẹ. Chỉ trong hơn 2 tháng, Nga đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng của Ukraine với các vụ tấn công ồ ạt. Năng lực phòng thủ của Ukraine đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng rất khó để đánh chặn được 100% các mối đe dọa từ tên lửa và UAV tự sát của Nga.

Một hệ thống phòng không tích hợp có thể khiến cho các cuộc không kích trở nên rất tốn kém. Ví dụ, nếu tỷ lệ đánh chặn là 70%, thì đối thủ muốn phóng 30 tên lửa, họ buộc phải bắn ra 100 quả để đảm bảo hiệu quả tấn công. Ngoài ra, việc tích hợp hệ thống phòng thủ nhiều lớp, nhiều tầm đánh chặn còn khiến đối thủ khó có thể thực hiện các vụ tập kích vào sâu trong lãnh thổ.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 5

Lính cứu hỏa Ukraine dập tắt một vụ hỏa hoạn do Nga tập kích cơ sở năng lượng của đối thủ (Ảnh: Reuters).

Thứ ba, cuộc chiến kiểm soát bầu trời có ý nghĩa then chốt trong tác chiến. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine để kiểm soát bầu trời vẫn chưa ngã ngũ. Theo 19fortyfive, đây dường như là lý do mà chiến sự kéo dài hơn kỳ vọng của Nga, vì Moscow dù chiếm ưu thế hơn nhưng chưa thể kiểm soát được hoàn toàn không phận của đối thủ.

Thứ tư, uy lực của các cuộc tập kích tầm xa (từ cả trên bộ và trên không) có thể đóng vai trò lớn trong chiến sự. Nga đang có ưu thế rõ ràng hơn Ukraine khi sở hữu kho tên lửa tầm tấn công hàng trăm km. Từ khu vực Biển Caspi, Biển Đen hoặc từ tầm rất xa, Nga có thể bắn tên lửa chính xác vào mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine và đảm bảo khí tài phóng của họ ngoài tầm đánh chặn của đối thủ. Trong khi đó, theo Newsweek, Ukraine nhiều lần đề nghị phương Tây cấp vũ khí tầm xa nhưng tới nay vẫn chưa được chấp nhận vì lo ngại rằng Kiev có thể dùng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Kịch bản này có thể khiến chiến sự bùng phát vượt tầm kiểm soát.

Căng thẳng cuộc chiến trên biển

Nga vẫn đang chiếm ưu thế vượt trội trên biển với hải quân hùng hậu hơn Ukraine, nhưng Kiev cũng đang triển khai chiến thuật và khí tài khiến cho tính toán của Moscow đối phó thách thức.  

Thứ nhất, chiến lược phong tỏa biển quan trọng không kém kiểm soát biển. Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu cuộc chiến với lợi thế vượt trội so với đối thủ. Trong những tháng đầu tiên, các tàu chiến Nga đã hoạt động ngoài khơi bờ biển Ukraine, khóa chặt các lực lượng Kiev. Nga đã kiểm soát được Đảo Rắn chiến lược, kiểm soát tuyến hàng hải của đối thủ.

Tuy nhiên, theo thời gian, Ukraine đã bắt đầu xây dựng một hệ thống phong tỏa biển, sử dụng tên lửa chống hạm, UAV, tàu không người lái (USV), hệ thống mìn. Các lớp phòng thủ này giúp Ukraine phong tỏa một số khu vực nhất định, ngăn tàu chiến mặt nước của Nga hoạt động tự do. Nga đã phải kéo lùi các tàu chiến của họ ra xa Ukraine để tránh bị đối thủ tấn công, làm giảm lợi thế từ tiềm lực hải quân vượt trội của Moscow.

Chiến hạm Nga phóng 4 tên lửa hành trình vào kho nhiên liệu Ukraine

Thứ hai, tàu chiến mặt nước đang trở thành mục tiêu dễ tổn thương, nhưng vẫn rất quan trọng. Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trong 10 tháng chiến sự là vụ soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bị chìm. Dù soái hạm này không đóng vai trò quá thiết yếu trong chiến dịch quân sự, nhưng nó cho thấy các tàu mặt nước của Nga ở Biển Đen không phải là một thế lực bất khả chiến bại, thậm chí còn có nguy cơ dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, các chiến hạm của Nga mang tên lửa Kalibr vẫn là một thế lực trong cuộc chiến, khi đã gây ra thiệt hại lớn cho đối thủ trong thời gian qua.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 6

Soái hạm Moskva của quân đội Nga trước khi bị chìm (Ảnh: Reuters).

Thứ ba, kiểm soát vùng biển đối thủ vẫn có tầm quan trọng chiến lược. Dù Nga và Ukraine có biên giới trên bộ kéo dài hơn 2.400km, nhưng Moscow vẫn nhằm mục tiêu tới kiểm soát các vùng biển của Kiev. Nga đã kiểm soát toàn bộ Biển Azov và giờ đây đang hướng tới Biển Đen. Ngoài để đạt được lợi thế quân sự, việc kiểm soát các vùng biển đánh mạnh vào nền kinh tế của Ukraine. Cắt đứt tuyến đường giao thương của Ukraine có thể khiến cho họ đối mặt với thách thức lớn để duy trì huyết mạch kinh tế.

Thứ tư, USV trở thành mối đe dọa mới sau UAV. Vai trò của thiết bị không người lái ngày càng trở nên quan trọng, bao gồm cả UAV và USV. Trong những tháng qua, Nga đã đối mặt với một số vụ tấn công sử dụng USV.

Bài học tác chiến đắt giá từ 3 mặt trận nảy lửa trong xung đột Nga-Ukraine - 7

Các USV tự sát của Ukraine (Ảnh: United24).

Cuối tháng 10, các thiết bị không người lái tự sát trên không và dưới nước đã ồ ạt lao vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Nga tuyên bố ngăn chặn thành công vụ việc và cáo buộc Ukraine đứng sau đòn tập kích. Dù vụ tấn công không thành, nhưng giới quan sát nhận định, nó cho thấy mối đe dọa của USV đối với thế áp đảo của Nga ở Biển Đen. Một số chuyên gia hải quân cho rằng, vụ tấn công có thể là một bước ngoặt mới trong lịch sử tác chiến hiện đại.

Vào tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thế giới gây quỹ để nước này xây dựng một đội gồm 100 tàu không người lái, nhằm đối phó dàn chiến hạm hùng hậu của Nga ở khu vực Biển Đen chiến lược.

Mykhalio Fedorov, Phó thủ tướng Ukraine, cho rằng tàu không người lái là một phương tiện hiệu quả để thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen khi Nga áp đảo Kiev về mặt lực lượng trên khu vực chiến lược này. Kiev hy vọng sẽ xây dựng một hạm đội gồm 100 tàu không người lái.

Ông nói: "Nhỏ và nhanh, chúng có khả năng tấn công thành công các chiến hạm Nga trị giá hàng trăm triệu USD".

Đức Hoàng

Theo 19fortyfive, Newsweek, Forbes

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine