DMagazine

Tổ hợp Patriot: "Quân bài" giúp Ukraine có thể vô hiệu hóa mưa tên lửa Nga?

(Dân trí) - Nhà Trắng hôm 21/12 xác nhận sẽ cung cấp những tổ hợp phòng không Patriot cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, khả năng thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine của loại vũ khí này vẫn đang là một dấu hỏi.

TỔ HỢP PATRIOT: "QUÂN BÀI" CÓ THỂ GIÚP UKRAINE VÔ HIỆU HÓA MƯA TÊN LỬA NGA?

Nhà Trắng hôm 21/12 xác nhận sẽ cung cấp những tổ hợp phòng không Patriot cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, khả năng  thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine của loại vũ khí này vẫn là một dấu hỏi.

Từ cuối tháng 11, thông tin về việc Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot hiện đại đã được truyền thông đăng tải, dẫn lời một số chuyên gia có quan hệ gần gũi với giới chức quốc phòng Mỹ. Thông tin này sau đó đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Nhà Trắng xác nhận vào ngày 21/12, nhân chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thủ đô Washington D.C.

Việc nhận được tên lửa Patriot được xem là một thắng lợi của Ukraine, khi Kiev đã liên tục vận động Mỹ chuyển giao loại vũ khí phòng không này kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của loại tên lửa này trong điều kiện tác chiến ở Ukraine vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Vì sao Ukraine cần Patriot?

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tập kích tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cảm tử vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine đã trở thành một chiến thuật được quân đội Nga ưa chuộng.

Tổ hợp Patriot: Quân bài giúp Ukraine có thể vô hiệu hóa mưa tên lửa Nga? - 1
Binh sĩ Mỹ đứng gác bên cạnh tổ hợp tên lửa Patriot trong một cuộc tập trận ở Lithuania vào năm 2017 (Ảnh: Reuters).

Thời gian gần đây, chiến thuật này ngày càng được sử dụng rộng rãi để tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang ập đến. Các cuộc tập kích này đã khiến nhiều cơ sở năng lượng của Ukraine tê liệt, qua đó buộc hàng triệu người dân nước này phải sống trong cảnh thiếu điện và sưởi.

Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, tính đến ngày 12/12, quân đội Nga đã tiến hành tổng cộng 8 đợt tập kích đường không dữ dội nhằm vào khắp lãnh thổ Ukraine, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

"Hệ thống năng lượng của chúng tôi đã bị thiếu hụt trầm trọng. Tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện tại Ukraine cùng 40% mạng lưới điện cao thế đã bị đã bị hư hỏng sau 8 đợt tấn công tên lửa của quân đội Nga. Mỗi người dân Ukraine cần phải hiểu rằng chúng ta sẽ trải qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới với những hạn chế nghiêm ngặt về mức tiêu thụ năng lượng", Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết.

Không dừng lại tại đó, tới hôm 16/12, Nga tiếp tục phóng 76 tên lửa các loại cùng nhiều máy bay không người lái vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Những vụ tấn công trên đã buộc nhà chức trách Ukraine phải kích hoạt tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Thủ tướng Shmyhal khuyến cáo người dân khẩn trương di tản đến các khu cứu trợ tập trung hoặc các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi tên lửa Nga để tiếp cận với điện và sưởi.

Giải thích cho các vụ tập kích dữ dội trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đặt mục tiêu đánh sập hạ tầng năng lượng của Kiev, qua đó sẽ làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp điện, sưởi và nước cho người dân nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm cho sự gián đoạn trên và yêu cầu Kiev khẩn trương quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt tình trạng này.

Lời cảnh báo trên của ông Peskov đã bị chính quyền Ukraine bác bỏ. Tổng thống Zelensky nhiều lần khẳng định đất nước của ông sẽ không đầu hàng, đồng thời kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm vũ khí phòng không.

Đáp lại lời kêu gọi trên, nhiều quốc gia phương Tây đã chuyển đến Ukraine các tổ hợp vũ khí phòng không như pháo phòng không tự hành Gepard của Đức, tên lửa Avenger của Anh, tên lửa NASAMS hay các tổ hợp tên lửa vác vai Stinger của Mỹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, các loại vũ khí trên, trừ hệ thống tên lửa NASAMS, là không đủ uy lực và hiệu quả để đối phó với các tên lửa hành trình với công nghệ hiện đại của Nga. Chính vì vậy, tổ hợp phòng không Patriot được kỳ vọng sẽ trở thành "con át chủ bài" xoay chuyển cục diện chiến sự tại Ukraine.

Tính năng chiến đấu vượt trội

Được nghiên cứu chế tạo từ năm 1969 và đưa vào trang bị chính thức trong quân đội Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước, MIM-104 Patriot được xem là một trong những hệ thống vũ khí hiệu quả hàng đầu thế giới trong nhiệm vụ chống lại các tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của đối phương.

Tổ hợp phòng không Patriot phô diễn sức mạnh

Tên lửa này được phối hợp sản xuất bởi 3 nhà thầu quốc phòng khổng lồ của Mỹ, bao gồm Raytheon, Lockheed Martin và Boeing, qua đó được tích hợp và liên tục cải tiến nhằm trang bị những công nghệ dẫn đường, định vị và tấn công vượt trội nhất.

Hệ thống này được cấu thành bởi một trạm điều khiển, đài radar dẫn bắn và chỉ thị mục tiêu, cũng như bệ phóng. Đài radar mạnh mẽ của Patriot cho phép nó có thể phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100km. Việc phát hiện mục tiêu và dẫn bắn được tính toán và kiểm soát bởi những hệ thống máy tính cực mạnh, cho phép tổ hợp Patriot có khả năng đánh chặn mục tiêu bay của đối phương một cách chính xác.

Tên lửa của hệ thống phòng không Patriot cũng được thiết kế hết sức uy lực khi có thể mang theo đầu đạn phân mảnh nặng tới 90kg sử dụng ngòi nổ cận đích. Đầu đạn này cũng sử dụng chất nổ cực mạnh, qua đó tăng cường năng lực phá hủy mục tiêu bay của tên lửa Patriot.

Được đặt trên các bệ phóng di động, tên lửa Patriot có thể khai hỏa trong vòng dưới 10 giây sau khi nhận được tín hiệu dẫn bắn từ radar. Việc có khả năng cơ động cao cũng cho phép Patriot nhanh chóng rời khỏi vị trí bắn để tránh bị đối phương phản pháo. Bên cạnh đó, với thiết kế dạng module, cả tổ hợp Patriot có thể được triển khai chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Theo một số chuyên gia, nguyên lý đánh chặn của Patriot sẽ bao gồm việc phóng đồng loạt 2 tên lửa nhằm vào tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của đối phương. Tên lửa thứ nhất sẽ lao trực diện vào mục tiêu dưới sự hướng dẫn của radar điều khiển. Sau đó, tên lửa thứ 2 sẽ tiến hành tìm kiếm các mảnh vỡ, xác định xem đó có phải là đầu đạn đơn lẻ hay không và tấn công phá hủy.

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đã được quân đội Mỹ triển khai trong nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới và trở nên nổi tiếng vì độ tin cậy và tính chính xác vượt trội. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, tổ hợp tên lửa này đã đánh chặn thành công hầu hết các cuộc tập kích tên lửa của Iraq nhằm vào lực lượng Mỹ ở Ả Rập Xê Út cũng như các mục tiêu quân sự quan trọng tại Israel.

Những thách thức trên chiến trường

Theo tạp chí Forbes, một trong những thách thức lớn nhất của tên lửa Patriot tại Ukraine là việc hệ thống này dường như không có khả năng hoạt động hiệu quả trước các UAV cảm tử cỡ nhỏ.

Tổ hợp Patriot: Quân bài giúp Ukraine có thể vô hiệu hóa mưa tên lửa Nga? - 2
Đám cháy dữ dội tại một cơ sở lọc dầu được quân đội Ả Rập Xê Út bảo vệ bằng các "lá chắn thép" Ả Rập Xê Út vào tháng 3/2022 (Ảnh: AP).

Tại Ả Rập Xê Út, các phiến quân Hồi giáo Houthi từ Yemen đã nhiều lần sử dụng các UAV mua từ Iran để tấn công các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu khí khổng lồ Aramco. Các vụ tấn công trên đã diễn ra nhiều lần kể từ năm 2017 và hầu như lần nào cũng gây ra thiệt hại cho các cơ sở công nghiệp dầu khí quan trọng của quốc gia Vùng Vịnh. Theo giới quan sát, quân đội Ả Rập Xê Út đã triển khai nhiều tổ hợp Patriot nhằm bảo vệ các cơ sở lọc dầu trên. Tuy nhiên, các tổ hợp này đã tỏ ra không hiệu quả trong việc chống lại sự tấn công của các UAV cỡ nhỏ.

Đây sẽ là một thách thức lớn với quân đội Ukraine một khi lực lượng này nhận chuyển giao tên lửa Patriot từ Mỹ. Theo Forbes, nhiều UAV được phiến quân Hồi giáo Houthi sử dụng tại Ả Rập Xê Út là cùng loại với những máy bay không người lái cảm tử được cho là do Iran cung cấp cho Nga.

Bên cạnh đó, số lượng tổ hợp Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tác chiến của loại vũ khí này.

Trong các đợt tập kích trước đây của Nga, ngoại trừ thủ đô Kiev, tên lửa hành trình và UAV cảm tử của Nga cũng thường xuyên tiến hành bắn phá các mục tiêu tại các khu vực khác trên lãnh thổ Ukraine.

Ví dụ, hôm 10/12, một trận tập kích UAV quy mô lớn của Nga đã đánh sập hạ tầng năng lượng tại thành phố cảng Odessa ở miền Nam Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng thường xuyên bắn những tên lửa bẫy mồi không mang đầu đạn để đánh lừa hệ thống phòng không Ukraine. Điều này cho thấy Kiev cần một lượng lớn tên lửa Patriot nếu muốn chống đỡ hiệu quả các đợt tập kích đường không của Nga cũng như bảo vệ hạ tầng năng lượng của nước này.

Tổ hợp Patriot: Quân bài giúp Ukraine có thể vô hiệu hóa mưa tên lửa Nga? - 3

Cảnh đổ nát tại thủ đô Kiev sau vụ tập kích của UAV cảm tử Nga vào tháng 12/2022 (Ảnh: Reuters).

Số lượng tên lửa Patriot mà Washington D.C có thể chuyển giao cho Ukraine hiện vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhìn vào giá trị hơn 1 tỷ USD cho một tổ hợp Patriot (bao gồm 400 triệu USD cho hệ thống vũ khí và gần 700 triệu USD cho các tên lửa đi kèm) cùng với chi phí và thời gian đào tạo chuyển loại và bảo dưỡng, các chuyên gia quân sự dự đoán Mỹ sẽ không thể viện trợ quá nhiều tổ hợp này cho Ukraine.

Nhiều người cũng cho rằng việc chuyển giao các hệ thống Patriot cho Ukraine hiện đã là quá muộn. Hạ tầng năng lượng Ukraine, những mục tiêu bảo vệ quan trọng nhất của tổ hợp phòng không này đã bị tàn phá nặng nề sau những đợt tấn công trước đây của quân đội Nga.

Tổng thống Zelensky trước đó thừa nhận gần như toàn bộ mạng lưới điện của nước này đã bị hư hỏng và việc sửa chữa sẽ cần một khoảng thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người dân Ukraine sẽ phải trải qua mùa đông giá rét này trong cảnh không có điện và sưởi. Vì vậy, việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine vào thời điểm này có thể đã muộn vì dù có hiện đại đến đâu, loại vũ khí này cũng không thể bảo vệ Ukraine khỏi những tổn thất đã xảy ra.

Theo chuyên gia David Hambling từ Forbes, đây sẽ là những thách thức lớn với sự thành công của tổ hợp phòng không Patriot tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Hambling khẳng định đây là một tín hiệu tích cực cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky, khi giới chức quốc phòng Mỹ đã đồng ý chuyển giao thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Sau pháo phản lực phóng loạt HIMARS và tên lửa Patriot, Kiev hoàn toàn có thể hy vọng về những vũ khí thay đổi cuộc chơi tiếp theo như máy bay chiến đấu F-16, xe tăng chiến đấu chủ lực hay tên lửa tấn công mặt đất có tầm bắn xa.

Tùng Nguyễn

Theo Forbes, The Drive, Guardian, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine