(Dân trí) - Sinh ra trong dòng họ có ông cố nội là người dịch ngụ ngôn La Fontaine sang tiếng Việt, bà Stéphanie Đỗ qua Pháp khi 11 tuổi và đã trở thành người phụ nữ Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm nghị sĩ.
Nhân dịp về Việt Nam tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới và Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài (từ 21 đến 24/8), bà Stéphanie Đỗ - nghị sĩ Pháp nhiệm kỳ 2017-2022, Giám đốc công ty tư vấn TST Consulting; đứng ở hàng đầu tiên, thứ hai từ trái sang ở hình trên - đã dành riêng cho báo Dân trí cuộc phỏng vấn, chia sẻ về "hành trình nước Pháp" của mình.
Bà Stéphanie Đỗ cũng cho biết vinh dự được tham gia cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu vào chiều 23/8, và là một trong số 5 kiều bào được mời phát biểu tại cuộc gặp này.
Xin chào bà Stephanie Đỗ. Nước Pháp vừa tổ chức Olympic Paris 2024 rất thành công. Bà có thể chia sẻ một vài cảm xúc và suy nghĩ về kỳ Olympic này?
- Trước khi trở về Việt Nam dịp này, tôi đã được xem trực tiếp lễ khai mạc Olympic 2024 và ấn tượng cũng như niềm vui vẫn còn nguyên vẹn tới hôm nay. Paris thật đẹp trong ngày hội thể thao toàn cầu.
Tôi bồi hồi nhớ lại khi còn nhỏ, lúc gia đình còn ở Việt Nam, bố tôi đã nói với tôi thủ đô nước Pháp thơ mộng, lãng mạn như thế nào với những công trình kiến trúc nổi tiếng. Mấy chục năm qua tôi tưởng như mình đã quen với Paris, nhưng nay lại khám phá ra vẻ đẹp mới của thành phố khi nhiều cuộc thi đấu thể thao được tổ chức ngoài trời với hậu cảnh là tháp Eiffel, là những công trình kiến trúc đã làm nên danh tiếng của kinh đô ánh sáng.
Chúng tôi cũng rất vui khi năm nay các vận động viên của nước Pháp đạt thành tích thi đấu tốt, đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp. "Kình ngư" của nước Pháp là Leon Marchand đã giành tổng cộng 4 huy chương cá nhân, trong đó có 3 huy chương vàng.
Như bà vừa chia sẻ ở trên, lúc bà còn nhỏ thì gia đình ở Việt Nam, vậy câu chuyện nước Pháp của bà đã bắt đầu như thế nào?
- Tôi theo ba mẹ qua Pháp lúc 11 tuổi. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giáo, ông cố nội tôi từng dạy học ở một ngôi trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn, ngày nay là trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM). Bên cạnh vai trò người thầy, cụ còn là nhà văn, dịch giả nổi tiếng. Từ năm 1907, cụ đã soạn một phiên bản vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu gồm 50 bài ngụ ngôn La Fontaine bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Cụ còn tham gia trong nhóm làm việc nhằm cải thiện chữ Quốc ngữ lúc bấy giờ. Ngày nay cạnh chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) vẫn còn con đường mang tên ông cố nội tôi: Đỗ Quang Đẩu.
Ba tôi cũng từng là giáo sư Toán, Lý và Hóa ở trường trung học. Chúng tôi đến Pháp vào năm 1991 nhờ chương trình đoàn tụ gia đình. Lúc đó chúng tôi đang có cuộc sống ổn định ở TPHCM, nhưng ba mẹ tôi vẫn quyết đưa 4 đứa con thơ qua nước Pháp vì chuyện học hành tương lai của các con.
Đây là một quyết định mạnh mẽ của ba tôi vì ông sẽ phải bỏ lại tất cả ở phía sau, xây dựng cuộc sống mới trong hoàn cảnh rất khó khăn. Ba tôi thành thạo tiếng Pháp, nhưng mẹ tôi và mấy anh em tôi thì không. Bằng cấp của ba tôi không sử dụng được ở Pháp mà ông phải rời bỏ giảng đường để chấp nhận làm những công việc nặng nhọc.
Có lẽ những khó khăn, thử thách từ thủa nhỏ, khi mới qua Pháp, đã rèn luyện cho tôi sự kiên cường, luôn nỗ lực cao nhất trong khả năng của mình. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn ý thức được dòng máu Việt chảy trong huyết quản của mình và mình phải cố gắng không ngừng để xứng đáng với niềm tự hào đó, để chứng minh "tôi có thể làm được" và vươn tới những thành tựu trên con đường mình đã chọn.
Nhìn lại truyền thống gia đình, tôi có điểm khác biệt với ông cố nội và bố tôi, đó là tôi không theo nghề giáo mà theo con đường chính trị. Nhưng dù con đường khác nhau thì chúng tôi có một điểm chung, đó là mong muốn cống hiến cho cộng đồng, giúp đỡ mọi người và vì sự tiến bộ của xã hội.
11 tuổi qua Pháp, chưa biết tiếng Pháp, bà đã tiếp tục sự nghiệp học hành như thế nào để có thể đạt tới những thành công về sau?
- Khi còn ở Việt Nam thì tôi là một cô bé ngây thơ, cuộc sống êm đềm và tôi không phải suy nghĩ bất cứ điều gì. Nhưng rồi ba mẹ tôi qua Pháp với hai bàn tay trắng, cuộc sống thiếu thốn. Từ đó, tôi hiểu rằng mình không có cách nào khác là phải vươn lên bằng con đường học tập, có kiến thức, có bằng cấp thì mới có thể đi làm, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Thời gian đầu ở Pháp, tôi không thể nói chuyện với bất kỳ ai vì không biết tiếng Pháp. Tôi lao vào học ngày học đêm, bù điểm số bằng cách hoàn thành tốt bài kiểm tra toán, sinh, lý, địa, sử, âm nhạc và thể thao. Tối nào tôi cũng đánh vật với môn tiếng Pháp đến 2-3h sáng, kiên nhẫn tra từ điển từng từ, từng từ để hiểu được bài giảng. Quyết tâm sáng mai lên lớp phải trả lời được cô giáo, nếu không thì xấu hổ lắm.
Ba tôi không bao giờ ép tôi phải học giỏi. Nhưng tự tôi xác định mục tiêu trở thành một học sinh xuất sắc ở mọi môn, kể cả tiếng Pháp, và tôi đã cố gắng rất nhiều. Giữa các học sinh thông minh như nhau thì bạn nào chăm chỉ hơn, nhẫn nại hơn, kiên cường hơn sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Sau một năm ở lớp học thêm tiếng Pháp, tôi được vào chương trình bình thường kể từ lớp 7, và tiếp tục lao vào học để trở thành một trong những học sinh đứng đầu lớp.
Tôi tiến bộ và vượt qua các lớp ở cấp hai, cấp ba không chút khó khăn. Khi lấy bằng tú tài (tốt nghiệp THPT), chuẩn bị học lên cấp cao hơn, tôi đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người khác.
Đây là lúc tôi quyết định đi làm thêm vào cuối tuần, ngoài giờ học. Dù có học bổng nhưng tôi vẫn cần thêm tiền để tự trang trải những khoản chi tiêu cá nhân. Tôi tìm được công việc trong một nhà hàng, sau một thời gian trở thành bồi bàn trưởng tại đây, nhờ đó tôi có thể trang trải chi phí đại học mà không cần xin ba mẹ. Tôi ở với ba mẹ mình, nhưng không muốn là gánh nặng của họ. Đây cũng là giai đoạn tôi quen anh Trung, người sau này trở thành chồng của tôi.
Bà với người chồng của mình đã nên duyên như thế nào?
- Chúng tôi quen nhau trong một dịp cùng đi làm từ thiện. Anh Trung cũng là người gốc Việt, bằng tuổi tôi nhưng học trên tôi một lớp. Anh sinh ra tại Pháp, ban đầu không biết nói tiếng Việt, nhưng sau thời gian thành lập gia đình với tôi, anh đã có thể hiểu và nói được tiếng Việt khá tốt.
Cùng là thế hệ thứ hai người nhập cư trên đất Pháp nên chúng tôi có nhiều điểm chung, nhất là tính tự lập cao, vừa đi học và vừa đi làm, giúp đỡ lẫn nhau.
Những thành công của tôi hôm nay ngoài nỗ lực tự thân thì có sự giúp đỡ, chia sẻ của ba mẹ tôi và của anh Trung rất nhiều.
Qua Pháp từ năm 11 tuổi và sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, nhưng tôi thấy bà vẫn không quên tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ - của mình?
- Có một thực tế là nhiều người Việt khi qua Pháp định cư từ nhỏ, mấy chục năm sau ít nhiều sẽ bị "quên" tiếng Việt. Nhưng với tôi tiếng Việt là cội nguồn. Mình không thể nào quên nguồn cội của mình. Văn hóa Việt, tiếng Việt đã ở trong máu của mình rồi.
Khi gia đình tôi còn ở Việt Nam, tôi là cháu gái nhỏ tuổi nhất trong nhà nên rất được bà nội thương yêu. Tôi vẫn thường xem phim bộ, phim chưởng Hồng Kông với bà nội, qua nội dung phim (Cô gái Đồ Long, Thần điêu đại hiệp…) và thông qua các đoạn lồng tiếng, bà dạy cho tôi tiếng Việt và những bài học quý giá khác về đối nhân xử thế, về văn hóa, giáo dục, về lẽ sống ở đời…
Thói quen xem phim cùng bà nội được duy trì cho đến khi gia đình tôi đã chuyển qua Pháp. Bà vẫn giữ thói quen gọi tôi vào xem phim chung, dù không thường xuyên và tôi không còn hào hứng như lúc ở Việt Nam. Sau này tôi chủ động nghe tin tức bằng tiếng Việt để nắm tình hình quê hương mình và cũng để rèn luyện tiếng Việt.
Giờ đây, tôi cũng dạy và thực hành tiếng Việt cùng con gái mình như cách ngày xưa bà nội đã làm. Ngoài phim Hồng Kông, tôi cũng coi phim Hàn Quốc, qua phiên bản được lồng tiếng hoặc thuyết minh bằng tiếng Việt.
Là công dân Pháp gốc Việt, hai chữ Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với bà?
- Với tôi thì hai chữ Việt Nam nằm trong huyết quản và trong trái tim của tôi. Dù sống ở nước Pháp nhưng ba mẹ tôi, các anh trai của tôi, họ hàng và chồng tôi là người gốc Việt, nên có thể nói Việt Nam hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Cả cuộc đời này tôi biết ơn gia đình mình.
Bà Stéphanie Đỗ là nữ đại biểu gốc châu Á đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Pháp (nhiệm kỳ 2017 - 2022). Một câu chuyện thật ấn tượng và truyền cảm hứng. Vì sao bà quyết định tham gia vào chính trị?
- Cộng đồng châu Á nhập cư mà tôi thuộc về rất ít xuất hiện trên chính trường nước Pháp. Mọi người thường học làm kỹ sư, bác sĩ, nghề thương mại. Với nhiều người, chính trị là một thế giới phức tạp và có thể gây ra nhiều lo ngại.
Bản thân tôi, một người nhập cư gốc Việt, trở thành nghị sĩ của 68 triệu người dân Pháp, là một câu chuyện tưởng như không thể xảy ra.
Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình ở lĩnh vực tư nhân và đã thăng tiến qua mỗi năm. Khi làm việc ở Tập đoàn tư vấn quốc tế Mazars, tôi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý cấp 3 và sẽ làm quản lý cấp cao nếu tiếp tục gắn bó với công việc ở Tập đoàn. Nhưng tôi đã quyết định bước vào con đường công chức, gia nhập ở Bộ Kinh tế, Tài chính, Công nghiệp và Kỹ thuật số, để làm việc trong với vai trò trưởng dự án.
Lý giải cho quyết định này là tôi luôn yêu thích thử thách. Tôi không thể ở yên trong vùng an toàn mà cần được cọ xát và đối mặt với thử thách mới.
Công việc ở Bộ Kinh tế và Tài chính giúp tôi tiếp xúc với giới chính trị và hiểu hơn về chính trị. Đây là giai đoạn ông Emmanuel Macron chưa đắc cử Tổng thống Pháp và đang là một bộ trưởng trong chính phủ. Năm 2016, ông thành lập phong trào En Marche (Tiến bước). Ở Pháp, mọi người bàn luận về Macron rất nhiều trong vai trò bộ trưởng. Khi ông rời vị trí bộ trưởng và sáng lập ra phong trào nói trên thì tôi tự nhủ "Để xem ông ấy làm được gì cho nước Pháp".
Vì thế, tôi đã tham dự một cuộc họp do ông Macron chủ trì, nghe ông trình bày kế hoạch sẽ thực hiện cho nước Pháp. Ngay lập tức tôi bị mê hoặc bởi bản kế hoạch này. Những gì ông nêu lên hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ cá nhân của tôi: Lắng nghe từng người dân, phân tích nguyên nhân, sau đó đưa ra giải pháp cho các vấn đề được nêu.
Nghề của tôi - tư vấn - chính là lắng nghe và đưa ra giải pháp. Nếu đây là chính trị thì tôi hoàn toàn làm được. Tôi đăng ký làm tình nguyện viên cho phong trào, và được ông Emmanuel Macron chọn vào vị trí tư vấn giám sát tỉnh Seine-et-Marne.
Với nhiệt huyết cống hiến cho nước Pháp và cho phong trào, tôi đã hoạt động rất năng nổ, ban đầu chỉ nghĩ làm tình nguyện viên hai tiếng mỗi tuần, nhưng rồi chiều tối và cuối tuần nào tôi cũng bận rộn với công việc này.
Khi ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cũng đến gần. Thú thật là tôi không nghĩ mình sẽ ứng cử. Nhưng các nhà hoạt động khích lệ tôi ra tranh cử ở địa phận tỉnh mình (tỉnh Seine-et-Marnem, nơi tôi giữ vị trí tư vấn giám sát của phong trào En Marche).
Để thể hiện tinh thần đoàn kết với các cộng sự của mình, những người đã gắn bó với tôi trong suốt một năm hoạt động trong phong trào, tôi quyết định ra ứng cử và đối đầu với hai nữ ứng cử viên khác. Một người là cựu bộ trưởng và người còn lại là luật sư. Trong khi đó, năm ấy tôi mới 38 tuổi và gần như là một nhân vật chính trị vô danh.
Tôi tiến vào con đường chính trị với tâm thế khiêm nhường, thậm chí có chút e sợ. Bởi vì trước tôi, chưa có người phụ nữ châu Á nào làm điều tương tự. Tôi cũng chưa quen với việc hình chân dung của mình được phóng to, treo ở ngoài đường phố cùng với khẩu hiệu tranh cử.
Không nghĩ mình sẽ thắng cử và sẽ rời khỏi công việc ở Bộ Kinh tế, Tài chính, Công nghiệp và Kỹ thuật số, dù triển khai chiến dịch tranh cử rất nghiêm túc, nhưng tôi không hề căng thẳng. Còn nhớ trong một lần gặp cử tri ở một khu phố ngoại ô, khi ấy vào tháng 5 và cây anh đào trĩu quả mọng. Chúng tôi dừng chân để hái quả và thản nhiên nếm ngay tại chỗ, dưới ánh mặt trời. Mọi người cười đùa rất vui vẻ.
Cuối cùng, số phận đã đưa tôi đến Quốc hội và một cuộc đời mới bắt đầu.
Trong chặng đường 5 năm tham gia Quốc hội Pháp, bà đã để lại những dấu ấn nào với tư cách là nữ nghị sĩ gốc châu Á đầu tiên?
- Vai trò của một nghị sĩ là kiểm soát hoạt động của chính phủ, xây dựng các dự thảo luật, tu chỉnh các văn bản và biểu quyết thông qua luật.
Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã đưa ra gần 400 đề xuất, hơn 10 đạo luật được thông qua (có ghi tên Stéphanie Đỗ). Nhìn lại, tôi đã làm việc như một chiến binh để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, những việc mà tôi tin rằng sẽ góp phần phát triển nước Pháp. Dĩ nhiên, tôi cũng đã phải dành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nghị sĩ khác ủng hộ mình.
Tôi làm việc suốt tuần, hầu như không có ngày nghỉ. Lịch trình của tôi là 3 ngày ở Quốc hội, 2 ngày ở địa phương và cuối tuần làm việc lưu động. Khi xuống địa phương, tôi tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của từng người, kể cả những người vô gia cư tôi gặp ngoài đường. Từ ý kiến của cử tri, tôi khởi xướng các hoạt động để giúp đỡ cộng đồng và xây dựng các đạo luật
Ngoài ra, tôi còn làm báo cáo ngân sách nhà ở tại Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiến hành điều trần các nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực này.
Trong nhiệm kỳ của mình, tôi nỗ lực thúc đẩy các cải cách về học nghề cũng như đào tạo nghề, nhờ đó tỷ lệ thất nghiệp giảm theo từng năm. Chúng tôi cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, giúp đỡ công dân có hoàn cảnh khó khăn, người già, bảo về quyền bình đẳng giới và phát triển phụ nữ. Một số lĩnh vực tôi cũng dành sự quan tâm là biến đổi khí hậu và các vấn đề của giới trẻ.
Tôi cũng đã tham gia vào việc hình thành văn bản đầu tiên về luật tín nhiệm hoạt động chính trị. Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Chúng tôi đã biểu quyết bãi bỏ ngân sách dự trữ Quốc hội vốn là khoản trợ cấp nhà nước cho phép các đại biểu tùy nghi sử dụng. Nhờ đạo luật này, giờ đây mỗi đồng tiền chi ra phải được giải trình, cấm sử dụng cho mục đích cá nhân, gia đình của nghị sĩ.
Tham gia Quốc hội, tôi còn một niềm vui và tự hào nữa là được làm Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt, trở thành một cầu nối tích cực phát triển quan hệ giữa hai nước.
Giai đoạn 2017 -2022, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm Pháp cũng như lãnh đạo Pháp qua thăm Việt Nam, tôi nhiều lần được tham gia các chương trình chính thức, có mặt trong nghi lễ đón tiếp quan trọng nhất. Có thể nói đây là giai đoạn mà Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội Pháp hoạt động rất sôi nổi với hàng loạt chương trình làm việc, giao lưu.
Dấu ấn quan trong nhất là khi đại dịch Covid bùng nổ, tôi đã tích cực đề nghị Tổng thống Pháp cung cấp vaccine cho Việt Nam, và đề nghị này được hiện thực hóa với 600.000 liều vaccine chuyển tới Việt Nam giữa lúc vaccine rất quý giá và khan hiếm trên toàn cầu.
Nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chắc chắn không dễ dàng. Tôi đã từng bị đe dọa về tính mạng, vì xuất thân châu Á của mình khi đảm nhận chức vụ tại Quốc hội.
Tôi đặc biệt không thể quên một giai đoạn của thời kỳ khủng hoảng y tế. Khi đó, tôi chiến đấu quyết liệt để đưa tiêm chủng phòng chống Covid trở thành bắt buộc, bất chấp rất nhiều phản đối. Có lẽ tất cả những người phản đối vaccine chưa trải qua thử thách như tôi đã đối mặt. Tôi đã từng đưa mẹ mình đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tôi từng nghĩ sẽ mất mẹ và qua biến cố đó tôi càng tin rằng giải pháp vaccine là đúng đắn.
Đâu là bí quyết để bà chinh phục cử tri Pháp khi là một người phụ nữ gốc Á?
- Tôi luôn là chính mình! Luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình với nỗ lực cao nhất.
Khi xuất bản hồi ký của mình, tôi đã vinh dự được Tổng thống Emmanuel Macron viết lời đề tựa, trong đó ông viết "Stéphanie Đỗ đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác". "Cô đã nắm bắt mọi cơ hội mà nước Pháp mang đến cho mình và đã đền đáp cho nước Pháp gấp trăm lần".
Tổng thống Macron cũng viết rằng: "Trong 5 năm (2017 - 2022), cô chưa bao giờ sao nhãng nhiệm vụ, luôn nỗ lực tăng cường quan hệ giữa chúng ta với quê hương của cô trong vai trò chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt (tại Quốc hội Pháp) và cũng ra sức bảo vệ công dân Pháp trong cuộc chiến chống Covid với vai trò của một nghị sĩ luôn có mặt ở tiền đồn".
Tôi xin mượn những lời nhận xét của Tổng thống Pháp để thay cho câu trả lời của mình.
Theo bà, đâu là những lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới?
- Hai nước có mối quan hệ lâu đời và bền vững, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… đều có tiềm năng đẩy mạnh hợp tác.
Việc triển khai đầy đủ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho trao đổi thương mại và tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giữa EU và Việt Nam nói chung, giữa Pháp và Việt Nam nói riêng.
Với cá nhân tôi thì nguyện làm cầu nối giữa hai nước và có thể làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình.
Những dự định của bà trong chặng đường sắp tới?
- Hiện nay tôi tiếp tục làm việc ở Bộ Kinh tế, Tài chính, Công nghiệp và Kỹ thuật số; đồng thời tham gia công ty tư vấn TST Consulting, đây là một công ty chuyên tư vấn và hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Pháp và Việt Nam.
Tôi đang và sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê chính trị của mình, ứng cử vào Quốc hội để triển khai các ý tưởng, các hoạt động vì lợi ích của người dân và của nước Pháp. Phía trước tôi vẫn còn rất nhiều việc cần làm.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày nay mong muốn trở thành những công dân toàn cầu và thành công như bà Stephanie Đỗ. Bà có lời khuyên nào với các bạn đó?
- Hãy khát khao kiến thức và không ngừng học tập. Hoàn cảnh gia đình đã thúc đẩy tôi luôn cố gắng. Không biết tiếng Pháp thì nỗ lực học và vượt lên thay vì chọn giải pháp bỏ học đi làm. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng phải kiên trì, không bỏ cuộc, quyết tâm học thành tài để giúp đỡ gia đình. Tôi tự đặt rất nhiều áp lực lên đôi vai yếu ớt của mình, và luôn tự nhủ rằng không có con đường nào khác ngoài con đường tri thức.
Xin trân trọng cảm ơn bà Stephanie Đỗ!