Ông Trump tham vọng phác thảo lại trật tự thế giới do phương Tây dẫn đầu?
(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang có các động thái nhằm định hình lại trật tự thế giới mà phương Tây dẫn đầu trong hàng chục năm qua.
Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức trở lại Nhà Trắng với một quan điểm nhất quán: Nước Mỹ là trên hết. Ông đã thu hút sự chú ý của dư luận với hàng loạt sắc lệnh hành pháp và những lời cảnh báo cứng rắn.
Theo giới quan sát, các động thái táo bạo của nhà lãnh đạo này trong những ngày qua dường như là động thái cho thấy ông Trump muốn tái định hình vận mệnh của nước Mỹ trong trật tự thế giới hiện tại.
Những điểm nổi bật trong chiến lược của ông Trump được phản ánh thông qua bài phát biểu trực tuyến dài 45 phút tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 23/1, đề cập đến hàng loạt vấn đề kinh tế, đối ngoại.
Ông đưa ra mối đe dọa rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc áp thuế lên hàng hóa châu Âu, đối tác lâu năm của Mỹ. Ông đặt ra một mục tiêu gần như không thể đạt được với phần lớn các nước NATO liên quan tới chi tiêu quốc phòng.
Ông tiếp tục kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Ông ấy được bầu làm người phá vỡ trật tự. Ông ấy hứa sẽ phá vỡ cách thức vận hành hiện tại, cả trong nội bộ nước Mỹ lẫn trên trường quốc tế. Ông ấy đã nhất quán từ suốt chiến dịch tranh cử, giai đoạn chuyển tiếp, và giờ là trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ", David Miliband, cựu ngoại trưởng Anh, nhận định.
Thay đổi trật tự toàn cầu?
Trong "thời đại hoàng kim" mới do ông Trump lãnh đạo, Tổng thống Mỹ lập luận rằng nước này sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng Mỹ.
Ông nhiều lần gọi Mỹ là một quốc gia "có chủ quyền". Đây là cách diễn đạt ám chỉ cho việc Mỹ sẽ hành động một cách độc lập, không thông qua các tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến II với mục tiêu mà Washington mô tả là bảo vệ dân chủ và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu.
Ông Trump cho rằng cách tiếp cận này là hợp lý vì trong nhiều năm Mỹ đã đối mặt với nhiều điều không công bằng.
Ông khẳng định, từ nay trở đi, mọi hành động đối ngoại của Mỹ sẽ cân nhắc đến khía cạnh thiệt - hơn cho người dân Mỹ và đánh giá xem liệu nó sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân Mỹ. Các quốc gia khác và các tập đoàn đa quốc gia không cần phải hợp tác với Mỹ, nhưng nếu họ từ chối, họ sẽ bị trừng phạt, bao gồm cả việc áp thuế quan.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ đủ mạnh và giàu tài nguyên để không cần bất kỳ quốc gia nào khác. Liên quan tới Canada, ông nói: "Chúng ta không cần họ để sản xuất ô tô. Chúng ta không cần gỗ của họ vì chúng ta có rừng riêng. Chúng ta không cần dầu mỏ và khí đốt của họ. Chúng ta có nhiều hơn bất kỳ ai".
Ông Trump dành sự chỉ trích đặc biệt hướng tới Liên minh châu Âu. Ông phàn nàn gay gắt về các quy định của EU mà ông cho rằng làm kìm hãm tăng trưởng của Mỹ.
Ông cũng chỉ trích các loại thuế và hạn chế mà EU áp dụng đối với các công ty công nghệ Mỹ là Google, Apple và Meta. Ông xem các công ty này như công cụ của sức mạnh Mỹ. "Đây là các công ty Mỹ, dù bạn có thích hay không. Chúng là công ty Mỹ và họ không nên làm thế", ông nói.
Ông Trump thể hiện tính cách rõ nét của một doanh nhân thích thương lượng khi chỉ trích NATO.
Ông yêu cầu các thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn gấp đôi, đạt 5% GDP, một con số có thể khiến nhiều nền kinh tế phương Tây gặp thách thức hoặc buộc các chính phủ EU phải loại bỏ các hệ thống an sinh xã hội đắt đỏ vốn là đặc trưng của hệ tư tưởng dân chủ xã hội châu Âu.
Ông khẳng định rằng yêu cầu này là hợp lý, vì Mỹ, quốc gia chi tiêu nhiều hơn bất kỳ thành viên NATO nào khác, không thể tiếp tục gánh chịu chi phí cho việc bảo vệ các đồng minh giàu có nhưng đóng góp không tương xứng.
Ông Trump cũng cảnh báo rằng nếu các thành viên NATO không đạt được mức chi tiêu mới này, Mỹ có thể sẽ xem xét lại cam kết của mình đối với điều 5 trong hiến chương NATO, vốn quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước.
Ông Trump cũng có cách tiếp cận khác biệt với những đối thủ hàng đầu của Mỹ là Nga và Trung Quốc.
Liên quan tới Nga, ông Trump nhấn mạnh ý định giữ cho các kênh ngoại giao luôn mở, mặc dù cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục leo thang.
Ông đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, bất chấp việc cộng đồng quốc tế đã chỉ trích Moscow vì hành động quân sự của mình. Ông Trump tuyên bố rằng ông sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine, miễn là các điều khoản đáp ứng "những lợi ích chiến lược của Mỹ".
Còn với Trung Quốc, ông Trump tiếp tục sử dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt". Ông cho biết sẽ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để đối phó với những gì ông gọi là "các hành vi thương mại không công bằng", đồng thời kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
Cách tiếp cận của ông Trump gây ra những phản ứng khác nhau. Một số nhà lãnh đạo kinh doanh bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp cứng rắn của ông, cho rằng các chính sách của ông có thể khuyến khích các quốc gia khác đóng góp nhiều hơn vào hệ thống toàn cầu.
Những người khác, đặc biệt là từ châu Âu và các tổ chức phi chính phủ, chỉ trích cách tiếp cận này là thiếu sự nhạy cảm đối với các vấn đề quốc tế. Họ cảnh báo rằng việc Mỹ buông lỏng vai trò lãnh đạo toàn cầu truyền thống có thể tạo ra một khoảng trống quyền lực nguy hiểm, mở đường cho các quốc gia đối thủ như Trung Quốc hoặc Nga lấp vào.
Bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, ông Trump đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế: "Cuộc chơi đã thay đổi".
Điều này cho thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ dường như không còn muốn đảm nhận vai trò của một nhà lãnh đạo toàn cầu hào phóng, mà thay vào đó sẽ tập trung vào một khía cạnh thực dụng hơn: Đảm bảo lợi ích trực tiếp cho người dân Mỹ.
Thách thức hàng đầu
Trong khi ông Trump có xu hướng gây áp lực lên nhóm đồng minh phương Tây truyền thống, thì các đối thủ chính của Mỹ lại đang có động thái khác. Nga, Triều Tiên, Trung Quốc và Iran đang đoàn kết và xích lại gần nhau hơn kể từ sau năm 2022, khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Trump đã cam kết chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên và đối phó với Trung Quốc, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ.
Trong vài năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiết lập một "quan hệ đối tác không giới hạn", trong đó Bắc Kinh tăng cường hợp tác kinh tế với Moscow, điều Nga cần để chống lại hàng chục nghìn lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Vào tuần trước, ông Putin và ông Tập đã đề xuất tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược của họ trong một cuộc điện đàm dài, chỉ một ngày sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Ngoài ra, Nga đã ký các hiệp ước chiến lược với Triều Tiên vào tháng 6/2024 và với Iran vào tuần trước.
Theo các nhà phân tích, việc nhóm 4 quốc gia này xích lại gần nhau đang tạo ra thách thức cho Mỹ và đồng minh phương Tây.
"Thách thức đối với ông Trump là mối quan hệ đối tác giữa Moscow và Bắc Kinh làm giảm khả năng Nga sẵn sàng hợp tác với Washington và tăng khả năng chống chịu của Trung Quốc trước áp lực từ Mỹ", ông Daniel Russel thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận xét.
Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây nhờ vào lượng lớn dầu mỏ mà Trung Quốc mua và nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc mà chính quyền Mỹ trước đây cho rằng hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, một cáo buộc mà Bắc Kinh nhiều lần mạnh mẽ phủ nhận.
Triều Tiên cũng bị phương Tây nghi ngờ cung cấp binh lính và vũ khí cho Nga ở Ukraine, đồng thời nhanh chóng phát triển chương trình tên lửa hạt nhân.
Trong khi đó, Iran, dù bị suy yếu bởi các cuộc tấn công của Israel vào các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, có thể khởi động lại nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân nếu áp lực lên Tehran gia tăng, giới chuyên gia cảnh báo.
Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết: "Trung Quốc đang mua dầu từ Iran với giá rẻ, Iran sử dụng số tiền đó để sản xuất tên lửa và máy bay không người lái gửi đến Nga, và Nga sử dụng chúng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine".
Nga trước đó nhiều lần bác bỏ thông tin họ nhận vũ khí từ một bên thứ 3 và Moscow khẳng định họ có đủ năng lực sản xuất quốc phòng để duy trì cuộc chiến.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện trước đó, Ngoại trưởng Marco Rubio đã gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, và chỉ trích Moscow, Tehran, Bình Nhưỡng.
Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc cũng khiến ông Trump lo ngại. Ông cảnh báo áp thuế 100% lên các thành viên nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi (BRICS) nếu họ tạo ra một đồng tiền riêng hoặc đẩy mạnh nỗ lực phi đô la hóa. BRICS là nhóm mà Nga và Trung Quốc là thành viên sáng lập và đang gia tăng mạnh mẽ về quy mô.
Để đối phó với với việc các đối thủ ngày càng càng xích lại gần nhau, ông Trump dường như đã suy tính tới một phương án.
Zack Cooper, một nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng chính quyền ông Trump sẽ cố gắng tách các quốc gia khỏi Trung Quốc.
"Họ dường như muốn chia tách Nga, Triều Tiên và Iran khỏi Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc xác định các mối đe dọa riêng biệt thay vì gộp chung chúng lại", ông nói.
Việc chia tách này sẽ không dễ dàng. Ví dụ, Triều Tiên có thể ít động lực hơn để hợp tác trực tiếp với Mỹ, theo ông Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ca ngợi mối quan hệ giữa họ. Chính quyền ông Trump hiện cân nhắc khả năng tiếp tục đàm phán trực tiếp với ông Kim.
Về phía Iran, ông Trump dường như sẽ quay lại chính sách trước đây nhằm gây áp lực tối đa lên nền kinh tế Iran để buộc Tehran đàm phán về chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các hoạt động của họ tại Trung Đông.
Robert Wood, cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các liên minh của Washington để đối phó với thách thức từ những đối thủ hàng đầu.
"Bạn cần chia rẽ họ khi có thể. Điều cực kỳ quan trọng là phải có và dựa vào các liên minh mà chúng ta có, bởi vì Mỹ không thể đối mặt với tất cả các đối thủ này một mình", ông nhận định.
Tuy nhiên, việc ông Trump có xu hướng muốn thực dụng hơn với các đồng minh truyền thống có thể gây ra thách thức với mục tiêu này.
Theo Asia Times, AFP, The Conversation