DNews

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ "hồn Việt" ở trời Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Sinh sống hơn 30 năm tại Đức, chị Ly, một nữ điều dưỡng viên gốc Việt, luôn nỗ lực gìn giữ những giá trị truyền thống dân tộc, kết nối cộng đồng kiều bào tại đây.

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ "hồn Việt" ở trời Âu

Thấm thoát đã hơn 30 năm kể từ khi Mai Khánh Ly (sinh năm 1981) cùng gia đình chuyển đến Berlin, Đức sinh sống. Bé gái Hà Nội ngày nào nay đã trở thành giảng viên điều dưỡng, hội trưởng hội điều dưỡng ở nơi xứ người.

Cũng chừng ấy năm, chị chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ quê hương. Điều đó đã trở thành động lực thôi thúc chị chung tay cùng những người con xa xứ khác lưu giữ hồn Việt, lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam ở trời Tây.

"Mình chỉ là một điều dưỡng viên nhưng lại vô cùng yêu và đam mê nghệ thuật của quê hương Việt Nam. Với tầm quan trọng của ngành điều dưỡng hiện nay tại Đức, mình muốn dùng thế mạnh đó đưa văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới gần hơn nữa với người dân bản xứ và nâng cao vị trí của người điều dưỡng nói riêng, người Việt tại Đức nói chung", chị Ly chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Giữ hồn Việt ở trời Âu

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ hồn Việt ở trời Âu - 1

Chị Ly (áo đen) và các du học sinh và kiều bào chụp ảnh với áo dài và trang phục dân tộc (Ảnh: NVCC).

Hàng năm, dù rất bận rộn, chị Ly vẫn đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các du học sinh thế hệ các bạn gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Đức cũng như những khách mời bản xứ.

Lễ hội này là giây phút các bạn du học sinh được thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, được nạp năng lượng và tình cảm yêu thương của cộng đồng Việt Nam cũng như từ bạn bè người Đức. Ở đây, họ cảm nhận được sự ấm áp, thân thương như một gia đình. Sự kết nối giữa kiều bào thế hệ thứ nhất tại Đức với các bạn mới nhập cư qua đó được khăng khít, bền chặt hơn bởi sự cảm thông và chia sẻ.

Hơn thế nữa, những hoạt động này của chị Ly và cộng đồng người Việt phần nào giúp gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam tại hải ngoại.

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ hồn Việt ở trời Âu - 2

Một tiết mục biểu diễn với áo dài và nón lá của các bạn du học sinh Việt tại Đức trong chương trình đón Tết Nguyên đán tại Đức do chị Ly và cộng đồng kiều bào tổ chức (Ảnh: NVCC).

Chị Ly cho biết, đối với các đơn vị đại diện của các tập đoàn điều dưỡng của Đức, các viện, các trường dạy nghề, lễ hội Tết đã mang lại cái nhìn hoàn toàn khác về học viên của mình.

Các bạn học viên người Việt khi mới sang thường rụt rè và ít nói hơn, nhưng bù lại luôn được đánh giá cao bởi sự cần cù, siêng năng chăm chỉ. Qua các lễ hội, họ ngạc nhiên và ấn tượng thêm bởi những tài năng về nghệ thuật đàn, hát, múa và điện ảnh. Hình ảnh du học viên Việt Nam qua đó được đánh giá cao hơn. Văn hóa truyền thống Việt Nam cũng ngày càng trở nên gần gũi với người Đức và các bạn bè quốc tế sinh sống và làm việc tại Đức.

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ hồn Việt ở trời Âu - 3

Các tiết mục đều mang đậm bản sắc dân tộc (Ảnh: NVCC.

Ngoài tổ chức các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, hàng năm chị Ly còn tổ chức trại hè cho các bạn thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại Berlin và vùng lân cận cũng như các điều dưỡng.

Trại hè được tổ chức một tuần vào mùa hè, khi đó, các bạn trẻ kéo nhau về thung lũng giữa rừng "Ziegenrück" ở miền trung nước Đức. Trại hè như đã trở thành một gia đình nhỏ giữa rừng xanh mỗi dịp hè về.

Hoạt động này nhằm kết nối thế hệ sinh ra và lớn lên với các điều dưỡng viên mới sang Đức du học nghề, cũng như thúc đẩy sự hòa nhập của thế hệ người Việt sinh ra tại Đức và du học viên, giúp cho các thanh thiếu niên gần gũi với văn hóa, người Việt nhiều hơn.

Thời gian ở trại hè các bạn có những trải nghiệm về thiên nhiên, về kỹ năng sống và sinh hoạt nhóm. Các du học sinh thực tập Thai Chi và thiền hàng ngày, giúp các học viên có thêm kỹ năng kiểm soát và điều ngự cảm xúc qua đó có thể áp dụng cho cuộc sống thường nhật.

Kỳ trại hè luôn là thời gian giúp các bạn được ôn lại kỷ niệm tuổi thơ, được giải tỏa mọi áp lực, được chơi các trò chơi dân gian như nhảy sạp, kéo co, bịt mắt bắt dê.

Ngoài ra, chị Ly cũng tổ chức những đợt thăm thú châu Âu cho các du học sinh vừa để mở mang tầm nhìn, vừa chuẩn bị kỹ năng cho bạn trẻ hướng tới những chuyến đi thiện nguyện cùng nhau ở Việt Nam.

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ hồn Việt ở trời Âu - 4

Du học sinh Việt tham gia trại hè do chị Ly tổ chức (Ảnh: NVCC).

Chị Ly quan niệm, tất cả hoạt động này như sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt ở Đức. Quan trọng hơn, với chị, đó là tiền đề để xây dựng con người cho các hoạt động hướng về quê hương, đất nước, trong đó có thiện nguyện.

"Quan điểm của mình trước khi có những hoạt động hướng về quê hương bền vững và mạnh hơn, mình phải xây dựng về con người, xây dựng mạng lưới các bạn trẻ sinh sống ở Đức có nguy cơ xa dần với quê hương Việt Nam, gắn kết họ", chị Ly nói.

Trái tim hướng về đồng bào

Chị Ly và các bạn trong cộng đồng người Việt ở Đức đã cùng nhau phát động phong trào thiện nguyện hướng về đồng bào bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hàng năm, chị Ly đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung chống lũ. Chị và các bạn trong cộng đồng kiều bào cũng đồng hành với nhóm "Vì Trẻ Em Vùng Cao" để tổ chức các hoạt động thiện nguyện như xây trường học cho trẻ nghèo ở các điểm trường ở Hà Giang; phát bồn chứa nước, tặng bánh chưng và gạo cho các đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Hoạt động của nhóm còn có phát áo ấm, ủng cho học sinh tiểu học các điểm trường vùng cao, hỗ trợ bữa cơm định kỳ cho học sinh tiểu học hàng tháng, tổ chức trung thu cho học sinh tiểu học.

Chương trình thiện nguyện của chị và các bạn cũng mở rộng đến nhiều tỉnh, thành khác như Đắk Lắk, Nghệ An, Bắc Giang.

Nữ điều dưỡng viên lưu giữ hồn Việt ở trời Âu - 5

Chị Ly và nhóm thiện nguyện tặng bồn nước cho bà con Sìn Hồ, Hà Giang (Ảnh: NVCC).

Để có kinh phí cho các hoạt động này, nhóm của chị Ly đã thiết kế những chương trình gây quỹ như bán bánh chưng, biểu diễn văn nghệ. Ngoài ra, chị luôn cố gắng kết nối hội nhóm với các cơ quan đoàn thể như Đại sứ quán Việt Nam, các hội đồng hương để tạo điều kiện mở rộng hoạt động cộng đồng. Chị cũng giúp làm cầu nối giữa hội điều dưỡng với các hội đoàn Việt Nam tại Đức nhằm đóng góp và cống hiến cho sức khỏe cộng đồng.

Ôm ấp nhiều hoài bão cống hiến, chị Ly chỉ mong có thêm thật nhiều thời gian và năng lượng để có thể làm nhiều hơn nữa cho cộng đồng, cho quê hương dù điều đó khiến chị càng khó cân bằng hơn giữa công việc, cuộc sống gia đình và hoạt động xã hội.

Chị Ly tâm sự, chị may mắn được sinh ra trong một gia đình rất ý thức được hoạt động cộng đồng là một yếu tố rất quan trọng trong việc gìn giữ những truyền thống và nét đẹp văn hóa của Việt Nam cũng như giữ gìn tài sản vô giá cho chính con cháu thế hệ sau này tại Đức. Do vậy, chị luôn nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện tối đa từ gia đình, bạn bè.

Với chị, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, điều quan trọng là có thể truyền năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho những người xung quanh và hướng đến những giá trị cội nguồn.

Lời tòa soạn: Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Họ không chỉ hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại mà còn ngày càng hướng về quê hương, trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Và dù sống ở khắp năm châu, họ vẫn lưu giữ "hồn Việt", tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua nhiều cách nhau.  

Báo Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả tuyến bài "Quê hương trong tim", giới thiệu những người Việt, người gốc Việt sống ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn và mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.

Bài 3: Cô gái Việt duy nhất tại tòa thị chính Funabashi lan tỏa văn hóa dân tộc