Nhà ngoại giao nhớ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ
(Dân trí) - Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại, đều mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Quan hệ Việt - Mỹ được đánh dấu bằng nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, trong đó có chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7/2015. Chuyến thăm diễn ra sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam và đúng vào dịp kỷ niệm hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Là người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định với phóng viên Dân trí rằng đây là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử.
Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ, một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt và là cường quốc số một thế giới. Cuộc gặp diễn ra ở Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng và được tổ chức với nghi lễ rất cao.
Ông Vinh nhớ lại rằng, theo lịch trình ban đầu, hai bên dự kiến chỉ làm việc khoảng 60 phút, bao gồm 45 phút hội đàm và 15 phút họp báo. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi kéo dài đến 90 phút về nhiều vấn đề mà hai nước cùng quan tâm. Đây cũng là một ngoại lệ trong hoạt động đối ngoại, vì thông thường, lịch trình hội đàm của các nhà lãnh đạo cấp cao đều rất sát sao về mặt thời gian.
Một điều đặc biệt nữa là, cùng với Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn có Phó Tổng thống Joe Biden. Đây là một nghi thức rất cao. Phía Mỹ cũng cử Phó Tổng thống Biden chủ trì cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư. Tại cuộc hội đàm lẫn cuộc chiêu đãi, hai bên đã trao đổi cởi mở với nhau về cả những vấn đề quá khứ cũng như góc nhìn tương lai.
Ông Vinh cho rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào năm 2015 đã tạo đà mới cho quan hệ Việt - Mỹ.
Nếu nhìn xuyên suốt một hành trình, từ năm 2013 khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, năm 2023 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, xuất phát điểm từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3/2023, có thể thấy những dấu ấn của quan hệ Việt - Mỹ đều mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dấu ấn của Tổng Bí thư trong quan hệ Việt - Mỹ
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng, nói về quan hệ Việt - Mỹ, giai đoạn 8 năm (từ 2015 đến 2023) là chặng đường mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2015, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ, đánh dấu cột mốc rất lớn trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử trên nhiều khía cạnh.
Một là, trong tuyên bố tầm nhìn của hai nhà lãnh đạo đưa ra khẳng định đây là chuyến thăm lịch sử.
Hai là, những nghi thức tiếp đón và kết quả đạt được trong chuyến thăm tương ứng với nghi thức dành cho người đứng đầu của một quốc gia, chứ không chỉ là người đứng đầu một đảng chính trị.
Ba là, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã hội đàm với Tổng thống Mỹ, gặp gỡ tại Nhà Trắng và ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt - Mỹ. Đây là một bước tiến lớn.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi rất thẳng thắn và chân thành những vấn đề của quá khứ, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua những khác biệt về kinh tế, thể chế chính trị xã hội, từ đó nhấn mạnh những nguyên tắc của quan hệ song phương, định ra tầm nhìn cho quan hệ trong tương lai.
Ông Vinh nêu lại một số điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo.
Thứ nhất, hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc quan hệ, đặc biệt là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong quan hệ giữa các nước khác biệt về thể chế chính trị, đặc biệt là quan hệ Việt - Mỹ để từ đó hai nước có thể nâng tầm quan hệ.
Thứ hai, tuyên bố khẳng định quan hệ Việt - Mỹ có nhiều tiềm năng và không gian để phát triển hơn nữa. Chính vì vậy, tuyên bố tầm nhìn vào thời điểm đó nói rằng, hai nước vẫn phải tiếp tục nâng cao hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện.
Thứ ba, tuyên bố nêu nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác với nhau, bao gồm chính trị, kinh tế, giao lưu nhân dân, giáo dục, khoa học công nghệ…
Ông Vinh đặc biệt nhấn mạnh dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, nhất là trong giai đoạn 10 năm qua.
Tổng Bí thư đã đại diện cho một quốc gia và duy trì mối quan hệ với lãnh đạo Mỹ trong suốt khoảng thời gian này. Một điểm đáng chú ý là mối quan hệ này được duy trì đối với cả hai đảng của Mỹ, do vậy các đời tổng thống Mỹ, dù ở đảng chính trị nào, cũng đều có các chuyến thăm tới Việt Nam.
Vào tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hơn một năm sau, tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump cũng thăm chính thức Việt Nam nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC. Tháng 2/2019, Tổng thống Trump trở lại Việt Nam. Tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý nữa là sau mỗi chuyến thăm, quan hệ Việt - Mỹ càng được củng cố và nâng cấp. Năm 2023, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam mang dấu ấn cá nhân rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, xét về quan hệ cá nhân từ năm 2015 khi ông Joe Biden là Phó tổng thống Mỹ, cho đến năm 2023 khi ông là Tổng thống Mỹ, ông Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn duy trì mối quan hệ với tư cách cá nhân chứ không chỉ quan hệ giữa hai quốc gia.
Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 19/7 nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập niên.
Thông cáo cho biết, Mỹ trân trọng việc Tổng Bí thư đã đưa quan hệ song phương lên những tầm cao mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm Mỹ, thể hiện cam kết to lớn đối với tình hữu nghị, đồng thời định hình mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai quốc gia.
Di sản của Tổng Bí thư càng được củng cố khi quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện năm 2013 và một thập niên sau đó, lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư cùng với Tổng thống Biden.
Vị thế chiến lược mới của Việt Nam
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định, 10 năm qua đã chứng kiến những bước chuyển và thay đổi rất sâu sắc của cục diện thế giới và khu vực. Cạnh tranh nước lớn gia tăng đặt ra những thách thức rất mới.
Vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đặt ra thử thách lớn cho các quốc gia, cộng đồng quốc tế và thể chế quốc tế.
Việt Nam đã đứng vững và vượt qua những thách thức đó. Việt Nam là một trong những nước vượt qua đại dịch sớm để khôi phục lại hoạt động kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và nối lại chuỗi cung ứng. Các nước ngày càng mong muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam, tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen.
Có thể nói, 10 năm qua là một dấu ấn rất lớn của Việt Nam. Nếu 30 năm đổi mới đã tạo tiền đề, 10 năm qua đã đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn trên tất cả lĩnh vực.
Ông Vinh cho rằng, việc Việt Nam có thể vượt qua những "cơn gió ngược" để vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động đối ngoại là một thành tựu rất lớn. Đây là dấu ấn lớn của Việt Nam, trong đó có dấu ấn của người đứng đầu hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bức tranh đối ngoại những năm qua cho thấy Việt Nam đã có vị thế chiến lược mới trong quan hệ quốc tế. Điều này thể hiện ở ba khía cạnh, theo ông Vinh.
Thứ nhất, Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ ở tầm đối tác chiến lược với cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vị thế của Việt Nam càng được củng cố sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào năm 2023. Các nước đánh giá rất cao rằng Việt Nam đã ứng xử kiên định về nguyên tắc và khôn khéo về sách lược để tranh thủ mối quan hệ với các nước lớn.
Nhìn trên bình diện thế giới, Việt Nam có quan hệ ngày càng sâu sắc với tất cả quốc gia ở các châu lục khác nhau, đồng thời tham gia ngày càng sâu hơn vào các thể chế quốc tế và khu vực. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đăng cai hội nghị APEC… Đây đều là những dấu ấn lớn của Việt Nam vào thời điểm thế giới có những bước chuyển mạnh mẽ.
Thứ hai, Việt Nam củng cố quan hệ với các đối tác chủ chốt, tạo ra vị thế vững chắc về môi trường an ninh chiến lược và phát triển. Các đối tác chủ chốt bao gồm các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các trung tâm lớn.
Trước hết, quan hệ Việt Nam với hai nước láng giềng Lào và Campuchia vẫn bền chặt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao đã chủ trì các cuộc gặp với lãnh đạo cao nhất của cả ba nước. Với ASEAN, Việt Nam vừa đóng góp tích cực, vừa là nhân tố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực vì hòa bình, an ninh, phát triển.
Thứ ba, Việt Nam đã tạo ra năng lực mới trong hội nhập quốc tế, không chỉ phát triển về chiều rộng, mà còn về chiều sâu với các nước, các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã hội nhập quốc tế, đặc biệt về kinh tế, ở tiêu chuẩn cao hơn, chất lượng cao hơn.
Mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của Việt Nam cả đa phương và song phương, những hiệp định chất lượng cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng và được hưởng lợi từ mắt xích đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Theo ông Vinh, tất cả những thành tựu trên đã tạo nên dấu ấn của Việt Nam nói chung, nhưng rõ ràng dấu ấn của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất lớn, đặc biệt trong 10 năm qua, khi Việt Nam bước sang giai đoạn mới về phát triển, hội nhập.