Nga thay Bộ trưởng Quốc phòng: Nước cờ đáng chú ý của ông Putin
(Dân trí) - Trong những ngày qua, dư luận chú ý tới việc Đại tướng Sergey Shoigu thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và chuyển sang làm Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, thay ông Nikolai Petrushev.
Chiến tranh trong thế kỷ XXI đã khác rất xa với các kiểu chiến tranh trong thế kỷ XX, không chỉ ở việc sử dụng ngày càng phổ biến các vũ khí, phương tiện công nghệ cao mà còn về đặc điểm, phạm vi tác chiến và các lĩnh vực có liên quan trực tiếp và gián tiếp.
Những thay đổi đó đã giúp các chiến thuật mới ra đời, những chiến lược chiến tranh mới dần hình thành, kéo theo những phương thức tiến hành chiến tranh hoàn toàn mới ra đời.
Những phát triển bước đầu của hình thái chiến tranh mới
Thế kỷ XX đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới. Các nhà sử học quân sự gọi đó là "Chiến tranh tổng lực". Điều đó có nghĩa là các quốc gia tham chiến chủ chốt phải huy động đến mức cao nhất tiềm lực kinh tế, tài chính, công nghệ, nhân lực cho mặt trận.
Với hình thái chiến tranh tổng lực, những bên tham gia có tiềm lực dự trữ dồi dào hơn thường có lợi thế chiến lược hơn và giành chiến thắng khi cuộc chiến kết thúc. Sự thất bại của các đế quốc Đức, Áo - Hungary trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự thất bại phát xít Đức, Italy, Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai chứng minh điều đó.
Ngoài tiềm lực về công nghiệp quốc phòng, những ngành khác như lương thực, thực phẩm, quân nhu và đặc biệt là nhiên liệu đóng vai trò then chốt đối với tất cả quân đội trên thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của phát xít Đức và đế quốc Nhật Bản là vấn đề nhiên liệu mà cụ thể là dầu mỏ, không chỉ được coi là huyết mạch của kinh tế mà được coi là huyết mạch của chiến tranh.
Chiến tranh phức hợp, hình thái chiến tranh hiện đại của thế kỷ XXI
Bước vào thế kỷ XXI, những vũ khí, phương tiện chiến tranh điện tử đã đạt được nhiều bước tiến nhảy vọt nhờ sự phát triển của công nghệ 4.0.
Những tên lửa hành trình xuất hiện từ cuối những năm 1980 đã qua nhiều lần cải tiến với những chức năng vượt trội để có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Những phương tiện bay UAV được thiết kế để có thể trở thành những "máy bay cảm tử" tấn công đối phương. Các loại bom thông minh được sử dụng trong các cuộc "tấn công phẫu thuật".
Công nghệ điều khiển điện tử có mặt trên hầu hết các loại vũ khí hiện đại, từ xe tăng, thiết giáp, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích và đặc biệt là sự có mặt của các vệ tinh quân sự hoặc vệ tinh lưỡng dụng được dùng để chỉ huy tác chiến, trinh sát đối phương, điều khiển vũ khí, bảo mật thông tin liên lạc...
Không chỉ trong lĩnh vực quân sự, chiến tranh còn lan tới cả các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như kinh tế, thương mại, tài chính văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ với tâm điểm là hệ thống Internet toàn cầu, một trong những sản phẩm ưu việt của nền công nghệ 4.0.
Song song với các hoạt động tăng cường chạy đua vũ trang, gây xung đột quân sự, khủng bố, đấu tranh ngoại giao là các cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về thương mại, tài chính, công nghệ, kinh tế…
Hầu như trên tất cả các hoạt động quan trọng của đời sống con người đều có nguy cơ biến thành các mặt trận, kể cả y tế, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật vốn là những lĩnh vực được xem như trung tính.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu định danh hình thái chiến tranh này là "chiến tranh lai", một số dùng thuật ngữ "chiến tranh tổng hợp" hoặc "chiến tranh tổng lực". Cuối cùng, khái niệm "Chiến tranh phức hợp" đã ra đời để mô tả đầy đủ nhất về hình thái chiến tranh mới này.
"Chiến tranh phức hợp" đã phá vỡ vai trò "quân sự độc tôn" cũng như tư duy "tuyệt đối hóa quân sự" của chiến tranh và xung đột, phản ánh đặc điểm đa chiều và đa lĩnh vực của chiến tranh hiện đại.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, phe phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã phát động một cuộc "chiến tranh phức hợp" để đối đầu toàn diện với Nga. Phối hợp các biện pháp quân sự truyền thống, chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, chiến tranh kinh tế, chiến tranh tài chính-ngân hàng, các thủ đoạn cấm vận, trừng phạt, bao vây, cô lập Nga trên hầu hết các lĩnh vực, từ khoa học, công nghệ, tài chính, thương mại rồi đến cả văn hóa, thể thao…
Tóm lại, Mỹ và phương Tây đã huy động tổng hợp tất cả các nguồn lực mà họ có trong tay để thực hiện mục tiêu chiến lược là đánh bại nước Nga.
Là xu hướng chính của hình thái chiến tranh hiện nay, "chiến tranh phức hợp" thể hiện xu thế phát triển mới mang tính thời đại công nghệ mạnh mẽ. Tính mơ hồ của hệ thống mạnh và tính phá hủy của quy tắc mạnh, là sự phản ánh quan trọng của cục diện thay đổi chưa từng có trong thế kỷ này trong lĩnh vực chiến tranh.
Khi các phương thức "chiến tranh phức hợp" tiếp tục mở rộng, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình dần bị phá vỡ. Phạm vi của chiến tranh và xung đột ngày càng trở nên mơ hồ. Các quy tắc chiến tranh hiện có cùng với hòa bình và phát triển của thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Sự không chắc chắn đối với trật tự hệ thống quốc tế ngày càng gia tăng.
Học thuyết về "Chiến tranh phức hợp" (hybrid warfare) trong thời hiện đại đã phá vỡ các giới hạn quân sự truyền thống.
Các phương thức chiến đấu phi quân sự như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh chống khủng bố và các biện pháp phi quân sự như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh tâm lý đều được phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự thông thường, hình thành các hình thức tác chiến đa dạng, phức tạp, có nhiều mối liên hệ giữa các thành tố đó.
Sự thay đổi nhận thức và tư duy về quân sự và quốc phòng
Từ trước khi diễn ra các cuộc biểu tình Maidan đầu năm 2014 ở Ukraine, cũng như các hoạt động quân sự của Nga trợ giúp chính phủ Syria, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov (khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục tác chiến quân đội Nga) đã chỉ ra rằng "chiến tranh phức hợp" là đặc điểm điển hình của chiến tranh trong thế kỷ XXI.
Hình thái chiến tranh này đòi hỏi quân đội phải sử dụng tổng hợp các phương tiện chính trị, kinh tế, thông tin, chủ nghĩa nhân đạo và các biện pháp phi quân sự khác để phối hợp với bạo loạn bất ổn và các hoạt động quân sự bí mật trong khu vực chiến sự để làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của đối thủ.
Nhận thức của tướng Valery Gerasimov về "chiến tranh phức hợp" là, tuy giới hạn trong việc sử dụng lực lượng quân sự chiếm ưu thế trong cuộc xung đột nhưng vai trò của các lực lượng khác được tăng cường tối đa.
Trong đó, các lực lượng tác chiến phi thông thường như lực lượng đặc nhiệm vô cùng quan trọng, chủ yếu thông qua việc tiến hành nhiệm vụ gián điệp và phá hoại quy mô lớn dưới vỏ bọc của các hoạt động gìn giữ hòa bình, chiến tranh thông tin và tiến hành xâm nhập từ bên trong ra ngoài vào các quốc gia đối địch.
Các hoạt động phi quân sự như hoạt động trên không gian mạng, vũ trụ, ngoại giao, công nghệ thông tin, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và các lĩnh vực khác, trở thành một hình thức mới của cuộc đối đầu toàn diện giữa các cường quốc. Từ đó đạt được mục tiêu chiến lược mà các biện pháp quân sự thông thường không thể đạt được.
Trong những ngày qua, dư luận tập trung hướng vào việc Đại tướng Sergey Shoigu thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và nhận nhiệm vụ Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga thay ông Nikolai Petrushev cùng với việc 5 viên tướng bị Cơ quan An ninh liên bang khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham nhũng, gồm:
Trung tướng Timur Ivanov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Yuri Kuznetsov, Tổng cục trưởng Tổng cục cán bộ, Bộ Quốc phòng.
Trung tướng Vadim Samarin, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Ivan Popov, cựu Tư lệnh Quân đoàn Cận vệ số 58, Quân khu phương Nam.
Thiếu tướng Vladimir Verteletsky, Cục trưởng Cục mua sắm quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Một số người nhận định rằng, Đại tướng Sergey Shoigu bị thôi chức vì phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ tư duy và cách thức chỉ huy với hình thái "chiến tranh phức hợp".
Bằng chứng là Đại tướng Valeri Gerasimov vẫn tại vị Tổng tham mưu trưởng. Và điều đáng chú ý là người thay thế ông Sergey Shoigu không phải là một quân nhân mà là một Phó thủ tướng phụ trách kinh tế và công nghệ, ông Andrey Belousov.
Sự ra đời của hình thái "chiến tranh phức hợp" đòi hỏi phải thay đổi tư duy về quân sự - quốc phòng. Theo tư duy kiểu cũ, quốc phòng luôn gắn liền với các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, kể cả các lực lượng không chính quy.
Không gian tác chiến giả định là mặt trận trên bộ, trên biển và trên không, có chiến tuyến giữa các bên. Theo đó, các chiến thuật, chiến lược quân sự ưu việt nhất được hoạch định, các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất đều được các bên sử dụng nhằm đem lại ưu thế trên chiến trường.
Tuy nhiên, trong những cuộc "chiến tranh phức hợp", chiến tuyến không còn tồn tại. Sẽ không còn khái niệm về tiền tuyến và hậu phương bởi bất cứ không gian nào, kể cả không gian mạng cũng sẽ trở thành chiến trường với những phương tiện phù hợp với không gian đó.
Các mục tiêu bị tấn công sẽ không chỉ bao gồm các mục tiêu quân sự thuần túy mà bao gồm cả các mục tiêu lưỡng dụng quân sự - kinh tế, thậm chí là cả những mục tiêu dân sự nhưng có thể được huy động để hỗ trợ quân sự.
Trong điều kiện đó, nổi lên vai trò của an ninh. Các nhiệm vụ an ninh không chỉ đơn giản là tình báo, phản gián, phòng chống tổ chức phản động, bạo loạn, phòng chống tội phạm… mà còn là công cụ đắc lực để chống lại các thủ đoạn chiến tranh du kích, biệt kích bằng nhiều loại lực lượng và phương tiện của đối phương nhằm đột kích rất sâu vào các mục tiêu quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của các bên tham chiến.
Nền quốc phòng - an ninh của một quốc gia luôn luôn phải dựa trên hai nhân tố căn bản là tổ chức kinh tế - xã hội và tổ chức con người.
Một nền kinh tế mạnh, sử dụng khoa học và công nghệ tiên tiến sẽ cung cấp cho lực lượng vũ trang những vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại nhất để bảo vệ các không gian chủ quyền của một quốc gia, bao gồm cả vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo và không gian mạng.
Nền kinh tế ấy vừa phải giữ vai trò phát triển xã hội trong thời bình, vừa phải có thể nhanh chóng chuyển trạng thái một khi chiến tranh nổ ra. Vì vậy mà các thiết chế kinh tế lưỡng dụng quân sự kết hợp dân sự ngày càng được xây dựng phổ biến.
Một hệ thống tổ chức chính trị - xã hội khoa học, phù hợp với truyền thống của mỗi quốc gia cũng như luôn được cải tiến, hiện đại hóa sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết muôn người như một trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Theo đó, quân đội vẫn là nòng cốt nhưng tất cả người dân thuộc các thành phần xã hội, các dân tộc, các lứa tuổi, các tôn giáo đều được tập hợp thành một khối thống nhất, sẵn sàng tham gia công cuộc bảo vệ quốc gia trên các lĩnh vực, địa bàn, phù hợp với năng lực của họ.
Tính toán của Tổng thống Putin
Hình thái "chiến tranh phức hợp" đã làm thay đổi nhận thức về chiến tranh hiện đại. Do đó cũng làm thay đổi tư duy về quản lý nhà nước về quốc phòng. Khái niệm quản lý nhà nước về quốc phòng đã khiến khái niệm chỉ huy quân sự chỉ còn là một thành tố trong hệ thống các tổ chức, con người và phương tiện tham gia vào sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc.
Chính Tổng thống Vladimir Putin đã xác định rằng có một nghề cao quý, đó là "Nghề bảo vệ Tổ Quốc" khi ông nói về Quân đội Nga nhân kỷ niệm ngày 23/2 hàng năm, vốn là ngày thành lập Quân đội và Hải quân Liên Xô, nay đã được đổi thành "Ngày của những người bảo vệ Tổ Quốc" của Liên bang Nga.
Với chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, Bộ Quốc phòng ở nhiều nước trên thế giới không chỉ có chức năng chỉ huy tác chiến cũng như các hoạt động huấn luyện quân sự, chính trị quân sự, hậu cần quân sự… mà còn phải chịu trách nhiệm quản lý nền tảng của bộ máy quân sự đó.
Các lĩnh vực lưỡng dụng bao gồm: nền công nghiệp, tài chính, khoa học và công nghệ, nền ngoại giao đa phương, hệ thống giao thông vận tải lưỡng dụng, hệ thống thông tin viễn thông lưỡng dụng, các cơ sở chăm sóc y tế lưỡng dụng và nhiều cơ sở hạ tầng khác để khi xảy ra chiến tranh, có thể huy động toàn bộ sức mạnh nhân lực và vật lực của toàn quốc vào công cuộc bảo vệ đất nước.
Chính vì vậy mà người lãnh đạo một cơ quan nhà nước quan trọng bậc nhất không chỉ là nhà chỉ huy quân sự có tài năng mà quan trọng hơn, phải là người có kiến thức tổng hợp, kết hợp quân sự - quốc phòng với nhiều lĩnh vực có liên quan mới có thể bảo đảm một nền quốc phòng hiện đại.
Trong khi đó thì những vị tướng vốn được đào tạo chuyên sâu về quân sự và tác chiến chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của họ trên chiến trường dù họ cũng am hiểu ở mức độ nhất định những kiến thức có liên quan về an ninh, đối ngoại, kinh tế, tài chính, xã hội...
Đó chính là lý do để Tổng thống Nga bác bỏ những suy đoán của dự luận về việc ông đang mở mặt trận chống tham nhũng trong quân đội Nga.
Chống tham nhũng là việc làm thường xuyên của bất kỳ quốc gia nào, trên bất cứ lĩnh vực nào. Còn việc tổng thống Nga đề cử một phó thủ tướng, một nhà kinh tế học vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga minh chứng rằng ông đã tiếp thu đầy đủ, phát triển đến mức đỉnh cao, sáng tạo học thuyết về "chiến tranh phức hợp" và hiện thực hóa những luận điểm của nó vào thực tế của nước Nga, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai.
Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp của nước Nga khi Tổng thống đồng thời là Tổng tư lệnh, là người chỉ huy cao nhất, tuyệt đối và toàn diện của các lực lượng vũ trang Nga.
Trong cơ cấu mới và nhân sự, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Nga sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý nhà nước về quốc phòng cũng như tất cả các lĩnh vực có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quốc phòng. Còn Tổng tham mưu trưởng sẽ là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới xây dựng các kế hoạch hoạt động quân sự trong cả thời chiến lẫn thời bình và tổ chức thực thi các kế hoạch đó.
Khi so sánh hiện tượng này với thời kỳ trước đây, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov không phải là quân nhân, nhiều người nghĩ rằng tổng thống Nga đang "dân sự hóa" bộ máy lãnh đạo quân đội. Một số khác thì nhận định người Nga đang học người Mỹ để chia tách quản lý nhà nước về quốc phòng với quản lý và chỉ huy quân sự. Nhưng bản chất của vấn đề lại hoàn toàn khác.
Động thái mới này sẽ tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa lĩnh vực quân sự với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, mở rộng phạm vi xã hội hóa nền quốc phòng của Nga để trở thành nền quốc phòng toàn dân với quân đội làm nòng cốt.
Trên cơ sở đó, nền quốc phòng của Nga sẽ trở nên toàn diện hơn, sức mạnh của quân đội Nga được củng cố vững chắc hơn ở chỗ nó không chỉ dựa vào vũ khí, trang bị và các chiến binh mà còn dựa trên nền tảng kinh tế xã hội và toàn thể nhân dân Nga.