DMagazine

"Nắm đấm thép" khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau

(Dân trí) - Năng lực răn đe thông qua bộ ba hạt nhân khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng trong "đường đi nước bước" của nhau, ngăn một cuộc đối đầu trực diện có thể tác động nghiêm trọng tới thế giới.

"NẮM ĐẤM THÉP" KHIẾN 2 SIÊU CƯỜNG QUÂN SỰ NGA - MỸ DÈ CHỪNG NHAU

Năng lực răn đe thông qua bộ ba hạt nhân khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng trong "đường đi nước bước" của nhau, ngăn một cuộc đối đầu trực diện có thể gây ra tác động nghiêm trọng cho thế giới.

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, 2 siêu cường hàng đầu thế giới là Mỹ và Liên Xô khi đó đã theo đuổi học thuyết răn đe hạt nhân.

Cả Mỹ, Liên Xô và sau này là Nga đều có quan điểm là nếu bên nào tấn công vào họ trước, những cường quốc này sẽ đáp trả nhanh chóng và tung ra một cuộc tấn công quy mô lớn hơn nữa.

Nhờ thế cân bằng về kho vũ khí hạt nhân mà Liên Xô và Mỹ cũng như Nga và Mỹ hiện tại đã tránh được kịch bản xung đột bùng phát thành cuộc chiến hạt nhân, và một phần nào đó giúp thế giới không bị kéo vào một cuộc chiến quy mô lớn. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân cũng tạo ra một nghịch lý mang tên "ổn định - bất ổn định" và có thể làm tăng nguy cơ đối đầu gián tiếp giữa các siêu cường quân sự. 

BỘ BA HẠT NHÂN "KHỦNG" NHẤT THẾ GIỚI

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 1

Nga và Mỹ là 2 siêu cường quân sự sở hữu bộ ba hạt nhân uy lực hàng đầu thế giới (Ảnh minh họa: Sputnik).

Trên thế giới, chỉ có số ít quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Một số quốc gia đã thực hiện các thí nghiệm cho nổ vũ khí hạt nhân là Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan. Israel cũng bị nghi sở hữu loại vũ khí này sở hữu vũ khí này dù luôn bác bỏ.

Tuy nhiên, trong các nước trên, Nga và Mỹ chính là 2 quốc gia có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất và đồng thời có bộ ba hạt nhân "khủng" nhất.  Thống kê của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ cho thấy, Nga có khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhỉnh hơn Mỹ với khoảng 5.428 đơn vị. Nga cùng với Mỹ sở hữu 90% đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Do số đầu đạn áp đảo này mà 2 quốc gia sở hữu bộ ba hạt nhân đủ sức răn đe bất cứ nước nào, tạo dựng vị thế siêu cường quân sự.

Bộ ba hạt nhân được cấu thành từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay ném bom chiến lược. Mục đích của việc triển khai năng lực hạt nhân ở cả 3 nhánh này là để giảm nguy cơ một nền quân đội bị đối thủ vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng hạt nhân trong một cuộc tấn công phủ đầu. Ngoài ra, nó cũng đảm bảo cho quốc gia trên có khả năng tấn công áp đảo từ nhiều hướng khi bị đối thủ nhằm mục tiêu trước, từ đó làm tăng năng lực răn đe.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III của Mỹ

Theo USA Today, Mỹ có một cơ chế gọi là Điều kiện sẵn sàng phòng thủ (DEFCON). Đây là khái niệm nhằm đánh giá mức độ của mối đe dọa mà Mỹ có thể đối mặt từ các quốc gia khác. Với mỗi mức độ đe dọa, Mỹ sẽ có kịch bản đáp trả khác nhau.

Washington có 5 mức độ DEFCON từ 1 tới 5. DEFCON 5 là mức thấp nhất, trong khi DEFCON 1 là mức cao nhất - ám chỉ một cuộc chiến hạt nhân sắp hoặc đã bắt đầu.

Mỹ chưa bao giờ kích hoạt mức DEFCON 1. Mức cao nhất mà Washington từng đặt ra là DEFCON 2, xảy ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba thời Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Nga cũng có phiên bản DEFCON riêng. Theo Dmitri Alperovitch, người sáng lập Viện Nghiên cứu An ninh mạng Alperovitch tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Nga có 4 cấp độ cảnh báo. Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp ngày 27/2  đã chỉ thị chuyển lực lượng răn đe hạt nhân của Moscow sang tình trạng báo động cao. Theo các chuyên gia, đây là mức cảnh báo ở cấp độ 2.

Video bộ ba hạt nhân chiến lược Nga diễn tập nã tên lửa đạn đạo

Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga hiện đang triển khai một số ICBM bắn từ giếng phóng và ICBM di động. Các dòng ICBM nổi tiếng nhất của Nga có thể kể tới là Topol, RS-20M Voevoda, RS-18A, RS-12M2 Topol-M và RS-24 Yars. Theo thống kê, Nga hiện có khoảng 306 ICBM, có khả năng triển khai 1.185 đầu đạn hạt nhân. Khoảng 95% lực lượng tên lửa chiến lược của Nga luôn trong tình trạng liên tục sẵn sàng chiến đấu.

Sức mạnh răn đe trên bộ của Nga sẽ được tăng cường đáng kể sau khi đoàn tàu hạt nhân Barguzin và ICBM thế hệ mới Sarmat được đưa vào biên chế. Một số dòng ICBM của Nga ngoài khả năng mang vũ khí hạt nhân, tấn công vào các mục tiêu cách hàng chục nghìn km, còn có thể thay đổi quỹ đạo để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương.

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 2

ICBM từ mặt đất, SLBM từ tàu ngầm và tên lửa đạn đạo từ máy bay tạo nên sức mạnh cho bộ ba hạt nhân của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngoài ICBM, Nga cũng sở hữu một hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược gồm hàng chục chiếc đang hoạt động trên các đại dương. Nổi bật nhất trong đội tàu ngầm hạt nhân của Nga là các tàu lớp Borei với khả năng phóng SLBM Bulava.

Bulava là loại tên lửa liên lục địa hoạt động bằng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 8.000-11.000 km, theo RT. Hiện tại, Bulava là "xương sống" cho lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, là một trong những tên lửa có sức công phá mạnh mẽ nhất thế giới. Nó có thể mang tối đa 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 150 kiloton (150.000 tấn thuốc nổ TNT). Nhờ đó, tàu có thể hoạt động cách bờ hàng nghìn km trong mọi điều kiện thời tiết và trở thành mối đe dọa với đối thủ của Nga vì số lượng hỏa lực "khủng" mà con tàu có thể mang, cũng như có thể di chuyển âm thầm dưới lòng đại dương.

Trên không trung, nòng cốt bộ ba hạt nhân của Nga là các máy bay ném bom Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160/Tu-160M2. Nga hiện cũng đang phát triển dòng máy bay ném bom thế hệ mới PAK DA. Các máy bay này đều có thể mang các tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hàng nghìn km. Hai loại tên lửa hành trình chính của không quân Nga hiện là X-555 và X-101 (biến thể mang đầu đạn hạt nhân là Kh-102).

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 3

Kho vũ khí "khủng" cho phép Mỹ sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân mạnh mẽ (Ảnh: Defense News).

Trong khi đó, bộ ba hạt nhân của Mỹ cũng sở hữu uy lực "ngang tài, ngang sức" so với Nga. Trên đất liền, khả năng răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ xoay quanh tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III. Mỹ có gần 400 tên lửa Minuteman III ở chế độ chờ trong các hầm chứa trên khắp cả nước. Trong nhiều năm qua, Minuteman III đã được Mỹ tập trung cải tiến, nâng cấp với động cơ mới và các hệ thống dẫn đường hiện đại. Ban đầu, tên lửa này chỉ được thiết kế để mang 3 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập nhưng phiên bản hiện tại của Minuteman III chỉ mang được 1 đầu đạn có sức công phá 300 kiloton.

Trên không, khả năng răn đe của Mỹ dựa trên 2 "pháo đài bay" là B-52 Stratofortress và B-2 Spirit. Hai máy bay ném bom này có thể đưa bom hạt nhân đến hầu hết mọi nơi trên thế giới trong vòng vài giờ, nhờ khả năng định vị chiến lược và khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 4

Máy bay ném bom B-52 Mỹ cấu thành nên năng lực răn đe hạt nhân của Washington (Ảnh: Wikipedia).

Dưới biển, khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ tập trung vào 14 tàu ngầm tên lửa lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo Trident được trang bị đầu đạn hạt nhân. Trident II có tầm bắn khoảng 11.000km và có thể nhắm tới nhiều mục tiêu. Tên lửa này được trang bị công nghệ dẫn đường quán tính MK6 có thể tiếp nhận tín hiệu định vị vệ tinh GPS trong hành trình bay nên đạt độ chính xác gần như tuyệt đối.

VAI TRÒ ĐẶC BIỆT TRONG CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

Chưa có bất cứ vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine, nhưng các khí tài này được xem là đang định hình cuộc chiến một cách gián tiếp.

Khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ và NATO có thể đảm bảo rằng căng thẳng ở Ukraine sẽ không lan rộng ra các nước thành viên của liên minh quân sự. Trong khi đó, khả năng răn đe hạt nhân của Nga đang khiến Mỹ và phương Tây "cân não" với việc sẽ gửi vũ khí gì tới hỗ trợ Ukraine để không bị xem là trực tiếp khiêu khích Nga.

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 5

Năng lực răn đe hạt nhân của Nga và Mỹ đã định hình một cách cơ bản cục diện chiến sự ở Ukraine (Ảnh: Getty).

Trên thực tế, Mỹ trong gần nửa năm qua đã từ chối cấp cho Ukraine các tiêm kích, hay các vũ khí có tầm tấn công đủ để vươn tới lãnh thổ Nga. Mối lo ngại về việc bước vào một cuộc chiến với cường quốc hạt nhân như Moscow đã khiến phương Tây nhiều lần từ chối các đề nghị cấp vũ khí liên tục mà Kiev đưa ra.

Theo Conversation, Nga và NATO đang răn đe nhau một cách hiệu quả ở một mức độ nào đó. NATO dù đã cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhưng nhiều lần không chấp nhận đề xuất của Kiev nhằm lập vùng cấm bay.

Cả Nga và Mỹ đều hiểu và công khai thừa nhận rằng, một cuộc chiến hạt nhân sẽ không có bên nào thắng và sẽ gây ra thảm họa cho toàn thế giới. Chính vì vậy, họ luôn hành động một cách cẩn trọng trước những nguy cơ có thể đẩy căng thẳng leo thang dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các siêu cường quân sự.

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 6

Mỹ cân nhắc kỹ càng các yếu tố khi viện trợ hệ thống rocket phóng loạt HIMARS cho Ukraine cho thấy họ cẩn trọng trước "lằn ranh đỏ" mà Nga đã vạch ra (Ảnh: Reuters).

Theo chuyên trang quân sự War on The Rock, một điều có thể chắc chắn rằng kịch bản Mỹ tham gia trực tiếp vào chiến sự ở Ukraine là không xảy ra. Ngay cả khi Mỹ cấp cho Ukraine các hỏa lực phóng loạt HIMARS, họ cũng chỉ viện trợ những tên lửa có tầm hoạt động giới hạn khoảng 70km. Mỹ từng tuyên bố chưa bao giờ cân nhắc và sẽ không xem xét tới khả năng viện trợ Ukraine dòng tên lửa tầm bắn 300km cho HIMARS vì lo ngại kịch bản "Thế chiến III bùng phát".

Nga từng tuyên bố, nếu vũ khí phương Tây cấp cho Ukraine bắn vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ coi đây là tình huống khiêu khích trực tiếp và sẽ đáp trả mạnh mẽ. Đây là một trong 4 kịch bản mà Nga cảnh báo họ có thể triển khai vũ khí hạt nhân.

NGHỊCH LÝ ỔN ĐỊNH - BẤT ỔN ĐỊNH

Nghịch lý ổn định - bất ổn định là một lý thuyết quan hệ quốc tế liên quan đến tác động của vũ khí hạt nhân tới quan hệ giữa các quốc gia. Nghịch lý này nhấn mạnh rằng: Khi 2 quốc gia đều có vũ khí hạt nhân, xác suất xảy ra đối đầu trực tiếp giữa họ giảm đi đáng kể, nhưng xác suất xảy ra xung đột nhỏ hoặc gián tiếp giữa 2 nước lại tăng lên.

Điều này xảy ra bởi vì các nước có vũ khí hạt nhân muốn tránh các cuộc chiến nên họ sẽ tránh để xảy ra đối đầu trực tiếp và sẽ không cho phép các xung đột nhỏ leo thang thành quy mô lớn. Khi không đối đầu trực tiếp, các nước trên có thể tham gia một cuộc chiến ủy nhiệm ở một nước thứ 3, hoặc họ chi tiền bạc và nguồn lực để tạo tầm ảnh hưởng ở các khu vực khác.

Để kiểm soát xung đột nhỏ, các bên thường đặt ra "lằn ranh đỏ" cho đối phương, nhằm tránh bất cứ bên nào vượt qua giới hạn.

Nắm đấm thép khiến 2 siêu cường quân sự Nga - Mỹ dè chừng nhau - 7

Khả năng răn đe hạt nhân của Nga - Mỹ khiến kịch bản 2 siêu cường đối đầu trực tiếp khó có thể xảy ra (Ảnh: RT).

Giáo sư Andrew Kydd tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho biết, xung đột giữa 2 nước có vũ khí hạt nhân sẽ chia làm 3 mức: Thấp, trung bình và cao. Mức thấp nhất tương ứng với các cuộc chiến ủy nhiệm. Mức độ trung bình là cuộc chiến thông thường trực tiếp. Mức độ cao nhất là cuộc chiến hạt nhân.

Với 2 cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ, một kịch bản đối đầu trực tiếp là khó có khả năng xảy ra, vì vậy, nhiều chuyên gia và ngay cả quan chức Moscow đã nhận định, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dường như có bóng dáng của một "cuộc chiến ủy nhiệm". Hay nói cách khác là Mỹ và Nga đang đối đầu với nhau thông qua trung gian là Ukraine. Ukraine không phải là thành viên NATO, không là đồng minh với Mỹ, nên Washington có thể coi căng thẳng ở Ukraine là một cuộc xung đột mà họ sẽ không tham gia trực tiếp vào. Mỹ và Nga từ đó sẽ cẩn trọng để không vượt qua "lằn ranh đỏ" của nhau và gần như chắc chắn sẽ không sử dụng tới vũ khí hạt nhân, giới chuyên gia nhận định với Conversation.  

Nghịch lý xảy ra là khi các cường quốc vũ khí hạt nhân tin rằng, họ có thể kìm chế và răn đe đối phương để không gây ra một cuộc xung đột trực tiếp gây ra thảm họa cho thế giới. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích an ninh của các nước này lại có thể gây ra tác động tới một bên khác, và thậm chí tác động tới toàn cầu. Nói cách khác, chiến sự Nga - Ukraine trong nửa năm qua cho thấy sự va chạm về lợi ích an ninh giữa các cường quốc có thể ảnh hưởng mạnh và khiến thế giới "rung chuyển" như thế nào. 

Đức Hoàng

Theo The Conversation, War on The Rock, USA Today

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine