1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nêu rõ lý do không dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga bác bỏ cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Ukraine, đồng thời nêu những trường hợp Moscow có thể sử dụng loại vũ khí này.

Nga nêu rõ lý do không dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine - 1

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga vào tháng 4/2022 (Ảnh: Sputnik).

Ông Andrey Belousov, người dẫn đầu phái đoàn Nga dự Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên Hợp Quốc, ngày 5/8 cho biết, những cáo buộc về việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine là "vô căn cứ".

"Điều này là không thể vì học thuyết của Nga giới hạn nghiêm ngặt các tình huống khẩn cấp, trong đó Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, cụ thể là đáp trả hành động gây hấn liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc đáp trả hành động gây hấn liên quan đến vũ khí thông thường, đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga", ông Belousov cho biết.

"Không có kịch bản giả định nào ở trên phù hợp với tình hình ở Ukraine", nhà ngoại giao Nga cho biết thêm.

Ông Belousov cũng phủ nhận thông tin Nga đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng "báo động cao". Ông lý giải rằng, tình trạng "tăng cường cảnh giác" hiện nay "khác hoàn toàn" với "tình trạng báo động cao của các lực lượng hạt nhân chiến lược".

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, từng đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu rõ những điều kiện cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng cho biết chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa. 

Tổng thống Putin ngày 1/8 tuyên bố, Nga tin rằng "không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này "không bao giờ được nổ ra". Ông Putin khẳng định Nga luôn tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Tổng thống Putin cho biết, Nga cũng tin rằng "mọi quốc gia tuân thủ các quy tắc của hiệp ước NPT nên sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và không cần bất kỳ điều kiện nào".

Hồi tháng 7, khi được hỏi về nguy cơ cuộc xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân giữa Nga và phương Tây do những nỗ lực liên tục của Mỹ và các đồng minh khiến tình hình leo thang, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định "không thể có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân, do vậy cuộc chiến này không bao giờ có thể nổ ra".

Nga hiện có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân - kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine