DNews

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ "huyết mạch" Biển Đen

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã triển khai mạng lưới phòng thủ được thiết kế đa lớp với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các khí tài để đối phó với các cuộc tấn công của Ukraine ở Biển Đen.

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ "huyết mạch" Biển Đen

Biển Đen đã trở thành một trong những điểm nóng khi cuộc xung đột Nga - Ukarine nổ ra. Khu vực này đã chứng kiến các cuộc phong tỏa hải quân, đổ bộ, tác chiến không người lái, thậm chí cả các cuộc chạm trán gần giữa lực lượng Nga và Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/12 đã công bố đoạn video ghi lại hoạt động của máy bay săn ngầm Beriev Be-12 và trực thăng chiến đấu Kamov Ka-29 ở Biển Đen.

Máy bay chống ngầm Be-12 và trực thăng Ka-29 Nga tuần tra Biển Đen (Nguồn: Sputnik).

Đoạn video cho thấy các máy bay diễn tập bắn pháo và ném bom nhằm các mục tiêu nhỏ, tốc độ cao trên biển. Các hoạt động huấn luyện này đã trở nên quan trọng trong 22 tháng qua, trong bối cảnh luôn hiện hữu mối đe dọa về các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các tàu chiến, căn cứ hải quân và hệ thống phòng thủ ven biển của Nga ở Crimea, Kherson và Novorossiysk.

Hạm đội Biển Đen đồn trú tại Sevastopol, bán đảo Crimea và được cho là lực lượng quan trọng trong chiến dịch tập kích của Nga vào các mục tiêu trên khắp Ukraine. Trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần thực hiện các vụ tấn công vào mục tiêu của Nga ở Biển Đen nhằm làm suy yếu phòng thủ của Nga ở Crimea, cô lập bán đảo với lực lượng Moscow đang tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các hoạt động của Hạm đội Biển Đen, lực lượng Không quân Hải quân, lực lượng phòng không và ven biển của Nga đã chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ bờ biển dài 2.500km ở Crimea khỏi sự xâm nhập của đối phương.

Những lực lượng này, cùng với các đơn vị quân đội ở Kherson và Donetsk, đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc ngăn Ukraine thực hiện các mục tiêu phản công, cắt đứt hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea và lục địa Nga, cũng như giành lại quyền kiểm soát bán đảo này.

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ huyết mạch Biển Đen - 1

Vị trí Biển Đen (Ảnh: Aljazeera).

Ngoài quân đội Ukraine, lực lượng hải quân và không quân Nga cũng phải bảo vệ bờ biển và không phận Biển Đen trước các lực lượng của Mỹ và các đồng minh NATO.

Nỗ lực của Nga nhằm tránh lặp lại những vụ việc như hồi tháng 3/2023, khi một máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của Nga chặn một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ đang thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga ở Biển Đen, khiến UAV Mỹ rơi xuống biển.

Vụ việc đã khiến Mỹ và NATO tạm dừng các hoạt động giám sát bằng máy bay không người lái trên Biển Đen. Tới tháng 8/2023, Nga tiếp tục xuất kích máy bay chiến đấu để chặn thêm một UAV MQ-9 khác và một chiếc TB2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất khi các máy bay này tìm cách tiến hành trinh sát trên không gần Crimea.

Theo nhà phân tích Ilya Tsukanov của Sputnik, đối với một khu vực chiến lược quan trọng như Biển Đen, hệ thống phòng thủ của Nga được triển khai đa diện và đa lớp.

Lực lượng không quân

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ huyết mạch Biển Đen - 2

Máy bay chiến đấu Su-30 của Hạm đội Biển Đen Nga hộ tống máy bay Boeing P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đen vào năm 2021 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngoài máy bay săn ngầm Be-12 và trực thăng Ka-29 của lực lượng Không quân Hải quân thuộc Hạm đội Biển Đen, các phương tiện không quân đóng tại Crimea và Krasnodar Krai được giao nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt Biển Đen khỏi các mối đe dọa trên không và trên biển.

Lực lượng này được trang bị máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 và máy bay ném bom/đánh chặn chiến thuật Sukhoi Su-24, trực thăng đa năng Mil Mi-8 và Mil Mi-14, máy bay vận tải Antonov An-12 và An-26, máy bay không người lái Orlan, Forpost và Granat-4 (được phóng từ bờ biển hoặc trên các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen).

Ngoài ra, Nga cũng triển khai các máy bay của Lực lượng Hàng không Vũ trụ từ Quân khu phía Nam đóng tại các căn cứ không quân ở Rostov, Stavropol và Krasnodar để đối phó với các mối đe dọa trên không như trong sự cố Su-27 đối đầu MQ-9 hồi tháng 3.

Các máy bay chiến đấu của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đôi khi được triển khai tới Biển Đen để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.

Vào giữa tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo các máy bay MiG-31K của lực lượng Hàng không Vũ trụ được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal sẽ tham gia tuần tra thường xuyên trên các vùng biển trung lập ở Biển Đen trong bối cảnh tình hình an ninh đang xấu đi ở Địa Trung Hải.

Lực lượng phòng thủ ven biển

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ huyết mạch Biển Đen - 3

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal (Ảnh: Sputnik).

Lực lượng không kém phần quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển Biển Đen khỏi sự xâm nhập của đối phương là lực lượng phòng thủ ven biển của Hạm đội Biển Đen, bao gồm Quân đoàn 22.

Cùng với các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không được thiết kế để hạ gục lực lượng đối phương ở tầm xa, đội hình của lực lượng phòng thủ ven biển được trang bị bộ binh cơ giới, xe tăng, tên lửa chống tăng và pháo binh, các phương tiện công binh hạng nặng và vận tải, với nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp nếu kịch bản xấu nhất xảy ra và lực lượng đối phương có thể đổ bộ thành công.

Vũ khí phòng không và chống hạm tầm xa của lực lượng phòng thủ ven biển của Nga có nhiệm vụ ngăn chặn tình huống tấn công và hạ gục lực lượng đối phương trước khi tiến đến gần bờ. Vũ khí của lực lượng phòng thủ ven biển bao gồm hệ thống phòng thủ bờ biển Bal được trang bị tên lửa hành trình chống hạm cận âm Kh-35, hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion, phóng tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks.

Đầu đạn nặng 145kg của hệ thống Bal có tầm bắn lên tới 300km, trong khi tên lửa Oniks của hệ thống Bastion được trang bị đầu đạn nặng 300kg, và có tầm hoạt động lên tới 800km, đủ để tấn công mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên Biển Đen.

Các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander với tầm bắn 500km đã được chuyển đến Crimea vào năm 2014. Tương tự hệ thống Bastion dành cho các mục tiêu hải quân, Iskander có các đặc điểm về tầm bắn giúp kiểm soát Biển Đen trước các hệ thống phòng thủ ven biển và các hệ thống cố định khác của đối phương.

Các thiết bị quan trọng khác bao gồm hệ thống tên lửa ven biển Rubezh cũ hơn, được trang bị đầu đạn nặng 513kg của tên lửa P-15M và có tầm bắn 8-80km.

Lực lượng phòng thủ ven biển cũng được trang bị pháo binh truyền thống, bao gồm hệ thống pháo phóng loạt Grad, Tornado-G, Uragan và Smerch, và các thiết bị tự hành bao gồm Gvozdika, Akatsiya, Msta-S và Nona-S. Mặc dù được thiết kế để chống lại các mục tiêu trên mặt đất, nhưng các hệ thống này cũng có thể được sử dụng để đối phó các mục tiêu trên biển trong trường hợp khẩn cấp.

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ huyết mạch Biển Đen - 4

Hệ thống Monolit-B trên đường phố Novorossiysk trong cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng năm 2023 (Ảnh: Sputnik).

Về phòng không, lực lượng phòng thủ ven biển của Hạm đội Biển Đen có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 và S-400, hệ thống tên lửa tầm trung có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết Tor-M2, pháo phòng không Pantsir và Shilka để có thể đối đầu ở cự ly gần hơn.

Ngoài khả năng hoạt động radar độc lập của các loại vũ khí trên, "tai mắt" của lực lượng phòng thủ ven biển còn có Monolit-B, một tổ hợp trinh sát vô tuyến ven biển di động có khả năng phát hiện và theo dõi tầm xa đối với cả mục tiêu trên biển và trên không. Monolit-B có nhiệm vụ tiếp cận lực lượng đối phương bằng cả kênh radar chủ động và thụ động, đồng thời truyền thông tin về bất cứ thứ gì thiết bị này thu được tới các hệ thống phòng không và chống hạm ở gần đó.

Radar chủ động của hệ thống trên có thể phát hiện các mục tiêu trên mặt nước ở khoảng cách 35-250km, trong khi radar thụ động có thể khóa mục tiêu ở khoảng cách lên tới 450km. Hệ thống này có thể theo dõi cùng lúc 30-50 mục tiêu.

Lực lượng tàu chiến hải quân

Lưới hỏa lực nhiều lớp của Nga bảo vệ huyết mạch Biển Đen - 5

Tàu tuần tra Đô đốc Makarov (Ảnh: Sputnik).

Lớp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong mạng lưới phòng thủ của quân đội Nga ở Biển Đen là các tàu của Hạm đội Biển Đen.

Lực lượng này bao gồm các tàu tuần tra, tàu khu trục và tàu hộ vệ lớp Burevestnik và Steregushchy, các tàu tên lửa Buyan cỡ nhỏ nhưng uy lực khi được trang bị tên lửa Kalibr và Oniks, máy bay không người lái Orlan-10, tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm Albatross, tàu quét mìn lớp Akvamarin và Alexandrit (tổng cộng 6 chiếc), tàu thu thập thông tin tình báo lớp Meridian, Yuri Ivanov và Đề án 861M, cùng các tàu hỗ trợ từ tàu kéo đến tàu chở dầu. Ngoài ra, lực lượng còn có tàu chống biệt kích Grachonok, tàu tuần tra Raptor được trang bị tên lửa.

Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern cho biết, tên lửa Kalibr của Nga được thiết kế cho hải chiến và có thể tăng tốc tới tốc độ siêu âm khi tiếp cận mục tiêu.

"Điều này được cho là sẽ khiến lực lượng phòng không Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện mối nguy kịp thời, mặc dù một số tên lửa Kalibr nhắm vào Ukraine từng bị đánh chặn", ông nhận định.

Ngoài ra, lực lượng của Nga còn được trang bị các tàu khu trục Đô đốc Grigorovich lớn hơn. Hạm đội Biển Đen có 3 tàu lớp này, trong đó tàu Đô đốc Makarov tiếp quản vị trí soái hạm của hạm đội sau khi Nga mất tàu tuần dương tên lửa Moskva vào năm ngoái.

Những tàu chiến lớn này được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, Oniks hoặc Zircon và Shtil-1 (hệ thống tên lửa trên tàu tương đương với hệ thống tên lửa Buk).

Trong khi đó, các tàu ngầm tấn công Varshavyanka (7 chiếc ở Biển Đen thuộc Lữ đoàn tàu ngầm độc lập số 4) vẫn âm thầm thực hiện hoạt động trinh sát trên biển, đôi khi bám theo lực lượng đặc nhiệm và nhóm tấn công của đối phương, sẵn sàng tấn công ngay lập tức khi có hiệu lệnh.

So với các tàu ngầm hạt nhân, những tàu phi hạt nhân như tàu lớp Varshavyanka cũng có điểm mạnh riêng khi tác chiến. Các tàu chạy diesel-điện có lợi thế lớn nhất chính là kích thước nhỏ hơn, giá thành chế tạo rẻ hơn, yêu cầu phi hành đoàn ít người hơn và có thể biến nó trở thành "thợ săn biển sâu" hoàn hảo.

Ngoài ra, các tàu Varshavyanka có thể "tắt hầu hết toàn bộ hệ thống và nằm im lìm dưới đáy biển, khiến nó rất khó để có thể truy dò được dưới lòng đại dương".

Với kích thước nhỏ, những tàu ngầm này có thể hoạt động ở khu vực nước nông, tiếp cận gần hơn với bờ, hỗ trợ các nhiệm vụ của đội thợ lặn hoặc tiến hành đặt mìn ở các kênh có kích thước hẹp.

"Về mặt chiến thuật, họ cần các tàu chiến ở khu vực đó trong trường hợp Ukraine thúc đẩy nỗ lực giành lại Crimea", Guy McCardle, biên tập viên của tạp chí quân sự Special Operations Forces Report (SOFREP), lý giải.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, chiến dịch tấn công của Ukraine vào các vũ khí, khí tài quân sự của Nga ở Crimea đã làm suy yếu Hạm đội Biển Đen, nhưng chưa thể đánh bại được lực lượng này.

ISW cho rằng, Hạm đội Biển Đen Nga vẫn sở hữu hàng loạt vũ khí có thể tấn công mục tiêu của Ukraine trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột và đây vẫn là một lực lượng hùng mạnh.

Theo ISW, Hạm đội Biển Đen nghe có vẻ giống như một tập hợp các vũ khí hải quân, tuy nhiên đây lại là đội hình quy mô lớn hơn rất nhiều, kết hợp của nhiều loại thiết bị quân sự như tổ hợp tên lửa đất đối đất, tên lửa bờ, lá chắn phòng không và cả lính thủy đánh bộ.

Theo Sputnik, BI, Newsweek, Forbes