DNews

Israel đối mặt với đòn thù: Trung Đông trước bước ngoặt nguy hiểm

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Trung Đông đang đứng trước một bước ngoặt nguy hiểm khi căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục leo thang sau vụ thủ lĩnh Hamas và Hezbollah bị ám sát.

Israel đối mặt với đòn thù: Trung Đông trước bước ngoặt nguy hiểm

Hai vụ ám sát rúng động

Căng thẳng Trung Đông những ngày qua như một quả bom hẹn giờ có thể nổ bất cứ lúc nào và trở thành một cuộc xung đột toàn khu vực sau 2 vụ ám sát rúng động.

Thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, các lực lượng do Iran hậu thuẫn, thiệt mạng trong hai vụ tấn công riêng biệt cách nhau chưa đầy một ngày vào cuối tháng 7.

Thủ lĩnh chính trị của Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị ám sát khi đến Tehran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Chỉ một ngày trước đó, chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel ở ngoại ô Beirut.

Israel đã nhận trách nhiệm về vụ không kích thủ lĩnh Hezbollah sau khi quy trách nhiệm cho lực lượng này về vụ tấn công khiến 12 trẻ em ở Cao nguyên Golan thiệt mạng.

Tuy nhiên, về vụ sát hại ông Haniyeh, cho đến nay, Israel không xác nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng Israel không cố gắng leo thang một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, nhưng họ đã chuẩn bị cho tất cả các kịch bản.

Israel đối mặt với đòn thù: Trung Đông trước bước ngoặt nguy hiểm - 1

Những lãnh đạo cấp cao, nhà khoa học của Iran và lực lượng đồng minh đã bị ám sát (Ảnh: AFP).

Điều đáng nói là chỉ trong một thời gian rất ngắn thủ lĩnh của 2 nhóm vũ trang thân Iran ở khu vực bị đoạt mạng, một trong số đó xảy ra ngay trên lãnh thổ nước này. Đây là đòn giáng đối với hệ thống an ninh và vị thế của Tehran. Nó khó tránh khỏi việc chọc giận Iran và các lực lượng ủy nhiệm.

Vụ việc có thể khiến Israel chiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán và hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi con tin - tù nhân với Hamas ở Dải Gaza.

Chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Israel - với tư cách là một cường quốc quân sự - đang chiến đấu ở Gaza để khống chế Hamas, một đồng minh của Iran. Israel cũng tuyên bố họ sẵn sàng mở rộng cuộc chiến hơn nữa, nếu cần thiết, để ngăn chặn Hezbollah ở Li Băng.

Có 2 cách giải thích cho động thái của Israel vào thời điểm này.

Thứ nhất, ông Netanyahu đang chuẩn bị cho công chúng Israel một viễn cảnh, trong đó Israel sẽ tuyên bố chiến thắng sau chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, đoạt mạng các lãnh đạo hàng đầu của Hamas và gửi một cảnh báo mạnh mẽ đến Hezbollah.

Thứ hai, Thủ tướng Israel được cho là đang tìm cách để buộc Mỹ phải can thiệp trước khi chính quyền mới hình thành ở Mỹ sau bầu cử vào tháng 11. Ông biết cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa, là người khó đoán và chắc chắn ông Trump không muốn chịu trách nhiệm về một cuộc chiến ở Trung Đông. Mối quan hệ giữa họ cũng trở nên rạn nứt kể từ khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Thêm nữa ông Netanyahu không muốn gặp bất kỳ rủi ro nào bởi vì giới cầm quyền Israel không chắc chắn lập trường về Trung Đông của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên của đảng Dân chủ. Đến nay, bà Harris đã đưa ra một lập trường cứng rắn hơn nhiều so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden về cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Trong cuộc gặp gần đây với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Washington, bà Harris một mặt khẳng định quan hệ liên minh "không thể lay chuyển" giữa Mỹ với Israel, mặt khác chỉ trích cách tiến hành chiến dịch quân sự của Israel.

Israel đối mặt với đòn thù nguy hiểm

Israel đối mặt với đòn thù: Trung Đông trước bước ngoặt nguy hiểm - 2

Israel khẳng định sẵn sàng cho mọi kịch bản (Ảnh: AFP).

Những động thái gần đây của Israel cho dù nhằm mục đích nào cũng khó tránh khỏi đòn trả đũa của Iran. Giới phân tích quốc phòng tin rằng, Iran và các lực lượng ủy nhiệm sẽ không rút lại lời đe dọa trả thù các vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và Hezbollah. 

Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, người trước đây từng giữ chức giám đốc chính sách của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận định Iran sẽ không lặp lại cách thức trả đũa trước kia (chủ yếu dựa vào máy bay không người lái và tên lửa).

Thay vào đó, theo ông, Tehran nhiều khả năng sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình tầm ngắn để nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel.

Nhà nghiên cứu Kelly Petillo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định, việc 2 thủ lĩnh của Hamas, Hezbollah thiệt mạng liên tiếp có thể tác động mạnh, khiến tình hình căng thẳng hơn so với hồi đầu năm.

Các nhà phân tích dự đoán, cuộc tấn công của Iran sẽ sớm xảy ra và tập trung vào các cơ sở quân sự, phòng thủ ở miền bắc và miền trung Israel. Điều đáng lo ngại là đòn đánh qua lại giữa các bên sẽ dẫn đến sự leo thang vượt tầm kiểm soát.

Nhà phân tích Beth Sanner tại ECFR cũng cho rằng, Iran sẽ không lặp lại quy mô tấn công hồi tháng 4.

Lần này, Tehran nhiều khả năng sẽ xem xét việc huy động "Trục kháng chiến" để tiến hành các cuộc đột kích và tấn công. Đây là một liên minh gồm lực lượng Hezbollah, Hamas, Houthi và các nhóm kháng chiến Hồi giáo tại Iraq và Syria được Iran hậu thuẫn, với mục tiêu chống lại Israel và lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah gần đây nhiều lần đe dọa sẽ tấn công Tel Aviv nếu Israel tấn công thủ đô Beirut của Li Băng.

Hồi tháng 4, Hezbollah đã tránh tham gia cuộc tấn công của Iran, nhưng lần này tuyên bố sẵn sàng góp phần vào một cuộc tấn công phối hợp. Lực lượng Houthi ở Yemen cũng vậy, họ có thể nhắm đến cơ sở hạ tầng chiến lược của Israel như các giàn khoan khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải. 

Một cuộc tấn công phối hợp sẽ khiến hệ thống phòng không của Israel và các đồng minh bị quá tải hoặc có ít thời gian phản ứng để kịp thời đánh chặn. 

"Lần này, Iran đang cố gắng gây ra tổn thất đáng kể hơn để buộc Israel chấm dứt các hành động như nhằm vào các mục tiêu cấp cao của họ và đồng minh", chuyên gia Jonathan Ruhe tại Viện an ninh quốc gia Mỹ nhận định.

Nhà phân tích Bilal Saab thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của Anh bình luận, Iran đã lợi dụng căng thẳng từ cuộc xung đột ở Gaza để "áp đặt một thực tế chiến lược mới lên Israel, nhằm áp đảo nước này".

"Mục đích là bao vây Israel bằng các mối đe dọa từ nhiều hướng, buộc Israel phải chiến đấu với không phải một mà là tất cả các thành viên của "Trục kháng chiến" vốn được Tehran kiên nhẫn xây dựng trong nhiều thập niên. Một cuộc tấn công chống lại Hezbollah, Houthi, Hamas hay chính Iran sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các bên", ông Saab lập luận.

Điều này có nghĩa là Israel nhiều khả năng phải đối mặt với các cuộc tấn công từ mọi hướng, trong đó có từ Iran và Li Băng. Quy mô cuộc tập kích cũng sẽ lớn hơn, với nhiều máy bay không người lái, tên lửa hơn. Khi đó, hệ thống phòng không của Israel sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn hơn so với lần trước.

Vào tháng 4, với sự hỗ trợ của các đồng minh, Israel đã vô hiệu hóa 99% mục tiêu trong cuộc tấn công trả đũa của Iran có sự tham gia của hàng trăm máy bay không người lái, tên lửa.

Phản ứng của Israel rõ ràng sẽ phụ thuộc một phần vào mức độ thành công trong cuộc tấn công của Iran. Nếu tổn thất, thương vong càng lớn, Israel sẽ đáp trả gay gắt hơn dù chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahhu khẳng định không mong muốn một cuộc xung đột leo thang.

Đầu năm nay, Israel đã thực hiện một cuộc không kích nhắm vào một trận địa phòng thủ của Iran và sau đó thông báo cuộc tấn công này đã phá hủy một bộ phận thiết yếu trong tổ hợp S-300 bảo vệ các cơ sở hạt nhân.

Về phía đồng minh, Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ Israel trước một cuộc tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước khẳng định với Thủ tướng Netanyahu, Mỹ sẽ giúp Israel.

Cam kết của Washington có thể coi là lời cảnh báo với Tehran rằng nước này nên kiềm chế phản ứng để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Mỹ.

Tuy nhiên, cả truyền thông Mỹ và Israel đều đưa tin, ông Biden coi Israel đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khu vực với vụ không kích thủ lĩnh Hezbollah, và không loại trừ cả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Chính quyền của Tổng thống Biden cũng phật lòng khi Israel trì hoãn đạt được thỏa thuận trao đổi con tin ở Gaza.

Điều này nếu kéo dài có thể thử thách sự kiên nhẫn và ủng hộ của Washington dành cho Israel.

Nỗ lực tháo ngòi căng thẳng

Israel đối mặt với đòn thù: Trung Đông trước bước ngoặt nguy hiểm - 3

Các bên đều không mong muốn một cuộc xung đột lớn hơn (Ảnh: Getty).

Căng thẳng giữa Iran và Israel những ngày qua đang đẩy Trung Đông đến gần hơn một cuộc xung đột khu vực, lan đến Iran, Li Băng, Yemen, Syria và Biển Đỏ.

"Có vẻ như rất khó có khả năng các bên tránh được một cuộc chiến khốc liệt. Đây là cuộc chiến mà tất cả họ đã chuẩn bị", Steven Cook, chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cảnh báo.

Theo giới quan sát, sự ra đi của hàng loạt nhân vật chính trị cấp cao chắc chắn sẽ cản trở các nỗ lực trung gian đàm phán tìm kiếm giải pháp ngừng bắn và trao đổi con tin trong khi số người thiệt mạng do xung đột Gaza đã lên hơn 39.000 người.

Về phía Iran, hình thức trả đũa của nước này sẽ diễn ra như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, vì những lý do chính trị, nội các của Thủ tướng Israel Netanyahu có thể không ngần ngại một cuộc xung đột mở rộng. Israel thông báo đã sẵn sàng cho "kịch bản chiến sự từ mọi hướng", cả về phòng thủ lẫn tấn công. 

Tuy nhiên, bất chấp những lời răn đe, vẫn có những yếu tố giúp người ta kỳ vọng vào việc các bên chưa muốn một cuộc xung đột toàn diện.

Israel đang phải căng mình giải quyết các vấn đề trong nước và cũng không mong muốn dàn trải nguồn lực.

Iran cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Trong nhiều năm, Tehran đã cung cấp tài chính, vũ khí hoặc đào tạo cho Hamas và Hezbollah, những nhóm đang chiến đấu với Israel, cũng như lực lượng Houthi đứng sau các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ.

Mặc dù Iran rõ ràng đang khẳng định sức mạnh quân sự của mình trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng ở khu vực, điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo nước này muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến rộng lớn hơn. Họ công khai thừa nhận muốn tránh đối đầu trực tiếp với Israel và Mỹ.

Theo giới quan sát, chìa khóa để chấm dứt tình trạng căng thẳng leo thang trong khu vực vẫn là lệnh ngừng bắn ở Gaza, nơi hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng kể từ tháng 10 năm ngoái. Các nhà đàm phán Israel và Mỹ tin rằng có một khuôn khổ cho lệnh ngừng bắn như vậy: đầu tiên là lệnh ngừng bắn tạm thời, sau đó là lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. 

Thủ tướng Netanyahu đã nói với phía Mỹ, ông ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn mặc dù ông nhiều lần đưa ra các điều kiện mới để trì hoãn đàm phán và tuyên bố không chấm dứt xung đột trước khi "chiến thắng hoàn toàn". 

Để tránh nguy cơ một cuộc chiến toàn diện lan ra khắp khu vực, cộng đồng quốc tế đang chạy đua thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris đều đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và hứa sẽ hỗ trợ trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn nào từ phía Iran. Trong tuần qua, Mỹ đã điều động thêm lực lượng tới khu vực để sẵn sàng bảo vệ Israel.

Mặt khác, Mỹ cùng các đồng minh, đối tác cũng tiếp tục tìm kiếm những giải pháp ngoại giao. Tổng thống Biden triệu tập nhóm an ninh quốc gia của mình để thảo luận về các diễn biến ở Trung Đông. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đã có cuộc trao đổi ngày 4/8 với các ngoại trưởng nhóm G7 để thảo luận về nhu cầu cấp thiết phải hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực. 

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng sẽ tổ chức một cuộc họp của các ngoại trưởng Ả Rập vào ngày  7/8 để bàn các biện pháp xoa dịu tình hình.