Mỹ đã điều vũ khí nào tới bảo vệ Israel trước nguy cơ Iran tấn công?
(Dân trí) - Trước nguy cơ đồng minh thân cận Israel bị Iran tấn công, Mỹ đã điều động hàng loạt vũ khí hiện đại tới Trung Đông để chuẩn bị cho kịch bản này.
Lầu Năm Góc ngày 2/8 thông báo sẽ điều động thêm máy bay quân sự, tàu chiến và các vũ khí hiện đại khác tới Trung Đông.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực này không ngừng leo thang trong thời gian qua sau khi Iran cáo buộc Israel sát hại lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran hôm 31/7.
Trong khi Israel không xác nhận cũng như phủ nhận liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Iran, họ thừa nhận đã không kích hạ thủ lĩnh Hezbollah Fouad Shukr ở Beirut (Li Băng).
Trước các diễn biến này, cả Iran và Hezbollah, lực lượng được Tehran hậu thuẫn, đều tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ Israel.
Không quân
Một nguồn tin thân cận nói với Tạp chí Air & Space Forces rằng, một phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ bao gồm các máy bay tàng hình F-22 Raptor đang được điều động đến khu vực này.
F-22 là một trong những máy bay thế hệ 5 chiếm ưu thế trên không tác chiến hiệu quả nhất thế giới. Giới chuyên gia nhận định, F-22 được cho sẽ vẫn giữ "ngôi vương" trong tác chiến không đối không trong lực lượng Mỹ cho tới ít nhất năm 2025.
F-22 có thể được triển khai đa chức năng khi vừa là máy bay chiến đấu vừa là máy bay ném bom, thường giữ nhiệm vụ "xuyên thủng" hệ thống vũ trang dày đặc của đối phương. Ngoài ra, khả năng tàng hình của F-22 cũng là một trong những đặc điểm mang lại sức mạnh cho máy bay này.
Sự góp mặt của F-22 sẽ bổ sung thêm sức mạnh cho Không quân Mỹ ở Trung Đông, gồm tiêm kích F-15E Strike Eagles, F-16 Fighting Falcons và máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II.
F-15E Strike Eagle là máy bay chiến đấu hạng nặng tầm xa, được coi là phiên bản thay thế mẫu General Dynamic F-111. Khác với biến thể F-15C/D tập trung vào nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-15E có vai trò chính là tấn công.
Hiện tại, F-15E vẫn còn có thể phục vụ tới những năm 2030. Chúng đang được nâng cấp bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động mới Raytheon APG-82 và hàng loạt vũ khí hiện đại.
F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, có thể đạt tốc độ tối đa 2.121km/h ở độ cao 12.000m, trần bay tối đa 18.000m với tầm hoạt động 546km. F-16 có 11 giá treo đủ sức mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Trong khi đó, A-10 là mẫu cường kích kì cựu và được nhiều phi công Mỹ yêu thích trong các nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực gần cho bộ binh dưới mặt đất. Nó có thể phá hủy xe tăng và các thiết bị bọc thép nhờ mang được nhiều vũ khí uy lực.
Nếu F-22, tiêm kích thế hệ 5 vượt trội, thực sự được Mỹ chuyển tới Trung Đông, chúng sẽ giúp Mỹ đạt được ưu thế trên không mạnh mẽ hơn để bảo vệ đồng minh. Ngoài ra, để phục vụ cho lực lượng máy bay chiến đấu và cường kích hoạt động, Mỹ cũng đưa thêm máy bay tiếp dầu tới khu vực.
Các máy bay này sẽ tăng cường năng lực hỗ trợ phòng thủ trên không cho Israel.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc có một số lựa chọn để triển khai phương tiện tác chiến đường không ở Trung Đông, bao gồm cả việc điều máy bay ném bom tầm xa từ Mỹ như một biện pháp răn đe và dự phòng.
Vào tháng 2, hai máy bay ném bom B1-B Lancer từ căn cứ Dyess đã tham gia các cuộc không kích vào các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và những mục tiêu liên quan đến Tehran ở Syria và Iraq để trả đũa cho một cuộc tấn công bằng UAV khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan vào tháng 1.
Có một số căn cứ trong khu vực có máy bay của Mỹ đồn trú như Căn cứ Không quân Prince Sultan (PSAB) ở Ả Rập Xê Út và Al-Dafrah ở UAE. Ngoài ra, Mỹ cũng có máy bay đồn trú ở các căn cứ châu Âu sẵn sàng tác chiến nếu được lệnh, ví dụ căn cứ Aviano ở Italy.
Ngoài ra, còn có khả năng Mỹ đưa tiêm kích F-35C tới Trung Đông, theo Army Recognition. F-35 được xem là tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhờ hội tụ những yếu tố của một vũ khí chiến đấu uy lực như khả năng tàng hình trước radar, tốc độ ấn tượng, tính linh hoạt cao, hệ thống cảm biến hiện đại.
Hải quân
Ngoài máy bay, Mỹ cũng đưa dàn tàu chiến đông đảo tăng cường cho Bộ tư lệnh trung tâm ở Trung Đông và Bộ tư lệnh châu Âu gần đông Địa Trung Hải. Theo thống kê, Mỹ hiện duy trì ít nhất 12 tàu chiến tại Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.
Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln cùng nhóm chiến đấu sẽ hiện diện ở Trung Đông trong vài tuần tới để tăng cường các nỗ lực bảo vệ Israel, nhằm thay thế cho nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang đóng trong khu vực và có kế hoạch rút đi trong thời gian tới.
Tàu USS Theodore Roosevelt được 6 tàu khu trục của Mỹ hộ tống gồm: USS Cole, USS John S. Mc Cain, USS Daniel Inouye, USS Russell, USS Michael Murphy và USS Laboon. Ở phía đông Địa Trung Hải có 3 tàu đổ bộ gồm USS Wasp, USS Oak Hill và USS New York và 2 tàu khu trục gồm USS Bulkeley và USS Roosevelt.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gồm các tàu khu trục và tàu tuần dương cùng phi đội F/A-18E/F Super Hornets, được xem là vũ khí có tác dụng răn đe các đối thủ trong khu vực.
USS Wasp, một tàu tấn công đổ bộ chở máy bay, và Nhóm đổ bộ/Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến (ARG/MEU), cũng đã hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải. Lầu Năm Góc cho biết con tàu sẽ "tăng cường khả năng sẵn sàng triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền".
Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke có hệ thống phòng không đã chứng minh được hiệu quả ở Trung Đông khi chống lại tên lửa và máy bay không người lái do Houthi phóng vào các mục tiêu ở tuyến đường vận tải trên Biển Đỏ thời gian qua.
Ngoài ra, theo thông báo, Lầu Năm Góc cũng đang gửi thêm tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tăng cường năng lực phòng thủ đất đối không trên đất liền để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran vào Israel.
Hồi tháng 4, không quân Mỹ đã bắn rơi 80 UAV của Iran trên đường tập kích vào Israel. Cùng với các đồng minh, Mỹ tuyên bố chặn được 300 UAV và tên lửa của Tehran trong cuộc tấn công.
Giới quan sát dự đoán, trong lần tấn công này, Iran có thể có kịch bản tập kích tương tự như tháng 4 và Mỹ cùng Israel cần phải gia tăng năng lực sẵn sàng phòng thủ khi các cuộc tấn công nổ ra.