DMagazine

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng

(Dân trí) - Rời khỏi Nhà Trắng sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, cuộc sống của cựu Tổng thống Donald Trump đã có rất nhiều thay đổi.

CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP VÀ NHỮNG THAM VỌNG HẬU NHÀ TRẮNG

Rời khỏi Nhà Trắng sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, cuộc sống của cựu Tổng thống Donald Trump đã có rất nhiều thay đổi.

Giờ đây, tuy vẫn phải đối diện với những vấn đề pháp lý do hậu quả của những bê bối cuối nhiệm kỳ, ông Trump đang trở lại mạnh mẽ nhằm khôi phục lại đế chế kinh doanh của gia đình và tìm đường trở thành ông chủ Nhà Trắng thêm một lần nữa. 

Trở về Mar-a-Lago

Sau thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, cựu Tổng thống Donald Trump cùng gia đình đã quay trở lại dinh thự Mar-a-Lago, được đặt trong câu lạc bộ riêng tại bang Florida, và dành phần lớn thời gian ở đây.

Thời gian đầu, cuộc sống của ông Trump tại Mar-a-Lago được xem là không khác nhiều so với những người Mỹ thượng lưu chọn bang Florida ấm áp làm nơi định cư khi nghỉ hưu khác.

Ông thường bắt đầu ngày mới bằng một vòng chơi 18 hố tại sân golf mang tên mình vào lúc 9 giờ sáng. Sau khi chơi xong, cựu Tổng thống sẽ ăn trưa nhẹ ngay tại sân golf.

Sau bữa trưa, ông Trump dành thời gian còn lại trong ngày gặp gỡ bạn bè và các chính trị gia đảng Cộng hòa, đọc tin tức và xem thời sự. Theo giới thạo tin, sự quan tâm của ông Trump đối với các tin tức được đăng tải đã giảm xuống đáng kể trong thời gian đầu sau khi rời Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 1

Dinh thự Mar-a-Lago (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, ông Trump thi thoảng cũng tham dự các sự kiện được tổ chức ngay tại câu lạc bộ để trò chuyện và chụp ảnh cùng bạn bè và người ủng hộ.

Đối với cựu Đệ nhất Phu nhân, bà Melania Trump thường sử dụng một phần thời gian trong ngày tại spa được đặt riêng trong dinh thự Mar-a-Lago. Phần lớn thời gian còn lại, bà dành để chăm sóc cho chồng và con trai Barron Trump. 

Tách mình khỏi câu lạc bộ cựu Tổng thống

Là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, sau khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Trump trở thành thành viên của câu lạc bộ cựu Tổng thống. Tuy vậy, ông đã chọn cách tự tách mình ra khỏi hoạt động của câu lạc bộ này.

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 2

Các cựu tổng thống Mỹ cùng xuất hiện trong một hoạt động trước khi tổng thống Bush cha qua đời (Ảnh: Reuters).

Câu lạc bộ cựu Tổng thống hiện đang có bốn thành viên, bao gồm các ông Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.

Gạt qua yếu tố đảng phái và khác biệt về quan điểm chính trị, các thành viên của câu lạc bộ này thường cùng nhau tham gia các sự kiện và chương trình hành động mang tính chất đặc biệt quan trọng với mục đích mang lại lợi ích chung cho toàn thể người dân xứ sở cờ hoa.

Trong một cuộc phỏng vấn khi còn đương chức, ông Trump cho biết mình không có hứng thú với câu lạc bộ này. Ông còn đùa rằng 4 thành viên hiện tại của câu lạc bộ sẽ không chấp nhận ông.

Tuy cựu tổng thống Donald Trump chưa bao giờ chính thức ngỏ lời, có một điều khá chắc chắn là cả 4 cựu tổng thống còn lại đều e dè việc ông Trump gia nhập câu lạc bộ do lo ngại về lịch sử thường xuyên có các hành động đi ngược lại với các quy tắc truyền thống của ông. 

Quay trở lại với công việc kinh doanh

Danh tiếng của đế chế kinh doanh khổng lồ của cựu Tổng thống Donald Trump đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những phát ngôn và hành động gây tranh cãi trong nhiệm kỳ của ông. Cũng bởi vậy, khối tài sản của ông Trump đã giảm mạnh tại thời điểm ông rời Nhà Trắng.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã nhanh chóng quay trở lại với những dự án kinh doanh tham vọng. Lần này, cơ hội kinh doanh của ông không chỉ đến từ đế chế bất động sản, truyền thông, khách sạn và sân golf nhượng quyền của gia đình.

Thay vào đó, cựu Tổng thống đã tích cực tham gia các sự kiện "làm kinh tế" từ hình ảnh cá nhân. Để có vé tham gia các sự kiện gặp gỡ và chụp ảnh cùng ông Trump, số tiền người tham dự phải chi trả có thể lên tới hàng nghìn USD.

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 3

Các mặt hàng được bán online trên Trump Store (Ảnh: Trump Store).

Cùng với đó, ông Trump được cho là cũng chủ động kinh doanh các sản phẩm với thương hiệu biểu tượng MAGA (Make America Great Again). Trên trang bán hàng trực tuyến Trump Store, ông Trump đang bán rất nhiều vật phẩm với logo MAGA. Đặc biệt, chiếc mũ lưỡi trai đỏ với dòng chữ Make America Great Again nổi tiếng được rao bán với giá lên đến 50 USD.

Ngoài ra, ông Trump còn kiếm được tiền từ nền tảng mạng xã hội mới mang tên Truth Social mà ông sáng lập. 

Những hoạt động kinh doanh kể trên đã giúp tài sản của ông Trump gia tăng trở lại một cách nhanh chóng.

Theo thống kê mới nhất của tạp chí Forbes, tài sản của cựu tổng thống đã tăng thêm 600 triệu USD kể từ khi ông rời Nhà Trắng. Với tổng tài sản 3 tỷ USD, ông Trump hiện đứng thứ 1012 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, tăng hơn 300 bậc so với năm ngoái.

Rắc rối pháp lý

Tuy thoát khỏi nguy cơ bị phế truất trước khi mãn nhiệm, những hành động chia rẽ gây tranh cãi vào thời điểm "hoàng hôn" nhiệm kỳ đã gây nhiều rắc rối pháp lý cho vị tổng thống Mỹ thứ 45 của nước Mỹ. 

Trong một văn bản được đưa ra vào tháng 3/2022, Ủy ban Điều tra của Hạ viện Mỹ về vụ tấn công đồi Capitol ngày 6/1/2021 cho biết họ có đủ bằng chứng để đi đến kết luận rằng ông Trump đã kích động bạo lực trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Ủy ban này dự định sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Tư pháp để có thể chính thức mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cựu Tổng thống. 

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 4

Người biểu tình chiếm trụ sở Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021 (Ảnh: Reuters).

Thêm vào đó, các thẩm phán liên bang tại bang Georgia, Mỹ đã đồng ý thành lập bồi thẩm đoàn để xem xét ba vụ kiện chống lại ông Trump. Biện lý Fani Willis của hạt Fulton, bang Georgia cáo buộc ông Trump âm mưu làm gián đoạn bầu cử vì gây sức ép lên các quan chức bầu cử của bang này với mục tiêu không công nhận chiến thắng của ông Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Cuối cùng, một đội các công tố viên dày dặn kinh nghiệm ở New York đã được thành lập để mở cuộc tra nhằm vào công ty của ông Trump vì cáo buộc gian lận. Theo đó, công ty của ông Trump bị nghi ngờ đã cung cấp thông tin tài chính sai lệch với mục đích nhận được những khoản vay ưu đãi và trốn thuế.

Vào tháng 2, một thẩm phán ở New York đã yêu cầu ông Trump cùng con gái Ivanka và con trai Donald Trump Jr. phải xuất hiện trước tòa nhằm làm rõ các cáo buộc về hoạt động kinh doanh của gia đình.

Hiện tại, các cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục và chúng ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch trong tương lai của ông Trump.

Ảnh hưởng chính trị và khả năng tái tranh cử

Cựu Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ giấu giếm ý định sẽ chạy đua cho vị trí tổng thống vào năm 2024. Từ giữa năm 2021, ông Trump đã liên tục tổ chức những buổi vận động nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái tranh cử.

Trong một buổi mít tinh được tổ chức vào tháng 3/2022 tại thành phố Florence, bang Nam Carolina, ông Trump đã tuyên bố sẽ giành lại Nhà Trắng trong kỳ bầu cử tới. "Các bạn đã có một vị tổng thống luôn luôn đề cao lợi ích của nước Mỹ. Tôi sẽ trở lại và chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Trump nói trước đám đông người ủng hộ.

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 5

Cựu Tổng thống Trump trong một sự kiện sau khi rời Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Để khẳng định vị thế là "người lãnh đạo không chính thức của đảng Cộng hòa", cựu Tổng thống Trump đã ra sức dùng ảnh hưởng cá nhân để vận động cho các ứng viên có cùng quan điểm với ông. Theo thống kê, trong năm 2022, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ gần 130 ứng cử viên đảng Cộng hòa chạy đua vào các vị trí trong chính quyền.

Các vị trí mà các ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống nhắm đến bao gồm các ghế thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, thống đốc và dân biểu nghị viện của các bang.

Kết quả bầu cử của nhiều ứng cử viên nêu trên đã chứng tỏ ảnh hưởng chính trị của ông Trump vẫn còn rất sâu đậm đối với cử tri đảng Cộng hòa. Đơn cử như tại bang Texas, cả 33 ứng cử viên được ông Trump ủng hộ đều đã giành thắng lợi lớn trong những cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2022.

Sự ủng hộ lớn dành cho ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa đã củng cố niềm tin của người ủng hộ về việc cựu Tổng thống có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã có một người đảm nhiệm vai trò tổng thống trong hai nhiệm kỳ không liên tiếp khi tổng thống đương nhiệm Grover Cleveland thất bại trong cuộc bầu cử năm 1888 nhưng đã giành lại Nhà Trắng sau chiến thắng năm 1893. Điều này biến ông Cleveland trở thành tổng thống thứ 22 và 24 của nước Mỹ. Nhiều nguồn tin thân cận với ông Trump cho biết ông luôn muốn mình trở thành một Grover Cleveland thứ 2.

Nhìn nhận một cách thực tế, viễn cảnh ông Trump tái tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 không phải là không thể xảy ra.

Trước hết, sự ủng hộ lớn dành cho cựu tổng thống trong nội bộ đảng Cộng hòa gần như đảm bảo cho ông Trump một vị trí ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử năm 2024 nếu ông quyết định ra tranh cử. Trong một khảo sát của Morning Consult được thực hiện vào tháng 3/2022, khi được hỏi ai xứng đáng đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm 2024, 56% số đảng viên đảng Cộng hòa đã chọn ông Trump. Con số này vượt trội so với những ứng viên sừng sỏ còn lại như thống đốc bang Florida Ron DeSantis (13%), cựu Phó tổng thống Mike Pence (10%) hay cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo (3%).

Một lực lượng người ủng hộ đông đảo, trung thành tuyệt đối và cuồng nhiệt từ phong trào MAGA cũng tiếp thêm sự tự tin cho cựu Tổng thống Donald Trump. 

Cựu Tổng thống Donald Trump và những tham vọng hậu Nhà Trắng - 6

Người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump quy tụ tại một sự kiện (Ảnh: Reuters).

Về đối thủ tiềm năng của ông Trump, cho đến thời điểm này, đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ vẫn đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Cuối tháng 12/2021, ông Biden đã hé lộ việc ông dự định sẽ tiếp tục tranh cử vào năm 2024. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một cuộc tái đấu thú vị tái hiện lại cuộc bầu cử năm 2020. Nhưng lần này, mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng với ông Biden. 

Ở kỳ bầu cử trước đó, một trong những nhân tố chính mang đến thắng lợi cho tổng thống Biden là sự ủng hộ của cử tri trẻ và cử tri độc lập. Tuy vậy, sự đình trệ trong việc thực hiện những lời hứa với nhóm cử tri này như cắt giảm thuế hay có các biện pháp khôi phục nền kinh tế đã làm sự tín nhiệm dành cho ông Biden giảm mạnh. Theo thống kê, sự ủng hộ dành cho tổng thống Biden từ các cử tri độc lập đã giảm 30 điểm phần trăm so với tháng đầu tiên của nhiệm kỳ của ông. Con số này với các cử tri trẻ dưới 30 tuổi là 28 điểm phần trăm.

Ngoài ra, người dân Mỹ cũng đang có những hoài nghi nhất định về khả năng lãnh đạo của ông Biden sau cuộc rút quân gây nhiều tranh cãi của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và việc giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác tăng chóng mặt kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Thêm vào đó, việc thông qua dự luật Build Back Better (Xây dựng lại tốt đẹp hơn), vốn được Tổng thống Biden coi là điểm nhấn của nhiệm kỳ, hiện vẫn không có tiến triển. 

Ở chiều ngược lại, cựu Tổng thống Trump liên tục có các động thái nhằm lấy lòng người dân Mỹ. Trong các buổi mít tinh gần đây, ông thường xuyên nhắc lại với những người ủng hộ về tình hình kinh tế và sự ổn định của thế giới trong nhiệm kỳ của ông. Quả thật, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Mỹ được cho là hết sức khởi sắc dưới sự lãnh đạo của chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Mặc dù vậy, những vấn đề của Tổng thống Biden không đồng nghĩa với việc ông Trump có thể dễ dàng giành chiến thắng vào năm 2024. Trước hết, những chia rẽ mà ông Trump gây ra với nước Mỹ trong suốt nhiệm kỳ đã làm ông mất điểm trầm trọng trong mắt các cử tri trẻ. "Một bộ phận lớn người trẻ, như chúng ta đã thấy vào năm 2020, sẽ không muốn thấy cựu Tổng thống Trump ra tranh cử", giám đốc điều hành của Liên minh Hành động Tuổi trẻ, Dakota Hall, nhận định.

Tiếp đó, vẫn có những phản đối trong nội bộ đảng Cộng hòa đối với cựu tổng thống. Tim Miller, giám đốc truyền thông cho chiến dịch tranh cử tổng thống của cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush, đã dùng những từ như "khủng khiếp" để mô tả về viễn cảnh ông Trump trở thành tổng thống vào năm 2025. Trong số những đảng viên Cộng hòa lên tiếng phản đối việc tranh cử của cựu Tổng thống Trump, nổi bật nhất có thể kể đến những cái tên như thống đốc bang Maryland Larry Hogan, hạ nghị sĩ bang Illinois Adam Kinzinger hay hạ nghị sĩ Liz Cheney đến từ bang Wyoming.

Cuối cùng, như đã đề cập ở trên, khả năng ông Trump bị truy tố vì các rắc rối pháp lý không phải không có. Nếu xảy ra, điều này có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.

Thay cho lời kết, việc ông Trump một lần nữa trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2025 không phải là bất khả thi. Tuy vậy, cựu Tổng thống chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên con đường trở lại Nhà Trắng.

Tùng Nguyễn

Tổng hợp