"Cây gậy và củ cà rốt" giúp ông Trump đánh ván cờ cân não với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" để thuyết phục Nga đạt được thỏa thuận về xung đột Ukraine, trong khi Moscow cũng có ván cờ của riêng mình.

Vào tháng 3, Ukraine và Mỹ đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày. Nga đã từ chối thực hiện, thay vào đó đưa ra một danh sách gồm các yêu cầu.
Việc thực thi lệnh ngừng bắn và chấm dứt thương vong cũng như sự tàn phá là một trong những ưu tiên chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi không có dấu hiệu của hòa bình, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông "tức giận" với Nga và đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ có đủ đòn bẩy đối với Nga. Theo đó, Washington có thể gây sức ép lên Moscow bằng cách tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện tại hoặc áp đặt thêm thuế quan đối với các quốc gia mua dầu của Nga.
Cho đến nay, ông Trump chưa làm bất kỳ điều nào trong số này. Ông chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt nhỏ đối với các doanh nghiệp Nga, nhưng điều này không gây ra bất kỳ tác động đáng kể nào.
Thay vào đó, ông Trump chủ yếu tập trung vào việc gây sức ép với Ukraine và nhượng bộ Nga trong nỗ lực rõ ràng nhằm khuyến khích Moscow ký thỏa thuận ngừng bắn bằng mọi giá.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Jenny Mathers, giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Aberystwyth của Anh, cho biết "thỉnh thoảng có một số lời đe dọa mơ hồ về những gì ông Trump có thể làm, nhưng cho đến nay, ông ấy đã cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn quyết định các điều khoản của lệnh ngừng bắn một phần và đưa ra nhiều điều kiện về những gì Nga sẽ không chấp nhận".
"Để tạo ra đòn bẩy mạnh mẽ nhất, chính quyền Mỹ phải từ chối đàm phán thêm với Nga sau khi họ từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn hoàn toàn, đồng thời nói rõ rằng Washington sẽ tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Kiev cho đến khi Nga đồng ý dừng các hoạt động quân sự tại Ukraine", bà Mathers nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng "để tạo đòn bẩy đối với Nga đòi hỏi phải có ý chí chính trị từ phía chính quyền Trump, điều mà hiện nay chưa có".
Richard Betts, giáo sư nghiên cứu chiến tranh và hòa bình tại Đại học Columbia, cũng cho rằng "ông Trump có đòn bẩy tiềm năng đối với Nga, nhưng không rõ liệu ông ấy có sử dụng đòn bẩy đó hay không và trong điều kiện nào".
"Ông Trump không nhất quán, tùy hứng và khó đoán", chuyên gia Betts nhận định.
"Nếu ông Putin lùi lại một chút và đưa ra một số nhượng bộ mang tính biểu tượng hoặc các nhượng bộ không đáng kể so với các yêu cầu hiện tại của Nga, động thái như vậy có thể đủ để ngăn chặn những lời đe dọa của ông Trump về thuế quan thứ cấp hoặc các hình phạt khác mà Mỹ có thể áp dụng cho Nga, vì cho đến nay ông Trump có vẻ như có khuynh hướng thiên về Nga", ông Betts nói thêm.
Sự kiên nhẫn của Tổng thống Trump
Mỹ và Ukraine đã đồng ý thực hiện ngừng bắn hoàn toàn vào ngày 11/3, nhưng Nga đã từ chối. Thay vào đó, Ukraine, Nga và Mỹ đã đồng ý vào ngày 25/3 về việc ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và giao tranh ở Biển Đen.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã chặn lệnh ngừng bắn một phần, nói rằng lệnh ngừng bắn ở Biển Đen sẽ chỉ có hiệu lực sau khi một số lệnh trừng phạt đối với Nga được dỡ bỏ. Nga và Ukraine cũng cáo buộc nhau vi phạm lệnh cấm tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Nga tiếp tục đưa ra yêu cầu nhiều hơn nữa.
Tổng thống Trump nói với hãng tin NBC News vào ngày 30/3 rằng ông "bực tức" và "rất tức giận" về những yêu cầu mới của Tổng thống Putin, bao gồm việc thành lập một "chính phủ chuyển tiếp" ở Ukraine thay vì chính phủ hiện tại của Tổng thống Zelensky.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga - mà có thể không phải vậy - nhưng nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu, đối với tất cả dầu xuất khẩu từ Nga", ông Trump tuyên bố.
Vào ngày 31/3, ông Trump một lần nữa đe dọa sẽ áp thuế thứ cấp đối với dầu xuất khẩu của Nga nếu ông Putin không đạt được "thỏa thuận" chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Vào ngày 1/4, một nhóm lưỡng đảng gồm 50 thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với các giao dịch mua năng lượng của Nga "nếu Nga từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán thiện chí để đạt được hòa bình lâu dài với Ukraine".
Dự luật này sẽ áp mức thuế 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga.
Việc ông Trump dọa áp đặt lệnh trừng phạt cho thấy sự khó chịu ngày càng tăng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với việc Nga từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu những lời đe dọa như vậy có biến thành hành động hay không.
"Có vẻ như sự trì hoãn mà chúng ta đang thấy ở Moscow khiến sự kiên nhẫn của Nhà Trắng cạn kiệt", Liana Fix, một chuyên gia về châu Âu và Nga tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
"Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là sự bất đồng giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin. Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ông Trump thay đổi lập trường với thái độ dễ dàng hơn trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo", chuyên gia Fix nhận định.
Chuyên gia Mathers cũng cho rằng "ông Trump đang cảm thấy khó chịu vì thỏa thuận hòa bình vẫn chưa được ký kết, vì ông muốn chấm dứt cuộc chiến này và tập trung vào những việc khác".
"Nhưng liệu sự khó chịu của ông Trump có thể hiện trong cuộc điện đàm cá nhân với ông Putin không? Ông Trump dường như sẵn sàng thông cảm với bất cứ điều gì ông Putin nói, vì vậy tôi dự đoán ông Putin sẽ trao đổi với ông Trump và có thể sẽ giành được thêm một vài nhượng bộ từ Washington trong quá trình này", bà Mathers cho biết.
Đòn bẩy của ông Trump với Nga

Cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng (Ảnh: AFP).
Nếu Tổng thống Trump áp thuế đối với các quốc gia mua dầu của Nga, đây có thể là đòn giáng mạnh vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch này.
"Các lệnh trừng phạt bổ sung đối với các quốc gia mua dầu của Nga thực sự có thể là một công cụ hiệu quả, vì chúng có thể gần như chặn hoàn toàn việc xuất khẩu dầu của Nga", Oleksandr Parashchiy, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Concorde Capital của Ukraine, nói.
"Tuy nhiên, hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ từ lệnh phong tỏa như vậy có thể rất lớn vì dầu Nga vẫn chiếm một thị phần đáng kể trên thị trường dầu quốc tế (khoảng 7-8%). Đó là lý do hiện tại, khó để tin rằng ông Trump sẽ dám thực hiện một bước đi như vậy", chuyên gia Parashchiy dự đoán.
Yulia Pavytska, giám đốc chương trình nghiên cứu trừng phạt tại Viện nghiên cứu KSE thuộc Trường Kinh tế Kiev, cho biết "thuế quan thứ cấp" có thể là một đòn giáng mạnh vào Nga nhưng chúng quá phức tạp, rủi ro và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Nếu một số quốc gia không bị thuế quan ngăn cản và tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga, Moscow thậm chí có thể giành lợi thế bằng cách bán dầu với giá cao hơn.
Hôm 2/4, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế đối với 180 quốc gia, liên minh và vùng lãnh thổ, trong đó có Liên minh châu Âu và Ukraine, dù quyết định này được hoãn thực hiện trong 90 ngày kể từ 10/4. Tuy nhiên, Nga không nằm trong danh sách này.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và Mỹ. Sau mức thuế quan toàn diện mới, tổ chức tài chính JPMorgan Chase dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Theo các nhà phân tích, ngoài "thuế quan thứ cấp", Tổng thống Trump có rất nhiều đòn bẩy đối với Nga nếu ông muốn sử dụng.
Chuyên gia Mathers và Stefan Wolff, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, lập luận rằng ông Trump có thể sử dụng cả lệnh trừng phạt và việc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine làm đòn bẩy với Moscow.
Chuyên gia Pavytska cho biết Mỹ có thể gây sức ép với Nga bằng cách tăng cường các lệnh trừng phạt dầu mỏ hiện có. Bà cho biết mức giá trần 60 USD/thùng hiện tại đối với dầu của Nga không hiệu quả vì nó dựa trên giá do các cảng của Nga công bố, thường là không chính xác, và vì Nga đang sử dụng các "hạm đội bóng tối" của mình.
"Hạm đội bóng tối" của Nga bao gồm những tàu cũ, không được bảo hiểm, chuyên vận chuyển dầu, hàng hóa nhằm né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, tiếp sức cho cỗ máy quân sự của Moscow.
Theo chuyên gia Pavytska, chính quyền Trump nên trừng phạt toàn bộ "hạm đội bóng tối" của Nga và áp mức giá trần lên dầu Nga đối với các cảng tại các đối tác và đồng minh của nước này, thay vì các cảng của Nga.
Nhà báo Jacqui Heinrich của hãng tin Fox News trích dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết, chính quyền Trump đang xem xét "thực thi lệnh trừng phạt mạnh mẽ", bao gồm lệnh trừng phạt đối với "hạm đội bóng tối" của Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ chưa có động thái nào trong việc trừng phạt "hạm đội bóng tối" của Nga.
Bloomberg ngày 9/3 trích dẫn nguồn tin cho biết Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Canada về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra đội tàu chở dầu ngầm của Nga.
Chính quyền Trump đã áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng không đủ mạnh để được sử dụng làm đòn bẩy.
Vào ngày 13/3, Mỹ đã thắt chặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí của Nga bằng cách không gia hạn miễn trừ cho phép các ngân hàng Nga tiếp cận hệ thống thanh toán của Mỹ để thực hiện các giao dịch năng lượng.
Miễn trừ ban đầu do chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden ban hành, vốn khiến các nước khó mua dầu của Nga hơn, đã không được Tổng thống Trump ký lại.
Tuy nhiên, chuyên gia Pavytska cho biết không rõ miễn trừ này bị hủy bỏ một cách chủ ý hay vô tình.
Hơn nữa, hiệu quả của biện pháp này đã bị suy yếu khi Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 21/3 cho biết Hungary đã nhận được sự miễn trừ từ Mỹ để mua khí đốt của Nga.
"Cây gậy" hay "củ cà rốt"?

Lính Ukraine tuần tra ở Biển Đen (Ảnh: AFP).
Cho đến nay, Tổng thống Trump có xu hướng sử dụng "củ cà rốt" hơn là "cây gậy" khi giao thiệp với Nga.
Là một phần của thỏa thuận ngừng bắn một phần vào ngày 25/3, Washington đã cam kết sẽ giúp Nga khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới đối với hàng nông sản và phân bón xuất khẩu, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tăng quyền tiếp cận các cảng cũng như hệ thống thanh toán cho các giao dịch như vậy.
Điện Kremlin cho biết lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có hiệu lực sau khi phương Tây dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Cùng ngày, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang "xem xét" việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn ở Biển Đen.
"Chiến lược nhượng bộ thực sự hiệu quả đối với ông Putin, nhưng tôi không thấy ông Trump đạt được điều ông ấy muốn - một thỏa thuận ngừng bắn, chứ đừng nói đến một thỏa thuận hòa bình dài hạn hơn", chuyên gia Mathers cho biết.
John Herbst, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, lập luận rằng Mỹ đã "đề xuất các biện pháp trừng phạt không phù hợp và thiếu khôn ngoan liên quan đến lệnh ngừng bắn trên biển".
"Điều này sẽ khuyến khích ông Putin kéo dài việc trì hoãn lệnh ngừng bắn vì nghĩ rằng mình có thể tác động đến chính sách của Mỹ", chuyên gia Herbst dự đoán.
Theo chuyên gia Herbst, "Tổng thống Trump trừng phạt Ukraine vì ông không thích cách Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Phòng Bầu dục". Ông đề cập đến quyết định của Tổng thống Trump vào đầu tháng 3 về việc đình chỉ viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine sau cuộc gặp căng thẳng với Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng.
Ván cờ của Nga

Các tòa nhà bị phá hủy sau trận tập kích ở Ukraine (Ảnh: Kyiv Post).
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin ở Moscow cho biết, Nga đang đặt cược vào Tổng thống Donald Trump để đạt được một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được ở Ukraine, mặc dù Moscow đã chuẩn bị cho kịch bản tiếp tục xung đột nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Theo các nguồn tin, Điện Kremlin không quan tâm đến lời đe dọa của ông Trump về việc áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhận ra rằng Tổng thống Trump có thể mang lại cơ hội tốt nhất để chấm dứt xung đột và tiếp tục con đường ngoại giao.
"Nga muốn tiếp tục những nỗ lực chung để tìm kiếm một giải pháp, điều này đòi hỏi thời gian và công sức để đạt được. Mọi người đều muốn dừng xung đột, thay bằng đối thoại, và không chỉ đối thoại mà còn được lắng nghe, đây là những gì chúng tôi đang làm với chính quyền Mỹ hiện tại", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Đặc phái viên về kinh tế của Tổng thống Putin, Kirill Dmitriev, tiết lộ ông tham gia các cuộc họp tại Washington với các quan chức chính quyền Trump.
"Những người phản đối việc xích lại gần nhau lo sợ rằng Nga và Mỹ sẽ tìm thấy tiếng nói chung, bắt đầu hiểu nhau hơn và xây dựng sự hợp tác, cả trong các vấn đề quốc tế cũng như kinh tế", ông Dmitriev nói.
Điện Kremlin đang chờ đợi thêm nhiều nhượng bộ từ Mỹ, bao gồm một số biện pháp giảm nhẹ trừng phạt và dừng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Mặc dù Tổng thống Putin nói rằng ông muốn có một thỏa thuận với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận đó phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.
Ông Putin nói rằng Ukraine phải từ bỏ mục tiêu gia nhập liên minh NATO và chấp nhận các hạn chế về quy mô quân đội. Ông cũng kêu gọi bất kỳ giải pháp nào cũng phải tính đến tình hình thực địa về việc Nga đã kiểm soát các vùng lãnh thổ phía đông và phía nam Ukraine.
Mặc dù Tổng thống Trump đã nhượng bộ nhiều yêu cầu của Nga, nhưng việc đồng ý với tất cả các điều khoản của Moscow sẽ có nguy cơ khiến nhà lãnh đạo Mỹ bị cho là yếu đuối. Tuy nhiên, lời hứa chấm dứt xung đột vẫn là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Nga đã đưa ra triển vọng hợp tác làm ăn lớn với Mỹ, bao gồm cả ở Bắc Cực và các mỏ đất hiếm, như một phần của việc khôi phục quan hệ. Tổng thống Trump cũng đang thúc đẩy Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm trao cho Mỹ quyền kiểm soát các khoản đầu tư trong tương lai vào cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của nước này.
"Điện Kremlin hy vọng có thể tổ chức một cuộc gặp riêng giữa ông Putin và ông Trump, trong đó họ sẽ đưa ra một thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine ngay lập tức, đúng như ông Trump mong muốn, để đổi lấy các điều khoản khiến Ukraine suy yếu vĩnh viễn", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie, nhận định. Đồng thời, theo chuyên gia Gabuev, Moscow đã "chuẩn bị tiếp tục chiến đấu trước khi ông Trump giành chiến thắng và vẫn duy trì như vậy cho đến nay".
Theo Kyiv Independent, Bloomberg, Washington Post