DNews

Bầu cử tổng thống Mỹ: "Bất ngờ tháng 10" và 4 thách thức lớn

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - Bốn tuần sắp tới sẽ là khoảng thời gian đáng chú ý để theo dõi cuộc đua đầy cam go, kịch tính, căng thẳng và rất khó dự đoán trong bầu cử tổng thống Mỹ.

Bầu cử tổng thống Mỹ: "Bất ngờ tháng 10" và 4 thách thức lớn

Chỉ còn 4 tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống thứ 47 tại Mỹ. Cuộc đối đầu giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump vẫn đang diễn ra quyết liệt, giằng co hiếm có, kể cả tại các bang "chiến trường" có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của RealClearPolitics, cựu Tổng thống Trump đang dẫn trước Phó Tổng thống Harris với tỷ lệ 44,7% so với 43,1%, một khoảng cách khá sát sao.

Như các nhà phân tích bầu cử ở Mỹ đã chỉ ra, chặng đua nước rút trong tháng 10 trước ngày bầu cử 5/11 bao giờ cũng có ý nghĩa to lớn vì nó có thể bất ngờ làm đảo lộn những dự báo trước đó. Trên thực tế, cụm từ "bất ngờ tháng 10" đã trở thành một phần không thể thiếu trong từ điển chính trị Mỹ trong gần 50 năm qua, khiến các chiến dịch tranh cử của ứng viên nào cũng thường lo sợ về những tin tức hay cuộc khủng hoảng bất ngờ xuất hiện có thể làm thay đổi lộ trình và kết quả cuộc đua.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tác động thực sự của "bất ngờ tháng 10" trong lịch sử bầu cử Mỹ là không đồng nhất. Ví dụ, trong khi vụ lùm xùm email của bà Hillary Clinton năm 2016 được coi là có ảnh hưởng đáng kể, thì việc tiết lộ về vụ bắt giữ George W. Bush vì lái xe trong tình trạng say rượu năm 2000 lại tạo ra ít tác động hơn.

Theo tiến sĩ David Greenberg, giáo sư Đại học Rutgers (Mỹ), chuyên gia về báo chí, lịch sử và bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc bầu cử vào ngày 5/11 năm nay sẽ rất căng thẳng. Chỉ cần một sự kiện ngoài tầm kiểm soát, hoặc một biến cố bất ngờ, một sự thay đổi nhỏ nhất trong quan điểm của công chúng cũng có thể quyết định chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Theo một công bố gần đây của ông Allan Litchman, người được coi là nhà tiên tri bầu cử Mỹ, người đã đoán đúng gần như tuyệt đối các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1984 đến nay, bà Harris có thể giành chiến thắng, trở thành nữ tổng thống đồng thời là da màu, gốc Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Theo báo chí Mỹ, năm 1981 cùng một đồng nghiệp, ông Litchman đã phát triển một hệ thống 13 tiêu chí, trong đó có: Sự ủy nhiệm/ủng hộ của đảng, tình hình kinh tế ngắn/dài hạn, tình hình (bất ổn) xã hội và thành công/thất bại về quân sự của chính quyền ở ngoài nước, để đánh giá khả năng thắng cử của các ứng viên tổng thống. Ngay lần đầu tiên áp dụng mô hình này vào bầu cử tổng thống năm 1984, ông Litchman đã dự đoán đúng người thắng cử.

"Bất ngờ tháng 10" và 4 thách thức lớn

Bầu cử tổng thống Mỹ: Bất ngờ tháng 10 và 4 thách thức lớn - 1

Bà Harris và ông Trump có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, không như mong đợi của các ứng viên, nhất là bà Harris, "bất ngờ tháng 10" đã lại diễn ra ở mức không thể bất ngờ, toàn diện và rộng khắp hơn. Điều đó khiến cả 2 ứng viên phải điều chỉnh rất nhiều chiến thuật vận động để tận dụng/thích nghi một cách hiệu quả nhất có thể, trước hết là tại các bang chiến trường, bởi khoảng cách giữa chiến thắng và thua cuộc tại đó có lẽ chỉ là vài chục ngàn phiếu nhưng lại quyết định kết cục của toàn bộ chiến dịch trên toàn quốc.

Tại nước Mỹ, cơn siêu bão Helene đã tàn phá bờ Đông nước Mỹ, nhất là 2 bang chiến trường Bắc Carolina và Georgia. Trong khi bà Harris hết sức cố gắng thể hiện sự quan tâm của bản thân và chính quyền đối với 2 bang này để ghi điểm với cử tri, ông Trump lại đưa ra thông điệp (được cho là không đúng sự thật), theo đó chính phủ đã lấy đi những nguồn tài trợ quan trọng cho những bang này vì những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, nhằm khoét sâu hơn sự bất bình của dân chúng đối với chính phủ nói chung và cá nhân bà Harris nói riêng.

Ngoài ra, các vụ đình công của công nhân tại các cảng lớn của nước Mỹ cũng làm tăng thêm bất lợi cho ứng viên Dân chủ Harris trước cựu Tổng thống Trump. Điều bất ngờ có lợi cho ứng viên đảng Dân chủ là các số liệu thống kê mới nhất cho thấy công ăn việc làm ở Mỹ đã tăng mạnh trong vài tháng qua, còn thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 4,1%.

Ngoài các vấn đề trên, các ứng viên cũng phải đối mặt với 4 thách thức nội địa quan trọng nhất.

Thứ nhất là về kinh tế: Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát vẫn là mối quan tâm lớn. Theo Cục Thống kê Lao động, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,7% trong 12 tháng qua tính đến tháng 9/2023.

Thứ hai là về chăm sóc sức khỏe: Cuộc tranh luận về Medicare for All vẫn tiếp diễn. Bà Harris ủng hộ mở rộng bảo hiểm công, trong khi ông Trump muốn bãi bỏ Obamacare.

Thứ ba là về nhập cư: Số lượng người vượt biên giới bất hợp pháp đạt mức kỷ lục 2,76 triệu người trong năm tài khóa 2022; ông Trump cam kết thắt chặt biên giới, trong khi bà Harris đề xuất cải cách toàn diện.

Thứ tư là về kiểm soát súng đạn: Sau các vụ xả súng gần đây, đây là vấn đề nóng. Bà Harris ủng hộ kiểm soát chặt chẽ hơn, còn ông Trump nhấn mạnh quyền Tu chính án thứ hai. Không chỉ vậy, góc nhìn từ cử tri cũng rất quan trọng, mà theo cuộc khảo sát của Pew Research Center, 3 vấn đề hàng đầu mà cử tri quan tâm là: Nền kinh tế (76% cử tri coi là "rất quan trọng"); Chất lượng cuộc sống (67%); và Tương lai của nền dân chủ Mỹ (64%).

Về chính trị nội bộ, bà Harris được sự ủng hộ khá mạnh mẽ và thống nhất của toàn đảng Dân chủ. Mới nhất là cựu Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tham gia vận động tranh cử cùng bà Harris và cựu Hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney cùng bố là cựu Phó Tổng thống Dick Cheney tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng đối lập Kamala Harris.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Cộng hòa George Bush cũng không mặn mà với việc ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump, dù bù lại, cựu Tổng thống Trump đã được tỷ phú công nghệ Elon Musk tham gia vận động tranh cử cùng.

Mặc dù vậy, việc đảng Dân chủ gây sức ép ông Biden từ bỏ cuộc đua để đưa Phó Tổng thống Harris làm ứng viên thay thế, việc bà Harris cố gắng tách khỏi cái bóng của ông Biden có thể ít nhiều gián tiếp ảnh hưởng đến chiến dịch của bà Harris hiện nay. Cụ thể, theo đài CBS trích dẫn 6 nguồn tin thân cận với Tổng thống Joe Biden, tiết lộ rằng ông chủ Nhà Trắng đang cảm thấy "chạnh lòng" vì điều trên. Cụ thể, Tổng thống Biden đã nhận ra bà Harris đang cố gắng tách khỏi các chính sách của ông trong các cuộc vận động tranh cử gần đây khiến ông ngạc nhiên. Trong cuộc tranh luận với ông Trump, bà Harris đã tuyên bố: "Không giống ông Biden hay ông Trump, bà là người đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới".

Các diễn biến "nóng" trên thế giới

Bầu cử tổng thống Mỹ: Bất ngờ tháng 10 và 4 thách thức lớn - 2

Tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng là vấn đề đối ngoại đau đầu với các ứng viên tổng thống Mỹ (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trên thế giới mới là điều có thể ảnh hưởng quyết định hơn đến chiều hướng và kết cục cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Trước hết, là sự thất thế của Kiev trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine có nghĩa là chính quyền đang thất bại với chính sách Ukraine. Đặc biệt là tình hình leo thang thù địch và bùng phát chiến tranh đang có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông từ sau vụ Israel không kích hạ thủ lĩnh Hezbollah ở ngay tại cứ địa của phong trào kháng chiến chống Israel mạnh nhất này tại ngoại ô thủ đô Beirut, Li Băng.

Cuộc xung đột giữa Israel với cả Hamas, Hezbollah và Iran cũng khiến những lo ngại về tài chính gia tăng, mà thực tế là giá xăng ở Mỹ đã lên giá thêm trên 5% sau khi Israel ngày 3/10 đã đe dọa tấn công trả đũa vào hệ thống lọc dầu của Iran.

Nhìn chung, như người dẫn chương trình của đài CBS đặt câu hỏi với bà Harris trong chương trình phỏng vấn ngày 6/10, "dù nước Mỹ đã và đang dành cho Israel hàng tỷ USD viện trợ quân sự, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang làm theo ý của ông ấy; Washington muốn ông Netanyahu tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, ông ấy đã từ chối; Chính quyền Mỹ đề nghị Israel không tiến vào Li Băng, họ vẫn làm vậy; Thủ tướng Israel Netanyahu thậm chí còn cảnh báo về khả năng mở rộng xung đột với Iran…". Đây là điều nói lên sự bất lợi của chính quyền Biden mà Israel hiện nay đang bỏ qua để cùng lúc trực tiếp đối đầu dữ dội với cả Hamas, Hezbollah và Iran với những hệ quả khôn lường cho không chỉ khu vực mà còn cả thế giới khiến Phó Tổng thống Harris không thể không bị ảnh hưởng.

Theo trang The Hill, trong bối cảnh nêu trên, bà Harris đã tránh trả lời liệu bà có xem Thủ tướng Israel Netanyahu là "đồng minh thân cận" của Mỹ hay không, nhưng khẳng định Washington vẫn nỗ lực vì một lệnh ngừng bắn ở Trung Đông. Việc bà Harris cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel cũng là một vấn đề đối với hai nhóm cử tri quan trọng của đảng Dân chủ: Cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập ở bang Michigan - bang phải thắng của đảng Dân chủ, và các cử tri trẻ tuổi tại các trường đại học, nơi theo dự đoán, các cuộc biểu tình chống chiến tranh có thể một lần nữa bùng phát.

Hiện chưa thể khẳng định được cuộc chiến đang lan rộng ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng một sự chia rẽ âm ỉ trong đảng Dân chủ có thể sẽ trở thành vấn đề đối với đảng này, đặc biệt là ở tiểu bang chiến trường quan trọng Michigan.

Bốn tuần sắp tới sẽ là khoảng thời gian đáng chú ý để theo dõi cuộc đua đầy cam go, kịch tính, căng thẳng và rất khó dự đoán. Mặc dù cựu Tổng thống Trump đang có lợi thế rất nhỏ trong các cuộc thăm dò, nhưng với nhiều yếu tố bất định cả trong và ngoài nước, kết quả cuối cùng vẫn có thể thay đổi.

Khả năng ứng phó với các vấn đề nội địa cấp bách và các thách thức quốc tế cấp bách mới nổi lên sẽ là yếu tố quyết định trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri trong những tuần cuối cùng của chiến dịch. Cả bà Harris và ông Trump đều cần phải thể hiện rõ ràng tầm nhìn và kế hoạch cụ thể của mình để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này.