3 thông điệp của ông Tập qua lá thư gửi "bạn cũ" người Mỹ
Mùa xuân năm 1985, một chàng trai 31 tuổi người Trung Quốc lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Chàng trai ấy có tên là Tập Cận Bình, khi ấy là một bí thư huyện ủy đang dẫn đoàn đại biểu tới thành phố Muscatine (bang Iowa) học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp.
Gần 40 năm sau, ông Tập - lúc này đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc - vẫn giữ liên lạc với những người bạn Mỹ. Hôm 4/1, ông viết thư gửi Sarah Lande, 85 tuổi, một trong những cư dân Muscatine tổ chức đón tiếp mình năm xưa.
"Các thành tựu trong quan hệ Trung - Mỹ chủ yếu đều nhờ vào nỗ lực chung của người dân cả hai nước", ông Tập viết và bổ sung rằng quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 cường quốc là cần thiết cho tương lai của hành tinh này.
Theo chuyên gia, lá thư của ông Tập gửi người bạn cũ ở Mỹ chứa đựng nhiều ý nghĩa, cả về cá nhân nhà lãnh đạo nói riêng và mặt ngoại giao song phương nói chung.
"Chủ tịch Tập vẫn luôn ưu tiên việc giao lưu nhân dân", Tiến sĩ Robert Lawrence Kuhn, nhà bình luận lâu năm về Trung Quốc, nói với phóng viên Dân trí. "Đó là cách tốt nhất để xây dựng sự hiểu biết sâu sắc và lâu dài về đa văn hóa - đặc biệt là trong thời kỳ xảy ra xích mích hoặc xung đột giữa các chính phủ".
Sự tiếp nối tình bạn gần 40 năm
Chuyến đi tới Muscatine dường như đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của ông Tập, theo truyền thông Trung Quốc.
"Chuyến thăm giúp ông Tập làm quen với nước Mỹ, và từ đó trở đi, ông đã nuôi dưỡng tình bạn với người Mỹ", Xinhua viết. "Ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng. Quan điểm của ông Tập về người Mỹ có liên quan nhiều đến chuyến thăm đầu tiên".
Trong lúc ở Muscatine năm 1985, đoàn đại biểu do ông Tập dẫn đầu đã tham quan nhà máy chế biến ngô, trang trại lợn và rau, phỏng vấn với truyền thông địa phương và đi thuyền trên sông Mississippi. Ông Tập cũng được sắp xếp ở nhà một gia đình người bản xứ để trao đổi văn hóa.
"Không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác từng qua đêm trong một căn nhà thông thường của những người Mỹ bình dân", Tiến sĩ Kuhn chỉ ra.
Sau này, ông Tập cũng gặp lại bà Lande một vài lần nữa như vào năm 2012 và cuối năm 2023. Hai người cũng thường trao đổi thư từ.
Nhìn từ phương diện ấy, lá thư hôm 4/1 là sự tiếp nối mối quan hệ thân tình lâu năm của ông Tập với bà Lande - mối quan hệ được nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng.
"Nhân dân Trung Quốc và Mỹ đều là những dân tộc vĩ đại, và tình hữu nghị giữa chúng ta không chỉ là tài sản quý báu mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương", ông Tập viết trong thư gửi bà Lande hồi tháng 5/2022.
Thông điệp ngoại giao
Xét rộng hơn, bức thư từ nhà lãnh đạo cao nhất của một nước còn là kênh để thể hiện giao diện thân thiện của Trung Quốc với người Mỹ.
Ngược về lịch sử vào năm 1979, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc, ông từng vui vẻ đón nhận và đội chiếc mũ cao bồi do người dân bản địa tặng.
Cử chỉ này đã thể hiện hình ảnh gần gũi, tạo đồng cảm với người dân Mỹ, theo Hunter Marston, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia.
"Việc ông Tập viết thư có phần mô phỏng cách làm đó", ông Marston nói với phóng viên Dân trí.
Quan hệ Mỹ - Trung đã cải thiện phần nào sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Joe Biden vào năm ngoái, nhưng người Mỹ nhìn chung vẫn có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Theo khảo sát được công bố đầu tháng 11/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, 83% số người được hỏi ở Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. Người dân xứ cờ hoa cũng cho rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ.
"Việc ông Tập viết thư cho bạn cũ ở Iowa thể hiện sự nhạy bén với cách nhìn nhận của người dân Mỹ về Trung Quốc", ông Marston nói. "Thông qua việc trao đổi với người dân ở vùng trung tâm Mỹ, đặc biệt là Iowa, cho thấy Trung Quốc và ông Tập muốn cải thiện hình ảnh nước này trong lòng người dân Mỹ".
Trong thư gửi bà Lande, ông Tập bày tỏ hy vọng rằng nhiều người trẻ Mỹ sẽ "tự nhìn ngắm Trung Quốc, tự lắng nghe Trung Quốc và tự đo lường Trung Quốc bằng đôi chân mình" để có cái nhìn đa chiều, toàn diện về nước này, và để xây dựng thêm những cây cầu giữa nhân dân hai nước, theo CGTN.
"Tôi hoan nghênh học sinh Muscatine tham gia vào dự án này", ông Tập viết.
Ngoài cá nhân bà Lande và công chúng Mỹ, bức thư hôm 4/1 của ông Tập có lẽ cũng hàm chứa thông điệp cho một độc giả khác: Đó là Nhà Trắng và giới lãnh đạo xứ cờ hoa.
"Trung Quốc và Mỹ lần lượt là nước đang phát triển và nước phát triển lớn nhất thế giới. Tương lai và vận mệnh của hành tinh này đòi hỏi quan hệ Trung - Mỹ phải ổn định và tốt đẹp hơn", SCMP dẫn lời ông Tập trong thư.
Theo CGTN, ông Tập cũng khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước, cung cấp lợi ích lớn hơn cho cộng đồng quốc tế, cũng như xây dựng thế giới với nền hòa bình lâu dài...
Đó là sự tiếp nối thông điệp hòa hoãn hơn của Trung Quốc kể từ trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập vào tháng 11/2023.
Năm 2024 vẫn khó khăn
Những bức thư của ông Tập đã bày tỏ hy vọng tốt đẹp về mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng thực tế là giữa 2 nước còn tồn tại nhiều khác biệt không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Quan hệ ấy sẽ gặp nhiều thách thức trong năm người Mỹ đi bầu tổng thống.
"Điều tốt nhất chúng ta có thể mong chờ trong năm nay là quan hệ hai bên không xấu đi", ông Marston nhận định.
Trong năm bầu cử, với áp lực cần thu hút cử tri, ông Biden sẽ muốn tránh có động thái có thể được coi là nhượng bộ trước Trung Quốc, nhất là khi ông Trump và các ứng viên đảng Cộng hòa vẫn thường xuyên chỉ trích Tổng thống Mỹ thứ 46 là chưa đủ cứng rắn với Bắc Kinh.
"Ở Mỹ hiện nay có sự tập trung lớn vào việc friend-shoring (chuyển sản xuất đến các quốc gia hữu nghị), chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, mong muốn bảo vệ việc làm trước hàng nhập khẩu Trung Quốc trên nhiều ngành công nghiệp, như sản xuất xe điện, ắc quy và pin mặt trời", ông Marston nói.
Vấn đề Trung Quốc vì thế trở thành mục tiêu "dễ dàng" của giới lãnh đạo Mỹ, và các chuyên gia, bao gồm ông Marston, đều cho rằng Mỹ có khả năng sẽ tăng cường áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ xứ tỷ dân trong năm nay.
Kết quả bầu cử giữa tháng 1 trên đảo Đài Loan, với chiến thắng thuộc về ông Lại Thanh Đức, cấp phó của cựu lãnh đạo Thái Anh Văn, cũng có thể gây trở ngại cho quan hệ Mỹ - Trung.
Giới phân tích đánh giá, phản ứng của Trung Quốc trước kết quả trên cho đến nay không mạnh mẽ như trong quá khứ, dường như thể hiện tâm lý chờ đợi hành động của chính quyền hòn đảo để có cách ứng phó phù hợp.
Ông Biden thể hiện mình ý thức được lằn ranh đỏ của Bắc Kinh. Ngày 13/1, khi được hỏi về kết quả bầu cử ở Đài Loan, Tổng thống Mỹ nói: "Chúng tôi không ủng hộ độc lập".
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh trong năm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển quân sự để răn đe Washington, bao gồm việc tăng cường năng lực tên lửa tầm xa, hiện đại hóa và củng cố sức mạnh hải quân, theo ông Marston.
Trên một số phương diện không gây tranh cãi, Trung Quốc và Mỹ dự kiến tiếp tục hợp tác, dựa trên những gì hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 11/2023.
"Một số tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể chia sẻ lập trường về các mối đe dọa tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo đối với thế giới", ông Marston nói.
Một phương diện hợp tác tiềm năng nữa là kiểm soát fentanyl - chất đã khiến hơn 250.000 người Mỹ chết từ năm 2018 tới nay, theo USA Facts. Tại San Francisco, ông Tập cũng đã cam kết siết dòng chảy tiền chất fentanyl từ Trung Quốc ra nước ngoài, cụ thể là tới Mexico rồi vào Mỹ.
"Nếu ông Biden có thể cho thấy rằng ông Tập Cận Bình đã thực hiện đúng lời hứa, nó thực sự sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện niềm tin đối với Trung Quốc hoặc tạo không gian để ông Biden hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề khác", nhà nghiên cứu Marston nhận định.