Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Xóa bỏ trường chuyên cấp 2: Bài toán 30 năm

Việc xóa bỏ hệ trung học cơ sở (THCS) trong trường trung học phổ thông (THPT) chuyên đang gây ra những tranh cãi gay gắt với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nếu tiếp cận từ khía cạnh pháp lý thì việc này là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Văn bản đầu tiên quy định không tổ chức trường chuyên ở cấp THCS là Nghị quyết số 02 ngày 24/12/1996 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Sau đó, chủ trương không tổ chức trường chuyên ở cấp THCS được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi 2019.

Như vậy, bài toán với trường chuyên cấp 2 đã kéo dài dai dẳng tới gần 30 năm trời.

Để giải đáp câu hỏi này thì cần quay lại lý do lớp Toán đặc biệt, lớp năng khiếu, lớp chuyên và trường chuyên ra đời từ hơn 60 năm trước.

Xóa bỏ trường chuyên cấp 2: Bài toán 30 năm - 1

Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chúng ta thành lập lớp đặc biệt, lớp năng khiếu, lớp chuyên… để chuẩn bị nhân lực chất lượng cao cho đất nước khi chiến tranh kết thúc. Nghĩa là, nguồn gốc sự ra đời của trường chuyên diễn ra trong bối cảnh đặc thù. Vậy, trong thế kỷ XXI này, duy trì "hiện tượng" trường chuyên cấp THCS có còn phù hợp? Và giải pháp là gì?

Câu trả lời nằm ở mục tiêu của giáo dục là gì? Luật Giáo dục hiện hành quy định cụ thể ở Điều 2. Có thể tóm gọn Điều 2 như sau: phát triển con người toàn diện; xây dựng tinh thần công dân; và phát triển nghề nghiệp nhằm chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.

Điều này đảm bảo rằng "mọi trẻ em có điều kiện tiếp cận một nền giáo dục phổ thông tổng quát đủ để trở thành những công dân có hiểu biết và có tiềm năng trở thành công dân tích cực".

Và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành năm 2018 đã thể hiện mục tiêu này bằng cách chia chương trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giai đoạn nghề nghiệp (cấp 3).

Như vậy, đã là giáo dục tổng quát, giáo dục cơ bản thì tại sao lại duy trì trường chuyên cấp THCS?

Vấn đề trường chuyên cấp THCS không chỉ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ tính hệ thống giáo dục quốc dân, không đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện mà còn có thể đặt ra những câu hỏi về bình đẳng trong giáo dục.

Ví dụ, trường chuyên công lập được nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo giỏi, và trường có quyền chọn những học sinh tốt nhất. Những học sinh tốt nhất được hiểu là những em có năng lực học thuật vượt trội, có thành tích cao trong các kì thi.

Và theo những nghiên cứu xã hội học, đa phần những gia đình trung lưu thì con cái có kết quả học tập cao hơn những gia đình có thu nhập thấp. Như vậy, tỉ lệ trẻ con nhà trung lưu học trường chuyên cao hơn con nhà có thu nhập thấp. Nhưng, dường như nghịch lý nằm ở chỗ, những phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt chỉ phải trả mức học phí rẻ so với cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên của trường chuyên công lập được đầu tư từ tiền thuế của người dân. Nếu giả sử đây là trường tư, thì liệu học phí có thể thấp như vậy không?

Ở chiều ngược lại, phụ huynh có thể lập luận, con tôi có khả năng học thuật vượt trội nên vào học trường chuyên công lập là xứng đáng. Như vậy mới công bằng. Đúng là mọi trẻ em có khả năng thì đều xứng đáng có cơ hội phát triển hết tiềm năng của mình. Nhưng, xã hội không chỉ có những trẻ em có khả năng vượt trội. Xã hội còn có những trẻ em bình thường. Đây mới là đa số. Và trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo sử dụng ngân sách công để phổ cập giáo dục phổ thông cho lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Như vậy, để phù hợp với Luật Giáo dục hiện hành thì các trường THPT đang duy trì hệ chuyên cấp 2 (THCS) phải thay đổi mô hình hoạt động. Một giải pháp nữa có thể được tính đến nhằm đảm bảo sự bình đẳng và tự do lựa chọn trường là cổ phần hóa trường chuyên.

Chúng ta biết rằng, giáo dục phải đáp ứng nhu cầu của các giai tầng xã hội/nhóm xã hội có thu nhập, có mong muốn và theo đuổi những giá trị khác nhau, mà nhà nước không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đó. Nhưng tư nhân thì lại có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng đó được. Và số tiền thu được từ cổ phần hóa trường chuyên, nhà nước đầu tư mở thêm trường công, đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô và chất lượng giáo dục cho số đông, từ đó mới nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thế kỷ XXI.

Đi vào cụ thể, với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, được biết hiện nay TPHCM đang xây dựng đề án thay đổi mô hình và đề xuất tiếp tục tuyển sinh vào lớp 6 trong năm học 2024-2025 để không gây xáo trộn. Điều này có thể hiểu là về lâu dài có thể sẽ không còn tồn tại hệ chuyên Trần Đại Nghĩa, mà đổi sang một mô hình mới.

Với Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều ý kiến đưa các lập luận để bảo vệ việc tiếp tục tuyển sinh lớp 6, trong đó cho rằng cần áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt vì Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhiệm vụ "đào tạo mũi nhọn của Thủ đô".

Theo cách hiểu của tôi, đặc thù, đặc biệt được hiểu như một khái niệm ngoại lệ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nguyên tắc của ngoại lệ là không đi ngược mục tiêu của đạo luật; ngoại lệ không ảnh hưởng đến việc thực thi đạo luật. Mục tiêu và phạm vi của Luật Giáo dục là phát triển toàn diện và đảm bảo tính hệ thống của giáo dục quốc dân. Vì vậy, cơ chế đặc thù, đặc biệt hoặc ngoại lệ cần đảm bảo không đi ngược mục tiêu và phá vỡ hệ thống giáo dục quốc dân đã được quy định cụ thể tại Điều 1 và Điều 2 Luật Giáo dục hiện hành.  

Một vấn đề khác liên quan đến trường chuyên cấp 2 là công tác truyền thông chính sách. Luật đã quy định rõ là không có trường chuyên ở hệ THCS, vì sao vẫn có những tranh luận nảy lửa và rất nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc. Và câu hỏi cần đặt ra là: có phải phụ huynh không biết rằng Luật Giáo dục 2019 đã minh định không có trường chuyên ở cấp THCS?

Phụ huynh không biết vì ngành Giáo dục làm truyền thông chính sách chưa kịp thời, chưa đầy đủ? Chúng ta biết rằng, bất kỳ một bộ luật nào được sửa đổi, ban hành thì đều có chương trình tuyên truyền, phổ biến bộ luật đó theo lĩnh vực, theo ngành dọc. 

Ngoài ra, tại sao các thầy cô vẫn tổ chức ôn thi vào chuyên cấp 2? Lý do là các thầy cô không biết luật đã quy định hay biết nhưng vẫn làm?

Từ các vấn đề nêu trên, có thể đặt ra một giả thuyết: phụ huynh và học sinh là đối tượng bị thiệt hại về vật chất, tinh thần và sức khỏe khi chuẩn bị, ôn thi vào trường chuyên? Ai sẽ là người "bồi thường" cho họ nếu tới đây có sự thay đổi mô hình?

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!