Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Xe buýt mở rộng mạng lưới, giá vé rẻ đã đủ hút khách?

Thời gian gần đây tôi có nhiều dịp trải nghiệm xe buýt ở Hà Nội. Mạng lưới dày đặc với các phương tiện liên tục được nâng cấp giúp việc di chuyển bằng xe buýt tương đối thuận tiện cho người dân, không chỉ trong nội thành mà cả vùng ven đô, thậm chí sang các tỉnh lân cận. Hơn nữa, giá vé lại rẻ, phù hợp với mọi người.

Hiện Hà Nội có 154 tuyến xe buýt phủ khắp 30 quận, huyện và 512 xã, phường, thị trấn với tổng số hơn 2.000 phương tiện, 100% có điều hòa nhiệt độ. Từ cuối năm 2024, sau rất nhiều năm không điều chỉnh, giá vé xe buýt đã tăng, nhưng nhìn chung vẫn còn khá thấp so với chi phí sử dụng các phương tiện giao thông khác. Thành phố cũng tiếp tục chế độ miễn phí cho những người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi… với thủ tục đơn giản.

Ước tính đến hết tháng 9/2024, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng khoảng 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, lượng khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70%. Tuy nhiên, mục tiêu thành phố đặt ra là năm 2024, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 22 - 25% nhu cầu đi lại; con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025.

Xe buýt mở rộng mạng lưới, giá vé rẻ đã đủ hút khách? - 1

Xe buýt trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Ngân Kim)

Như vậy, việc sử dụng xe buýt đã ngày càng thuận tiện hơn, tuy nhiên với tư cách là loại hình giao thông công cộng chủ lực hiện nay, thì xe buýt vẫn rất cần tiếp tục cải thiện chất lượng phục vụ để hướng tới đạt mục tiêu thành phố đề ra về vận tải hành khách công cộng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều người dân Thủ đô vẫn chưa mặn mà với xe buýt, trong khi ở nhiều nước trên thế giới thì đa phần người dân có thói quen sử dụng xe buýt, giao thông công cộng.

Trong lần trở lại châu Âu gần đây, tôi thực sự ấn tượng với sự tiến bộ vượt bậc của hệ thống giao thông công cộng ở nhiều nước chỉ sau vài năm, từ hạ tầng đến phương tiện cũng như việc ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tại các thành phố lớn của Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Serbia, cùng với hệ thống tàu điện ngầm thì các tuyến xe buýt, tàu điện của họ bao phủ dày đặc trong nội thành cũng như ngoại ô.

Các điểm chờ đều có biển báo điện tử hiển thị tuyến xe đi qua và thời gian cụ thể; trên tàu, xe cũng đều có các biển báo điện tử chỉ rõ bao nhiêu phút nữa sẽ đi đến bến tiếp theo… cực kỳ tiện lợi cho hành khách. Việc mua vé phần lớn được tự động hóa, có nhiều loại vé tích hợp cho cả xe buýt, tàu điện trên bộ và tàu điện ngầm nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia giao thông. Riêng tại thủ đô Beograd của Serbia, hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn miễn phí.

Trải nghiệm các tuyến tàu, xe buýt liên tỉnh và quốc tế, tôi khá bất ngờ về độ chính xác thời gian cả điểm đi và điểm đến, mức sai số nếu có chỉ là một vài phút, bất kể là chặng dưới 100km hay gần nghìn km. Chính nhờ hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và chính xác như vậy đã giúp giảm đáng kể số người dùng phương tiện cá nhân, qua đó giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông đô thị mà không ít thủ đô và đô thị đông dân trên thế giới đang phải vật lộn tìm cách khắc phục.

Gần với Việt Nam, một số quốc gia trong khu vực cũng có hệ thống giao thông công cộng khá phát triển, văn minh, hiện đại. Chẳng hạn ở Singapore, xe buýt luôn đúng giờ với sai số không quá 2 phút và có ứng dụng theo dõi chính xác thời gian đến. Ở Seoul (Hàn Quốc), 100% xe buýt được trang bị hệ thống định vị GPS và màn hình thông báo trạm dừng kế tiếp.

Qua đó thấy rằng, mặc dù hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội đã được đầu tư cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng nếu so với các nước phát triển trên thế giới vẫn còn tụt hậu.

Mạng lưới xe buýt của ta có những bất cập về sắp xếp lộ trình, tần suất và thời gian mỗi chuyến đi. Do quá trình di chuyển của xe bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan nên lộ trình thất thường, tốn nhiều thời gian hơn các phương tiện giao thông khác; lái xe còn hiện tượng chạy ẩu; các điểm dừng lên xuống nhiều chỗ chưa tiện lợi; số nhà chờ đủ rộng rãi và có mái tránh mưa/nắng khá ít; nhiều biển báo ở vị trí chưa dễ nhận biết và khó đọc.

Để hệ thống xe buýt thực sự trở nên phù hợp với nhu cầu và mong muốn của đông đảo người dân, đáp ứng yêu cầu giao thông của một siêu đô thị phát triển hiện đại mà Hà Nội đang hướng tới, thành phố cần thực sự quan tâm, tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Tôi xin đề xuất một số vấn đề sau.

Một là, đầu tư cải tạo, xây dựng các điểm dừng đỗ xe nhằm vừa đảm bảo an toàn và thuận tiện cho hành khách, vừa không cản trở dòng phương tiện lưu thông mỗi khi xe buýt dừng đón/trả khách. Theo đó, ngoài việc cần sớm xây thêm nhiều nhà chờ có mái che, thì nên ưu tiên triển khai việc tách biệt điểm dừng xe với lòng đường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách lên xuống, đồng thời không cản trở các phương tiện giao thông khác. Hành lang tiếp cận xe buýt cần thông thoáng hơn; các hành vi lấn chiếm điểm dừng đỗ xe để kinh doanh và tranh giành khách của đội ngũ xe ôm phải được ngăn chặn triệt để.

Hai là, sớm thay thế các biển báo quá lạc hậu bằng biển báo có màn hình điện tử tại điểm dừng đỗ xe; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các xe buýt di chuyển trên đường với trung tâm kiểm soát và các điểm dừng đỗ. Khi đó, hành khách chỉ cần nhìn vào biển báo ven đường là biết ngay có những xe nào sắp ghé qua, hoặc khách ở trên xe sẽ biết bao giờ đến bến tiếp theo…

Bên cạnh đó, cần nâng cao ứng dụng di động toàn diện hơn cho phép người dân ở bất kỳ đâu cũng tra cứu được các thông tin liên quan, theo dõi thời gian thực về vị trí xe buýt…

Ba là, tiếp tục cải tiến hệ thống bán vé và đa dạng hơn nữa các loại vé; đồng thời sớm áp dụng hệ thống vé ngày, vé tuần với các ưu đãi rõ ràng.

Thứ tư, cần hoàn thiện hệ thống xe buýt nhanh BRT để những phương tiện này thực sự phát huy tác dụng như đã đề ra khi triển khai; nghiên cứu mở rộng làn đường dành riêng cho xe buýt tại các tuyến đường chính nhằm nâng cao tốc độ di chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh so với phương tiện cá nhân.

Cuối cùng, đơn vị quản lý cần khảo sát để kịp thời điều chỉnh, hợp lý hóa các tuyến xe buýt trên phạm vi toàn thành phố. Theo đó, những tuyến không hiệu quả trên thực tế, có nhu cầu đi lại ít thì cắt giảm; đồng thời tăng thêm chuyến ở những tuyến đang quá tải và nhanh chóng mở thêm tuyến tới các khu vực mới.

Thành phố nên sớm đầu tư thay thế cơ bản đội xe buýt hiện tại bằng các thế hệ xe buýt mới, phù hợp với xu hướng vận tải xanh, ít hoặc không gây hại đến môi trường.

Khi chất lượng dịch vụ hệ thống xe buýt đô thị không ngừng cải thiện, thực sự đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân thì mục tiêu thành phố đặt ra với giao thông công cộng chắc chắn sẽ đạt được.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!