Tâm điểm
TS Nguyễn Sĩ Dũng

Xe buýt: Vấn đề hay giải pháp?

Thời gian vừa qua, một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội đã xin trả lại tuyến. Với thương quyền được bảo đảm và với sự trợ giá rất lớn, đây quả là chuyện xưa nay hiếm. Tuy nhiên, nếu càng làm càng lỗ, doanh nghiệp còn lựa chọn nào khác ngoài trả tuyến hoặc chấp nhận phá sản?.

Chuyện thua lỗ trong kinh doanh dịch vụ xe buýt rất dễ xảy ra, vì một loạt các nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là các nguyên nhân sau đây:

Một là, đa số người dân thích dùng phương tiện cá nhân để di chuyển vì như vậy thuận tiện và linh hoạt hơn.

Hai là, các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt chưa phát triển, chưa tiện lợi.

Ba là, chi phí cho việc đi lại bằng phương tiện cá nhân hay phương tiện công cộng không có sự chênh lệch đáng kể.

Đây là một vòng luẩn quẩn: Giao thông công cộng chưa phát triển nên người dân có thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân; thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân làm cho giao thông công cộng không phát triển được. 

Xe buýt: Vấn đề hay giải pháp? - 1

Xe buýt đón khách trên đường phố Hà Nội (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).

Chuyện hàng triệu người đi lại bằng phương tiện cá nhân là một trong những vấn đề lớn nhất của các đô thị ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Những cái mất ở đây là vô cùng lớn. Dễ dàng nhìn thấy giao thông của các thành phố bị ách tắc ngày càng nghiêm trọng, ngày càng kéo dài. Chi phí xã hội về thời gian di chuyển lớn đến mức khó có thể chấp nhận được.

Các thành phố đang bị ô nhiễm nặng nề cả về khí thải, cả về tiếng ồn; tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Hậu quả là sức khỏe của người dân, bao gồm thể chất lẫn tinh thần bị ảnh hưởng nặng nề.

Phản ứng chính sách dễ thấy nhất ở đây là nhanh chóng phát triển giao thông công cộng để thay thế cho phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, "nói thì dễ, học lễ thì khó". Giao thông công cộng quan trọng nhất là hệ thống tàu điện ngầm (cả tàu điện nổi). Nhưng thực tế cho thấy, hàng chục năm qua chỉ một tuyến tàu điện ngầm mà cả Hà Nội và TPHCM, làm mãi không xong. Vì vậy, xây dựng được nhiều tuyến và kết nối các tuyến lại với nhau thành mạng lưới giao thông thì không biết sẽ đến bao giờ?! Đó là chưa nói tới những chi phí khổng lồ có liên quan. Mà "vấn đề đầu tiên" chưa trả lời được, các vấn đề khác cũng khó có thể giải quyết. Trong bối cảnh như vậy, xe buýt vẫn là lựa chọn khả thi hơn cả. Và không khéo 20-25 năm tới, đây vẫn sẽ là phương tiện giao thông công cộng quan trọng nhất. Nhận thức này cho thấy tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt phải trở thành ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Trước hết, cần phải làm cho việc đi lại bằng xe buýt tiện lợi ngang bằng, nếu không muốn nói là tiện lợi hơn phương tiện cá nhân. Hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt phải được cải cách mạnh mẽ: Số lượng các tuyến, sự kết nối giữa các tuyến, các bến xe buýt phải hợp lý, thuận tiện tối đa; Thời gian chờ xe buýt phải rất ngắn; xe buýt phải di chuyển rất đúng giờ; Chất lượng dịch vụ phải được nâng cao, thái độ phục vụ phải ân cần, niềm nở; phải nghiêm cấm việc bỏ chuyến, bỏ bến… 

Các biện pháp kỹ thuật để làm cho việc đi lại bằng phương tiện cá nhân ít thuận tiện hơn cũng cần được nghiên cứu, áp dụng theo sau những tiến bộ của hệ thống xe buýt công cộng. Ví dụ, kiên quyết cấm để xe máy lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ; Áp đặt tiêu chuẩn xả thải cao hơn; Áp đặt các quy định đăng kiểm khắt khe hơn…

Thứ hai, cần phải làm cho việc sử dụng xe buýt công cộng có chi phí thấp hơn đáng kể so với đi lại bằng phương tiện cá nhân. Đơn cử như áp dụng chính sách trợ giá, và trợ giá cho người dân chứ không phải cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, Nhà nước chỉ có thể trợ giá cho người dân thông qua các doanh nghiệp vận tải. Cách làm hợp lý nhất ở đây là trợ giá theo đầu ra, chứ không phải theo đầu vào. Các doanh nghiệp càng chuyên chở được nhiều hành khách, thì càng được trợ giá nhiều hơn. Trợ giá theo đầu vào không khuyến khích phục vụ tốt hơn, mà khuyến khích tiết kiệm tiền trợ giá nhiều hơn. 

Các giải pháp kỹ thuật làm cho việc đi lại bằng phương tiện cá nhân trở nên đắt đỏ hơn cũng nên được xem xét. Cần tính đến các loại thuế phí như phí đi vào nội đô, thuế bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, ở đây sự tương thích với mức độ tiện lợi của hệ thống vận tải bằng xe buýt vẫn phải được quan tâm.

Thứ ba, lựa chọn đúng doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ vận tải với chất lượng cao bằng xe buýt. Trong lúc ở Hà Nội, có doanh nghiệp xin trả lại tuyến, thì ở nhiều địa phương khác không ít doanh nghiệp vẫn ăn nên, làm ra. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể cung cấp được dịch vụ chất lượng cao cho dù không được trợ giá. Vậy thì cần phải chấm dứt chính sách chỉ định thầu ở đây. Chính quyền các địa phương cần phải đấu thầu rộng rãi và chỉ cấp thương quyền cho các doanh nghiệp có đủ uy tín và năng lực.

Thứ tư, cần một chiến lược truyền thông thường xuyên và hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, thiệt hại khi đi lại bằng phương tiện cá nhân; về những lợi ích cho bản thân, cũng như cho xã hội khi đi lại bằng xe buýt công cộng.

Truyền thông để thay đổi hình ảnh với công chúng của xe buýt công cộng cũng rất quan trọng. Phải biến xe buýt từ "hung thần đường phố" thành biểu tượng của phương tiện giao thông đô thị văn minh, hiện đại. Đây trước hết là công việc của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, chính quyền và các cơ quan truyền thông cũng cần góp sức.

Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!