Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Từ kẹt xe ở Bangkok, nhìn về Hà Nội

Tôi đã nhiều lần đi Thái Lan, nhưng chuyến du lịch cùng gia đình tại Bangkok những ngày qua khiến tôi trải nghiệm sâu sắc nạn kẹt xe tại siêu đô thị này. Tình trạng tắc nghẽn khủng khiếp khiến tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ đến giao thông ở Hà Nội và tương lai, nếu chúng ta không quyết liệt triển khai các giải pháp cần thiết ngay từ bây giờ.

Thực tế cho thấy Bangkok được đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông khá đa dạng với mạng lưới đường bộ dày đặc trên toàn thành phố, hệ thống taxi, xe buýt (thường và BRT), tàu điện ngầm (MRT), rồi tàu điện trên cao (BTS), vậy nhưng vẫn không giải quyết được tắc nghẽn. Đơn giản vì số lượng phương tiện cá nhân quá lớn tập trung ở khu vực trung tâm.

Theo số liệu do cơ quan chức năng Thái Lan công bố, thành phố Bangkok hiện có 10,67 triệu phương tiện, trong đó khoảng 6 triệu ôtô - nguyên nhân chính gây ra nạn ùn tắc, kẹt xe trong thành phố. Số lượng phương tiện như vậy đồng nghĩa với việc mỗi người dân ở thủ đô Thái Lan đang sở hữu trung bình một phương tiện cá nhân - con số đáng báo động khi sức tải đường phố chỉ khoảng 1/8 tổng số phương tiện.

Từ kẹt xe ở Bangkok, nhìn về Hà Nội - 1

Đoàn tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Mạnh Quân)

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông có thể lên tới 2-5% GDP quốc gia. Riêng tại Bangkok, Đại học Kasetsart ước tính riêng tình trạng kẹt xe gây thiệt hại mỗi năm 11 tỷ baht, tương đương 320 triệu USD; đó là chưa kể người dân mất trung bình 2-3 giờ mỗi ngày để lưu thông trên đường, dẫn đến năng suất lao động bị giảm khoảng 20-30%. Nếu tính tổng thiệt hại sẽ ra con số khổng lồ, lên đến nhiều tỷ USD. Không chỉ vậy, nạn kẹt xe ở Bangkok ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch quốc tế đến với đất nước Thái Lan xinh đẹp và mến khách.

Các chuyên gia giao thông Thái Lan đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính của vấn đề trên là: (i) thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, do quan niệm các phương tiện giao thông công cộng không tiện lợi; (ii) quy trình lấy bằng lái xe quá dễ dàng; và (iii) chính sách ưu đãi của chính phủ dành cho người dân khi mua xe trả góp, nên hầu như ai cũng có thể dễ dàng sở hữu ít nhất một chiếc xe ôtô.

Theo Nikkei Asia, thành phố Bangkok và một số thành phố ở Ấn Độ đang dự kiến triển khai kế hoạch thu phí đối với ô tô lưu thông ở các quận trung tâm.

Ấn Độ được cho sẽ sớm áp dụng "phí tắc nghẽn" tại 13 địa điểm trung tâm thành phố Delhi, áp dụng từ 8h đến 10h và từ 17h30 đến 19h30 hàng ngày. Chính phủ Thái Lan gần đây đã vạch ra kế hoạch thu phí 40 đến 50 baht (1,16 đến 1,45 USD) một ngày đối với các phương tiện lưu thông qua trung tâm Bangkok; mức thu phí chính thức sẽ được công bố trong năm 2025.

Trở lại với Hà Nội, thủ đô của chúng ta hiện mới có trên 1 triệu ôtô và gần 7 triệu xe máy, tức là số lượng ô tô mới chỉ bằng khoảng 1/5 - 1/6 của Bangkok. Tuy nhiên, khách quan mà nói do hệ thống hạ tầng giao thông ở Hà Nội còn thua kém Bangkok, nên thành phố của chúng ta lâu nay đã phải đối mặt với hiện tượng ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói để giải quyết tình trạng kẹt xe thì phải đầu tư hạ tầng, phát triển giao thông công cộng. Điều này đúng song chưa đủ. Bài học Thái Lan cho thấy một việc quan trọng là hạn chế xe cá nhân, bao gồm cả ô tô và xe máy.

Không phải tự nhiên mà nhiều thành phố trên thế giới đã phải áp dụng những biện pháp mạnh như cấp hạn ngạch đăng ký xe. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang áp dụng khá thành công biện pháp này, đồng thời tăng phí đăng ký xe và thời gian học lái xe bắt buộc, áp thuế môi trường, giới hạn xe cá nhân tại các khu vực trung tâm...

Tôi kiến nghị chính quyền thành phố Hà Nội triển khai chiến lược giao thông đô thị toàn diện và khoa học. Trước hết là kiên quyết hạn chế tốc độ tăng xe cá nhân, sớm xác định một ngưỡng phù hợp tổng lượng xe được phép lưu thông trong thành phố.

Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng cần đi liền với thông tin, tuyên truyền về vai trò và lợi ích của loại hình này. Đặc biệt với xe buýt cần đẩy mạnh chuyển sang xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh.

Chống ùn tắc, kẹt xe ở Hà Nội sẽ là mũi tên trúng hai đích, vừa giải quyết vấn đề giao thông, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. "Lực đẩy" của mũi tên này là quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của người dân.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!