Những người thầy của đời tôi và triết lý giáo dục Việt Nam
Tôi năm nay đã gần 70 tuổi nhưng mỗi dịp đến ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) thì ký ức về những người thầy trong cuộc đời mình vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua.
Xin được kể một vài kỷ niệm về ba người thầy mà tôi chịu nhiều ảnh hưởng và để lại cho tôi những ấn tượng khó quên.
Thầy Nguyễn Huy Mãn là giáo viên dạy toán và giáo viên chủ nhiệm suốt 3 năm tôi học cấp 3. Tình yêu học trò của thầy, sự tâm huyết của thầy, cách dạy học gợi mở giúp cho học trò phương pháp tư duy thay vì học thuộc lòng của thầy đã truyền cảm hứng giúp tôi một học sinh học toán bình thường những năm cấp 2 thành học sinh học giỏi toán trong các năm cấp 3.
Những đề toán khó và hay mà thầy sưu tầm từ nhiều nơi trong những năm đất nước còn khó khăn luôn làm cho chúng tôi hứng thú đến "mất ăn mất ngủ" để tìm lời giải, giúp chúng tôi khả năng phân tích, suy luận.
Thầy Nguyễn Xuân Thụ là người thầy đầu tiên dạy tôi từ những bước đi chập chững trong phẫu thuật Nhi. Chữ thầy viết rất khó đọc nhưng thầy vẽ giải phẫu và cách thầy phẫu tích (sự can thiệp lên cơ thể động vật hoặc thực vật đã chết với mục đích nghiên cứu) trong mổ thì vô cùng đẹp.
Năm 1979 sau khi tốt nghiệp bác sỹ nội trú tôi băn khoăn chưa biết xin về đâu thì thầy Nguyễn Thụ dẫn tôi đến gặp thầy Nguyễn Xuân Thụ. Thầy không chỉ dạy tôi phẫu thuật Nhi mà còn dạy tôi nhiều điều tốt đẹp của một người trí thức được đào tạo từ thời Pháp.
Thầy rất tinh tế. Một lần về nhà thầy ăn mỳ buổi trưa do cô Hoa vợ thầy nấu. Bát mì khá mặn nhưng tôi thấy thầy ăn thích thú, khen ngon và cám ơn cô. Lúc đó tôi thấy khó hiểu nhưng sau này mới ngộ ra rằng đó chính là sự tinh tế của một người chồng có văn hóa cao dành cho vợ.
Hồi đó nghèo nhưng thầy rất liêm khiết. Bàn đạp của xe đạp thầy đi bị hỏng phải thay bằng bàn đạp gỗ, bữa ăn trưa là cạp lồng cơm với lạc rang và tép. Tuy nhiên thầy rất ghét và không cho phép bất cứ ai cố tình gây khó khăn vòi vĩnh quà hoặc tiền từ bệnh nhân. Tôi đã học ở thầy sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong nghề nghiệp, sự tận tâm và tình yêu dành cho những đứa bé bị bệnh.
Thời kì học nội trú Ngoại, GS Tôn Thất Tùng là một trong những người thầy để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi.
Thầy Tùng nổi tiếng thế giới trong thập kỷ 1970 với phương pháp cắt gan "khô". Không những thế với một bộ óc cực kì thông minh, nhạy bén, thầy là người đầu tiên phát hiện mối liên quan giữa chất độc da cam với ung thư, với dị tật bẩm sinh. Thầy cũng đã ứng dụng rất sớm liệu pháp miễn dịch phối hợp với phẫu thuật điều trị ung thư gan trong khi liệu pháp miễn dịch mới được thế giới thực sự chú ý trong những năm gần đây.
Khóa chúng tôi may mắn còn được nghe thầy chủ trì giao ban, nghe thầy giảng, xem thầy mổ, được thầy chấm thi tốt nghiệp. Báo cáo giao ban học được nhiều nhưng rất căng thẳng vì thầy không chỉ "truy" chuyên môn mà cả văn hóa, lịch sử.
Những mẩu chuyện về thầy do đàn anh truyền lại có thể đúng mà có thể chỉ là " giai thoại". Ví dụ như sau khi đánh trượt một sinh viên ở Nghệ An, thầy gọi lên buồng đưa áo cho mặc, cho tiền để ở lại học hè rồi thi lại. Hay có lần hỏi thi xong thầy không đưa giấy báo điểm. Đợi mãi tổ trưởng liều lên hỏi nhưng giấy cho điểm thầy không còn giữ. Thầy hỏi: "Tổ có mấy đứa?". "Thưa thầy 7 ạ". "Vậy cho 56 điểm về mà chia nhau?".
Trong một video tôi được xem trên mạng, người phỏng vấn đã hỏi tại sao thầy không ra đi, không rời Việt Nam (phỏng vấn thực hiện khoảng năm 1981). Thầy nói: Tôi không thể vì đã quá gắn bó với đất nước này, với dân tộc này.
Con đường đến với kháng chiến, đến với Cụ Hồ của thầy cũng là con đường mà nhiều trí thức gạo cội được Pháp đào tạo đã đi qua. Một thế hệ trí thức "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi. Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu" và đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đất nước, dân tộc.
Nhân nghĩ về những người thầy, về giáo dục, tôi nhớ đến ý kiến nhiều người cho rằng Việt Nam không có triết lý giáo dục. Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, trong một lần đi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh với một bạn người Pháp, tôi thấy triết lý giáo dục Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1949. Đó là phát biểu tại trường Đảng Trung ương: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại".
Tôi thấy có lẽ khó có gì hay hơn, thực tế hơn tư tưởng này.
- Học để làm việc: Dạy và học phải đào tạo ra những người có khả năng/kỹ năng làm việc chứ không phải là những người chỉ có lý thuyết suông hoặc những người chỉ có bằng cấp thậm chí bằng rởm mà không có kiến thức. Đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.
- Học để làm người: Một nội hàm rất đặc biệt, rất nhân văn, rất bao quát mà có lẽ không nhiều triết lý giáo dục đề cập đến. Tiếc là chúng ta cũng chưa làm được.
- Học để làm cán bộ: Làm cán bộ, làm chính khách cũng phải học. Một số cán bộ của ta đôi khi có những phát ngôn/ứng xử không giống ai có lẽ vì đã không "học để làm cán bộ"?
Thiết nghĩ muốn "Học để làm người, làm việc, làm cán bộ" thì chúng ta phải "tôn sư trọng đạo". Không chỉ xã hội chúng ta có truyền thống tôn trọng nghề giáo mà ở các nước phát triển thì truyền thống ấy vẫn được gìn giữ.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam có đôi điều chia sẻ với bạn đọc báo Dân trí và xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà giáo của chúng ta.
Tác giả: GS.TS Nguyễn Thanh Liêm có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại nhi và là người tiên phong đưa các liệu pháp trong lĩnh vực Y học tái tạo và trị liệu tế bào vào điều trị các bệnh nan y tại Việt Nam. Ông đã được trao tặng trao giải thưởng Hồ Chí Minh; Huân chương Anh hùng Lao động; Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; giải thưởng Nikkei châu Á năm 2018 cho nhà khoa học xuất sắc nhất của châu lục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!