Ứng phó với biến động thị trường
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ở nghị trường ngày 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thông điệp: "Điều quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ từng giai đoạn là phải xác định các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của giai đoạn đó là gì, nhưng xuyên suốt vẫn là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống để thực hiện được mục tiêu phát triển đất nước", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Vấn đề người dân và giới chuyên gia quan tâm: Mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ giai đoạn hiện nay là gì?
Theo lãnh đạo NHNN, trọng tâm, trọng điểm thời gian này là phải đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng đáp ứng khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng. Về ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn; và lúc này phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Bởi thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng đối với niềm tin của thị trường, nhà đầu tư.
Thời gian gần đây, trước biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế, vào ngày 24/10, NHNN đã tiếp tục tăng mạnh giá bán USD từ mức 24.380 VND/USD lên 24.870 VND/USD, tương đương tăng 490 VND. Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ tư trong hơn một tháng trở lại đây, NHNN thực hiện tăng giá bán USD. Từ đầu năm đến nay, giá bán USD của NHNN đã tăng tổng cộng 7,4%.
Với biên độ 5%, các ngân hàng hiện được phép giao dịch ở mức thấp nhất 22.508 đồng/USD và cao nhất 24.877 đồng/USD.
Nhìn ra thế giới thì đồng USD đã lên giá mạnh so với các đồng tiền trên thế giới. Cụ thể, đồng JPY của Nhật Bản đã mất giá 30%; EUR của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu mất 30%; bảng Anh mất 35%, CNY của Trung Quốc mất giá hơn 8%... Chính vì vậy, việc NHNN Việt Nam điều chỉnh tỷ giá là điều gần như là tất yếu - vấn đề nằm ở chỗ điều chỉnh với mức độ ra sao, tần suất thế nào mà thôi.
Về lý thuyết, chính sách điều chỉnh tỷ giá sẽ phần nào hỗ trợ cho xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường quốc tế. Tất nhiên, với từng thị trường xuất khẩu, lợi thế của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau tùy vào sức mạnh đồng nội tệ của các nước so với đô la Mỹ, song nhìn chung, khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh tỷ giá thì việc VND hạ giá so với USD sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu trước áp lực thị trường.
Vấn đề cân nhắc ở đây là liều lượng tăng tỷ giá USD/VND sẽ cần phải tính toán kỹ khi tỷ trọng nhập khẩu, đặc biệt là nguyên vật liệu, của nước ta vẫn còn lớn. Theo đó, gánh nặng chi phí đầu vào với các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng, điều này sẽ dẫn đến nhập khẩu lạm phát (giá nhập ở khâu đầu vào đắt dẫn đến giá bán ở khâu đầu ra cũng bị đẩy cao hơn).
Còn nhớ, tại phiên tọa đàm cấp cao "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra gần đây, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam, nhận định rằng, lạm phát toàn cầu là hiện tượng phổ biến và nhấn mạnh việc phải giữ ổn định tỷ giá. Ông Phước coi tỷ giá là "phòng tuyến" và lưu ý rằng, nếu vỡ "phòng tuyến" này thì lạm phát sẽ "tràn" vào.
Ở thời điểm đó, ông Phước nhận định NHNN đã làm tốt việc giữ tỷ giá quy đổi USD sang đồng Việt Nam bình quân tăng gần 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ 3%. "Sự lây lan của lạm phát tại Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá", ông nói.
Thực tế, nếu muốn neo tỷ giá thì NHNN sẽ buộc phải bán USD trong dự trữ ngoại hối để can thiệp. Chắc chắn là trong mỗi bước đi, NHNN đã có tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Mới đây, ông Francois Painchaud - Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, đưa ra nhận định: "Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay của NHNN Việt Nam thể hiện tính linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam".
Theo ông Francois Painchaud, nhiều đồng tiền đã giảm giá so với USD, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực nhưng đồng Việt Nam mất giá không nhiều như các nước khác. "Với nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp, tỷ giá hối đoái được điều hành linh hoạt theo đánh giá của chúng tôi, đây là một động thái tích cực", vị này nhận xét.
Trong một động thái khác, tối 24/10, NHNN tăng thêm 1% đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên... Thị trường tài chính là thị trường mang tính liên thông toàn cầu nên khi Mỹ tăng lãi suất thì sớm hay muộn cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Việc tăng lãi suất điều hành được cho là nhằm giảm áp lực lên hệ thống tiền tệ cũng như giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong bối cảnh đồng USD tăng giá kỷ lục.
Trong điều kiện lãi suất tăng (nhằm kiềm chế lạm phát) thì người gửi tiền được lợi, nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa những nỗi lo lớn cho người vay (đơn cử các doanh nghiệp và các cá nhân mua nhà với lãi suất thả nổi). Hiểu một cách nôm na, nếu doanh nghiệp vay với lãi suất cao thì buộc phải gồng mình để tăng doanh thu bù đắp, nếu không tăng trưởng được doanh thu thì dễ rơi vào thua lỗ, khó khăn tài chính, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ và ảnh hưởng tới chỉ tiêu nợ xấu tại các ngân hàng. Tương tự với người vay cá nhân. Tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán trong thời gian qua phần nào cũng đã phần nào phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư (triển vọng chứng khoán thường đi ngược với chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất).
Nhìn vào thực tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Nhật Bản, Trung Quốc cho đến Liên minh châu Âu…, áp lực đang đè nặng lên NHNN khi vừa phải kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt với mức tăng 1,88%. Tăng trưởng kinh tế (GDP) cũng được đánh giá là tích cực. Chính phủ dự kiến, tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%.
Các điểm sáng của chỉ số kinh tế vĩ mô chắc chắn có sự đóng góp tích cực của chính sách tiền tệ thời gian qua. Tuy nhiên, thách thức trong thời gian tới vẫn còn rất lớn khi lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn tiếp tục tăng lãi suất mục tiêu trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Đồng USD lên giá mạnh sẽ gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Đặt kỳ vọng vào cơ quan điều hành, đồng thời người viết cho rằng, ở chiều ngược lại, cơ quan điều hành cũng cần tham khảo, lắng nghe góp ý của giới chuyên gia, huy động trí tuệ tập thể.
Hi vọng với những bài học trong quá khứ (từng có giai đoạn chúng ta trải qua tình trạng lạm phát 2 chữ số, các ngân hàng thương mại đua lãi suất, nợ xấu phình to), lãnh đạo NHNN tới đây sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng để giữ được bình ổn thị trường tiền tệ, vượt qua giai đoạn khó khăn. Chính sách tiền tệ, tài khóa cần nhịp nhàng để tránh tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế.
Xin mượn phát biểu của ông Trương Văn Phước để nói rằng, chính sách linh hoạt, kịp thời, đúng và trúng chính là "phòng tuyến" trước biến động thị trường.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!