1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nới biên độ tỷ giá lên 5%, có lo mất giá tiền đồng?

Thảo Thu

(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, biên độ tỷ giá tăng thêm sẽ không tác động quá lớn đến động thái khối ngoại hay việc mất giá tiền đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chịu áp lực.

Lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Nhà nước hôm qua (17/10) đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ 3% lên 5%. Tỷ giá tại các ngân hàng sẽ có thêm dư địa 2% để điều chỉnh tăng hoặc giảm so với trước.

Lãi suất mới tác động nhiều thị trường chứng khoán, tỷ giá ít hơn 

Động thái này được cơ quan điều hành cho biết là nhằm thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định động thái này không chỉ kiểm soát tỷ giá mà còn làm giảm áp lực cung - cầu ngoại tệ.

Theo dữ liệu thống kê giao dịch trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 10 đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ đã liên tục sử dụng công cụ thu mua tín phiếu từ các ngân hàng thương mại để bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng ra hỗ trợ thanh khoản các nhà băng.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chỉ ra thêm, sức ép của việc cán cân vãng lai thâm hụt cũng là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước phải nới biên độ tỷ giá cho phù hợp với tình hình kinh tế. Biên độ 3% trước đó đã được duy trì 7 năm.

Nới biên độ tỷ giá lên 5%, có lo mất giá tiền đồng? - 1

Động thái nới biên độ tỷ giá nhằm thích ứng diễn biến kinh tế vĩ mô (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo các chuyên gia, biên độ tỷ giá tăng thêm sẽ không tác động quá mạnh đến động thái của khối ngoại do thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi lãi suất nhiều hơn tỷ giá.

Ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng thị trường có ảnh hưởng nhưng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp do chứng khoán có mối liên hệ xa với việc này và chủ yếu sẽ liên quan đến tình hình ổn định vĩ mô. Theo đánh giá của chuyên gia, tác động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán là việc tăng lãi suất.

Còn theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, khối ngoại có bị tác động do ban đầu đưa ngoại tệ vào thị trường thành nội tệ để đầu tư. Nhưng sau khi biên độ được nới, khối ngoại lại cần lượng nội tệ lớn hơn để mua lại ngoại tệ.

"Những nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài không hưởng ứng và thích thú chuyện điều chỉnh tỷ giá. Điều khối ngoại muốn là tỷ giá hối đoái ổn định để yên tâm đầu tư", ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không nên quá lo ngại việc này, bởi đồng Việt Nam mất giá khoảng 4%, ít hơn so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, đơn cử đồng baht Thái (-11,95%), đồng yên Nhật (-25,18%), đồng won Hàn Quốc (-17,57%), đồng nhân dân tệ (-10,9%), đồng euro (-13,49%)...

Nới biên độ tỷ giá lên 5%, có lo mất giá tiền đồng? - 2

Tỷ giá USD trong ngân hàng và "chợ đen" đều tăng (Ảnh: Mạnh Quân).

Giá USD tiến sát 25.500 đồng, ai áp lực?

Tỷ giá trung tâm sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận phiên tăng thứ 7 liên tiếp, với mức tăng tới 45 đồng lên 24.586 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn là 22.406 đồng/USD và giá trần là 24.765 đồng/USD.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại đầu ngày cũng tăng vọt sau khi biên độ được nới. Tại một số nơi giá bán mỗi USD đã tiến sát mốc 24.500 đồng/USD. Giá USD "chợ đen" thậm chí đạt 24.520 đồng/USD, tăng tới 190 đồng.

Trao đổi với Dân trí, trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội, nhận định tỷ giá "nóng" lên sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời gian tới. 

"USD đắt đỏ sẽ tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa", ông nói.

"Một điểm bất lợi là lỗ, lãi trong chênh lệch tỷ giá khi vay ngân hàng. Doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD đang rẻ, nhưng tới kỳ thanh toán trả nợ, USD lại lên giá, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá này", vị trưởng phòng nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, điều này đã nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước trước khi điều chỉnh. Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát, nhập khẩu.

Một vấn đề được đặt ra là việc điều chỉnh này liệu có làm mất giá tiền đồng. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, việc này có thể xảy ra. Mức mất giá cần đặt trong tương quan với các đồng tiền trong khu vực. Đồng Việt Nam mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác. Từ giờ tới cuối năm, đồng Việt Nam có thể chỉ giảm thêm khoảng 1%.