Tâm điểm
Lang Minh

Từ tranh luận "khi nào nên sinh con"

Tôi vừa xem xong bộ phim Vụ bắt cóc triệu đô (All money in the world). Bộ phim kể về một triệu phú kiên quyết không bỏ 17 triệu USD chuộc đứa cháu bị bắt cóc dù số tiền đó quá nhỏ so với tổng tài sản của ông. Cuối cùng đứa cháu được cứu dù mất một bên tai trái còn người ông qua đời trong cảnh cô đơn. Người triệu phú "keo kiệt" là bởi sự giàu có đã đẩy con trai ông vào cảnh nghiện ngập và báo trước tương lai đen tối cho các thế hệ sau.

Kịch bản "người giàu cũng khóc" này hẳn quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam khi sự sung túc của gia đình đôi khi không mang lại hạnh phúc cho các thành viên.

Thông điệp của bộ phim làm tôi liên tưởng đến một phát ngôn gây xôn xao gần đây, với đại ý rằng không nên sinh con khi chưa có đầy đủ điều kiện vật chất. Nhưng có vẻ như giàu có cũng chẳng phải một lợi thế hoàn hảo cho việc sinh con.

Từ tranh luận khi nào nên sinh con - 1

Một "công dân nhí" chào đời trong khoảnh khắc giao thừa 2022 ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Tú Anh)

Chẳng cần đến ví dụ triệu đô như trên, ta cũng đôi lúc thấy giàu có không phải phương án an toàn tuyệt đối cho tương lai của con trẻ. Một gia đình doanh nhân giàu có bỗng sa cơ lỡ vận, đứa con phải chia tay trường quốc tế đắt tiền để về học trường bình thường trong sự cười trêu của bạn bè.

Nếu thuận theo logic "nghèo không nên sinh con" trên thì hẳn không phụ huynh nào yên tâm để tạo ra thế hệ tiếp nối cả.

Ngoài ra, phát ngôn trên còn dựa trên một giả định rằng gia đình (một vợ một chồng) là trung tâm đầu tiên và duy nhất có ảnh hưởng đến tâm thế sinh con.  

Vậy nếu giàu nghèo của một gia đình không phải tiêu chuẩn, thì đâu là tiêu chuẩn cho sự sẵn sàng chào đón một đứa trẻ ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đi tới giai đoạn già hóa dân số, nhiều tỉnh có tỉ lệ sinh thấp đến báo động?

Câu trả lời nên đến từ phía bên kia: Khả năng phòng ngừa rủi ro của toàn xã hội. Tôi đặt ra vai trò chung của xã hội bởi các lý do sau.

Một là, các biến động vĩ mô diễn ra ngày một nhiều và khó kiểm soát; từ nhân tai (khủng hoảng kinh tế diễn ra dày ra hơn, xung đột khu vực nhưng có mức ảnh hưởng toàn cầu…) đến thiên tai (dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…) dẫn đến ổn định kinh tế tuyệt đối ở cấp hộ gia đình khó đảm bảo.

Hai là, dù những vấn nạn cơ bản cho sự phát triển của trẻ đã tương đối bị đẩy lùi (suy dinh dưỡng, thiếu tiêm chủng, không được tới trường), nhưng hai dịch vụ cơ bản là y tế và giáo dục đang ngày càng đòi hỏi chi phí nhiều hơn, thậm chí là đắt đỏ ở các đô thị lớn, tỷ lệ thuận với bất bình đẳng trong tiếp cận khi khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng bị nới rộng.

Ba là, xã hội hiện đại ở các đô thị dẫn đến hình thành các hộ gia đình đơn độc (khác với hình ảnh đùm bọc tình làng nghĩa xóm của cộng đồng làng xóm truyền thống), và trong nhiều trường hợp khi vợ chồng trẻ thiếu hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần thì sẽ có xu hướng lựa chọn phương án sinh một con hoặc không sinh; dẫn đến tốc độ già hóa xã hội nhanh hơn.

Khi cặp vợ chồng trong độ tuổi lao động phải chịu chi phí chăm sóc cha mẹ già yếu lẫn chi phí nuôi con trẻ, các phản ứng tiêu cực sẽ xảy ra và vòng xoáy già hóa dân số càng nhanh hơn. Đây là một thực tế đã diễn ra ở nhiều nước.

Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)…, thì các nước có thể nghiên cứu gói hỗ trợ cho trẻ em, tạo nền tảng cơ bản (giáo dục & y tế) với bản thân đứa trẻ, và qua đó cha mẹ (nhất là ở các hộ thu nhập thấp) có thể an tâm lao động chuẩn bị tương lai dài hạn hơn; tức là toàn xã hội sẽ được hưởng lợi chung.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ này đòi hỏi nguồn lực lớn khi triển khai diện rộng, vì vậy UNICEF khuyến nghị các nước (nhất là những nước đang phát triển) thực hiện dần từng bước; từ thiết lập các khung pháp luật, thí điểm cho các nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn, lên lộ trình mở rộng dần nhóm đối tượng, cho đến việc bao phủ rộng khắp trẻ em toàn quốc.

Một vấn đề khác là tranh cãi về phát ngôn "nghèo không nên sinh con" cho thấy cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về chiến lược dân số của Việt Nam (quyết định 1679 năm 2019 của Thủ tướng), để mọi người dân hiểu đúng về quan điểm, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con… Mục tiêu trọng tâm hiện nay không còn là kế hoạch hóa gia đình mà toàn diện hơn, trong đó có nâng cao chất lượng dân số.

Cuối năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 28 về "tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" đã nêu rõ đây là lĩnh vực "đạt được nhiều kết quả tích cực". Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.

Trong Chỉ thị 28, Bộ Chính trị đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp giai đoạn mới.

Thực hiện Chỉ thị này, các chính sách, chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ tiếp tục được xây dựng đồng bộ hơn và triển khai đạt kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!