Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Thi đỗ mà không học

Ngày 9/9 vừa qua, 23 đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung, hầu hết ở mức 15-23, bằng với đợt đầu, riêng Đại học Quy Nhơn tăng đến 9,5 điểm.

Trước đó, vào ngày 3/9, 113 trường đại học thông báo tuyển bổ sung ít nhất hơn 28.000 sinh viên, riêng Đại học Hồng Đức lấy điểm sàn tới 28,58 - cao nhất. Ba phương thức xét tuyển chính được các trường sử dụng là điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực. Trong số 113 đại học này, một số trường thông báo tuyển bổ sung với chỉ tiêu khoảng 1.000 em mỗi trường trở lên là Đại học Hoa sen, FPT, Phenikaa, Nam Cần Thơ.

Như vậy kể từ 17h chiều 27/8 là thời điểm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các học sinh đỗ đại học phải thông báo nhập học đợt đầu, không ít đại học ở ta vẫn đang nỗ lực tuyển thêm cho đủ chỉ tiêu cần thiết. Và xét tình hình này thì việc cạnh tranh thu hút sinh viên nhìn chung thật sự không đơn giản.

Đợt đầu mùa thi năm nay, cả nước có 673.586 thí sinh trúng tuyển đại học chính thức trên hệ thống tuyển sinh của Bộ, nhưng chỉ 551.479 em xác nhận nhập học, đạt 81,87%. Hơn 122.000 em từ chối, tức khoảng gần 20% học sinh đỗ đại học mà không đi học.

Thi đỗ mà không học - 1

Đến thời điểm này, các thí sinh đã nhận được kết quả tuyển sinh đại học (Ảnh: Hải Long).

Tựu trung, ta có hơn 1 triệu học sinh đăng ký thi tốt nghiệp PTTH, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp năm nay là 99,4%. Trong đó, khoảng 674.000 em đỗ đại học, hơn 326.000 em rớt đại học hoặc không đăng ký vào đại học ngay từ đầu.

Với các em đỗ đại học thì 122.000 em không xác nhận nhập học. Tính ra khoảng 448.000 học sinh tốt nghiệp PTTH năm nay không vào đại học, chiếm gần 45%. Hay nói cách khác chỉ có 55% học sinh tốt nghiệp trung học chọn con đường vào đại học. Các năm gần đây cũng có tỷ lệ tương tự.

Lý do các em học sinh không chọn con đường vào đại học, nhất là 122.000 em đỗ mà không học, rất đa dạng và đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Ở đây trước hết chúng ta loại trừ một số em học giỏi hoặc nhà có điều kiện đã chọn con đường đi du học. Đa số các em còn lại thường rơi vào hai lý do chính, hoặc là năng lực học tập chưa đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đại học hoặc là điều kiện gia đình khó khăn.

Đằng sau những quyết định đỗ đại học mà không đi học là biết bao bài toán của mỗi gia đình, nên đầu tư cho con ăn học 4-6 năm đại học tùy trường hay là tìm đường khác hiệu quả hơn. Đó có thể là cân nhắc lựa chọn đi học nghề, học cao đẳng hay đi lao động ở nước ngoài, hoặc đơn giản là tham gia lực lượng lao động phổ thông, theo đuổi nghề nghiệp truyền thống của gia đình…

Qua thảo luận trên các hội nhóm về giáo dục có thể thấy, nhiều gia đình cho rằng con em họ không đi học đại học là sự chọn lựa tốt và thiết thực hơn. Đây rõ ràng là một nhận thức mới so với 15-20 năm trước, khi vào đại học là mơ ước của hầu hết các em học sinh và gia đình, nếu con mình thi đỗ thì sẵn sàng bán trâu bán bò, vay mượn để con theo đuổi nghiệp đèn sách.

Giờ đây vấn đề đầu tiên nhiều gia đình đặt ra là tiền đâu? Bởi theo một số phụ huynh, cho con vào đại học trong 4 - 5 năm tới chi phí ít nhất là 400 triệu đồng. Nếu nhà đang có 2-3 con đi học đại học cùng lúc thì chi phí tốn cả tỷ bạc. Trong khi nói về đầu ra, các cháu sinh viên mới ra trường hưởng lương cơ bản trong những năm đầu phổ biến là 5-6 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá khiêm tốn ngay cả so với mặt bằng thu nhập của lao động phổ thông hiện nay.

Một phụ huynh đưa ra cách tính, nếu con đi lao động ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, chi phí khoảng 160 đến 200 triệu đồng. Nếu các cháu chăm chỉ làm việc vài năm, về nước có thể tích góp được từ 1 đến 1,5 tỷ đồng, gọi là có vốn làm ăn và thậm chí với những kỹ năng học được ở nước ngoài sẽ dễ tìm việc hơn so với… cử nhân.

Một bài toán khác là vấn đề chất lượng đào tạo. Nhiều phụ huynh nhìn nhận nếu con họ đỗ vào các trường công chất lượng tốt, ngành dễ tìm việc và học phí phải chăng thì quyết định rất dễ dàng, cho con đi học ngay. Nhưng nếu con đỗ vào các đại học trung bình, thậm chí nhóm dưới, thà cho đi học nghề rồi đi làm còn tốt hơn.

Theo họ, đại học "mọc ra như nấm" mà chất lượng không rõ ràng, học phí cao. Cho con vào học ở các trường như thế này, vừa tốn kém vừa không đảm bảo đầu ra. "Tốt nhất là khỏi sĩ diện hão, cho con ở nhà đi làm. Lương công nhân cỡ 7-10 triệu đồng/tháng là đủ sống", một phụ huynh bình luận.

Nhiều vị lo lắng bài toán đường dài. Là vì năm nay nếu họ cho con vào đại học thì đủ khả năng đóng tiền học phí, tiền sách vở và tiền trọ học cho con. Nhưng tất cả các khoản này đều tăng theo năm, trong khi thu nhập của cha mẹ có thể nhìn thấy trước mắt là "dẫm chân tại chỗ".

Tóm lại, câu chuyện thi đỗ mà không học cho thấy các vấn đề sau:

1) Áp lực kinh tế

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh không đi học đại học cho dù trúng tuyển, nằm ở gánh nặng tài chính khi học phí xu hướng tăng và chi phí nhà trọ, sinh hoạt tại các thành phố lớn khá đắt đỏ.

2) Chất lượng giáo dục đại học và cơ hội việc làm

Nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy rằng bằng đại học không còn đảm bảo cơ hội việc làm tốt như trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người có bằng đại học khiến họ lo ngại. Nhiều bạn trẻ lựa chọn đi làm sớm để tích lũy vốn và kinh nghiệm thực tế.

3) Sự thay đổi quan điểm về giáo dục và thành công

Trong một số trường hợp, các em học sinh và gia đình của họ đã thay đổi quan niệm về con đường dẫn đến thành công. Thay vì coi đại học là con đường duy nhất, nhiều người chọn học nghề, khởi nghiệp hoặc làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Những chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, thực tiễn với cơ hội việc làm cao đã thu hút không ít học sinh.

Theo tôi, xu hướng trên là bình thường, phù hợp với chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng phản ánh mong muốn của các gia đình là nếu đầu tư cho con em vào đại học thì chất lượng đào tạo phải tương xứng, sinh viên tốt nghiệp dễ tìm việc làm, có lương đủ sống trở lên. Nhu cầu thực tế đó đòi hỏi hệ thống đại học, cao đẳng phải nỗ lực đổi mới chương trình giảng dạy để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường lao động.

Việc tạo ra các chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có thể giúp sinh viên có cơ hội thực tập, tích lũy kinh nghiệm thực tế trong quá trình học tập, từ đó tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Để giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục con đường học vấn, chúng ta cần tăng cường các chương trình học bổng, vay vốn học tập với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng có thể xem xét cung cấp các gói hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu của sinh viên, đa dạng hóa nguồn thu thay vì chỉ dựa vào học phí.

Một vấn đề khác là trước khi ra quyết định về con đường học tập sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh cần được tư vấn hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp và thực tế. Các trường học cần hợp tác với chuyên gia, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cụ thể về xu hướng việc làm, nhu cầu thị trường và các cơ hội phát triển nghề nghiệp cho học sinh. Thiết nghĩ đây là những công việc sẽ đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!