Bí quyết học giỏi
Một mùa thi đã khép lại. Và cũng như các mùa thi trước đây, trên truyền thông có rất nhiều bài báo chia sẻ bí quyết học tập, thi cử của các em học sinh giỏi đã thi đậu vào những ngôi trường trung học và đại học hàng đầu, nhất là các bạn thủ khoa.
Có thể kể đến như trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay, một bạn học sinh lớp 9 đã có thành tích ấn tượng khi thi đỗ vào chuyên Toán của 4 trường chuyên nổi tiếng với điểm số môn Toán chuyên cao nhất lên tới 8,5 điểm. Đó là THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Sư phạm và THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Bí quyết học tập để thi đỗ 4 trường chuyên một lúc của bạn học sinh này là "ngoài học trên lớp, cháu còn đi học thêm, mỗi buổi 3 tiếng. Sau khi về nhà, cháu tiếp tục cày cả những bài tập khó. Trước kỳ thi diễn ra, có những ngày cháu học tới hơn 12 tiếng".
Ngoài ra để ghi nhớ kiến thức nhanh, bạn luôn ngồi bàn đầu tiên và tập trung nghe giảng. Với những bài khó hoặc chỗ nào còn băn khoăn, không hiểu, thì bạn sẽ trao đổi với thầy cô và các bạn. Điều quan trọng nhất theo bạn là phải thường xuyên ôn lại các bài cũ và luyện đề thật nhiều. Bạn có một cuốn sổ thường xuyên đem theo để rà soát lại kiến thức, như vậy mới có thể ghi nhớ sâu.
Bí quyết của thủ khoa toàn quốc tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, người có 3 điểm 10 và bài văn 12 trang theo tường thuật từ báo chí là học sinh có khả năng viết rất tốt và chữ đẹp. Bạn thủ khoa này chủ yếu học ở trường kết hợp tự học ở nhà, chỉ học thêm môn tiếng Anh và Lịch sử. Trên lớp, bạn luôn là học sinh tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài. Các thông tin, kiến thức mới luôn được bạn ghi chép và lưu lại một cách cẩn thận. Tinh thần học hỏi của bạn cũng rất cao. Vấn đề gì còn băn khoăn, bạn sẽ hỏi trong giờ hoặc ngoài giờ, nhắn tin trao đổi với thầy cô.
Trong khi đó, thủ khoa THCS Trần Đại Nghĩa (TPHCM) năm nay là một học sinh học trường Nguyễn Thái Học, quận 1. Cháu này không hề đi học thêm, không tới trung tâm ngoại ngữ, không luyện thi. Gia đình cháu cho biết "ba mẹ muốn rèn cho cháu kỹ năng tự học. Sau giờ học ở trường, về nhà, bé sẽ chơi là chủ yếu, thích điều gì bé tự tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, internet. Khi có những cuộc thi mà bé được thầy cô định hướng tham gia, ba mẹ sẽ hướng dẫn con cách tìm thêm tài liệu liên quan.Thông qua đó, bé được trau dồi kỹ năng tự giác, chủ động để biết mình cần bổ sung kiến thức gì và lên kế hoạch để thực hiện điều đó.
Mẹ cháu nói: "Học tập chủ động là rất cần thiết. Các con cần tự tìm hiểu những kiến thức mình cần biết, đến khi không thể tìm hiểu được nữa mới nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, người đi trước... Tôi cho rằng việc đi học thêm sẽ tạo ra một sức ỳ, không tốt cho sự phát triển tư duy của các bé".
Trên đây là một vài phương pháp học tập của các cháu học giỏi, đạt điểm cao mà báo chí tường thuật năm nay. Tựu trung qua các bài báo mô tả về gương học tập của các bạn học sinh giỏi nhiều năm trở lại đây, có thể thấy hai phương pháp học tập nổi bật sau.
Kiểu thứ nhất: Không học thêm, chủ yếu tự học; ngoài giờ học vẫn đi chơi cùng bạn bè, giúp cha mẹ việc nhà bình thường.
Kiểu thứ hai: Học thêm và tự học rất nhiều, dành thời gian ở nhà để "cày" bài tập, "cày" đề khi tới mùa thi; ghi chép bài vở cẩn thận, hỏi thầy cô ngay nếu chưa hiểu…
Tất nhiên sự phân chia nêu trên chỉ là tương đối, thực tế đa dạng hơn nhiều và khó có thể nêu đầy đủ trong phạm vi bài viết này. Nếu nhìn ở góc độ khái quát, xin tạm có vài nhận xét:
Những cháu từ nhỏ đã thể hiện năng khiếu học hành, năng lực tự học ở mức cao, ngoài giờ lên lớp vẫn có thể dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao… Trong môi trường giáo dục tốt và gia đình tạo điều kiện, kết quả học tập của các cháu này sẽ vượt bậc so với bạn bè cùng lứa.
Những cháu không có năng khiếu học hành vượt bậc so với bạn bè, nhưng vẫn có thể xếp vào diện thông minh và chăm chỉ, cần cù, học ngày học đêm thì kết quả thi cử cũng đạt yêu cầu. Những cháu này sẽ chiếm phần đông hơn trong số các học sinh giỏi có thành tích cao hiện nay.
Trong cách học hành của các cháu, chịu ảnh hưởng từ hai nguồn chính là gia đình và nhà trường. Có những cháu thì theo nếp chung phổ biến là kết hợp giữa học ở trường và học thêm, ghi chép bài đầy đủ, chăm chú nghe giảng, về nhà "cày" bài tập và luyện đề ngày đêm. Có những cháu đi theo lối không phổ biến do gia đình chọn lựa như chủ động học tập, tránh học thêm, tự mình tìm tòi kiến thức…
Từ các bài học nêu trên, nếu để tìm ra một bí quyết hay công thức chung để học giỏi thì dường như bất khả thi, vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Bí quyết này kia có thể phù hợp với bạn học sinh giỏi được nêu trong bài báo, nhưng mang về áp dụng với con em của mình chưa chắc đã hiệu quả, vì còn tùy thuộc vào khả năng từng học sinh và môi trường học tập cụ thể. Phải chăng bí quyết mà mọi nhà có thể áp dụng, dù theo phương pháp nào, là sự chủ động và thái độ nghiêm túc với việc học tập.
Cá nhân tôi từ kinh nghiệm sư phạm của mình và từ đúc kết qua nhiều năm theo dõi các kỳ thi, xin đề xuất phương pháp 8 điểm sau đây:
1/ Hãy dạy các con khi học là phải biết đặt câu hỏi nghi vấn cho bất cứ vấn đề gì mình chưa hiểu, hay chưa hiểu kỹ càng. Chỉ có vậy các con mới nắm rõ câu trả lời.
2/ Chăm chỉ là đức tính cần thiết dù các cháu thông minh, có năng khiếu học hành hay chỉ ở mức vừa phải. Chỉ có chăm chỉ thì mới đi xa được trên chặng đường học tập.
3/ Hãy để các con biết tạo động lực cho chính mình. Chỉ có những học sinh có động lực tốt thì mới đi tới thành công.
4/ Nên dạy các con cách giải quyết vấn đề. Chỉ có vậy thì các con mới tự đương đầu với những rắc rối của bài học, của cuộc sống và tìm ra các giải pháp tốt nhất.
5/ Nên dạy các con cách nắm bắt cơ hội học tập trên lớp, ngoài xã hội, trong cộng đồng, thư viện, ở nhà. Học không có nghĩa chỉ là đắm đuối vào những kiến thức ở trường lớp và sách vở.
6/ Nên dạy các con xây dựng hệ thống hỗ trợ học tập cho mình như cha mẹ, thầy cô, bè bạn, internet, sách vở. Như vậy có thể học một hiểu mười.
7/ Hãy giúp các con tạo ra kỷ luật cho bản thân khi học tập và tuân thủ kỷ luật đó một cách nghiêm túc.
8/ Hãy dạy các con đưa ra một thời khóa biểu và thời gian biểu phù hợp với năng lực của mình, quản lý tốt khối lượng công việc được giao, hài hòa giữa học tập, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất, vui chơi giải trí, giúp đỡ gia đình. Đó là cách giúp các con cân bằng và có thể tiến xa trên đường học tập.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!