Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Thấy gì từ việc ngành kinh tế, kỹ thuật "vợt" thí sinh khối C

Một số đại học ở ta, khi cạnh tranh thu hút tuyển sinh trong bối cảnh tự chủ đại học, đã quyết định tuyển học sinh khối C vào các ngành kinh tế, kỹ thuật.

Báo Dân trí đã viết về một số trường hợp cụ thể, tôi xin không nêu lại ở đây. Chúng ta thấy là có trường sử dụng tổ hợp môn thuộc khối C để tuyển sinh các ngành kỹ thuật như công nghệ kỹ thuật ôtô, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật hóa học… Lại có trường với hàng loạt ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, đòi hỏi khả năng tính toán như kế toán, tài chính ngân hàng, luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng… cũng mở rộng tuyển cả thí sinh khối C00 (Văn, Sử, Địa).

Thấy gì từ việc ngành kinh tế, kỹ thuật vợt thí sinh khối C - 1

Thi sinh xem thông tin tuyển sinh đại học mùa thi 2024 (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Năm 2025, đã có trường đào tạo sinh viên trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển, mở rộng cơ hội cho các thí sinh khối C và các tổ hợp khác. Theo đó, bên cạnh các khối truyền thống, nhiều ngành học ở trường sẽ bổ sung thêm một số tổ hợp xét tuyển thuộc khối C gồm C00 (văn, sử, địa), C01 (văn, toán, lý), C02 (văn, toán, hóa), C14 (toán, văn, giáo dục kinh tế và pháp luật)… Những học sinh dùng các bài tổ hợp môn thuộc khối C sẽ theo học các ngành như Luật, Quản trị du lịch…

Diễn biến trên đặt ra một số vấn đề như sau.

Trước hết, cần khẳng định chúng ta không phân biệt các tổ hợp hay còn gọi là các khối. Tuy nhiên, trong giáo dục không phải tự nhiên mà có việc chia ra các khối thi đại học. THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh cần phải chọn tổ hợp môn học phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng và theo hướng nghề nghiệp sau này. Xác định khối thi và lựa chọn tổ hợp môn học sớm giúp học sinh tiết kiệm thời gian, định hướng đúng ngành nghề tương lai.

Như vậy là ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông thì các em đã định hướng học tập theo các khối. Khi vào đại học, khối thi là sự phân chia các tổ hợp môn tự nhiên, xã hội, năng khiếu để các em lựa chọn đăng ký thi, và cũng để các trường tuyển chọn đầu vào phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Thứ hai, thời gian qua chúng ta thấy với nhiều nhà trường tuyển sinh theo đúng khối thi truyền thống, thì kết quả học tập của sinh viên đã không đồng đều. Một bộ phận sinh viên bị buộc thôi học, bị cảnh báo hoặc bị thử thách do kết quả học tập không đáp ứng yêu cầu. Điều này nghĩa là ngay cả trong những trường tuyển học sinh sử dụng đúng các bài thi tổ hợp, các môn phù hợp cần thiết vào học, chất lượng sinh viên vẫn còn nhiều vấn đề để bàn. Vậy thì làm sao có thể an tâm với những trường tuyển học sinh sử dụng các bài thi tổ hợp khác với truyền thống lâu nay, kiểu như ngành kinh tế, kỹ thuật tuyển cả học sinh khối C?

Câu hỏi này mong là các trường sẽ giải đáp thuyết phục được dư luận.

Thứ ba, sinh viên học kỹ sư, kế toán, tài chính ngân hàng, logistic và quản trị chuỗi cung ứng… đương nhiên cần biết tính toán và thậm chí phải giỏi tính toán. Nhưng ngay cả sinh viên học Luật kinh tế hay học Quản trị du lịch cũng rất cần hiểu biết về tính toán và mạnh về tư duy logic.

Ví dụ như muốn có bằng cử nhân Quản trị du lịch, sinh viên cần học và thực hành chuyên sâu về quản trị kinh doanh, học các nguyên tắc pháp lý, kinh tế, tiếp thị, kế toán, tài chính và quản lý trong lữ hành, khách sạn và các dịch vụ liên quan.

Như vậy, nếu các sinh viên chỉ mạnh trong các môn học khoa học xã hội sẽ rất vất vả khi theo học ngành nêu trên. Trong giả định các trường cứ tuyển, cứ đào tạo và cấp bằng, thì câu hỏi đặt ra là việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực như thế nào?

Mấy năm gần đây, số thí sinh dự thi tổ hợp khoa học xã hội liên tục tăng cao qua các năm, vượt xa số thí sinh dự thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Năm 2020, có 296.158 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên nhưng có đến 498.516 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội. Đến năm 2024, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội vọt lên 672.754 và chỉ có 394.256 thí sinh đăng ký thi bài thi khoa học tự nhiên mà thôi.

Số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội tăng cao, trong bối cảnh là các trường đại học tự chủ, nhiều trường tuyển sinh khó khăn, doanh thu sụt giảm và đứng trước nguy cơ không cân đối được thu chi. Vì vậy nếu trường đại học nào đó đặt nặng vấn đề tuyển sinh, rất có thể họ sẽ nhìn vào nguồn thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội tăng cao nêu trên, dẫn đến động thái điều chỉnh khối thi.

Về phía các em vốn chỉ mạnh về các khối ngành khoa học xã hội, khi thấy một số trường thuộc ngành kinh tế, kỹ thuật tuyển sinh khối C, rất có thể các em sẽ lựa chọn để đa dạng hóa cơ hội và mong vào được các ngành mà sau này dễ xin việc làm hơn.

Đây là điểm cung- cầu gặp nhau trong ngắn hạn. Nhưng diễn biến cung - cầu này có thực sự phù hợp nếu nhìn từ khoa học giáo dục và nhìn từ yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực? Rất cần ý kiến của cơ quan quản lý làm rõ thắc mắc này.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!