Tâm điểm
Đinh Văn Minh

Những biểu hiện của bệnh "phông bạt"

Cơn bão số 3 với sức tàn phá khủng khiếp của nó đã qua đi, giờ là lúc cả nước chung tay góp sức tích cực khắc phục hậu quả.

Biết bao tấm lòng sẻ chia tình đất nước, nghĩa đồng bào, người góp công, kẻ góp sức, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, những gói hàng đùm bọc yêu thương đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu của một dân tộc, "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" vẫn biết vươn mình trong thời đại mới.

Tuy nhiên, trong lúc mọi người chung sức, đồng lòng từ thiện tâm của mình để giúp đỡ đồng bào gặp nạn thì một số người lợi dụng việc này để đánh bóng tên tuổi, mưu lợi cho cá nhân mình.

Khi Mặt trận Tổ quốc thực hiện "công khai sao kê" đảm bảo tính minh bạch và để những người hảo tâm yên tâm đóng góp, thì cũng qua đó lộ ra những người thiếu trung thực, khuếch trương không đúng sự thật khoản tiền đóng góp của mình. Từ tình trạng này đã xuất hiện khái niệm "phông bạt", một từ mới trong tiếng Việt thời 4.0!

Những biểu hiện của bệnh phông bạt - 1

Nói và làm là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, uy tín, của mỗi con người trong con mắt của xã hội (Hình minh họa: Ngọc Diệp)

Có thể hiểu "phông bạt" là một hình thức làm ít nói nhiều, chỉ nói mà không làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo hay "nói như rồng leo, làm như mèo mửa"… Mục đích của những kẻ "phông bạt " này chắc chắn là vì cái danh, cái lợi của bản thân, một sự dối trá đáng xấu hổ.

Nhìn rộng ra, tình trạng phô trương, hình thức, chạy theo thành tích cá nhân để tìm kiếm cơ hội thăng tiến, đi ngược lại với yêu cầu "chí công vô tư" của một số cán bộ, công chức cũng là biểu hiện của "phông bạt", biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đây là tình trạng cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Trước hết cần nhắc lại rằng, nói và làm là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, uy tín, của mỗi con người trong con mắt của xã hội, do vậy mỗi người đều phải đề cao, coi trọng và có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm trước sau giữa lời nói và việc làm.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người không chỉ chịu trách nhiệm cho lời nói, việc làm của cá nhân mình mà hơn thế nữa họ còn là hình ảnh của một đội ngũ ưu tú lãnh đạo đất nước, là đại diện cho nền công vụ liêm chính, hành động và phục vụ, của lẽ phải và công bằng.

Những lời hứa, lời cam kết của cán bộ ở bất cứ vị trí nào đều mang theo kỳ vọng, ở cấp độ vĩ mô là kỳ vọng của xã hội, ở cấp độ một tổ chức, đơn vị cụ thể thì kỳ vọng của những người làm việc trong tổ chức, đơn vị đó và những người dân, doanh nghiệp có liên quan.

Một khi đã nói, đã hứa thì điều đó trở nên hết sức thiêng liêng và phải trở thành một động lực to lớn thúc đẩy mỗi người cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" và "chỉ bàn làm chứ không bàn lùi".

Người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, những quyết sách, biện pháp của Nhà nước và cũng luôn "để mắt" đến lời ăn, tiếng nói và việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên qua những việc làm hàng ngày, cụ thể.

Nhiều vị từng giữ chức vụ cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước bị xử lý về hình sự vừa qua, trước kia chắc chắn cũng đã từng có biết bao "lời hay ý đẹp", trước quần chúng nhân dân, trước cán bộ, đảng viên trong ngành mình, cơ quan mình, hô hào nọ kia về sự hy sinh phấn đấu, về sự liêm chính… Vậy mà việc họ làm ngược lại với những điều chính họ đã nói

Rồi nữa, những dịp tổng kết cuối năm, nhiều cá nhân và tập thể được xếp vào diện xuất sắc, thành tích cao, được biểu dương, được khen, được thưởng, … trong khi đó không ít nơi, công việc trì trệ, không ít việc làm không đến nơi đến chốn, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, tiền thuế của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đó chẳng phải là hậu quả của sự thiếu trung thực, coi trọng hình thức, chuyện "phông bạt" trong cơ quan nhà nước hay sao?

Lại có những người chỉ thích "khai hội" rồi "nói mênh mông trời đất" kèm theo đó là đón rước rềnh ràng, liên hoan lu bù… gây lãng phí tiền của nhân dân. Đó là những biểu hiện cụ thể của thói phô trương hình thức từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và yêu cầu phải kiên quyết dẹp bỏ.

Nhìn ở một khía cạnh khác, bệnh phô trương, hình thức còn là một thủ đoạn nhằm khuếch trương thanh thế, rồi cùng với các thủ đoạn khác nữa của kẻ tham vọng quyền lực để có cơ hội thăng quan tiến chức, mưu lợi cá nhân.

Còn rất nhiều biểu hiện khác về chủ nghĩa hình thức, về bệnh thành tích, phô trương, thậm chí là gian dối trong hoạt động công quyền, một thứ bệnh nan y cần phải từng bước đấu tranh kiên quyết để loại trừ.

Quy định 144 của Đảng về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là những giá trị cốt lõi, là vũ khí để từng cán bộ, đảng viên tự soi tự sửa, giữ mình trong sạch, liêm chính, phụng sự nhân dân và cũng là thước đo để  cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá, là căn cứ để người dân giám sát cán bộ, đảng viên.

Cũng như quy luật tự nhiên "Cỏ dại ngẩng cao, lúa chín cúi đầu", "hữu xạ tự nhiên hương", sự cống hiến hy sinh mang trong đó giá trị vĩnh cửu, đâu phải cần phô trương "phông bạt", nó sẽ luôn được cuộc đời ghi công và trân trọng.

Vì thế hãy lắng nghe lời ông cha đã đúc kết "Nói chín thì nên làm mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê" để mà giữ gìn, để mà cố gắng, ngay từ trong cuộc sống thường nhật của một công dân tử tế, đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của một cán bộ, công chức… để bảo vệ danh dự của cá nhân mình và uy tín của một nền công vụ vì dân. 

Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!