"Chống lãng phí" là nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí. Hiện nay, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Đây là thông điệp mở đầu trong bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Bài viết nêu rõ, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta, từ công việc hàng ngày của mình, cũng dễ dàng chứng kiến và quan sát được những sự lãng phí từ tờ giấy in trong văn phòng, cách sử dụng chiếc xe ôtô công, cho đến nhà công, đất công, tài nguyên thiên nhiên.v.v..
Không chỉ là những thứ lãng phí có thể đo đếm, nhìn bằng mắt, sờ bằng tay được như hàng trăm nghìn ha đất bỏ hoang, những khu đô thị mới với hàng vạn căn nhà liền kề, biệt thự, chung cư nhiều năm không có người ở, hay những dự án đầu tư thua lỗ…, mà còn là thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân, và lớn hơn là cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước.
Xin đơn cử một lĩnh vực chúng ta đã nói đến rất nhiều trong thời gian qua, và cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách song chưa đạt yêu cầu đề ra. "Thủ tục hành chính là một trong những vướng mắc hàng đầu đối với doanh nghiệp"; "có những dự án đầu tư phải cần đến 38- 40 con dấu"… là những lời kêu ca, phàn nàn mà đại diện doanh nghiệp đã phản ánh tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật tổ chức hôm 9/10 vừa rồi.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - ông John Rockhold, hồi tháng 10 năm ngoái cũng đã có phàn nàn tương tự tại Hội nghị Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài, khi cho rằng "quy trình phê duyệt còn chậm, thủ tục hành chính còn mất thời gian, gây cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án, đồng thời tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam".
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khái quát một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Trong đó nêu rõ chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp…
Bài viết đề ra các giải pháp trọng tâm, bao gồm việc cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
Khi đề cập đến giải pháp sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã yêu cầu tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.
Ở đây xin được thông tin thêm về dự án nêu trên. Tháng 8 vừa qua, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã về đích và lập nên một "kỳ tích" của ngành điện.
Công trình này có tổng chiều dài gần 520km, gồm hai mạch kép đường dây, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã/phường của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra. Đây là công trình có quy mô lớn, áp dụng nhiều công nghệ mới, tiến độ gấp nhưng trong suốt quá trình thi công lại gặp thời tiết hết sức bất lợi, khó lường. Trên toàn tuyến thời tiết nắng gắt, xen kẽ nhiều đợt mưa lũ kéo dài.
Một công trình khối lượng lớn và khó, thời tiết bất lợi như vậy, song đã hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ hơn 7 tháng kể từ khi khởi công (ngày 18/1/2024). Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng chỉ mất hơn 3 tháng, nhanh nhất so với bất cứ một công trình truyền tải điện 220-500kV nào được triển khai từ trước đến nay, là điều kiện để các đơn vị thi công nhanh dự án.
Dự án này để lại nhiều bài học quý giá về sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ cho đến các bộ, ngành, địa phương liên quan. Về đích đúng tiến độ đề ra, dự án không chỉ tiết kiệm thời gian, nguồn lực, giảm giá thành xây dựng, mà còn là trường học lớn, giúp nâng cao trình độ và tay nghề của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngành điện…
Chắc chắn rằng nếu các công trình quan trọng của đất nước đều được thi công đạt tiến độ, chất lượng như dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, thì sẽ góp phần rất quan trọng vào việc phát huy hiệu quả các nguồn lực xây dựng đất nước. Và ngược lại, khi nào vẫn còn dự án, công trình nào đó chậm trễ, thậm chí là "đắp chiếu" năm này qua năm khác thì đó chính là địa chỉ lãng phí nguồn lực đất nước. Công trình nhỏ lãng phí nhỏ, công trình lớn lãng phí lớn.
Còn nhớ, nhiều năm trước, báo chí đã điểm danh 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương mà các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng đã phải tốn rất nhiều công sức để xử lý những tồn tại, yếu kém liên quan.
Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh yêu cầu giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra tầm quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm của công tác phòng, chống lãng phí.
Tin tưởng rằng thời gian tới công tác phòng, chống lãng phí sẽ được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!