Tham nhũng vặt: Một thứ bệnh ghẻ lở hắc lào!
Ở Việt Nam, tham nhũng là căn bệnh trầm kha xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhận định đó trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước phản ánh đặc điểm tham nhũng ở Việt Nam và đó là điều phải tính đến trước khi tìm ra kế sách ứng phó.
Tham nhũng thường được chia ra làm hai loại: Tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ hay tham nhũng vặt. Tham nhũng lớn xảy ra với những người có chức vụ quyền hạn với số lượng tiền bạc chiếm đoạt rất lớn; tham nhũng nhỏ xảy ra với công chức, viên chức nhỏ, số tiền không lớn.
Tuy nhiên, sự phân chia lớn nhỏ không nói lên tính chất nguy hiểm và mức độ tác hại của mỗi loại. Nếu như tham nhũng lớn như một thứ trọng bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng thì tham nhũng vặt lại giống như một thứ bệnh ghẻ lở hắc lào, có thể chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra sự khó chịu ghê gớm và một hình ảnh xấu xí trên con người… Tình trạng trên từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát một cách một cách hình ảnh trong cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình năm 2013: Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều, khiến người dân như bị ngứa ghẻ.
Vì thế tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều cần phải chống, có thể nói là phải vừa "đả hổ" vừa "diệt ruồi". Đây là cuộc chiến đấu gian khổ, đòi hỏi làm quyết liệt, bền bỉ, lâu dài.
Tham nhũng nhỏ dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ. Bởi lẽ tham nhũng vặt thường liên quan đến người dân bình thường, những người có thu nhập thấp khi họ phải tiếp xúc với công quyền để làm các thủ tục hiện thực hóa các quyền mà pháp luật trao cho họ. Điều nguy hiểm là nó trở thành "thói quen" thường nhật, và nhiều khi còn trở thành một "chủ trương" của cả tập thể từ trên xuống.
Đã đến lúc, chúng ta phải nhận thức đầy đủ những nguyên nhân để từ đó xây dựng một hệ thống các giải pháp có hiệu quả để chống lại tình trạng tham nhũng vặt.
Trước hết, tham nhũng vặt là hệ quả của tư duy xin cho và thói quen ban phát. Bộ máy nhà nước sinh ra để phục vụ xã hội, công chức, viên chức có trách nhiệm phục vụ người dân, những người nộp thuế nuôi bộ máy và nuôi chính họ nhưng họ lại coi đó như một đặc quyền của riêng mình để ban phát cho người dân buộc họ phải quà cáp, đút lót, họ phải "mua" chính cái quyền của mình. Người ta thường có đủ thứ mỹ từ cho việc này, nào lo lót, quà cáp, bôi trơn, nào là cảm ơn, bồi dưỡng… Tất cả thực ra đều là tham nhũng vặt mà thôi.
Tham nhũng vặt có thể xảy ra trong hoạt động của các cơ quan hành chính và cả trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi lẽ cơ quan hành chính nhà nước (thuế, hải quan, địa chính, xây dựng, giao thông…) là nơi giải quyết mọi thủ tục liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp.
Đơn vị sự nghiệp công lập (bệnh viện, trường học, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…) hoặc tổ chức được nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ công, là nơi thực hiện các dịch vụ công liên quan đến những lợi ích thiết thân của mọi người, mọi nhà.
Theo tôi, cũng như bất kỳ loại bệnh tật nào, nguyên nhân của tham nhũng vặt đến từ nhiều lý do:
Thứ nhất, do có quá nhiều thủ tục phiền hà, bất hợp lý mà việc vượt qua nó là vô cùng khó khăn dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải tìm cửa "người thân, người quen" để quà cáp, bôi trơn… và từ đó sinh ra một tầng lớp trung gian, thực chất là môi giới hối lộ, để kết nối giữa cung và cầu. Các loại "cò" vì thế mà nở rộ.
Cũng từ thực trạng này dẫn đến người dân có tâm lý e sợ mỗi khi phải làm thủ tục hành chính và bỗng dưng đưa hối lộ trở thành thói quen, chấp nhận như một điều bình thường, thậm chí người ta còn bảo nhau: "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".
Từ chỗ là nạn nhân, nhiều người chấp nhận trở thành đồng minh, đồng hành với tham nhũng vặt.
Thứ hai, do thiếu sự kiểm soát, thiếu sự minh bạch trong hoạt động quản lý. Ở đâu cũng vậy, sự thiếu minh bạch là mảnh đất tốt nảy nở những điều xấu xa, đục nước thì béo cò. Cái xấu lại không được phát hiện, nhắc nhở ngăn chặn, xử lý kịp thời thì lan nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba, do đồng lương thấp dẫn đến câu chuyện "đói ăn vụng, túng làm liều", về cơ bản đồng lương công chức, viên chức nhất là những người làm việc trực tiếp, không đủ sống đã thúc đẩy người làm công ăn lương đến chỗ tìm cách "tự xoay xở" trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
Và tất nhiên không thể không nói đến nguyên nhân của căn bệnh tham nhũng vặt là sự suy đồi về đạo đức, lối sống, về nhân cách của một bộ phận công chức, viên chức trong bộ máy thực hiện dịch vụ công quyền.
Chống tham nhũng vặt rõ ràng không hề là chuyện vặt, nó đòi hỏi một sự kiên trì, đồng bộ trong các giải pháp và sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, của người dân và toàn xã hội. Những giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động thực thi công vụ, công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính… chắc chắn sẽ là những trụ cột cần tính đến.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia, dù bước đầu còn chưa trơn tru, sẽ là niềm hy vọng lớn cho người dân và cũng là một phương thuốc hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu.
Đồng thời người dân cũng cần nâng cao nhận thức, có ý thức chủ động tìm hiểu nắm chắc các thủ tục khi thực hiện các quyền của mình mà biết yêu cầu, đòi hỏi, luôn tích cực đồng hành, ủng hộ các nỗ lực của nhà nước trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số… để không phải đến "cửa quan", nói không với phong bì, quà cáp.
"Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì "quan " dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm" như Bác Hồ đã dạy.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!