Sức sống lịch sử trong lòng địa đạo
Những ngày này, ký ức về một thời hoa lửa được đánh thức sâu sắc, không phải bằng những bài học khô khan, mà bằng âm nhạc, điện ảnh và những chuyến đi trở về các vùng đất, các bảo tàng ghi dấu cha ông.
Lịch sử bừng thức, không chỉ trong các buổi lễ kỷ niệm, mà trong từng ánh mắt lặng đi vì xúc động, trong từng bước chân lần tìm dấu vết thời gian. Và chính từ những rung cảm ấy, người trẻ hôm nay đang viết tiếp câu chuyện nửa thế kỷ thống nhất đất nước bằng tình yêu, niềm tự hào và khát vọng giữ gìn hồn cốt dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Tôi tin là, khi một bài hát có thể khiến hàng nghìn người trẻ đổ về Bắc Ninh, khi một bộ phim có thể khiến khán giả lặng người trong rạp, và khi một tour du lịch lịch sử có thể khiến trái tim run lên trước những bức tường đất nhuốm màu thời gian - thì đó không chỉ là hiệu ứng truyền thông. Đó là những cảm xúc sâu sắc từ lời gọi trở về từ ký ức.

Phim "Địa đạo" được công chiếu vào tháng 4, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (Ảnh: ĐPCC).
Lịch sử không còn là chuyện cũ, mà đang trở thành điểm hẹn của cảm xúc. Trong cơn sóng ấy, những tác phẩm như MV (video âm nhạc) "Bắc Bling" hay bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã không chỉ làm sống dậy không gian truyền thống, lịch sử, mà còn chạm đến nhịp đập hiện đại, lay động giới trẻ theo một cách hoàn toàn mới - bằng âm nhạc, bằng điện ảnh, bằng những bước chân thật sự trên hành trình trở về nguồn cội.
Chỉ cần một giai điệu bật lên, hàng nghìn trái tim đã rung chuyển. "Bắc Bling" - một bản phối dân gian đậm chất Kinh Bắc, vừa hiện đại, vừa truyền thống - không chỉ là ca khúc bắt tai, mà là một bản tuyên ngôn đầy tự hào về không gian văn hóa quan họ. Với sự kết hợp giữa Hòa Minzy và nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh, MV nhanh chóng cán mốc hơn trăm triệu lượt xem, thổi bùng làn sóng du lịch đổ về Bắc Ninh. Người trẻ xếp hàng vào đền Đô, làng Diềm, chụp ảnh trong tà áo tứ thân, hát quan họ trong các không gian văn hóa mở, như thể tìm lại một phần mình trong vùng đất tổ của dân ca. Bắc Ninh bỗng trở thành điểm đến thời thượng - không nhờ lễ hội rình rang, mà nhờ vào một bài hát truyền cảm hứng.
Và cũng bằng một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - bộ phim không chạy theo kịch tính thị trường - lại khiến khán giả lặng người. Câu chuyện được kể dưới lòng đất, nơi cái chết và sự sống cận kề từng hơi thở, nơi từng ánh mắt, nụ cười, giọt nước mắt đều đẫm tình người. Khán giả bước ra khỏi rạp không nói một lời, chỉ lặng im và nghĩ: "Nếu là mình, mình có dám sống như họ?". Và rồi họ lên đường - về Củ Chi, về chiến khu D, không phải để tham quan, mà để hiểu, để cảm nhận về một thời. Lịch sử trở nên gần gũi, như thể vừa mới hôm qua.
Những hành trình ấy đang nối dài, lan rộng, không chỉ từ phim ảnh hay âm nhạc, mà từ sự kết nối giữa nghệ thuật và trải nghiệm thực địa. Một tour du lịch không còn là chuyến đi nữa - nó trở thành hành trình cảm xúc. Ở Củ Chi, tour "Một ngày sống như người lính địa đạo" không chỉ cho du khách đi bộ dưới lòng đất, mà cho họ thử ăn cơm vắt, viết thư tay bằng bút mực, nghe kể chuyện từ những người từng sống trong bóng tối.
Ở Bắc Ninh, không chỉ là chụp ảnh, mà còn là khoác áo tứ thân, ngồi nghe hát giao duyên, học cách buộc khăn mỏ quạ, nấu món ăn cổ truyền. Mỗi người rời đi mang theo một phần ký ức, một dấu ấn không thể xóa nhòa.
Chưa bao giờ, ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống lại gần đến vậy. Khi học sinh viết cảm nhận sau một buổi xem phim lịch sử thay vì làm bài kiểm tra, khi sinh viên tái hiện phân cảnh trong "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" trên sân khấu nhỏ của trường, khi các nhóm bạn trẻ làm video TikTok kể chuyện về Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản… bằng hình thức hoạt hình, âm nhạc điện tử - đó là lúc lịch sử bước ra khỏi sách giáo khoa, sống dậy bằng sự sáng tạo của thế hệ mới. Các bài hát như "Dáng đứng Việt Nam", "Huyền thoại mẹ"… được phối lại với chất liệu hiện đại, lan tỏa trong cộng đồng không chỉ như nhạc nền TikTok, mà như thông điệp đầy tự hào về một dân tộc chưa bao giờ ngừng vươn lên từ gian khó.
Điều khiến mọi thứ trở nên đặc biệt không nằm ở kỹ thuật hay kinh phí, mà ở cách những người nghệ sĩ, những người làm giáo dục, những người trẻ kể lại lịch sử bằng trái tim. Không áp đặt, không giáo điều - chỉ là gợi mở. Và một khi trái tim đã được chạm đến, thì lịch sử không cần phải nhồi nhét. Nó tự nhiên trở thành một phần ký ức, một phần nhân cách.
Lịch sử, khi được kể bằng âm nhạc, bằng điện ảnh, bằng trải nghiệm thật, sẽ không bao giờ cũ. Nó sống trong ánh nhìn lặng lẽ sau mỗi thước phim, trong tiếng hát ngân dài bên bờ sông Cầu, trong những bước chân của người trẻ trên hành trình về nguồn. Khi người ta bỏ cuộc hẹn cuối tuần để về Bắc Ninh nghe quan họ, khi lớp học im lặng đầy cảm xúc sau một suất chiếu phim chiến tranh, khi một video kể chuyện lịch sử cán mốc triệu views mà không cần chiêu trò - thì đó là khi ta biết: lịch sử đã trở lại, sống động, thấm thía, và đầy tự hào.
Nếu chúng ta biết nâng niu những tia lửa ấy, thổi bùng nó bằng những tác phẩm tử tế, những hoạt động có chiều sâu, bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật, giáo dục, truyền thông và du lịch - thì lịch sử sẽ không còn là chuyện cũ. Nó sẽ là ánh sáng ấm áp soi lối người Việt Nam bước vào tương lai - tự tin, bản lĩnh và đậm đà bản sắc.
Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.
Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!