"Địa đạo" thu 100 tỷ đồng: Lý giải phim lịch sử kéo đông đảo Gen Z ra rạp
(Dân trí) - Thành công của "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" không chỉ là con số doanh thu gần 100 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu, mà còn ở sự thu hút số đông khán giả trẻ, thế hệ Gen Z đến rạp xem phim.

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang tạo nên cơn sốt và hiện tượng trong làng điện ảnh Việt những ngày qua. Bộ phim không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ về nghệ thuật mà còn đạt được thành công vang dội về mặt doanh thu, khi chỉ sau 6 ngày công chiếu đã tiến tới mốc 100 tỷ đồng (theo dữ liệu từ Box Office Vietnam).
Đặc biệt, tác phẩm chiến tranh lấy bối cảnh Củ Chi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ và thế hệ Gen Z.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại rạp CGV và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC) trong tối 8/4 và 9/4, khán giả trẻ, Gen Z kéo nhau đi xem Địa đạo chiếm số đông.
Vậy điều gì khiến một bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh vốn chỉ dành cho sách vở hay những buổi chiếu miễn phí, kén khán giả lại tạo được sức hút lớn với thế hệ trẻ, Gen Z đến như thế?
Khán giả trẻ, Gen Z đi xem phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" (Video: Nguyễn Hà Nam).
Thời điểm "vàng" - 50 năm Ngày thống nhất đất nước
Thời điểm ra mắt có thể nói là một yếu tố then chốt, góp phần quan trọng vào thành công này của Địa đạo.
Phim được công chiếu vào tháng 4, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Đây là một cột mốc lịch sử đặc biệt, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nhu cầu tìm hiểu về quá khứ hào hùng của đất nước trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ, Gen Z.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà phê bình, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước gợi nhắc người dân cả hai miền về giai đoạn hào hùng, tạo động lực lớn để khán giả nhiều thế hệ nhất là khán giả trẻ ra rạp ôn lại và tìm hiểu về quá khứ.
Ông nhận định: "Con số doanh thu gần 100 tỷ đồng chỉ sau 6 ngày công chiếu không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của lòng yêu nước trỗi dậy đúng thời điểm".

Tập thể lớp 10D6 Trường THPT Lý Thái Tổ, 40 em đi xem phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", suất chiếu 19h10 ngày 8/4 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội.
NSND Nhuệ Giang - đạo diễn phim điện ảnh Thung lũng hoang vắng - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thời điểm ra mắt phim. Bà cho rằng, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước đã khơi dậy tình yêu lịch sử, biến bộ phim thành "làn sóng kết nối cộng đồng".
"Đây không phải hô khẩu hiệu hay kêu gọi trên báo, mà là hình ảnh sống động, cụ thể, khác hẳn những tác phẩm kém sinh động trước đây", bà khẳng định.
Nhà báo Hoàng Tuấn - Tổng Biên tập Thế giới điện ảnh, Thạc sĩ Nghệ thuật điện ảnh và truyền hình - cho hay, Gen Z được định nghĩa là thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ Internet và có thể coi đó chính là thế giới của họ.
Theo ông, Gen Z có thể bắt trend (trào lưu, xu hướng) rất nhanh, nắm bắt được mọi thông tin xảy ra và sống, làm việc thông qua màn hình smartphone.
Ông Tuấn chia sẻ: "Địa đạo cũng nằm trong giai đoạn trend yêu nước và ủng hộ phim Việt - điều mà chúng ta thấy trên các nền tảng xã hội từ Facebook, YouTube và đặc biệt TikTok suốt thời gian qua.
Từ sơn cờ trên mái nhà, làm video chào cờ đến ủng hộ Đào, phở và piano… có thể thấy tình yêu nước và sự quan tâm đến lịch sử là một dòng chảy mạnh mẽ trong cộng đồng những người trẻ. Và Địa đạo không nằm ngoài xu hướng này".
Bên cạnh đó, nhà báo Hoàng Tuấn cũng cho rằng, hiệu ứng FOMO (Fear of missing out - Sợ bị bỏ lỡ) - một hội chứng của giới trẻ trong thời đại công nghệ số - cũng khiến Địa đạo được lan truyền, hưởng ứng mạnh mẽ.
"Bạn có thể thấy những câu hỏi "bạn xem Địa đạo chưa?" hay khoe và check-in đã xem phim nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội", ông nói.

Một phòng chiếu phim "Địa đạo" tại NCC tối 9/4, phần lớn là khán giả trẻ.
Hiệu ứng từ thành công của Đào, phở và piano cũng tạo ra một bước đệm quan trọng cho Địa đạo. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định rằng, bộ phim này đã khơi gợi một làn sóng quan tâm mới đến đề tài chiến tranh, không còn là những bài học khô khan mà đi sâu vào số phận con người.
Theo ông, Địa đạo khơi dậy sự tò mò và thôi thúc khán giả trẻ khám phá. Chính sự giao thoa giữa lòng yêu nước, ký ức dân tộc và cơn khát tìm hiểu đã khiến rạp phim chật kín, từ những người lớn tuổi đến các bạn trẻ, Gen Z - lần đầu trải nghiệm, cảm nhận một bộ phim chiến tranh Việt Nam.
Hướng tiếp cận mới mẻ, hiện đại, đầu tư
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hút của Địa đạo khiến khán giả trẻ, thế hệ Gen Z ra rạp chính là lối kể chuyện mới mẻ, cách làm phim hiện đại và sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu từ hình thức đến nội dung.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - cái tên bảo chứng của điện ảnh Việt Nam - đã mang đến một tác phẩm khác biệt so với những phim chiến tranh truyền thống.
Nếu như trước đây, phim chiến tranh thường tập trung vào những trận đánh hoành tráng, những bài học lịch sử khô khan và hình tượng người lính một chiều, thì Địa đạo lại chọn cách kể chuyện gần gũi, tập trung vào khía cạnh con người.
Phim khắc họa tinh tế tình đồng đội, tình yêu và những khoảnh khắc đời thường giữa khói lửa chiến tranh.
Người lính trong Địa đạo không chỉ là những anh hùng bất khả chiến bại mà còn là những con người bình thường với những cảm xúc, khát khao và nỗi sợ hãi rất đời.


"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là bộ phim chiến tranh ăn khách nhất của Việt Nam, lần đầu tiên do tư nhân đầu tư sản xuất (Ảnh: Nhà phát hành).
Một khán giả trẻ chia sẻ trên mạng xã hội: "Xem Địa đạo, mình không cảm thấy đang xem phim lịch sử, mà như đang chứng kiến câu chuyện của những người trẻ giống mình, chỉ là ở một thời đại khác".
Chính sự thoát khỏi lối mòn cũ này đã biến lịch sử thành một trải nghiệm sống động và gần gũi với thế hệ trẻ, Gen Z.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khán giả trẻ ngày nay không còn xa lạ với lịch sử nhưng họ cần một cách tiếp cận mới.
Địa đạo đã làm được điều đó bằng một ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, tinh tế, vừa đủ khoảng cách để không lên gân cổ động, nhưng cũng đủ gần gũi để người xem cảm nhận được nỗi đau, sự sống, và niềm tin của con người trong bóng tối sâu thẳm của lòng đất Củ Chi.
"Phim chạm vào mạch ngầm cảm xúc của khán giả trẻ: Khát khao tìm hiểu nguồn cội, sự đồng cảm với những giá trị vượt thời gian như tự do, lòng dũng cảm, tình người.
Chiến tranh trong phim không hề hào nhoáng, cũng không mang màu sắc sử thi rập khuôn. Nó chân thực, khốc liệt và trần trụi - như chính lịch sử của chúng ta. Và chính điều đó khiến nó trở nên xúc động và cần thiết", ông Sơn nhấn mạnh.
Chuyên gia văn hóa cho rằng, những thước phim trong Địa đạo trở nên gần gũi với Gen Z - một thế hệ sống trong thế giới phẳng, tiếp cận phim ảnh toàn cầu - nhưng vẫn luôn đau đáu đi tìm bản sắc riêng.
Nhà văn Bảo Ninh - tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh - cũng dành lời khen ngợi cho sự chân thực và xúc động của Địa đạo.
"Tôi thấy không thua kém gì phim của Mỹ như Giải cứu binh nhì Ryan. Cảnh không bị giả, diễn viên đóng hay và những đối thoại cũng chân thực. Với người đã trải qua chiến tranh, đã chứng kiến bom pháo, sẽ thấy khung cảnh phim rất đạt, rất đặc biệt", ông nhận xét.
Nhà báo, chuyên gia phê bình điện ảnh Hoàng Tuấn khẳng định: "Bùi Thạc Chuyên rất giỏi tiết chế cảm xúc để giữ đúng ý đồ mạch phim. Một tác phẩm đậm chất điện ảnh, không tô vẽ, đầy hiện thực vừa khiến người xem phải suy ngẫm đào sâu nhưng cũng không thiếu sự hào hùng".
Ông kể, khi anh mua vé đi xem thấy nhiều khán giả lớn tuổi nhưng cũng nhiều bạn thật sự rất trẻ - xem đến tận những dòng chữ cuối cùng mới đứng dậy. Tất cả đều dành những lời khen ngợi.

Khán giả trẻ tranh thủ chụp với poster phim trước giờ chiếu.
NSND Nhuệ Giang lý giải sức hút của phim Địa đạo còn nằm ở sự đầu tư nghiêm túc và cách kể chuyện độc đáo.
Bà khẳng định: "Khán giả thấy cảnh bom nổ, lửa cháy, cuộc sống dưới địa đạo Củ Chi hiện lên cụ thể, chân thực, không giả tạo.
Điều này khác với kiến thức mơ hồ từ sách vở hay tham quan. Sự hoành tráng của kỹ xảo, kết hợp câu chuyện chiến đấu thông minh, dũng cảm và dân gian của du kích - dùng rắn, mìn tự chế từ bom Mỹ - tạo nên nét mới lạ, hấp dẫn không chỉ khán giả trẻ, trong nước mà cả khán giả quốc tế".
Đồng quan điểm, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng, Địa đạo khác biệt so với các phim chiến tranh do Nhà nước đầu tư trước đây.
Được sản xuất hoàn toàn bằng kinh phí tư nhân, nhờ đó, các nhà làm phim tự do sáng tạo, chăm chút từng chi tiết, từ cảnh nóng đến bối cảnh chân thực, thay vì chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền. Điều này giúp phim vừa giữ được tinh thần lịch sử, vừa tiếp cận số đông khán giả một cách tự nhiên hơn.


Các khán giả thế hệ Gen Z hào hứng đi xem "Địa đạo".
Yếu tố truyền thông và truyền miệng tốt
Sự thành công của Địa đạo còn đến từ chiến lược truyền thông hiệu quả, kế hoạch phát hành khéo léo và hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ.
Nhà báo Hoàng Tuấn cho rằng, việc Địa đạo huy động 100% vốn tư nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền thông và quảng bá.
Ông so sánh với các phim Nhà nước trước đây, thường yếu khâu quảng bá do hạn chế về kinh phí và thủ tục, ngay cả Đào, phở và piano cũng hiếm hoi có sự may mắn trong truyền thông.
Còn Địa đạo có thể chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông sáng tạo và hấp dẫn, tận dụng tối đa sức mạnh của mạng xã hội để thu hút sự chú ý của khán giả.
Từ các suất chiếu sớm, phim đã nhận được những lời khen ngợi đầu tiên, rồi nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội.
Trên Facebook, TikTok và các nhóm yêu phim, người xem không ngần ngại bày tỏ cảm xúc mãnh liệt. Nhiều ý kiến ca ngợi tác phẩm, thậm chí bỏ qua vài thiếu sót nhỏ của đoàn làm phim, khẳng định đây là bộ phim "phải xem", "nên xem" để hiểu sâu hơn về lịch sử và lòng yêu nước của thế hệ trước.

Bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" thu hút khán giả nhiều thế hệ.
Theo Box Office Vietnam, 3 ngày cuối tuần đầu tiên, phim đạt doanh thu hơn 45 tỷ đồng với gần 500.000 vé bán ra từ hơn 11.900 suất chiếu, trung bình mỗi rạp đón 40-42 khán giả.
NSND Lý Thái Dũng viết trên Facebook: "Tôi muốn con tôi, học trò tôi, khán giả 20-40 tuổi đi xem, để thấy máu xương cha ông đổi lấy hôm nay quý giá thế nào".
Với ông, doanh thu 100 tỷ đồng không chỉ là niềm vui tài chính, mà còn là động lực để phim chiến tranh Việt Nam tiếp tục chinh phục Gen Z - thế hệ sẵn sàng lan tỏa những giá trị lịch sử theo cách của riêng mình.