Siết xét tuyển sớm đại học: Công bằng và tự chủ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xã hội về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học.
Điểm mới được quan tâm của dự thảo này là giới hạn tỷ lệ tuyển sinh sớm ở mức 20% (lâu nay nhiều trường áp dụng từ 30 tới 80%); yêu cầu điểm xét tuyển và điểm chuẩn các phương thức, tổ hợp (trong đợt tuyển sinh bình thường) phải được quy đổi về một thang chung, nhằm khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một ngành hay chương trình đào tạo.
Nhiều năm trở lại đây các trường đại học đẩy mạnh áp dụng phương thức xét tuyển sớm, nghĩa là tuyển sinh trước khi diễn ra đợt xét tuyển trên hệ thống chung vào tháng 7-8. Các căn cứ để xét tuyển sớm thường là học bạ, điểm từ các kỳ thi do trường đại học tổ chức như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy..., và xét kết hợp nhiều tiêu chí như giải học sinh giỏi, điểm chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, A-Level...).
Nhìn vào các căn cứ trên chúng ta có thể thấy rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hướng đến sự công bằng cho mọi thí sinh. Bởi vì trong thực tế nhiều trường dựa chủ yếu vào điểm chứng chỉ quốc tế, và thông thường con em gia đình có điều kiện sẽ thuận lợi hơn khi ôn luyện và thi các chứng chỉ quốc tế. Khi tỷ lệ tuyển sinh sớm của một số đại học lên tới 80% thì 20% còn lại cho đợt tuyển sinh trên hệ thống chung là một tỷ lệ quá nhỏ, khiến cho mức độ cạnh tranh đối với các em không có chứng chỉ quốc tế hoặc thi các chứng chỉ quốc tế mà có điểm thấp rất khốc liệt.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, cách tiếp cận siết xét tuyển sớm đại học là đúng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Dự thảo cũng quy định theo hướng điểm trúng tuyển đợt xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung. Tức là điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức.
Về phía các đại học thì nhiều trường vẫn muốn "rộng cửa" tuyển sinh sớm để tránh đợt cao điểm xét tuyển chung, vì giới hạn xét tuyển sớm chỉ 20% sẽ khiến 80% chỉ tiêu còn lại dồn vào một thời gian ngắn, trong khi hệ thống còn phải lọc ảo.
Nhìn chung, quan điểm của cơ quan quản lý là hướng đến sự công bằng hơn cho thí sinh, còn trường đại học thì muốn tự chủ và đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Một chủ thể nữa là các em học sinh đang ôn luyện để thi chứng chỉ quốc tế, dĩ nhiên sẽ rất quan tâm đến thay đổi chính sách.
Thực tiễn đa dạng, nên sẽ khó có quy định nào đáp ứng được tất cả nhu cầu các bên liên quan, cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc trên cơ sở lợi ích lớn nhất cho đa số, cho xã hội. Thiết nghĩ với tinh thần học sinh là trung tâm, cần tính toán lộ trình phù hợp khi áp dụng quy định mới, vì hiện nay đã gần hết năm 2024, thời điểm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học không còn nhiều. Ổn định chính sách lúc này sẽ góp phần ổn định tâm lý cho các bậc phụ huynh và học sinh, cũng như tránh xáo trộn kế hoạch tuyển sinh mà nhiều trường đã chuẩn bị từ đầu năm học.
Lộ trình phù hợp ở đây nghĩa là áp dụng quy định mới vào thời điểm mà các em học sinh, các nhà trường đã có đủ thời gian chuẩn bị và đưa ra các điều chỉnh cần thiết trong học tập và trong phương án tuyển sinh.
Về lâu dài, tự chủ đại học là một xu hướng, nhất là với các trường tư thục. Với các trường công, vì đầu tư bằng ngân sách nên sẽ phải thực hiện nhiều mục tiêu mà nhà nước đưa ra hơn so với trường công, bao gồm các mục tiêu, yêu cầu về tuyển sinh.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy một cách "phân luồng" hiệu quả là siết đầu ra chứ không chỉ siết đầu vào. Nhiều trường đại học không quá khó khăn khi tuyển sinh đầu vào, vì họ coi được đi học là một quyền căn bản của học sinh sinh, nhưng đầu ra thì họ siết chặt, nhiều sinh viên sẽ "rơi rụng" trong quá trình học hoặc thậm chí không thể tốt nghiệp. Xã hội nhận thức rõ điều này, nên các bậc phụ huynh và sinh viên nếu không muốn tốn tiền ăn học và thời gian thì phải tính toán kỹ con đường vào đại học.
Hệ thống tuyển dụng ở nhiều nước cũng không chỉ căn cứ vào tấm bằng (danh tiếng trường đại học) của sinh viên, mà tổ chức thi tuyển, phỏng vấn kỹ lưỡng. Những em nào có kiến thức và năng lực thực sự thì mới được tuyển dụng và trụ lại được ở môi trường công việc cạnh tranh cao.
Như vậy, có thể nói công tác tuyển sinh đại học chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Điều quan trọng hơn là tạo ra môi trường để các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo, thực sự cạnh tranh không chỉ ở khâu tuyển sinh mà ở khâu đào tạo để từ đó nâng cao nguồn nhân lực đất nước.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!