Giá sàn vé máy bay và chuyện "nhìn cây phải thấy rừng"
(Dân trí) - Một nước cờ khôn ngoan không bao giờ chỉ phục vụ cho một mục tiêu ngắn hạn và đơn lẻ.
Loạt máy bay nằm trên sân đỗ không thể khai thác trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thông qua, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội (nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km bay đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và chỉ một hãng hàng không khai thác) là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng/chiều/ hành khách. Nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Như vậy, nếu chính sách này được thông qua thì cũng đồng nghĩa với việc "xóa sổ" các ưu đãi của hãng bay với khách hàng, chẳng hạn như khuyến mại "vé 0 đồng".
Tôi còn nhớ, nhiều năm về trước, việc đi máy bay là một ước mơ xa xỉ với nhiều cá nhân, gia đình. Không ít người cần mẫn làm việc cả đời, phải tới 60, 70 tuổi mới bước lên cánh cửa máy bay, mới trải nghiệm được dịch vụ hàng không, mới thấy đất nước từ trên tầng cao kỳ vĩ ra sao.
Việc mở cửa cho hàng không tư nhân, tạo môi trường cạnh tranh đã giúp đông đảo người dân tiếp cận nhờ giá vé rẻ hơn đáng kể, và cũng tạo động lực để các hãng cải thiện chất lượng dịch vụ.
Chính bởi vậy, việc can thiệp về mức giá vé tối thiểu sẽ có tác động đến rất nhiều đối tượng, không chỉ khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng không mà còn hơn thế.
Trước hết, người tiêu dùng sẽ bị thiệt. Để di chuyển bằng máy bay, họ sẽ không có cơ hội "săn sale" để hưởng mức giá 0 đồng hay những mức giá rẻ. Nếu không thể bỏ thêm tiền, họ buộc phải lựa chọn hủy chuyến đi hoặc chuyển sang di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa.
Đồng thời, khi áp giá sàn, môi trường cạnh tranh trong ngành hàng không bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không giá rẻ sẽ không thể phát huy được lợi thế của họ, đánh mất lượng lớn khách hàng trong phân khúc bình dân.
Theo nguyên ĐBQH, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, có cạnh tranh thì mới đảm bảo bình đẳng. Nếu xây dựng một chính sách có yếu tố triệt tiêu cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh thì là đi ngược với tinh thần với chủ trương về phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của Luật Cạnh tranh.
Đành rằng chúng ta đều biết, do ảnh hưởng của Covid-19 nên đã có hãng hàng không lớn trong nước thiệt hại rất nặng nề, lần đầu tiên bị âm vốn chủ sở hữu… Tuy nhiên, khó khăn là khó khăn chung, mỗi một doanh nghiệp đều phải có phương án tự cứu mình.
Lỗ - lãi, nói cho cùng là câu chuyện của bản thân doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Nhà nước là tạo cơ chế thông thoáng, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển. Với doanh nghiệp quốc doanh, do phải đảm nhận cả những nhiệm vụ chính trị nên Nhà nước có thể có các chính sách hỗ trợ trong phạm vi của mình, song không nên khiến môi trường cạnh tranh bị xáo trộn.
"Quản lý không thể áp dụng theo kiểu phát xịt, phát nổ, phát đùng, phát đẹt; không thể quản lý theo kiểu ăn đong. Đây là vấn đề lớn về chính sách chứ không phải chỉ là câu chuyện giá vé hay việc giải quyết khó khăn trước mắt, phải đánh giá tác động đầy đủ nếu không có thể sẽ phá vỡ hệ thống chính sách khác" - góp ý này của ông Lưu Bình Nhưỡng, tôi cho rằng Cục Hàng không và Bộ GTVT cần ghi nhận.
Nhìn rộng ra, việc áp giá sàn không những chỉ ảnh hưởng tới một vài doanh nghiệp trong ngành hàng không mà còn liên đới tới toàn ngành du lịch và nền kinh tế (bao gồm cả thương mại, đầu tư).
Chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam cảnh báo, chính sách này là đòn knock-out đối với ngành du lịch và giáng đòn chí mạng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Bởi du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể kích cầu do 70% khách đi du lịch bằng đường hàng không và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour.
Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp vào trên dưới 10% GDP của đất nước. Ông Nam lo ngại, giá sàn vé máy bay sẽ làm cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất khó khăn, thậm chí bế tắc. Vậy, có công bằng và có đáng để đánh đổi?
Khi đại dịch đi qua, đa số người dân đều nghèo đi, doanh nghiệp khó khăn hơn về tài chính, câu chuyện làm chính sách cần có cái nhìn toàn cục, không nên chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Một nước cờ khôn ngoan không bao giờ chỉ phục vụ cho một mục tiêu ngắn hạn và đơn lẻ.